Menu Close

Ngủ dậy đau gáy

Kính thưa Bác sĩ, con tên là H. Diệp. Xin phép Bác sĩ cho con hỏi tí: mỗi lần ngủ dậy, con thường bị đau gáy dữ dội, rất khó chịu, trong ngày thì nó cứ đau âm ỉ… con có đi khám, chụp phim nhiều lần nhưng mỗi bác sĩ bảo một kiểu: nào là căng cơ, bất đối xứng đốt sống cổ, chèn ép thần kinh… con đã uống thuốc khá nhiều mà không thấy hết bệnh, xin bác sĩ cho con biết con bị đau là vì lý do gì và làm cách nào để hết đau, con cám ơn Bác sĩ rất nhiều. Kính chúc Bác sĩ luôn an vui, mạnh khỏe và gặt hái được nhiều điều may lành trong cuộc sống.  H. Diệp

Đáp
Mỗi lần ngủ dậy mà gáy thường đau thì chỉ có thể là vì trong khi nằm ngủ, cổ của mình nó vẹo đi vì gối quá cao, đầu ở vị thế bất thường quá nghiêng bên này hoặc bên kia. Các vị thế này gây ra căng cơ, chèn ép dây thần kinh ở cột sống cổ hoặc trật khớp ở cổ. Vì không trực tiếp khám bệnh cho bạn cho nên chúng tôi nghĩ rằng, bình thường đau gáy như vậy chỉ vài giờ tới vài ngày là tự hết hoặc massage cổ với dầu nóng. Bạn đã đi bác sĩ khám bệnh và nói bị chèn ép dây thần kinh, bất đối xứng đốt sống cổ thì bác sĩ cần làm thêm thử nghiệm rồi điều trị tùy theo nguyên nhân. Chẳng hạn trật khớp thì nắn cho ngay ra, chèn ép dây thần kinh thì giải tỏa chèn ép bằng giải phẫu…Ngoài ra, kinh nghiệm nhiều người là để tránh mỏi cổ, họ thường nằm với một gối đầu hình chữ U, như vậy tránh được trẹo cổ.
Sự khác biệt giữa Virus và Vi khuẩn
Xin bác sĩ cho biết sự khác biệt giữa vi trùng và siêu vi trùng. Lưu Quân
Đáp
Vi trùng hoặc vi khuẩn (bacteria) là những vi sinh vật đơn bào, sinh sản vô tính bằng cách phân chia nhân đôi tế bào. Vi khuẩn có khắp mọi nơi: trong nước, đất, không khí. Nhiều loại sống ký sinh ở người, súc vật và cây cối. Trong cơ thể, vi khuẩn nhởn nhơ đầy rẫy ngoại trừ máu và nước tủy sống. Không phải tất cả vi khuẩn đều có hại, vì một số giúp cơ thể trong nhiều lãnh vực khác nhau. Kháng sinh có thể khuất phục được hầu hết các bệnh do vi khuẩn gây ra.
Còn siêu vi trùng virus là những “hạt” rất nhỏ, có khả năng sinh sản nhưng chỉ tồn tại được ở trong  tế bào sống. Ra không khí một thời gian ngắn là chúng hai năm mươi tiêu tùng.  Kích thước của virus rất nhỏ nên không nhìn thấy qua kính hiển vi quang học. Nhỏ vậy mà chúng đã và đang gây ra những bệnh quái đản giết hại có khi cả mấy chục triệu sinh linh, người và súc vật. Như là cảm lạnh, cúm, đa số viêm cuống phổi và cuống họng; bệnh sởi, quai bị, thủy đậu, herpes, đậu mùa, tê liệt trẻ em, bệnh dại, viêm gan. Ðặc biệt trong những thập niên qua, các bệnh liệt kháng HIV-AIDS, Cúm Gia Cầm đang hầm hừ đe dọa nhân loại và các quốc gia đang sát cánh với nhau dốc toàn lực phòng chống. Kháng sinh không có hiệu lực với virus nhưng một số bệnh có thể kiểm soát được bằng chủng ngừa vắc xin.

Thức ăn hư

Thưa bác sĩ, cháu có nghe một người bạn làm chung cơ quan nói rằng: cà rốt mà nấu để qua đêm sẽ thành chất độc, không nên ăn. Thưa bác sĩ, thông tin này đúng hay sai? Xin bác sĩ cho ý kiến. Yến, CN.
Đáp
Không phải chỉ có cà rốt nấu rồi để qua đêm mà không cất giữ trong tủ lạnh thì ngày hôm sau cũng dễ dàng bị vi trùng xâm nhập và có thể gây ra ngộ độc thực phẩm. Các thức ăn khác mà để như vậy cũng bị hư thiu cả đấy cô Yến ạ.
Bệnh với máy bay
Thưa bác sĩ. Vợ chồng chúng tôi năm nay cũng đều trên dưới 70 tuổi. Mùa hè này chúng tôi định đi thăm các cháu ở xa và có ý định đi bằng máy bay. Xin bác sĩ cho biết có hạn chế nào với người già mà định bay không.
Lê Tịnh
Đáp
Thưa ông bà, Xin chúc mừng ông bà ở tuổi này còn nuôi ý định đi thăm các cháu ở xa bằng phương tiện chuyên chở nhanh chóng và tương đối an toàn. Nói là tương đối an toàn, vì ở tuổi cao cũng có một số rủi ro có thể xảy ra. Vì quý vị cao niên ta thường có một số bệnh lâu ngày như phong thấp, cao huyết áp, nhiếp hộ tuyến sưng, khiếm khuyết thính thị giác nên nhiều khi e ngại khi định di chuyển bằng máy bay.Thấy được vấn đề đó, nên tại Mỹ, năm 1986 đạo luật Air Carrier Access đã được ban hành, Bộ Giao Thông Vận Tải được lệnh ra những quy luật nhằm bảo vệ, giúp đỡ người cao tuổi, người có bệnh, khi họ sử dụng đường hàng không. Tại Việt Nam ta cũng có những quy định tương tự.
Khi có bệnh, ta nên hỏi ý kiến bác sĩ trước, coi xem có an toàn hay không khi đi bằng phi cơ. Thường thường, bị nhồi máu cơ tim, không có biến chứng thì ba tuần sau khi lành bệnh, có thể bay được. Huyết áp cao, không kiểm soát được thì nên tránh bay.
Bị tiểu đường, nhất là loại 1, phụ thuộc vào thuốc Insulin, và di chuyển qua nhiều múi giờ, thì nên cẩn thận. Mang Insulin nhiều hơn nhu cầu một chút, giữ trong tủ lạnh, với kim chích, máy thử đường, ít viên kẹo. Tới nơi, điều chỉnh lại giờ ăn cơm, giờ dùng thuốc, phân lượng Insulin tùy theo lượng đường trong máu. Kinh nghiệm nhắc ta cho dễ nhớ là khi di chuyển về hướng Đông, ngày ngắn đi thì số lượng Insulin cần cũng ít đi. Còn đi về phương Tây thì ngày dài, Insulin cần tăng chút đỉnh. Nhưng nhớ đo đường huyết theo lịch trình định sẵn.
Nhiều vị bị dãn nở tĩnh mạch hạ chi, ngồi lâu trong máy bay chật hẹp, không cử động, lại bắt chân chữ ngũ, khiến máu lưu thông bị trở ngại.Tất cả có thể gây ra biến chứng máu đóng cục ở tĩnh mạch ngầm. Để tránh, ta nên mang tất đàn hồi, lâu lâu đứng lên làm vài vòng bách bộ trong lòng máy bay, hay cử động chân tay tại chỗ.
Nếu mắc chứng kinh phong, nên tăng thuốc một chút để tránh lên cơn bất tử.
Bị bệnh tâm trí, nên uống viên thuốc an thần, cữ rượu.
Khi bị bệnh thiếu máu (anemia ) nặng, nên trì hoãn bay để điều trị vì đôi khi cần thêm dưỡng khí để thở.
Mới giải phẫu ghép nối động mạch tim mà không có biến chứng, cũng nên đợi hai tuần lễ cho an toàn. Các giải phẫu khác ở bụng, ngực… nên đợi lành hẳn vết mổ, không biến chứng, đại tiểu tiện thông suốt, trước khi bay.
Nếu phu nhân lại đang “lão bạng sinh châu”, thì nên cẩn thận. Một vài hãng máy bay yêu cầu có giấy chứng nhận của bác sĩ là ngày khai hoa nở nhụy không xảy ra trong vòng 4 tuần, khi bay ngoại địa. Còn nội địa thì 7 ngày trước khi sanh vẫn được bay. Lý do chính là họ ngại sanh đẻ trên máy bay, rắc rối, chứ việc bay không có ảnh hưởng xấu gì cho thai mẫu, thai nhi.
Chúng tôi cũng xin thưa thêm là trên mỗi máy bay, đều có một hộp cấp cứu y tế. Trong hộp có máy đo huyết áp, ống nghe khám bệnh, vài ống chích và kim chích thuốc, một cặp bao tay cao su. Về thuốc thì có 50ml nước biển dextrose chích, 10 viên Nitroglycerin cho bệnh đau nhói tim (angina), hai ống Benadryl, 2 ống Epinephrine 1:1000 cấp cứu dị ứng. Trong thời gian bay, hộp cấp cứu chỉ được mở khi được bác sĩ, hiện diện trên máy bay hoặc từ bản doanh công ty hàng không cho phép. Dưỡng khí cũng được dự trữ trên máy bay cho trường hợp khẩn cấp.
Trên đây là mấy nét chính. Chúng tôi đề nghị ông bà nên hỏi ý kiến bác sĩ của mình trước khi quyết định mua vé máy bay. Chúc ông bà thượng lộ bình an.

NYD