Vỏ xe cứng hay mềm không những ảnh hưởng quan trọng tới an toàn khi lái xe mà còn ảnh hưởng tới việc hao tốn nhiên liệu và thời gian sử dụng. Kiểm tra độ cứng vỏ xe (air pressure) là việc nên làm thường xuyên vì trong quá trình di chuyển, xe có thể cán đinh mà chúng ta không biết. Không nên chỉ đơn giản kiểm tra bằng cách nhìn bằng mắt mà phải dùng dụng cụ đo vì chúng ta không thể phân biệt được sự khác biệt khi vỏ xe được bơm ở mức 30psi với 40 psi. Ngoài ra, phải kiểm tra áp suất khi không khí trong vỏ chưa bị nóng lên sau khi xe chạy.
1. Đọc hướng dẫn về áp suất hơi cho vỏ xe trong sách hướng dẫn sử dụng (manual) hoặc trên sticker dán ở cửa xe. Các loại xe thông thường có áp lực khoảng 35psi.
2. Mở nắp vòi bơm của vỏ xe, áp dụng cụ đo hơi vào vòi và ấn mạnh. Thước đo hay đồng hồ trên dụng cụ sẽ chỉ rõ áp lực hơi trong vỏ xe.
3. Đóng nắp vòi bơm xe lại. Nắp này không có tác dụng giữ hơi lại trong vỏ xe mà để ngăn không cho bụi và nước lọt vào bên trong làm hư những bộ phận trong vòi bơm. Những bộ phận này mới có nhiệm vụ giữ hơi lại
4. Lưu ý:
– Nếu số đo áp suất hơi thấp hơn số chỉ dẫn, cần bơm thêm hơi lại cho vỏ xe.
– Chỉ số áp lực hơi mà sách sử dụng đưa ra là chỉ số tốt nhất cho xe sử dụng di chuyển thông thường. Bơm vỏ xe cứng thêm 1-2 psi có thể được, và tiết kiệm thêm xăng, xe chạy nhẹ hơn, nhưng xóc nhiều hơn, và dễ bị nổ hơn nhất là khi xe chạy qua ổ gà trên đường.
– Chỉ số áp lực hơi tối đa (max press) trong sách hướng dẫn là chỉ số áp dụng khi xe chở theo trọng lượng tối đa mà xe cho phép. Bơm thêm vỏ xe sau khi cần chở nhiều, sau đó xì bớt hơi ra sau khi thả đồ đạc xuống.
– Trời lạnh sẽ làm giảm áp lực hơi trong vỏ xe. Ngược lại, trời nóng sẽ làm tăng lên. Vì vậy phải kiểm tra và bơm xe khi thời tiết thay đổi.