Menu Close

Paris – Ngày trở lại

Cái duyên với Paris một lần nữa đưa tôi trở lại. Những gặp gỡ trước; ngắn là 2, 3 ngày, nhiều là 5 ngày, không đủ để thăm các nơi cùng một lúc nhưng những góp nhặt mỗi lần cộng vào thì có thể xem như mình đã làm quen một phần nào với Kinh đô ánh sáng. Danh hiệu này chứng tỏ Paris về đêm đẹp. Đẹp lắm nếu bạn có mặt trên chiếc thuyền cùng tôi, vừa ăn tối vừa ngắm cảnh trên sông Seine.

paris ngay tro lai1

Đi tàu trên sông Seine

Chúng tôi xuống tàu lúc mặt trời vừa lặn. Chiếc tàu (tôi đếm sơ ghế ngồi trong đầu) nếu đầy khách có thể chứa khoảng 150 người trong phòng ăn, với những khung cửa sổ bằng kính. Lên boong có thêm bàn ghế cho 40 khách nữa kê ở giữa, chung quanh là lối đi để khách lui tới thoải mái ngắm Paris dưới trăng thanh gió mát. Giòng nước êm ả khi tàu nhẹ nhàng rời bến. Ngồi ăn tự nhiên, không hề có cảm giác say sóng, bạn chỉ thấy cảnh vật từ từ trôi qua như một cuốn phim quay thật chậm. Bằng giọng Anh chính xác, người hướng dẫn giải thích những thắng cảnh trên bờ khi tàu đang đi ngang; rồi chuyển sang tiếng Pháp tự nhiên như tiếng mẹ đẻ, làm tôi tò mò hỏi thăm. Ông cho biết mình nói thông thạo 7 sinh ngữ. Lại hỏi thêm sao ông không làm cho Bộ ngoại giao thì được biết ông đã nghỉ hưu, thích gặp gỡ du khách nên nhận công việc này. Tôi nhủ thầm ước gì mình có, dù chỉ một phần, khả năng thiên phú về ngoại ngữ này.

paris ngay tro lai

Trên tàu dọc sông Seine – hình tác giả

Từ điểm xuống tàu, mọi người nhìn bên tay phải nhé. Dọc theo sông Seine, chúng ta đang đi ngang Nhà Thờ Đức Bà (Notre Dame), một nét đẹp nghệ thuật của Paris, với tháp chuông biệt danh là Emmanuel, có nghĩa “Chúa ở cùng chúng ta”, nặng đến 13 tấn (chợt nhớ là mình vừa dự Thánh Lễ ở đây buổi sáng. Hai chuyến đi trước nhà thờ đóng cửa để sửa sang, lúc bên trong, khi bên ngoài, bọc kín chẳng thấy gì cả. Cái may mắn đến 2 lần trong hôm nay). Còn đây là 4 tháp của thư viện, tượng trưng cho cuốn sách đang mở (Bibliothèque National de France). Thư Viện Quốc Gia mở ra cho công chúng từ tháng 12 năm 1966. Tàu đang quay đầu lại. Vẫn nhìn bên tay phải của tôi, quý bạn có thấy Hôtel de Ville chưa? Kia là Hội Đồng Thành Phố. Trước mặt nó là bức tượng của Etienne Marcel, thị trưởng đầu tiên của Paris vào thế kỷ thứ 14. Chuẩn bị nhé quý vị, chúng ta sắp sửa đến Bảo Tàng Viện Le Louvre. Một công trình khởi sự từ năm 1204 mãi đến 1858 mới hoàn thành. Nguyên thủy, đây là chỗ ở của Vua nước Pháp, trở thành Bảo Tàng Viện năm 1793, đến nay là một trong trong những Viện Bảo Tàng lớn nhất thế giới. Và từ xa xa, nhìn lên ngọn đồi cao, chúng ta thấy lâu đài Chaillot (Palais de Chaillot). Xây để nhớ đến cuộc thế chiến năm 1937, gồm nhiều tòa nhà. Có nơi lưu trữ những di sản văn minh nhân loại (Man kind Museum), nơi thì trưng bày những liên hệ đến Hải Quân (Navy Museum)… Một lần nữa, tàu đang xoay đầu trên sông. Đây là Pont Bir-Hakeim. Nơi chiếc cầu hai tầng (một tầng cho xe chạy, một tầng dành cho khách bộ hành) Bir-Hakeim, bắc ngang sông Seine, do ông Eiffel xây năm 1904. Nối với Pont De Grenelle bằng Đảo Thiên Nga (Island of the Swan). Ngay đoạn cuối của cái bệ trên đảo là bức tượng Nữ Thần Tự Do (phó bản của người chị lớn – big sister – in New York) được những cư dân Mỹ sống ở thủ đô Paris năm 1885 tặng cho người Pháp. Tượng bằng đồng, cao 22 mét, được tu bổ lại năm 1990. Quý vị có nhớ là tôi vừa nhắc đến ông Eiffel không? Cái tháp nổi tiếng trên thế giới, của Paris mang tên ông ta đó: kỹ sư Alexandre Gustave Eiffel. Tháp Eiffel cao hơn 324 mét (khoảng 1 ngàn feet, tương đương với chiều cao của toà nhà 81 tầng), nặng 7 ngàn tấn. Nó cần 47 tấn sơn để sơn lại mỗi 7 năm. Tháp có 3 tầng thì 2 tầng dưới dành cho tiệm ăn và du khách. Muốn thăm viếng ta chỉ việc mua vé, đi bộ hay bằng thang máy lên 2 tầng này. Mặc dù có cầu thang đi lên tầng thứ ba hay tới đỉnh cao nhất nhưng rất ít khi được mở ra cho công chúng sử dụng, lối lên xuống thông thường vẫn là thang máy. Tôi nhiều lần đứng dưới chân tháp, nhưng leo lên thì chưa. Hôm nay tôi đi (hàm thụ) bằng “thuyền” bạn ạ. Tàu đi ngang Bảo Tàng Viện  D’Orsay. Nơi triển lãm nghệ thuật của nhiều nghệ nhân Pháp. Những bức danh họa, tác phẩm điêu khắc của Monet, Manet, Renoir, Van Gogh… được trưng bày ở đây. Thời gian qua nhanh thật. Chiếc tàu đã đưa chúng tôi về chốn khởi hành. Mọi người lần lượt bước lên bến. Chân đi mà lòng lưu luyến. Một buổi tối đáng nhớ, no bụng và no cả mắt.

paris ngay tro lai2

Tác giả bên Nhà Thờ Đức Bà Paris

Đi ăn tiệm Tây

Ngoài cảnh đẹp Paris còn nổi tiếng về sự thanh lịch. Nó hiện hữu cả trong cách trình bày món ăn. Thật thế. Khác với lối sống thực tế của người Mỹ: “ăn thùng, uống vại”, “ăn lấy no, lấy béo”, thì phần lớn người Âu Châu ăn uống “thanh cảnh” hơn. Tôi nhận ra điều này khi vào một nơi nổi tiếng ở Paris. Nhà hàng Le “Relais de l’Entrecôte”. Nằm ngay trên đường 20, Saint-Benoit, nổi tiếng về món Beef-steak và khoai tây. Nghe dân thổ địa, định cư ở Paris gần 60 năm giới thiệu, chúng tôi náo nức đi. Biết Paris khó tìm chỗ đậu xe nên 6 giờ chiều chúng tôi lái xe đến nhà hàng. Vòng tới, vòng lui đến 6 vòng thì “anh hùng tay bánh” tội nghiệp này đành thả chúng tôi trước cửa tiệm khi mọi người quyết định ăn ở đây. Nhìn dãy người xếp hàng mà lòng tôi ngao ngán. Dài ơi là dài. Đa số thắng thiểu số. Vợ chồng tôi là thiểu số. Thuộc loại người “ăn để sống, chứ không sống để ăn”, chúng tôi áo dạ trùm kín từ đầu đến chân núp dưới đèn sưởi treo dọc hàng hiên ngoài cửa tiệm tán gẫu chuyện cho quên giờ. Không biết cái tiệm ăn ngon cỡ nào mà khách hàng quá xá là đông trong khi đối diện bên đường, cũng là quán ăn, vắng hoe, lưa thưa khách. Tôi chụp vài tấm hình để minh chứng cho lời nói của mình. Chưa bao giờ chúng tôi xếp hàng chờ đợi khi đi ăn tiệm ở Mỹ. Chỗ nào thức ăn ngon thì mình lấy hẹn trước. Có lần đã hẹn với tiệm Peking Ducks nổi tiếng (vì có thực khách là các cựu tổng thống, nghị sĩ) ở Washington DC trước rồi, khi đến nơi biết phải chờ thêm một giờ nữa, chúng tôi hủy bỏ ngay bữa ăn và đến một nơi khác biết tôn trọng khách hàng hơn. Tiệm ăn ở Paris này không nhận hẹn hò chi cả. Ai tới trước vào trước. Cứ thế sắp hàng. Trời ạ, gần 9 giờ mới đến phiên nhóm của tôi. Tôi nhủ thầm, đói gần chết thì có cái gì bỏ vào bụng mà không ngon?  Điểm hay của tiệm là phục vụ rất nhanh. Ngồi xuống chưa ấm chỗ đã có bia, nước đưa đến. Một dĩa bự bánh mì, 3 “rổ” (dĩa bàn thật lớn) khoai tây chiên nóng giòn được đưa ra. Quân ta làm cái ào hết liền. Mỗi người một miếng Steak bằng nửa bàn tay (đủ cho tôi và thiếu cho người ăn khoẻ). Thịt không mềm lắm, nướng vừa chín tới nên chưa kịp dai. Thêm bánh mì và khoai chiên đem ra. Bây giờ thì tôi biết đây là tiệm ăn Steak thuộc loại “Limitted – All you can eat”, ăn nhiều nhưng có giới hạn. Kiểu Tây. (Hay một cách bắt chước, “không hoàn toàn kiểu Mỹ”). Một miếng thịt và hai lần khoai với bánh mì. Uống nước hay bia vào nữa là căng bụng, no đến hôm sau luôn. Giá cả phải chăng (khoảng 20 đô la một người). Tôi lại nghĩ bụng (vì là suy nghĩ của riêng mình), có lẽ đây là lý do tiệm đông khách. Vừa túi tiền, vừa miệng. Sở dĩ tôi nói thế vì thức ăn ở Âu Châu nói chung, và Paris nói riêng, mắc lắm. Xăng đắt kéo mọi thứ đắt theo. (Giá xăng cao tới gần 7 đô la 1 gallon). Giá nhà thì càng “tàn khốc” hơn. Một tấc đất, một tấc vàng. Dân Tây mà có nhà riêng để ở, có xe hơi để đi là thuộc “tầng lớp quý tộc” đó. Chẳng bù với người Mỹ (Hoa Kỳ, không phải Mỹ Tho), ăn trợ cấp chính phủ (weo phe, phút tem) ở nhà công (công dân đóng thuế trả dùm) và xe thì vẫn riêng mỗi người một chiếc. Ăn uống dư thừa tới nỗi mập phì, đi bộ không nổi, phải đi xe. Đã thiệt. Thế mà vẫn la làng la xóm là bị bỏ rơi, bị kỳ thị, bị đủ thứ. Tôi lại nghĩ tiếp (vẫn là nghĩ) phải chi chính phủ Mỹ gửi hết đám này qua châu Âu cho họ sống ở đó vài ba năm là bảo đảm tất cả lạy lục để xin trở về, không ai dám hó hé nửa lời than vãn. Tôi sa đà (lạc đề) chỉ để nhắc nhở mình là nói gì thì nói, chê gì thì chê, cứ đi ra khỏi Hoa Kỳ, bất kỳ đứng, ngồi, nằm, đủ mọi kiểu, rồi sẽ thấy và công tâm nhìn nhận rằng Hoa Kỳ vẫn là nơi sống thoải mái, sung sướng, tự do nhất  thế giới ngày nay.

paris ngay tro lai3

“Đại Lộ Kinh Hoàng”

Một chút trên đường phố

Thêm một điểm để tôi không thể nào quên Paris là “Đại Lộ Kinh Hoàng”. Con đường chính đưa đến Khải Hoàn Môn của Paris là Bùng Binh (ngã năm, sáu, bảy.. nhánh đổ vào một chỗ nên họ làm một khu ở chính giữa). Xe mọi phía dồn vào bùng binh, đi vòng quanh rồi tự tách theo đường mình muốn ra. Không đèn xanh, đỏ chi cả. Mạnh ai nấy lái. Phải nhìn, phải tự nhường nhau thôi. Lơ đãng một chút là tai nạn xảy ra liền. Hèn chi mà người Việt ở nơi xa đến Paris đặt tên như thế. Tim tôi đánh “lô tô” vì sợ, làm mất đi một phần hứng thú ngắm cảnh đẹp. Chắc chắn là không dám lái xe chốn này.

Thêm một chuyến du lịch đầy kỷ niệm. Có lẽ ngày trước, các nhà văn, nhà thơ, xứ mình ca tụng Paris vì họ mới chỉ đi đến Pháp (mẫu quốc thời bảo hộ nên dễ đi Tây). So với Việt Nam thì Tây quả có sang, có đẹp hơn thật. Nếu có cơ hội đi xa hơn như ngày nay thì thi, văn sĩ chắc chắn sẽ “để quên con tim” ở rất nhiều nơi khác hơn là Paris. Ngày rời Paris, chưa để quên con tim nhưng tôi tự hẹn sẽ có ngày trở lại. Để thăm viếng, để tìm sự đổi thay hay cả hai. Tôi chắc vậy.

GDN – 15