Menu Close

Đen trắng trắng đen?

Không riêng gì các tín đồ Ki-tô giáo, hầu như mọi người trên thế gian này đều biết đến câu nói của Chúa Jesus khi Ngài bị đóng đinh trên thập giá: “Xin Cha tha cho họ vì họ không nhận thức được điều mình đang làm!” Câu nói ấy là chân lý muôn đời, có thể áp dụng vào bất cứ tôn giáo nào, hay rộng hơn là bất cứ văn hóa nào. Thân nhân của 9 nạn nhân bị bắn chết tại ngôi nhà thờ cổ của người da đen ở tiểu bang South Carolina mới đây đã tuyên bố tha thứ cho kẻ sát nhân chắc cũng vì lẽ đó. Kẻ sát nhân mới 21 tuổi, học hành không tới đâu, chẳng có nghề ngỗng gì. Ăn không ngồi rồi, suy tưởng tào lao rồi làm chuyện ác! Một kẻ như thế không đáng để trách chứ đừng nói nên trách điều gì. Thành ra, nhiều người, trong đó có Tổng thống Obama, kiếm thứ khác để trách, cụ thể lá cờ mà kẻ sát nhân đã suy tôn, là lá cờ đại diện cho các tiểu bang thuộc phe miền Nam thời nội chiến.

Ông Obama, trong tang lễ dành cho các nạn nhân, đã nói rằng: “Đối với nhiều người, da đen cũng như da trắng, lá cờ ấy gợi nhớ đến sự đàn áp mang tính hệ thống, nô lệ hóa chủng tộc. Bây giờ chúng ta đều thấy rõ điều đó.” Ai cũng biết phe miền Nam thời ấy ủng hộ việc duy trì chế độ nô lệ, trái ngược với phe miền Bắc muốn dẹp bỏ. Hai miền đánh nhau nhưng tướng sĩ hai bên đều chiến đấu cho lý tưởng vì lợi ích dân tộc. Dân tộc, theo cách nhìn dân Mỹ thời đó, chỉ là dân tộc… da trắng, chứ không tính luôn những người da đen. Không ít người cho rằng vì phe miền Bắc thấy chế độ nô lệ là sai nên muốn dẹp bỏ. Nói vậy thì coi thường (trí tuệ) dân miền Nam quá! Không lẽ trình độ nhận thức ở hai miền quá cách biệt như thế? Cái chính là dân miền Nam thấy sai mà vẫn làm, vì quyền lợi trước mắt. Dân miền Bắc thấy sai và muốn bỏ đi vì quyền lợi lâu dài của dân tộc. Như chính lời của Tổng thống Abraham Lincoln đại diện phe miền Bắc: “Có sự khác biệt về thể chất giữa hai chủng tộc đen và trắng khiến họ không bao giờ có thể sống bình đẳng với nhau về xã hội cũng như chính trị.” Kế hoạch hậu chiến của ông Lincoln là đưa hết người da đen về lại Phi châu hoặc xuống vùng đất nào đó dưới Nam Mỹ. Vì Lincoln bị ám sát ngay sau khi chiến tranh vừa kết thúc nên kế hoạch ấy không được tiến hành. Nếu cho rằng ý tưởng (và kế hoạch) ấy của riêng Abraham Lincoln, chứ không phải ý nguyện của đa số dân Mỹ, nhất là người miền Bắc thời đó, thì lại càng không nên tôn vinh ông là một trong những vĩ nhân của nước Mỹ, không dựng đài kỷ niệm cho ông ngay tại thủ đô.

Trong thực tế, cuộc chiến đã kết thúc khi Tướng Robert E. Lee đầu hàng Tướng Grant tại Appomattox, Virginia, năm 1865 – NGUỒN MARYSUEDONSKY.WORDPRESS.COM

Lá cờ mà ông Obama nói đến đã đại diện cho người dân miền Nam suốt thời nội chiến. Nếu nói tôn vinh tất cả những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh này, không phân biệt miền Nam hay miền Bắc, mà không tôn trọng lá cờ của họ thì như thế là không thật lòng. Dù ở phe nào, ai cũng chết vì lá cờ. Không ai bị lừa dối khi tham gia quân đội mỗi bên. Không giống như thanh niên miền Bắc ở Việt Nam ngày trước bị tuyên truyền vào Nam để “giải phóng”. Lịch sử Hoa Kỳ cũng giống như lịch sử của bất cứ dân tộc nào trên thế giới, có xấu có tốt, có hay có dở. Tuy nhiên, một trong những vết son đậm nhất trong lịch sử của họ là không có sự hận thù đối với kẻ thù, nhất là đối với chính “đồng bào” mình. Sau nội chiến, họ không hề có bất cứ hành động nào mang tính trả thù đối với những người phe bại trận. Cụ thể là lá cờ của phe miền Nam vẫn được tung bay nơi công cộng cho đến ngày nay. Đấy là một hình ảnh đẹp nói lên sự độ lượng của dân tộc Hoa Kỳ. Chỉ vì một (vài) kẻ khủng bố chủng tộc mà dẹp bỏ lá cờ ấy như thâm ý của ông Obama thì sự độ lượng ấy không hơn gì chính quyền Hà Nội đã đàn áp anh Nguyễn Viết Dũng ở Nghệ An khi anh treo lá cờ VNCH trên mái nhà mình.

Hình ảnh lá cờ miền Nam ngày trước của nước Mỹ đối với những người như ông Obama có thể gợi nhớ điều gì đó xấu xa nhưng đối với những người khác, đặc biệt khi thấy nó còn được chính quyền hiện nay trân trọng, có thể mang một ý nghĩa đẹp. Không phải chuyện gì ở đời cũng thấy trắng đen rõ ràng. Có khi vừa trắng vừa đen…

HNH – FACEBOOK.COM/CHUYENKHONGDAU