Đôi mắt không chỉ là cửa sổ tâm hồn mà còn là “ngõ vào” của não bộ, nhất là khi bị chấn thương.
Theo bài tường trình của Bác sĩ Steven Galetta, trưởng khoa thần kinh tại trung tâm y khoa Langone, New York University, trên tạp chí The Journal of Neuro-Ophthalmology ấn bản Tháng Ba, 2015, một nửa hoạt động của não bộ [cách phối hợp tín hiệu của thần kinh hệ] biểu hiện qua thị giác. Do đó, khi chẩn bệnh, thử nghiệm thị giác của bệnh nhân sẽ giúp định bệnh não bộ nhanh chóng.
Ông Galetta và đồng sự đã phát minh một cách thử nghiệm chấn thương mới mẻ, giản dị và hữu hiệu, the King-Devick test. Đây là một “eye test”, người bệnh đọc theo thứ tự các con số trên hình vẽ, người thử đo khoảng thời gian để hoàn tất việc nhận diện các con số kia. Giản dị, nhanh chóng, chỉ tốn khoảng 2 phút đồng hồ, không cần máy móc và chỉ cần sự quan sát tinh tế của người thử. Như những huấn luyện viên thể dục, người thử không cần chuyên môn về y học, chỉ cần biết cách sử dụng và quen thuộc với bảng vẽ.
Khi trẻ em chơi thể thao tại trường học, tỷ thí các trò thể thao trong sân vận động, chuyện té ngã, đụng đầu nhau rầm rầm là điều khó tránh. Nhưng làm thế nào để đoán biết rằng đứa trẻ, từ 5 tuổi trở lên, chỉ bị thương sơ sài hoặc bị chấn thương óc? Đứa trẻ xem ra ngơ ngác như mới vừa ngủ dậy sau khi đụng đầu cái rầm vào đứa bạn trong khi chạy nhảy có bị chấn thương não bộ không? Các loại “eye test” sẽ giúp ta chẩn đoán rất nhanh chóng ngay tại sân chơi.
Bác Sĩ Galetta và đồng sự đã chứng minh mức hiệu quả của King-Devick test qua việc sử dụng và so sánh với các loại thử nghiệm khác sau những lần quan sát tại sân vận động.
Chấn thương não bộ thay đổi cách hoạt động của não bộ và cả cơ thể. Ảnh hưởng có thể tạm thời và bao gồm các triệu chứng như nhức đầu, mất thăng bằng, trở nên lóng cóng, vụng về và giảm trí nhớ. Chấn thương xảy ra khi đầu bị va chạm mạnh, hoặc khi cả thân trên và đầu cổ bị lắc dữ dội. Những thương tích này đôi khi khiến nạn nhân bất tỉnh nhưng phần lớn các nạn nhân vẫn tỉnh táo. Do đó, có thể bị chấn thương não bộ nhưng không hay biết là điều thường thấy.
Mỗi lần chấn thương não bộ là bộ óc bị thương tổn, không nhiều thì ít. Khi thương tổn nhẹ, nạn nhân hồi phục hoàn toàn và tương đối nhanh chóng. Tuy nhiên, dấu hiệu và triệu chứng của chấn thương não bộ tương đối khó nhận biết và có thể không xuất hiện ngay sau khi gặp nạn. Triệu chứng có thể kéo dài nhiều ngày, tuần lễ hoặc lâu dài hơn.
Sau khi bị chấn thương, bất kể có phải là lực sĩ chơi thể thao nhà nghề hay không, nạn nhân cần tịnh dưỡng nhất là khi đã có các triệu chứng hay dấu hiệu của chấn thương não bộ. Cho đến khi được chẩn bệnh rõ ràng và được sự đồng thuận của bác sĩ để tiếp tục chơi thể thao, nạn nhân cần tịnh dưỡng. Trẻ em cũng như lực sĩ thể thao cần nghỉ ngơi sau khi bị chấn thương.
Não bộ là một cấu trúc mềm nhão, bao bọc bởi một lớp chất lỏng giúp tiết giảm áp suất từ sự chấn động trong hộp sọ. Mỗi khi đầu cổ bị xô đẩy, não bộ cũng chuyển động theo và va chạm vào thành hộp sọ.
Khi lực xô đẩy xảy ra bất ngờ và nhanh chóng như trong tai nạn giao thông hoặc bị lắc dữ dội, não bộ bị xô đẩy bên trong hộp sọ và chấn thương xảy ra. Thương tích có thể bao gồm xuất huyết quanh não bộ khiến nạn nhân ngầy ngật hoặc bất tỉnh rồi hôn mê luôn. Do đó, nạn nhân bị chấn thương não bộ cần được theo dõi cẩn thận để kịp thời chữa trị các biến chứng, nếu có.
Chấn thương não bộ thường xảy ra trong các trường hợp sau:
– Chơi trò thể thao chịu va chạm dữ dội như football, hockey, đá bóng, rugby, đánh bốc.., sự rủi ro gia tăng khi thiếu các vật dụng bảo vệ thân thể hoặc trận tỷ thí không được giám sát kỹ lưỡng.
– Tai nạn giao thông
– Binh sĩ tại chiến trường
– Nạn nhân của trận ẩu đả hay bị đánh đập
– Té ngã
Sau khi bị chấn thương, mức hóa chất trong não bộ thay đổi và cần ít nhất một tuần lễ để trở lại bình thường. Tuy nhiên thời gian hồi phục có thể gia giảm tùy theo mức độ chấn thương do đó, các lực sĩ cần tịnh dưỡng cho đến khi hoàn toàn phục hồi trước khi chơi thể thao trở lại. Sự va chạm, chấn động liên tục khiến vết thương cũ khó lành lặn.
Các triệu chứng thường thấy bao gồm nhức đầu, mất trí nhớ và nhầm lẫn, không tỉnh táo. Nạn nhân không nhớ gì về tai nạn đã xảy ra dẫn đến thương tích. Và một số dấu hiệu khác như:
– Nhức đầu hoặc cảm thấy “nặng đầu” (feeling of pressure)
– Bất tỉnh trong một thời gian ngắn
– Đầu óc lờ mờ, không minh mẫn (không nhận ra nơi chốn, không biết ngày tháng)
– Không nhớ gì về tai nạn đã xảy ra
– Chóng mặt hoặc mắt thấy “đom đóm”, thấy sao trời
– Ù tai
– Buồn nôn
– Ói mửa
– Đớ lưỡi, phát âm không rõ ràng
– Trả lời một cách chậm chạp
– Không tỉnh táo
– Mệt mỏi
Một số triệu chứng có thể xuất hiện ngay hoặc chỉ xuất hiện sau nhiều giờ, nhiều ngày kế tiếp như mất khả năng tập trung, mất trí nhớ, cáu kỉnh, dễ nổi nóng hoặc thay đổi cá tính thường ngày; mẫn cảm với ánh sáng và tiếng động; mất ngủ; trầm cảm; khứu giác và vị giác bị đảo lộn;
Với trẻ em, chấn thương não bộ xảy ra thường nhật và rất khó chẩn đoán nhất là trong những đứa trẻ còn chập chững, chưa biết nói gì. Các triệu chứng & dấu hiệu có thể xuất hiện trong trẻ em:
– Mất vẻ tinh anh nhanh nhẹn
– Buồn ngủ và ngủ nhiều hơn thường nhật, thay đổi thói quen trong giấc ngủ thường nhật
– Khó chịu, khóc lè nhè
– Mất thăng bằng, dễ té ngã khi di chuyển
– Không thích thú với đồ chơi
Khi nào cần đi khám bệnh?
Đi khám bệnh 1-2 ngày sau khi bị tai nạn. Nếu đứa trẻ vẫn tinh anh, nhanh nhẹn và xem ra bình thường sau khi té đập đầu vào tường vách, nền nhà, thương tích nhẹ và sẽ hồi phục.
Ngoài ra, phụ huynh cần đưa con em đi khám bệnh ngay nếu các dấu hiệu sau đây xuất hiện:
– Ói mửa liên tục
– Bất tỉnh trên 30 giây
– Nhức đầu mỗi lúc một nặng
– Thay đổi tính tình, không như thường nhật
– Trở nên vụng về, dễ té ngã
– Không nhận ra người thân chung quanh (thí dụ đứa trẻ thường cười khi thấy mặt người thân; sau khi bị tai nạn, không nhận ra người thân)
– Thay đổi cách phát âm, nói không còn rõ ràng
Đáng ngại hơn là các triệu chứng sau:
– Co giật, làm kinh
– Con ngươi (đồng tử) nở lớn hơn bình thường hoặc bên to bên nhỏ không đồng đều
– Chóng mặt kéo dài sau nhiều ngày
– Cử động vụng về, lóng cóng khác thường
– Triệu chứng mỗi lúc một trầm trọng
Khi đưa con em đi khám bệnh, hãy chuẩn bị một số câu hỏi để thảo luận với Bác sĩ, chẳng hạn như:
– Con em tôi bị bệnh gì? Có phải là chấn thương não bộ không?
– Sẽ cần các loại thử nghiệm nào?
– Bác sĩ đề nghị cách chữa trị nào?
– Bao giờ thì các triệu chứng mới thay đổi?
– Những rủi ro nào có thể xảy ra gây chấn thương não bộ trong tương lai?
– Các biến chứng lâu dài có thể xảy ra là những gì?
– Khi nào thì có thể chơi thể thao trở lại?
– Đi học/ đi làm lại có an toàn không?
– Lái xe hoặc điều khiển máy móc hạng nặng có an toàn không?
– Có cần gặp bác sĩ chuyên khoa không? Phí tổn sẽ là bao nhiêu? Bảo hiểm có trả chi phí không?
– Có tài liệu nào về chấn thương não bộ để mang về đọc thêm không?
Bác sĩ có thể thực hiện các loại thử nghiệm sau:
Khám toàn khoa và thử các hoạt động của thần kinh hệ (Neurological examination) qua việc thử thị lực (mắt), thính lực (khả năng nghe), các cử động và sức mạnh của bắp thịt, sự thăng bằng, sự phối hợp các cử động, và phản xạ. Bác sĩ cũng có thể thực hiện các loại thử nghiệm về trí não (Cognitive testing) như trí nhớ, khả năng tập trung, khả năng gợi nhớ các chi tiết và cả chụp hình não bộ như computerized tomography (CT) scan, magnetic resonance imaging… Các loại hình ảnh này dùng để thẩm định sự xuất huyết não, sự sưng trướng não bộ bên trong hộp sọ.
Trở lại với King-Devick test, nạn nhân đọc những con số xếp lộn xộn trên những đường kẻ của ba tấm giấy, càng nhanh càng tốt. Loại thử nghiệm này đo cử động của đôi mắt, cách theo dõi dấu vết và cách thu nhận sắp xếp trong não bộ để đọc ra câu trả lời. Khi bị thương tổn, nạn nhân đọc chậm hơn hoặc không thể đọc ra các con số.
King-Devick test – NGUỒN UNCEXSS.WORDPRESS.COM
Áp dụng loại thử nghiệm này, người thử không cần chương trình huấn luyện y khoa nào.
King-Devick test được xem như khá chính xác khi thẩm định và so sánh với các thử nghiệm y khoa khác. Tạm hiểu là King-Devick test có thể dùng tại sân chơi, vận động trường khi người chơi thể thao bị chấn thương như một phương tiện chẩn đoán nhanh chóng và dễ sử dụng.
Phụ huynh có con em chạy nhảy chơi đùa có thể dùng loại thử nghiệm này cùng với sự quan sát để theo dõi đứa trẻ sau những lần té ngã trước khi quyết định đưa trẻ đi khám bệnh.
TLL