Kỹ thuật nhiếp ảnh số thời buổi này tiến triển quá nhanh, dường như mọi thứ trở thành lạc hậu trong vòng chỉ vài năm. Đôi khi tôi phải dừng lại và tự suy nghĩ, “có đáng không vậy? Tôi có cần nâng cấp cái máy ảnh của mình không?”
Các tay ảnh KHOÁI nói câu “không phải vì máy tốt, mà vì người chụp giỏi!” Nhưng không thiếu những sự tranh cãi và “chạy đua vũ trang” về bộ đồ nghề “hàng hiệu”! Vì vậy tôi thắc mắc: có ai thực sự chứng minh rằng người chụp ảnh quan trọng hơn máy ảnh?
Nikon Coolpix 4800 point & shoot (5.1 megapixels) circa 2004, máy không “prồ” nhưng chụp vẫn rõ nét ca sĩ trên sân khấu
Thực sự, máy ảnh chỉ là một dụng cụ để bắt lấy ánh sáng. Ngay cả khi kỹ thuật tiến lên đến mức “khùng điên”, rằng bạn không cần phải lấy nét (focus) nữa, ấn tượng về một tấm ảnh vẫn còn lệ thuộc vào chủ đề, bố cục, và ánh sáng. Bạn sẽ chẳng ngạc nhiên gì khi những yếu tố này đều CÓ THỂ được thực hành với BẤT CỨ máy ảnh nào!
Nhưng hẳn nhiên nó không phải đơn giản như vậy. Vậy thì tại sao chúng ta bỏ ra hàng ngàn đô-la để mua đồ “xịn”? Ừ có thể vì nó thú vị. Tiền thì để xài, và nếu đây là thú tiêu khiển của bạn, thì sao lại không để dành tiền rồi lâu lâu nâng cấp lên máy ảnh mới? Không có gì hại cả. Nhưng cũng như câu nói của ông Ansel Adams, “không có gì tệ hơn một tấm hình rõ của một ý tưởng mập mờ.” Có nghĩa là, đừng chú ý quá nhiều về dụng cụ mà bạn quên về những gì thật sự quan trọng. Luôn nên nhớ đặt cái nhìn nghệ thuật và sáng tạo trước, và để dụng cụ theo sau.
Bình minh ở San Diego với máy Olympus C700 point & shoot camera (2 megapixels, JPG only) circa 2001.
Thật ra đôi khi cũng có lợi để bạn biết (ít nhất) cách dùng một cái máy rẻ tiền và “giới hạn khả năng” của nó ra sao. Thí dụ, những máy pro thì không được cho phép đem vào những chương trình ca nhạc. Rồi làm sao bây giờ? Bạn bỏ cuộc, chỉ vì bạn không được cho đem vô máy DSLR?
Tấm hình cạnh đây là những ví dụ cụ thể về những cái máy không thuộc “đẳng cấp pro.” Với một máy Casio bỏ túi, máy ảnh này còn không có đặc điểm chụp “Manual”, nhưng người chụp đã chỉnh được exposure compensation và vài đặc điểm khác để đạt được độ phơi sáng và rõ nét tối thiểu trường hợp “cực kỳ” thiếu ánh sáng, với một chiếc máy $175. Không tệ lắm!
Theo kinh nghiệm của riêng tôi thì giới hạn của chiếc máy ảnh có thể giúp bạn trở thành người chụp ảnh giỏi hơn. Dùng một ống kính “prime” (không zoom), để bạn phải đi tới đi lui (zoom bằng chân) và phải nghĩ về bố cục của bạn. Có thể, khi chụp với một cái máy chụp phim, bạn sẽ phải đắn đo kỹ trước khi bấm máy; chứ không phải bấm “không thương tiếc” như với máy ảnh số thời nay. Hoặc chỉ đơn giản tận dụng với một máy cũ / rẻ tiền. Vì nếu bạn có thể “tự dạy” mình để “vắt” từng chút, từng chút chức năng của bất cứ máy ảnh, nó sẽ làm bạn trở thành một tay ảnh tốt hơn nhiều.
Máy Kodak EasyShare DX6400 point & shoot (4 megapixels) circa 2003 cũng chụp hoa được
AN