Nhà văn Nguyễn Mộng Giác sinh thời được nhiều bạn bè tin cậy, yêu mến và quý trọng. Anh là người hiểu biết, điềm đạm, hòa nhã và có biệt nhãn với các tài năng văn học. Tờ Văn Học do anh chủ trương đã thu hút được nhiều cây bút lớn tuổi có, trẻ có, nổi tiếng hoặc chưa nổi tiếng, nam và nữ cùng góp mặt. Đây là sân chơi và là đất đứng của nhiều người. Nhà thơ Đỗ Quý Toàn từng ghi nhận: “Nguyễn Mộng Giác chủ tâm chỉ làm văn nghệ, nhưng anh đóng vai chủ trương tờ báo Văn Học với vai trò một đạo diễn, một trọng tài, một người kéo màn hay một nhà nội trợ nấu nướng, chứ không cốt làm báo để tự mình nhận vai diễn viên số một. Anh đứng đằng sau tờ tạp chí, nhưng nhận một vai trò khiêm tốn. Đó là một điều đáng quý vì cá tính của anh. Nhiều người làm báo vì sở thích hoặc nhu cầu cá nhân, nếu không làm thì không chịu nổi. Nguyễn Mộng Giác xây dựng một tạp chí văn học vì nhu cầu chung, bao nhiêu người đang muốn bảo vệ tiếng nói Việt Nam, văn chương Việt Nam, tụ họp các tài năng sáng tạo của người Việt Nam…
Quan trọng nhất là các tạp chí Văn Học, Văn đã kích thích bao nhiêu nhà văn, thi sĩ viết trở lại; bao nhiêu người trẻ sáng tác hăng hái. Thời gian hơn 20 năm trước, nhờ đọc tờ Văn Học chúng tôi mới được biết những bài thơ của Ngu Yên, Trần Mộng Tú, Nguyễn Thị Thanh Bình, Chân Phương, Đặng Hiền, Trân Sa, Thường Quán, Đỗ Quyên v.v.
Những truyện ngắn của Miêng, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Ngô Nguyên Dũng, Trần Vũ, v.v.”
Riêng người giữ mục còn nhớ thơ Khoa Hữu được hải ngoại biết đến là qua Văn Học, bản thân lúc đầu cũng nhờ Văn Học giới thiệu với anh chị em trong ngoài, và Nguyễn Thị Thảo An cũng nổi lên từ Văn Học.
Nguyễn Mộng Giác ra đi là một mất mát lớn cho nền văn học nơi này, khiến nhiều người thương tiếc. Sau đây kỷ niệm ngày Nguyễn Mộng Giác từ giã anh em cách nay ba năm, xin gởi đến bạn đọc hai bài viết -một của Nguyễn Thị Thảo An, một của Nguyễn Xuân Thiệp.
NGUYỄN & BẠN HỮU
Mắt nhìn chin cõi
Tháng 10, năm 1999, lần đầu tiên tôi gửi bài cho báo Văn Học. Gửi thử thôi. Không có hy vọng báo đăng. Một vài cây viết kỳ cựu trước 1975 bảo tôi, Văn Học, Văn “tuyển” bài lắm. Có người còn dọa, làm thơ phải biết “nhậu”, viết văn phải biết xã giao, phải có quen biết, có gửi gắm,… Đóng cửa như tôi thì viết có mà để giun dế đọc.
Tôi không tin. Một nhà văn đích thật, tự nhiên sẽ quý văn người như văn mình.
“Không tin ư?” Bạn tôi nói. “Văn của Dương Nghiễm Mậu từng bị quăng vào sọt rác, thơ Nguyễn Tất Nhiên cũng phải luồn cúi mới được đăng.”
Tôi xót xa, “Thế còn gì là văn chương?”
Cả ngày, tôi lan man thương cảm cho những ngòi bút đã mịt mùng trong quên lãng.
Bạn tôi “bồi” thêm, “Vì sao mà Đối Diện, Trình Bày, Ý Thức,… ra đời? Vì sao có những tên tuổi bây giờ lại chưa từng có mặt trên Bách Khoa, Văn Học, Văn,… thuở trước?”
Trong tích tắc, lòng tôi bỗng chùng xuống.
Rượu, tôi không uống. Xã giao, tôi không thích. Phe nhóm, tôi không ưa. Tôi thở dài, liều mạng tuyên bố một câu xanh dờn. “Được thôi. Vậy thì tôi sẽ viết để giun dế đọc.”
Qua ngày hôm sau, Văn Học email hồi âm. Ông Nguyễn Mộng Giác viết vài lời nhận xét và khen ngợi. Tôi hồi âm, kiệm lời, kiệm ý. Và tự răn mình trước những lời khen. Lời khen giống như một thứ rượu ngon, dễ quá chén.
Mấy ngày sau, hơn mười giờ tối, ông Giác gọi hỏi thăm. Giọng ông hòa nhã, vui vẻ. Ông tỏ ý thích những tư tưởng trong bài và nhắn nhủ mong có sự hợp tác dài lâu. Sau này, qua một vài người quen, tôi vỡ lẽ, ông gọi bất ngờ chỉ để kiểm chứng coi tôi có phải là phụ nữ thật không.
Năm 2001, tôi có dịp đi Cali và đến thăm “tòa soạn” báo Văn Học. Đó là căn nhà riêng của ông Nguyễn Mộng Giác. Đó cũng là căn nhà chung của giới văn nghệ sĩ. Ông Giác dẫn tôi đi loanh quanh xem góc làm việc của tờ Văn Học, chỗ garage làm kho chứa báo.
Với những người viết, sự gặp gỡ chỉ là cơ hội để kiểm chứng giữa văn và người. Bởi họ đã quen biết nhau qua tác phẩm. Nhưng Nguyễn Mộng Giác đã đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Cảm giác ngạc nhiên đầu tiên, ông là người đàn ông không đẹp trai. Nhưng càng nói chuyện, tôi càng bất ngờ. Bên trong cái bề ngoài thô ráp kia là một tâm hồn tinh tế, tỉ mỉ, sâu sắc và đẹp. Đẹp đến xúc động. Trí nhớ tôi bất chợt lui về trên những trang sách. Loáng thoáng, tôi bắt gặp vài nét quen quen trong những nhân vật của ông. Ông Giáo Hiến, Lãng, người tù cải tạo, anh chàng kéo vĩ cầm,… đều đang lẩn quất đâu đó.
Câu chuyện văn học lan man đủ thứ. Mỗi người góp một chút. Tôi im lặng ngồi nghe những khúc chắp nối, không đầu không đuôi. Có người ngắt một vài giai thoại trước 75, chị Chi kể một vài kỷ niệm khi anh Giác viết Sông Côn Mùa Lũ, ông Giác nói về giai đoạn khó khăn khi bắt đầu làm tờ Văn Học, và những khuynh hướng mới, những người mới trong giai đoạn sau này ở hải ngoại.
Khi câu chuyện bắt đầu lơi, mọi người quay sang nhận xét về tôi. Ông Giác tiên đoán, sau này tôi sẽ là một cây viết độc lập, không giống ai. Có nghĩa là, (ông giải thích thêm), tôi sẽ đứng một mình một cõi.
“Một mình một cõi?” Tôi lớ ngớ hỏi, “Cõi nào?” Lập tức, trong đầu liên tưởng ra những chủ đề mình đang viết.
Ông Giác nói, thông thường những người mới viết đều viết truyện về mình, sau mới viết về người. Tại sao tôi không viết về mình. Hay truyện tình, chẳng hạn. Tại sao không?
Tôi cười cười. Nói về mình? Truyện nhạt mất. Còn truyện tình. Là chuyện nhỏ. Ở mỗi một chuyện tình ngang trái đều có một cái gút. Cái gút ví như hòn sỏi nhỏ trong đôi giày. Tôi không hiểu sao, các tác giả thường bắt những nhân vật chính mang đôi giày đi một cách khốn khổ từ đầu tới cuối truyện.
Ông cười khuyên, vậy thì tôi nên viết truyện dài.
Thời gian sau, Văn Học giao cho nhà văn Cao Xuân Huy. Tôi không còn liên lạc với ông như trước. Thỉnh thoảng, tôi lục bài viết của ông, đọc đi đọc lại. Còn ông, cũng đọc những bài viết của tôi đăng trên net.
Hai năm sau này, thỉnh thoảng bạn bè ở Cali báo tin sang. Tôi mới gọi điện thoại thăm. Chị Diệu Chi kể sơ sơ về bệnh tình. Ông Giác bắt điện thoại. Ông lại nhắc tôi viết truyện dài. Giọng ông vẫn hăm hở. Hình như câu chuyện hôm nay vẫn đang tiếp nối cuộc chuyện trò của mười năm trước. Lời đồn quả không ngoa. Lòng đam mê văn chương đang thổi rốc lên một tia lửa, làm hồi sinh một thân xác đang suy tàn.
Vẫn biết “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử?”, tôi khuyên mọi người, nhưng không khuyên được chính mình. Những vì sao trong văn học cứ rơi rụng dần.
Biết ông bệnh nặng, nhưng tôi không đi thăm. Không có người đàn ông nào muốn người phụ nữ thấy mình trong tình trạng đang suy kiệt. Tôi cứ ngồi nhà mà nghĩ tới ông, thì cũng được. Nói đúng ra, tôi muốn giữ hình ảnh nhà văn Nguyễn Mộng Giác thời nào của tờ Văn Học. Một người trí thức điềm tĩnh, hiền hòa, mô phạm. Một ngòi bút sâu sắc, tinh tế, đầy nhân bản. Một phong cách điển hình cho văn nghệ sĩ Miền Nam. Một loại “thạch trung ẩn ngọc” phải lôi trôi, luân lưu theo thời vận.
Tin ông qua đời không làm tôi ngạc nhiên. Tôi chuẩn bị tinh thần đã nhiều lần trước đó. Dù vậy, vẫn không tránh khỏi sự xúc động. Xúc động đến lao đao. Mấy hôm nay ra vào, tôi cứ ngẩn ngơ.
Sau cái chết, linh hồn người ta đi đâu?
Lên thiên đàng? Xuống địa ngục? Hay lạc bước về đâu trong chốn vũ trụ khôn cùng?
Còn người viết, linh hồn của họ sẽ về đâu?
Tôi lên net, đọc lại bài Bầu Ơi, Thương Lấy Bí Cùng. Bất chợt, gặp ông sống dậy trong vai người tù cải tạo.
…. Bây giờ thì tôi tin, sau khi chết, người viết sẽ lại trở về giữa những dòng chữ của mình. Ví như một vì sao tắt, còn để lại trên bầu trời những dấu vết lấp lánh.
Sao ơi!
Nguyễn Thị Thảo An
Giác đi
Nguyễn Xuân Thiệp
có tôi và bông hải đào nói
lời chia biệt
chúng ta sống để nhìn bạn bè ra đi
Giác đã đi sao
không còn nghe tiếng cười trong ngôi nhà ở westminster
bên diệu chi
giữa bạn bè. và mùi hương trà. quyện nắng
nhớ buổi đầu tiên tới mỹ
qua hoàng khởi phong. giác lấy những bài thơ của
tôi và đăng lên văn học
rồi giác xuất bản ‘tôi cùng gió mùa’ của tôi
và tổ chức họp mặt anh em ở nhà giác ký tặng sách
có lê uyên phương và lê uyên hát ‘tôi muốn yêu tôi
muốn tin cuộc đời’
và bùi bích hà và trần mộng tú đến nghe đọc thơ tôi. có dung
ngồi bên nhắc từng câu từng chữ khi tôi quên
có nguyễn xuân hoàng. và hải phương kể lại thời ở pleiku
có đặng thơ thơ. và phùng nguyễn. lần đầu tiên gặp
mới đó mà đã hơn 15 năm trôi qua
rồi giác lâm trọng bịnh
nhưng mỗi khi tôi gọi phone cho diệu chi đều nghe
tiếng cười của giác
giác ơi
hãy nhớ cùng tôi
hãy nhớ cùng tôi
cách đây hai tháng. đinh cường và tôi sang cali gặp giác
ở quán vỹ dạ. giác cười. rưng rưng
nước mắt. như đã thấy được ngày chia
tay hôm nay
ơ. sao nắng cali vẫn lóe trên những hàng cây
ở đây hoa hải đào nở rực trước căn nhà tôi mướn
bảy cây hải đào. với những cành vươn ra trong gió.
thả rơi những bông màu hồng. vĩnh biệt
như cách đây hơn mười năm vĩnh biệt lê uyên phương
giờ đây vĩnh biệt giác
ôi một người đi
mà sao nắng vỡ trong mắt tôi
buổi sáng thật buồn
thôi chia tay giác
và tiếng cười trong căn nhà xưa
NXT
SÁNG NGÀY JULY 3. 2012 KHI NHẬN ĐƯỢC EMAIL LỮ QUỲNH BÁO TIN GIÁC RA ĐI