Hiện nay có khoảng 387 triệu người trên thế giới bị mắc bệnh tiểu đường (diabetes) và với mức phát triển hiện nay, vào năm 2035 con số này sẽ tăng lên tới 592 triệu. Cùng tăng lên với số bệnh nhân, số lượng xét nghiệm đường trong máu, theo dõi thực phẩm và chích insulin… cũng gia tăng theo. Các nhà nghiên cứu đã chế tạo một loại “thuốc dán” điều hòa lượng insulin trong cơ thể. Miếng dán này chứa khoảng 100 kim nhọn sẽ tự động tiết ra insulin vào mạch máu khi cần thiết. Mặc dù có tới 100 kim, nhưng kim này sẽ không gây đau vì chúng cực nhỏ, chỉ bằng 1/100 của sợi tóc, và toàn bộ được xếp trên một diện tích không lớn hơn diện tích của một đồng xu. Mỗi đầu kim này gắn liền với một túi chứa 2 chất: insulin và một enzyme cảm ứng với đường glucose. Khi đường trong máu tăng cao, đường sẽ tràn tới các kim và các emzymes sẽ được kích hoạt đưa tới việc phóng thích insulin vào máu. Khi chế tạo, người ta thay đổi lượng enzyme trong các kim này cho phù hợp với tình trạng của bệnh nhân, nhờ đó insulin bơm vào máu được điều tiết phù hợp, đồng thời cũng để kéo dài thời gian tác dụng. Miếng dán insulin này tác dụng nhanh, không đau, dễ sử dụng, kết quả chắc chắn, và phù hợp cho từng bệnh nhân. Trong tương lai đây sẽ là phương tiện thay thế cho việc tiêm chích insulin hiện đang dùng.
Điều khiển TV bằng suy nghĩ
Người ta đã chế tạo ra tay chân giả, máy bay không người lái… đều có thể được điều khiển bằng suy nghĩ của người sử dụng. Các chuyên viên kỹ thuật của BBC cũng đang cải tiến cách điều khiển TV để giúp người ta sử dụng TV dễ dàng hơn, nhất là cho người tàn tật. BBC đã đưa ra sáng kiến đầu tiên gồm một máy đọc điện não đồ (EEG Electroencephalography) được đặt trên đầu của người sử dụng. Máy đọc này sẽ đo các hoạt động điện của não bộ và một phần mềm ứng dụng kèm theo sẽ biểu hiện mức độ tập trung của người sử dụng ở 2 cấp “concentration” và “meditation”. Khi độ tập trung của người sử dụng đạt một mức độ nào đó, người sử dụng sẽ có thể thực hiện các hành động của họ. Những thí nghiệm ban đầu cho thấy khả năng tập trung của người sử dụng có sự khác biệt, vì vậy mức độ thành công cũng khác nhau. Dù đây chỉ là bước đầu, nhưng BBC cho biết dụng cụ này chắc chắn được phát triển trong tương lai gần đây.