Có phần chìm khuất giữa một tuần nhiều sự kiện sôi động tại Hoa Kỳ và cả thế giới là vấn nạn thời tiết nóng bức dị thường trên khắp hoàn cầu. Những sự kiện này càng đẩy thêm cao những quan ngại cho môi trường, sự biến đổi khí hậu, nạn trái đất nóng dần lên…
Người Ấn ra sông tắm mát. Ảnh www.marketinggum.com
Các đợt trời nóng đã giết hại hằng ngàn người tại Nam Á, cách riêng là Pakistan. Có thêm áp lực cho nhà chức trách xứ này vì đa phần dân số theo Hồi Giáo, đang giữa thời điểm thiêng liêng hằng năm gọi là Ramadan. Dù trời nóng đổ lửa, nhiều tín đồ Hồi Giáo thuần thành vẫn mỗi ngày nhịn ăn uống từ bình minh đến hoàng hôn. Nhưng giữa 1 tình cảnh ngặt nghèo, đã có nhiều giáo sĩ Hồi Giáo lên tiếng kêu gọi người ta cẩn thận giữ gìn sức khoẻ, và nếu cần thiết thì có thể ăn uống chút ít.
Tưới nước cấp cứu 1 người tại Karachi, Pakistan. Ảnh www.nbcnews.com
Ðợt khí nóng nguy hiểm chết người đến đỗi, không chỉ hệ thống nhà thương chật hết chỗ, vô phương tiếp nhận thêm bệnh nhân, mà đến cả những Thánh đường Hồi Giáo cũng chật cứng tử thi. Ðã thấy ở vài nơi, các giáo sĩ phải bố cáo không thể nhận thêm xác nạn nhân đột tử vì trời nóng. Tình thế khẩn cấp đến độ, hôm Thứ Ba, 23-6-2015, Thủ Tướng Pakistan, Nawaz Sharif, đã phải ban hành tình trạng nguy khốn quốc gia, và ra lệnh cho quân lực nước này lập tức mở nhiều trung tâm y tế dã chiến trên khắp xứ sở, yểm trợ các nhà thương đang đối phó không xuể với vô số ca đột quỵ vì nhiệt.
Nơi chịu thiệt hại nhân mạng cao nhất, vượt mức 1,000 người, là Karachi ở cực Nam Pakistan. Thành phố có tới 20 triệu dân đang phải chịu trận thời tiết nóng kỷ lục. Hôm Thứ Bảy, 20-6-2015, nhiệt độ trong ngày lên đến 44.8 độ C (112.64 độ F). Sang Chúa Nhật bớt nóng chút xíu nhưng vẫn đến 42.5 độ C (108.5 độ F). Tại đây hiện nay, các dịch vụ cung cấp nước đóng chai hay nước đóng bình đang bán chạy hơn tôm tươi. Trời nóng càng kéo dài, tình cảnh dân chúng càng gian nan hơn, trong cảnh điện cúp liên miên, và thiếu nước trầm kha. Thậm chí, bất mãn vì bị cúp điện quá nhiều, nhiều người đã đổ ra đường biểu tình phản kháng. Còn ngoài ra, hầu như mọi sinh hoạt khác đều ngưng trệ: đường sá im lìm, trường học đóng cửa, chợ búa, trung tâm thương mại hoang vắng như chùa bà đanh…
Karachi Zoo- chúa tể sơn lâm đang giải khát. Ảnh Shahzaib Akber / European Pressphoto Agency
Về hướng Ðông của Pakistan, một xứ khác là Ấn Ðộ cũng đang lao đao vì nắng nóng khắp nơi, kể cả thủ đô New Delhi. Dịch nóng đã giết hại 2,000 người và ảnh hưởng đời sống hằng triệu người khác. Trên thị trường, thịt gà lên giá 30% vì đã có hằng triệu gà chết vì trời quá nóng, và nhiều cơ sở nuôi gà đã buộc phải đóng cửa vì lý do lỗ lã lẫn vệ sinh và y tế. Tại Kolkata, thủ phủ của tiểu bang West Bengal, giới tài xế taxi thậm chí đã đình công, không chịu làm việc sau khi có 2 bác tài xấu số tử nạn ngay trong khi chở khách vì bị đột quỵ nhiệt.
Trên mặt xã hội, Ấn Ðộ đối mặt rủi ro cao trong đợt nóng hạn này. Xứ Ấn có tới 1.2 tỉ người, mà đến 1/3 dân số sống trong cảnh bần hàn, thiếu nước, thiếu điện, hoặc những dịch vụ y tế căn bản. Có hằng triệu người Ấn vô gia cư, phải mưu sinh lây lất trên hè phố. Hệ thống hạ tầng của Ấn Ðộ lại kém cỏi, nhất là đường sá phẩm chất rất thấp. Nhiều nơi ở nước này thậm chí đã thấy nhiều con đường bắt đầu chảy nhựa vì trời nóng. Theo thẩm quyền y tế, đa số nạn nhân bị đột quỵ nhiệt là giới cùng khổ, đơn giản chỉ vì cơ thể thiếu nước.
Giữa đợt nắng nóng thiêu đốt, lại có nhiều thành phố Ấn phải cúp điện có ngày đến 10 tiếng. Các nhà chức trách đành phải hủy bỏ mọi kế hoạch nghỉ hè, cấm trại tất cả y sĩ, trong cảnh một loạt các nhà thương bị tràn ngập bệnh nhân đột quỵ nhiệt. Ðến nay, kỷ lục trời nóng là 117°F (47°C) xảy ra tại tiểu bang Odisha. Viễn cảnh cho xứ Ấn có phần bi quan vì nhiều dự báo thời tiết sẽ chỉ càng nóng hơn, kéo dài hơn, xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai.
Phát nước bên ngoài 1 trung tâm cứu trợ khẩn cấp ở Karachi, Pakistan hôm 23-6-2015. Ảnh AKHTAR
Tuy hoàn cảnh xã hội, kinh tế bội phần tươi sáng hơn Ấn Ðộ, Hoa Kỳ cũng không thoát cảnh thời tiết nóng. Cuối tuần vừa qua, đợt nắng nóng chụp lên miền Ðông Nam Hoa Kỳ ảnh hưởng hằng triệu người. Trời nóng đến độ, có blogger đã than thở hôm 17-6-2015 là “chẳng còn chim chóc nào buồn bay, cũng chẳng có ai màng bước ra đường”. Hôm Thứ Năm trong tuần qua cũng là ngày nóng nhất trong năm tại Biệt Khu Thủ Ðô Washington, D.C. Tại Georgia, từ Thứ Tư giữa tuần, nhiều nơi trong tiểu bang bị đặt trong tình trạng chú trọng đặc biệt vì trời nóng, có nơi lên đến 105 độ F. Riêng thành phố Atlanta quyết định mở cửa hằng chục hồ bơi miễn phí, và các trạm cứu hỏa có thêm sứ mạng phân phát nước uống cho dân chúng.
Cuối tháng 6 nóng đổ lửa ở Islamabad, Pakistan. Ảnh FAISAL MAHMOOD/REUTERS
Các tiểu bang miền Tây cũng không mát mẻ hơn. Tại tiểu bang Arizona, chỉ cách Phoenix chừng 85 dặm, chừng 230 lính cứu hỏa đang phải chống chọi nạn cháy rừng, giữ cho nó không lan ra thị trấn Kearny với 2,000 cư dân. Tiểu bang vàng California thì từ tháng 2-2015 đến nay, vùng Trung và Nam nhiệt độ lên trung bình 6 đến 7 độ F cao hơn lệ thường. Trời nóng gây nhiều vụ cháy rừng, nặng nhất tại vùng San Bernardino National Forest. Chừng 1,200 lính cứu hỏa phải căng sức ngăn chận hỏa hoạn, bảo vệ hằng trăm du khách phải tức tốc rời bỏ các địa điểm nghỉ mát. Ngay cả heo hút như Alaska cũng không thoát khỏi dịch khí nóng và nạn cháy rừng. Hiện có trên 320 lính cứu hỏa tìm cách dập tắt các vụ cháy rừng ở mạn Bắc lẫn Nam của Anchorage, với khói lửa phủ trùm 160 dặm vuông.
Ngay kề bên Hoa Kỳ, người láng giềng Canada ở Vancouver, tỉnh bang British Columbia, đã bắt gặp cái nóng 30°C hiếm thấy vào thời điểm này trong năm. Cái nóng bức khó chịu và nhiệt độ ngày càng tăng xảy ra khắp thế giới những năm gần đây. Bên Úc năm 2014, thị trấn Narrabri, phía Tây Bắc Sydney, nhiệt độ lên đến 118°F (47.7°C). Sau đó người ta đếm được khoảng 100,000 con dơi rũ cánh chết lớp lớp, và nhiều nông phu đã phải ra tay hạ sát một số bò, tránh cho chúng khỏi cảnh chết khát. Tại nước Nga năm 2010, thời điểm giữa tháng 7-8, nhiệt độ từng lên cao đến 128.3°F (53.5°C), gây ra cái chết cho 11,000 người chỉ riêng tại Moscow. Và khắp nơi ở Âu Châu năm 2003, các đợt nắng nóng thiêu đốt đã đưa đến cái chết của 20,000 đến 35,000 người. Cách riêng ở miền Bắc Pháp, nhiệt độ lên trên 104°F (40°C). Lần đó, nước sông Danube đoạn chảy qua Serbia xuống mức thấp nhất trong 100 năm, thậm chí để lộ nhiều trái bom và tàu thuyền bị chìm từ thời Thế Chiến I.
Trời nóng chảy nhựa đường ở New Delhi, xứ Ấn. Ảnh EPA/HARISH TYAGI
Thời tiết khí hậu thay đổi cũng bộc lộ nhiều vấn đề nhân đạo. Xưa nay, khi nghĩ đến thiên tai, người ta thường điểm danh động đất, hạn hán, lũ lụt, mưa đá, sóng thần, v.v… Ngày nay, phải kể thêm trời nóng chết người. Ðã thấy có các áp lực nhân đạo lên cách phân chia viện trợ của chánh phủ Hoa Kỳ, mỗi năm nhiều tỉ Mỹ kim. Người ta kêu gọi chánh phủ Hoa Kỳ có giải pháp thúc đẩy các nước nghèo chi tiền viện trợ cho các dự án đề phòng và đối phó với dịch nắng nóng trong tương lai. Cũng có nhiều dư luận khác muốn giới truyền thông chú trọng hơn về vấn nạn thời tiết nóng bức dị thường trên khắp địa cầu, và giúp gây ảnh hưởng đối với việc hoạch định chánh sách quốc gia lẫn quốc tế về thảm họa này.
Tử thi của những người chết vì dịch nóng bên trong 1 Thánh đường Hồi Giáo Pakistan. Ảnh AP Photo/Shakil Adil
TD