“Tre xanh / Xanh tự bao giờ / Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh…” (ND). Tre không chỉ là nguồn cảm hứng của các nhà văn, nhà thơ mà nó luôn gắn liền với đời sống của nhiều dân tộc, trong đó có Việt Nam, tre lại là nguồn vật liệu làm nhà cửa từ xa xưa cho đến hiện tại. Hiện nay, những thân tre trông mảnh khảnh và mềm mại kia được nâng tầm cao hơn qua những tác phẩm kiến trúc nghệ thuật mang tầm cỡ quốc tế.
Các cây hoa sen lồ ồ đã được thay đổi, giữ nguyên phần trên cho tự nhiên – Nguồn: Vietnam Pavilion DesignBoom
Giới kiến trúc trong nước và quốc tế không còn xa lạ với những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc xanh của Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, người từng đoạt nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế thân thiện môi trường và cuộc sống con người trong thời hiện đại khi hằng năm có cả trăm khối kiến trúc cao tầng mọc lên trên khắp các đô thị lớn khắp nơi trên thế giới. Những building cao ngất, có vẻ đẹp hào nhoáng riêng biệt nhưng không có điểm đặc biệt trong cách sử dụng vật liệu tuy thô sơ mà vẫn đem lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên, gắn kết môi trường sống của con người hài hòa như một kiệt tác nghệ thuật vừa mang công năng trưng bày vừa mang chức năng sinh hoạt.
Bên trong nhà Tre Việt ở Milan có không gian 2 tầng – Nguồn: Vietnam Pavilion DesignBoom
Chẳng thế mà Đài truyền hình CNN đã làm một phóng sự phát trên kênh “CNN Ones to Watch” đề cập đến hai nhân vật ngành kiến trúc triển vọng là KTS Võ Trọng Nghĩa và KTS Kunle Adejaye người Nigeria. Những bạn bè trong nước thông tin cho tôi về đoạn phim phóng sự này hồi đầu năm bởi tôi là một người hâm mộ kiến trúc sư tài hoa của các công trình bằng tre “Gió và Nước”, “Bamboo Wing”, “Nhà phủ cây xanh trên mái” và những công trình vật liệu nhẹ cho người lao động thu nhập thấp. KTS Võ Trọng Nghĩa ca ngợi tre là “thép” của thế kỷ 21, dễ tìm, dễ trồng, giá rẻ, gần gũi với nhiều dân tộc.
Bởi thế khi nghe thông tin về cuộc triển lãm “Expo 2015 Milano” tại Ý từ đầu Tháng Năm kéo dài đến cuối Tháng Mười năm nay, tôi luôn để ý quan tâm. Với chủ đề “Feeding the Planet – Energy for Life” (Nuôi dưỡng hành tinh-Năng lượng cho cuộc sống) đến từ các công trình kiến trúc của 140 quốc gia tham dự là một cuộc “thi thố ” tài năng lớn nhất từ trước tới nay. Expo 2015 sẽ giới thiệu những vật liệu và kỹ thuật xây dựng gần gũi với môi trường cuộc sống và sức khỏe của con người theo tiêu chuẩn đề ra. Các nhà tổ chức ước tính có khoảng hơn hai chục triệu khách đến xem trên diện tích 1.1 triệu mét vuông dành cho các công trình được đặt tại thành phố Milan kinh đô thời trang của nước Ý.
Không gian thông thoáng bên trong, tầng trên chỉ là những hành lang rộng – Nguồn: Vietnam Pavilion DesignBoom
Expo 2015 nói đúng là cuộc so tài các công trình sáng tạo kiến trúc quốc tế tầm cỡ. Tôi xem qua hàng loạt công trình của các nước đều thấy mỗi công trình đều có vẻ đẹp riêng và vật liệu đương nhiên gắn liền với cuộc sống và môi trường, do vậy thật khó đoán biết KTS nào sẽ đoạt giải lần này. Riêng ngôi nhà Tre của KTS Võ Trọng Nghĩa vẫn luôn là những cụm khối tre lồ ồ đan kết lại thành những thân cột vươn lên tỏa rộng phần trên giống như chủ ý của anh khi thực hiện khối hình hoa sen biểu tượng về hoa của người Việt. Ở đây không còn dừng lại vật liệu đơn thuần là tre mà có sự phối hợp giữa chất liệu khung nhôm và kính trong suốt để tạo thành khối nhà mang tính hiện đại ở một đô thị Milan hiện đại.
Thủ tướng Ý Matter Renzi đã đánh giá cao công trình nhà tre Việt khi viếng thăm Expo 2015 lần này. Đó là một tín hiệu tốt. Thế nhưng, một bài viết của độc giả tận mắt đến xem công trình thì như gáo nước lạnh dội ngược viết về cho Báo Thanh Niên trong nước. Theo thông tin, “cách bài trí hiện vật sơ sài, cẩu thả, làm mất danh dự quốc gia”. Độc giả cho biết ông đến xem Expo 2015 và hoàn toàn bất ngờ và thực sự buồn khi chứng kiến những gì được trưng bày tại đây. Quanh nhà tre chỉ có 2 con kỳ lân cũ kỹ, vài ma nơ canh. Trang phục của ma nơ canh quá cũ không giống người Việt, có ma nơ canh còn bị cụt tay, đầu trọc trông phản cảm. Mỗi ngày số khách đến xem nhà Tre Việt rất đông, tuy nhiên khi ra về ai cũng lắc đầu, chẳng có gì để xem cả…”.
Hình mẫu thật của nhà tre Việt tại Expo 2015 phía trước có 2 tượng gỗ thể hiện hình ảnh phụ nữ Việt xưa ăn vận theo tuồng chèo- Nguồn: Vietnam Pavilion DesignBoom
Tôi có thể hiểu được sự thất vọng của độc giả viết bài phản ảnh sự thất vọng của mình. Chính tôi cũng thấy phần nội thất sắp đặt không theo một chủ đề nào cả. Cũng chẳng có sự trưng bày cái đẹp của vật trang trí mang tính truyền thống kết hợp hiện đại trong ngôi nhà tre Việt tại Milan. Rõ ràng đây không phải là trách nhiệm của KTS Võ Trọng Nghĩa bởi phần trưng bày bên trong lại được một công ty nào đó đảm nhiệm và người thiết kế ngôi nhà lại không được can thiệp vào.
Một công trình nghệ thuật kiến trúc “mang chuông đi đánh xứ người” lại bị chi phối dưới sự chỉ đạo tư tưởng hẳn nhiên luôn bị gò ép vào một khuôn mẫu trong khi nghệ thuật cần phải thăng hoa sáng tạo không theo một lối mòn có sẵn. Những vật trưng bày như ma nơ canh hay các phù điêu đồ gốm, bình lọ, ngay cả con vật kỳ lân hay con trâu đá nằm trơ trọi trên sân khó có thể làm cho ngôi nhà tre toát lên cái hồn Việt Nam ở thế kỷ 21. Nếu nói đó là đồ nội thất cũng không phải, đồ trưng bày theo chuyên đề cũng chẳng phải. Mà là những vật dụng mang tính biểu tượng văn hóa Việt.
Trang trí con trâu đá và hình nộm gỗ múa rối nước ở một góc nhà Vietnam Pavilion Expo 2015 không phù hợp chủ đề kiến trúc đề ra mà mang tính tuyên truyền văn hóa – Nguồn: Vietnam Pavilion DesignBoom
Tôi nhớ có thời gian người ta tranh nhau bàn luận hình tượng con trâu trong văn hóa Việt. Đối với đất nước nông nghiệp con trâu là biểu tượng trong quá khứ, và con trâu không thể làm cho ngành nông nghiệp giàu mạnh hơn trong khi lần lượt các nước trước đây từng sống bằng nông nghiệp chuyển dần qua kinh tế công nghiệp. Có một người ngoại quốc góp ý như thế này: “Đúng là con trâu mang tính biểu tượng cho đất nước nông nghiệp còn dùng sức người sức vật nhưng như thế trông nó nghèo nàn và cực khổ làm sao”. Cực như trâu, cày như trâu, là những cụm từ biểu trưng cho sự nghèo khó và chỉ có thể thi vị nó qua câu ca “ai bảo chăn trâu là khổ”, chứ không thể xem nó là biểu tượng quốc gia được.
Thật ra ngôi nhà tre của KTS Nghĩa tại Milan hay bất kỳ nơi đâu đã đủ nói lên tính biểu tượng văn hóa Việt. Những đường nét của các khối tre lồ ồ đan xen vươn mình cao thấp thể hiện những thân sen, lá sen – một biểu tượng của VN là đủ. Ngay cả nói chuyện hoa sen được nhà nước cộng sản chọn là quốc hoa cũng đã có sự trùng lặp với quốc hoa của Ấn Độ. Tính biểu tượng phải riêng biệt và chỉ có tre mới thực sự mang tính biểu tượng có ý nghĩa và nó là cái hồn của người Việt Nam từ ngàn xưa. Nhà ở, dụng cụ sinh hoạt thô sơ từng được làm bằng tre. Làng quê nào từ Bắc chí Nam, trên núi, trên rừng, trên những đồng bằng, những bờ đê, bờ sông, đều có lũy tre xanh bao bọc che chở cho cuộc sống bình yên và nó đã trở thành tâm thức của Việt từ bao đời. Tre in bóng hình vào thi ca, nhạc họa và nó không trùng lặp với những biểu tượng văn hóa của các quốc gia khác. Vì thế ngôi nhà tre đã toát lên tính biểu tượng rồi.
Phần trang trí nội thất chỉ cần một số đồ đạc bằng tre mang tính nghệ thuật sáng tạo hiện đại thì còn gì hay hơn. Chuyện này thì cần một nhà thiết kế đồ nội thất chuyên nghiệp. Trong số báo Trẻ lần trước, tôi có giới thiệu ngôi nhà tre 6 tầng ở Bali của một nhà thiết kế Mỹ, trong ngôi nhà nghệ thuật đó trang trí vài ba đồ nội thất cơ bản cho sinh hoạt rất nghệ thuật sáng tạo từ cây tre. Tại sao nhà tre Việt ở Milan không có những vật dụng như người ta, đó là những đồ vật bình thường trong đời sống không cần phải bị trói buộc bằng những ý kiến chỉ đạo tư tưởng. Có như thế nghệ thuật mới bay cao, trường tồn và phát triển.
Những vật trang trí không theo chủ đề, bằng gốm sứ, không thể hiện được đồ nội thất của nhà tre Việt – Nguồn: Vietnam Pavilion DesignBoom
NL