Tường trình của BPSOS
Ngày 26 tháng 6, 2015
Với đoàn diễn viên hùng hậu, lên đến gần 100 người, chương trình Vinh Danh và Tri Ân do tổ chức BPSOS thực hiện vào chiều Thứ Sáu 19 tháng 6 tại Kennedy Center đã tạo nhiều xúc động và cảm hứng nơi 900 quan khách tham dự.
Mặc dù chương trình bắt đầu lúc 8:00pm, từ 6:30 giờ chiều quan khách đã lục tục đến. Nhiều người đi theo phái đoàn từ các thành phố, tiểu bang và quốc gia khác nhau.
Kennedy Center, trung tâm trình diễn nghệ thuật quốc gia Hoa Kỳ, là nơi trang trọng nhất của đất nước Hoa Kỳ để thực hiện việc vinh danh và tri ân. Một số Tổng Thống Hoa Kỳ và vĩ nhân quốc tế đã được vinh danh tại đây.
Kennedy Center
Trong Hí Viện Eisenhower, khi màn vừa mở ra, hai người dẫn chương trình là Cô Cung Hoàng-Kim, đương kim Hoa Hậu Nebraska, và Anh Chris Phan, Thiếu Tá Hải Quân và Nghị Viên Thành Phố Garden Grove, mời quan khách đứng lên chào quốc kỳ Hoa Kỳ. Giọng hát cao vút và điêu luyện của ca sĩ Bích Vân trong bài quốc ca Hoa Kỳ đã chinh phục được khán giả.
Cô Cung Hoàng-Kim, Hoa Hậu Nebraska, và anh Chris Phan dẫn chương trình
Tiếp theo là quốc ca Việt Nam Cộng Hòa với Ban Tù Ca Xuân Điềm. Khi dàn nhạc trổi bài Hồn Tử Sĩ cho phút mặc niệm, sân khấu tắt đèn và hình phác họa bóng đen của một chiến sĩ gợi nhớ bức tượng Thương Tiếc được chiếu lên màn hình lớn.
Quốc ca Việt Nam Cộng Hòa với Ban Tù Ca Xuân Điềm.
Chín cô gái thướt tha trong các tà áo dài đặc trưng cho 3 miền đất nước bước ra sân khấu để chào đón quan khách và mở đầu chương trình trình diễn.
Người đầu tiên được vinh danh là Binh Nhất Trần Văn Bảy, tiêu biểu cho 250 nghìn chiến sĩ VNCH đã âm thầm bỏ mình bảo vệ quê hương. Binh Nhất Bảy, đã hy sinh chính thân mạng mình để cứu sống một chiến binh đồng minh Hoa Kỳ, được Tổng Thống Hoa Kỳ trao huy chương cao quý Anh Dũng Bội Tinh.
Kế tiếp là phần vinh danh tổ chức Counterparts của các cựu cố vấn Hoa Kỳ. Đây là những người cùng sống cùng chết với quân dân miền Nam Việt Nam trong suốt cuộc chiến. Trong những thập niên 1990, họ sát cánh với BPSOS tranh đấu để bảo vệ thuyền nhân trước nguy cơ cưỡng bách hồi hương. Họ đang thực hiện những dự án để giúp đỡ những người Việt-Miên-Lào gặp hoạn nạn. Cô Kim-Tài Garcia, một người lai Mỹ-Việt đến từ Michigan, trao kỷ vật cho người đại diện tổ chức này. Qua bài “Hello Vietnam” nam ca sĩ kiêm giáo sư thanh nhạc Sean Buhr của trường Đại Học New York diễn tả tâm tình của một thanh niên Mỹ đến Việt Nam trong lý tưởng bảo vệ tự do.
Vinh danh tổ chức Counterparts của các cựu cố vấn Hoa Kỳ.
Chương trình Vinh Danh và Tri Ân tiếp tục với đoạn video về “Các Siêu Nhân” (The Supermen), danh hiệu mà một số báo chí Phương Tây trao cho Sư Đoàn 18 Bộ Binh vì đã chặn đứng trong gần 2 tuần lễ quân đội Bắc Việt đông gấp 7 trên đường tiến vào thủ đô Sàigòn. Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh được mời lên sân khấu nhận kỷ vật do Bà Võ Mỹ Lệ và Bà Jane Nguyễn Nga-Dung, hai nữ lưu đến từ Houston, trao tặng.
Phần giới thiệu Ban Tù Ca Xuân Điềm trong Quyển Chương Trình cho biết nhạc sĩ Xuân Điềm đã tự chế cây đàn banjo từ sắt vụn trong tù cải tạo. Cây đàn này đã cùng Ban Tù Ca Xuân Điềm đến với sân khấu Kennedy Center trong buổi vinh danh và tri ân.
Phần đầu của chương trình đóng lại với “Saigon Heroes”, một nhóm nhỏ người Hoa Kỳ đã đóng góp rất nhiều cho việc đưa 125 nghìn người Việt di tản năm 1975; cũng chính họ sau đó đã rong ruổi đến các hoang đảo để lập trại tị nạn cho thuyền nhân và bộ nhân Việt Nam, rồi mở chương trình ODP, HO, Amerasian, ROVR… Những hoạt động âm thầm của họ, mà chính những người thọ ân cũng ít ai biết đến, đã giúp cho 1.2 triệu người tị nạn Việt-Miên-Lào đến bến bờ tự do ở Hoa Kỳ và nửa triệu người Việt định cư đến các quốc gia Phương Tây khác.
Bà Hiệp Lowman, đại diện cho chồng là Shep Lowman, nhận kỷ vật từ Dược Sĩ Lâm Lê từ Atlanta – anh là cựu thuyền nhân hồi hương được định cư qua chương trình ROVR. Ông Shep Lowman, đã qua đời, là con chim đầu đàn của nhóm Saigon Heroes. Thay mặt cho chồng, Bà Hiệp trao tặng cho tổ chức BPSOS bánh lái từ chiếc tàu vượt biên mang số KG 0141, đến Malaysia ngày 1 tháng 8, 1978.
Thay mặt cho chồng, Bà Hiệp trao tặng cho tổ chức BPSOS bánh lái từ chiếc tàu vượt biên mang số KG 0141
Người kế tiếp được vinh danh là Dân Biểu Christopher Smith, người đã tranh đấu không mệt mỏi để bảo vệ thuyền nhân Việt Nam, các cựu tù cải tạo, các nạn nhân buôn người, và các nạn nhân của sự vi phạm nhân quyền. Người trao kỷ vật là cựu Dân Biểu Cao Quang Ánh và Bà Nguyễn Mai, một cựu nạn nhân buôn người được giải cứu từ đảo American Samoa.
Nhiều quan khách đã cảm động bất ngờ khi MC Cung Hoàng-Kim thay mặt tất cả những người trẻ trong khán giả tri ân các người bố và người mẹ đã hy sinh rất nhiều cho tổ quốc và gia đình; bố thì chiến đấu bảo vệ quê hương rồi chịu cảnh tù đày còn mẹ thì tần tảo nuôi con trong cảnh nghèo túng và tìm đường gửi con đến bến bờ tự do.
Cựu Đại Tá Hải Quân Eugene McDaniel, một anh hùng của quân lực Hoa Kỳ, là người kế tiếp được vinh danh. Trong cuộc dội bom ở Văn Điển, gần Hà Nội, tháng 5 năm 1967, chiến đấu cơ của ông bị bắn rớt và ông bị bắt làm tù binh. Ông bị tra tấn dã man và chỉ được trả tự do trong cuộc trao đổi tù binh vào tháng 3 năm 1973. Sau thời gian dưỡng bệnh, ông quay lại phục vụ và sau đó trở thành chỉ huy trưởng Hàng không mẫu hạm USS Lexington. Khi cựu Đại Tá McDaniel bước ra sân khấu, các cựu quân nhân Hoa Kỳ và rồi mọi người trong hội trường đã đứng lên vỗ tay không dứt. Người trao kỷ vật cho ông là Nghị Viên Garden Grove kiêm Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California Bùi Thế Phát.
Ông Bùi Thế Phát trao kỷ vật cho cựu Đại Tá McDaniel
Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng bước lên sân khấu để mời tất cả những người Mỹ và Việt đã từng phục vụ cho lý tưởng tự do ở miền Nam Việt Nam đứng lên để được mọi người hiện diện vinh danh và tri ân. Ts.Thắng sau đó đại diện cho BPSOS và ban tổ chức cảm ơn các nhà bảo trợ tài chánh, các cơ quan truyền thông, các tình nguyện viên, các thành viên Hội Đồng Quản Trị và nhân viên của BPSOS, và các nghệ sĩ đã tình nguyện đóng góp cho chương trình. Ts.Thắng đọc tên của những cá nhân được vinh danh. Chương trình đóng lại với bản “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” với tất cả nghệ sĩ cùng xuất hiện trên sân khấu và nhiều người trong quan khách cùng hát và vỗ tay theo, thể hiện lời thệ nguyện là những người con của Mẹ Việt Nam sẽ ngẩng cao đầu và tiếp bước trên “Hành Trình Đến Tự Do” cho cả dân tộc.
Một tiết mục văn nghệ
Tiến sĩ Thắng đọc tên của những cá nhân được vinh danh
Đồng ca “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”
Chương trình chấm dứt đúng 10:30pm.
Bên ngoài Hí Viện Eisenhower, nhiều người đã nán lại để trò chuyện với nhau. Nhiều bác đứng tuổi cho biết đã không cầm được nước mắt vì chương trình chỉ trong 2 tiếng đồng hồ đã gói ghém cả một quãng lịch sử bi hùng của Việt Nam Cộng Hòa và hành trình đến tự do đầy tang thương và mất mát của trên triệu người Việt sau ngày 30 tháng 4, 1975.
Kỷ vật trao cho những thành phần được vinh danh và tri ân trong đêm trình diễn là tác phẩm mỹ thuật bằng thủy tinh mang hình dáng chim phượng hoàng. Trong huyền thoại Hy Lạp, phượng hoàng sống lại từ đống tro tàn nên được ban tổ chức chọn để thể hiện sự trỗi dậy của cộng đồng người Việt tị nạn khắp thế giới tự do sau khi quê hương của họ bị biến thành đống tro tàn bởi một chế độ bạo tàn.
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã gửi lời chào mừng đến tất cả những người tham gia và tham dự chương trình Vinh Danh và Tri Ân: “Tôi gửi lời chào mừng đến mọi người tề tựu tại Trung Tâm Nghệ Thuật Trình Diễn John F. Kennedy Center nhân dịp 40 năm trải nghiệm của người Mỹ gốc Việt. Nhiều thập niên trước, quân nhân Hoa Kỳ và Việt Nam sẵn sàng hy sinh thân mạng và tất cả những điều yêu quý của họ để chiếu ánh sáng của tự do vào Việt Nam. Họ chiến đấu oai hùng trong rừng sâu và ruộng đồng, trong giông tố hãi hùng và nhiệt độ thiêu người để mưu cầu dân chủ – và sức mạnh của họ phản chiếu sự quyết tâm của tinh thần Hoa Kỳ.”
Ts.Thắng, Tổng Giám Đốc và Chủ Tịch của BPSOS, cho biết buổi trình diễn ở Kennedy Center là một trong chuỗi sinh hoạt kéo dài đến cuối năm nay, với tên gọi chung là “Hành Trình Đến Tự Do của Chúng Tôi” (Our Journey to Freedom).
Trang mạng liên quan: https://ourjourneytofreedom.org