Menu Close

Đi tìm cái Anh không mất

Để tưởng nhớ về Luật sư Nguyễn Xuân Phước

Mọi người thường nói tôi là một người có tính hay khôi hài từ lời văn đến cách nói (có lẽ mang cùng cái gene của nghệ sĩ Thanh Hoài), nên bảo tôi viết bút ký về một người bạn mới qua đời thì quả thật là khó đối với tôi. Đang đọc những hàng chữ buồn man mác khi tưởng nhớ về một người bạn mới ra đi nhưng vô tình chêm vào một câu khôi hài thì quả thật là… “dzô duyên”.

Tuy thế, khi nhìn lại avatar của luật sư Nguyễn Xuân Phước trên facebook, với cái đầu không còn tóc mà miệng vẫn mỉm cười vui vẻ – như thể “khoe” với các bạn trên facebook của anh là “ta đây mới đi radiotherapy về không còn sợi tóc nhưng… “Ôi! Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó” – khiến tôi lại thêm cảm hứng khi viết về Phước, một người bạn mới quen biết không lâu.

Thói thường, khi một người mang chứng bệnh nan y, họ hay thu mình lại, trốn tránh tất cả mọi người, bạn bè, người thân và che giấu những phần mất mát trên cơ thể do chứng bệnh mang lại. Đằng này, Phước thì không. Chính cái avatar mà Phước đã chọn cho mình trên facebook, sau khi vướng phải căn bệnh hiểm nghèo, đã nói lên tất cả bản tính của mình: coi bản thân mình không là gì cả, nhưng quê hương, đất nước, dân tộc, người đồng chí hướng mới là cái quan trọng.

Quả thật, tôi đã không ngoa. Phước yêu quê hương, đất nước, dân tộc bằng tất cả trái tim mình.

Không như đa số các du học sinh lúc bấy giờ. Dù ra nước ngoài sinh sống khi tuổi đời chưa đến 20 nhưng Phước vẫn mang canh cánh bên lòng một câu hỏi: “Tại sao nước Việt Nam không phát triển nhanh như Nhật, thời Minh Trị Thiên Hoàng, hay như Nam Hàn, thời nay?”

Thử hỏi, với số tuổi của Phước, không dính dáng vào chiến tranh Việt Nam, đi du học nước ngoài khi xong bằng Tú tài toàn phần năm 1972 với hạng ưu, và không ở đất Việt từ đó đến nay thì vì lý do gì đã thúc đẩy anh lại phải bỏ hết tâm trí để đào sâu về lịch sử của cha ông, nếu không phải là lòng yêu quê hương, đất nước?

Một bài báo mang đề tựa “Thân Thanh Triều Gây Mất Nước” của Luật sư Nguyễn Xuân Phước đăng trên BBC Tiếng Việt ngày 12 tháng 6, 2015, đã chứng tỏ anh bỏ công sưu tập, nghiên cứu lịch sử sâu xa đến dường nào.

Avatar Nguyễn Xuân Phước trên facebook

Phước đã phân tích:

Cái nhục mất nước, tụt hậu của dân tộc Đại Việt ở thế kỷ 19 phát xuất từ nhiều yếu tố lịch sử khác nhau.

Thế nhưng sự chọn lựa mô hình phát triển đất nước, sự ỷ dốc vào Thanh triều trên mặt trận ngoại giao và văn hóa thời kỳ hậu Gia Long, chính sách giao thương phụ thuộc kinh tế Trung Hoa và sự tin tưởng mù quáng vào giáo điều Thanh Nho bất chấp các bản điều trần yêu cầu canh tân của các sĩ phu tiến bộ, là những yếu tố quyết định đưa đất nước vào giai đoạn nô lệ.

Ngày nay, nếu thay giáo điều Thanh Nho bằng giáo điều Cộng sản, thì tình trạng Việt Nam gần như tương tự.”

Đúng thế. Thời đó, Nhật có Minh Trị Thiên Hoàng đã biết canh tân đất nước khi tiếp xúc với kỹ thuật tiên tiến của Tây Phương. Chính vì thế, Nhật, một nước châu Á, cũng chịu nhiều ảnh hưởng mạnh của Nho giáo như Việt Nam, vì thức tỉnh được sự tụt hậu của đất nước mình và biết tự cải tiến nên nay đã trở thành một quốc gia hùng mạnh trên thế giới. Trong khi Việt Nam, kém may mắn thay, nhóm nho gia, thủ cựu, thân Trung Hoa như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Tịnh Nhơn… theo Thanh triều đã khuynh đảo triều đình Minh Mạng, Tự Đức, bỏ qua những kiến nghị canh tân của Nguyễn Trường Tộ, của những trí thức thời đó, để kết cục Việt Nam đã tụt hậu trước sự tiến triển vượt bực của các nước phương Tây, để kết cục Việt Nam mất vào tay giặc Pháp.

Rồi từ phân tích lịch sử đó, Phước liên tưởng đến đất nước thời nay. Quả thật, lịch sử đã lặp lại. Anh cho rằng chính vì trong đảng CSVN có những thành phần thân Trung Quốc, bám theo chủ nghĩa Cộng sản đã lỗi thời, trì hoãn  canh tân đất nước và đàn áp những trí thức Việt Nam muốn phát triển đất nước theo gương Nam Hàn hiện nay, thì như lịch sử đã cho thấy, chẳng chóng thì chầy, đất nước Việt Nam sẽ bị mất vào tay Trung Cộng.

Cái nhìn đó của Phước không sai. Biển Đông của Việt Nam càng ngày càng thu hẹp. Ải Nam Quan thời cha ông nay đã mất một phần. Tây nguyên thì người Tàu tác oai, tác quái. Kinh tế Việt Nam phần lớn dựa vào Trung Quốc.

Biết thế nhưng thành phần lãnh đạo của đảng CSVN vẫn không dám buông chủ nghĩa Cộng sản, thứ chủ nghĩa đã bị những nước Đông Âu vứt bỏ từ lâu, không dám đi ngược với Trung Quốc để canh tân đất nước như Nhật, như Nam Hàn. Chẳng qua vì họ sợ mất đảng, mất quyền lực, sợ mất những tài sản kếch xù đã thu vén được khi ở trên đỉnh cao của quyền lực, sợ mất những ngôi biệt thự giá nghìn tỷ, những chiếc xe hơi lộng lẫy, những con cái đang phè phỡn ở những nước “tư bản giẫy chết” bằng số tiền tham nhũng của cha mẹ.

Đó là nói về lòng yêu nước dạt dào của Phước. Còn đối với những người bạn, những người đồng chí hướng với anh thì sao?

Tôi còn nhớ, trong buổi chiều viếng Phước lần cuối tại nhà quàn Sparkman/HillCrest Funeral Home, Mục sư NXS, người anh của Phước đã tâm tình “Tuy là luật sư, đã đi làm lâu năm, nhưng Phước không giàu, vì Phước không phải là một business man”.

Đúng thế, đối với Phước, tiền tài, danh vọng không phải là cái đích mà anh muốn đạt tới. Cái anh muốn đạt tới cao cả hơn nhiều. Có đồng nào Phước làm ra, anh dốc vào quỹ giúp đỡ những người yêu nước, đồng chí hướng, và gia đình họ đang thất cơ, lỡ vận, chịu cảnh tù đày. Dù ở hải ngoại nhưng anh vẫn dõi trông về những bạn trẻ đồng chí hướng với anh ở trong nước đang tranh đấu cho một Việt Nam được Tự do, Dân chủ và Phú cường.

Đối với bạn, dù thân hay sơ, Phước cũng đều hành xử một cách thật hào phóng. Tôi nhớ một lần, sau khi Phước lâm bệnh trầm kha, sức khoẻ không như xưa, nhưng anh vẫn lạc quan và không muốn thu mình trong bóng tối, nên anh đã email mời bạn bè đến dự một buổi ăn tối crawfish do anh tự nấu.

Tôi là kẻ đến nhà anh sớm nhất. Nhà vắng vẻ chỉ có một mình anh đang hì hục với ba bao bố crawfish ngổn ngang trên sàn bếp. Tóc Phước thì không còn sợi nào, sau những lần ky-mô, nên mồ hôi anh ứa ra ướt đẫm từ đỉnh đầu, nhỏ từng giọt xuống mắt, xuống môi, bên cạnh cái lò ga đang hừng hực bốc lửa.

Tôi đứng lặng nhìn anh mà ứa nước mắt, bèn xăn tay áo lao vào: “Phước, để tui phụ anh một tay. Đừng chê à. Tuy tui lớn tuổi hơn anh nhưng đi 24 hour Fitness mỗi ngày nên đừng chê hổng có bắp thịt à nghe!” Rồi khiêng hai bao bố còn lại đi rửa, bỏ vào chiếc nồi to đùng và khiêng lên bếp cho anh nêm nếm.

Phước ngước nhìn tôi, cười hả hê: “Ba bao bố crawfish này để ngày hôm nay các anh ăn cho… ớn luôn tới già… Hì… Hì…”

Phước đã ra đi, đã từ giã cõi đời này. Anh đã mất. Nói đến tiếng “Mất” khiến tôi liên tưởng về bài viết của một tác giả là cựu đại tá Cộng sản tên Nguyễn Khải. Bài viết mang tựa đề “Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất”. Trong đó, ông đã tỏ ra hối tiếc khi góp phần vào chiến thắng của “bên thắng cuộc” để Việt Nam ngày nay chịu tụt hậu, xã hội băng hoại.

Nếu thật Nguyễn Khải, thời trai trẻ, có mang một lý tưởng muốn xây dựng một nước Việt Nam phát triển, một xã hội Vệt Nam tươi đẹp và đã trót dại theo đảng Cộng sản để đến cuối đời ông mới nhận thức được cái lý tưởng đó đã bị đánh mất như nhà thơ Bùi Minh Quốc từng than thở:

Thú nhận mình là đao phủ giết mình

Giết thơ – đâu phải dễ

Nhưng trước mặt tử thần

Không thể tự dối mình.

Không thể!

Cuộc tự sát thảm sát âm thầm

Dai dẳng

Mấy mươi năm

Nhân danh những gì cao quý nhất

Đeo đuổi những gì vô nghĩa nhất

Mà tất cả bên ngoài hơn hớn như không

Tôi bàng hoàng

Cuộc tuẫn đạo nhân dân

Bị biến thành vụ trấn lột khổng lồ thế kỷ

Người tiếp người vênh vang nhận tròng nô lệ

Người tiếp người chết cái chết thánh nhân

Đâu biết họ hiến mình cho quỷ

Bùi Minh Quốc – tháng 7, 1993

Thì đúng là họ đã đi tìm cái họ đã mất.

Nhưng Luật sư Nguyễn Xuân Phước thì không. Dù anh mất đi nhưng thứ mà anh muốn đi tìm không mất. Vì trên con đường anh đi tìm sẽ có hàng vạn, hàng triệu bước chân của tuổi trẻ sau này sẽ tiếp bước chân anh để thực hiện cho bằng được ước nguyện của anh cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ và phú cường.

DTD – Plano, Jun 29, 2015