Tuần trước người thế giới xôn xao khi đọc bản tin về một cái chén sứ vừa được bán với giá 36 triệu Mỹ kim trong cuộc đấu giá của công ty Sotheby tại Hongkong.
Đành rằng cổ ngoạn là những thứ quý hiếm nên được bá tánh ưa chuộng nhưng với cái giá ấy những tay sành cổ ngoạn đều le lưỡi lắc đầu. Cái chén kia đã đoạt kỷ lục về “cao giá” cho một món cổ ngoạn!
Tất nhiên định giá cổ vật thường là một việc làm vô cùng chủ quan, hoàn toàn dựa trên lòng yêu thích của người mua và thị trường buôn bán ngày hôm ấy, những yếu tố không có căn bản vững chắc để ước đoán!
Chiếc chén sứ được nhà Sotheby đưa ra đấu giá – NGUỒN NEWS.NATIONALPOST.COM
Người mua cái chén cổ là một tay sưu tầm, ông Liu Yiqian, một người thuộc giai cấp “đại phú” (ultra rich) của Hoa Lục. Ông Liu bỏ học từ những năm đầu của bậc trung học, sống bằng nghề lái taxi trước khi phát đạt và trở nên giàu có qua ngành tài chánh. Tạp chí Forbes ước đoán rằng tài sản của ông Liu khoảng 900 triệu Mỹ kim, và ông này là người xếp thứ 200 trong danh sách đại phú tại Hoa Lục.
Cái chén sứ cỡ 3 phân Anh (9 phân Tây) rất mỏng manh từ thời Minh, thế kỷ thứ XV dưới thời Vua Chenghua, vẽ hình hai con gà trống, một gà mái và đàn gà con. Công ty đấu giá Sotheby cho rằng thế giới chỉ có khoảng 17 cái chén tương tự, 4 chiếc trong bộ sưu tập của tư nhân, phần còn lại nằm trong các viện bảo tàng.
Theo ông Nicolas Chow, Đại diện của Sotheby tại Hoa Lục, “chẳng có món cổ vật nào quý giá hiếm hoi hơn nữa trong lịch sử đồ sứ của Hoa Lục”. Nôm na là cái chén quý, quý lắm!
Đồ sứ hay porcelain (còn gọi là “China” hay “Fine China”) là tên gọi của vật dụng nắn bằng đất sét, loại đất sét đặc biệt có tên riêng là “thạch cao” hay kaolin, đem nung trong lò nóng dưới nhiệt độ 1,200 °C (2,192 °F) và 1,400 °C (2,552 °F). Ở nhiệt độ này, đất sét và kim loại lẫn trong đất hóa thành “kính” tạo nên độ cứng và mức trong [suốt] của vật dụng. Sau khi nung, vật dụng không còn thấm nước.
Đồ sứ được chế tạo thành vật dụng dùng trong nhà như chén bát, tách, bình trà, chóe… hoặc các món trang trí.
Nguyên liệu tạo hợp chất làm đồ sứ thay đổi rất nhiều, tùy theo vật dụng muốn chế tạo, loại đất sét sử dụng, mức và loại kim loại trong đất sét… nhưng nguyên liệu chính vẫn là kaolinite, được bỏ thêm thủy tinh, steatite, quartz, petuntse và alabaster.
Đất sét được trộn với nước đến một độ dẻo đủ để nắn theo hình dạng vật dụng rồi đem nung; sau khi nung lần đầu, vật dụng được tráng men (glaze) rồi đem nung lần thứ nhì với nhiệt độ cao hơn. Những món đồ tráng men, đồ gốm, sành hoặc sứ, tùy theo loại men tráng, chứa các kim loại khác nhau, với cách trang trí tỉ mỉ mà món đồ vật trở nên đắt giá.
Đồ vật bằng đất nung xuất phát từ Trung Hoa cả ngàn năm trước tây lịch (1600–1046 BC), đến thời Đông Hán (năm 196–220), đồ gốm tráng men mới trở thành đồ sứ, tinh xảo và đẹp mắt hơn. Đến đời nhà Đường (618–906) các vật dụng bằng đất tráng men được xuất cảng sang Trung Đông, mở đầu cho việc phát triển nghề sản xuất vật dụng bằng đất nung. Vào thời Minh thì đồ sứ được xuất cảng sang Âu Châu; nhưng mặc cho các hãng xưởng Âu Châu cố lòng bắt chước, họ không thể nào khám phá các bí quyết chế tạo đồ sứ của Tàu. Mãi đến 200 năm sau, năm 1712, các bí mật về đồ sứ Tàu mới được bật mí nhờ một giáo sĩ Dòng Tên, cha Francois Xavier d’Entrecolles, ghi chép tỉ mỉ cách thức chế tạo trong hồi ký. Thế là các tay sản xuất Âu Châu rầm rộ bắt chước rồi sản xuất các vật dụng tại địa phương, từ Pháp (Limoge), Đức (Meissen), Ý, Anh đến Hòa Lan (Deft).
Thời cường thịnh nhất của đồ sứ Tàu là các món chế tạo trong thời Minh, các vật dụng mỏng, trong được trang trí tinh xảo và rất đẹp.
Trở lại với cái chén đàn gà tuổi tác trên 500 năm, sau khi thẩm định kỹ thuật tráng men, trang trí trên cái chén, ông Chow cho rằng vật dụng này được chế tạo từ lò gốm của hoàng cung, royal kiln, chỉ chế tạo đồ dùng trong cung cấm. Đây là món hàng rất cao giá từ thế kỷ XVII vì được xem là chế tạo với một kỹ thuật hoàn mỹ [vì chưa có vật dụng nào tinh xảo và đẹp hơn?]!
Nhân viên của Sotheby sau khi đấu giá. NGUỒN NEWS.NATIONALPOST.COM
Trước cái chén đàn gà, cổ vật bằng sứ của Tàu được bán cao giá nhất là một cái hồ lô, chế tạo từ thời Càn Long, đời Thanh, với giá 32.4 triệu Mỹ kim vào năm 2010. Năm nay, cái chén đàn gà phá kỷ lục ấy với bảng giá 36.1 triệu. Trong lúc đấu giá, khi giá cả lên đến 32.2 triệu thì một số tay sưu tầm bỏ cuộc, và chỉ mươi người còn lại theo đuổi đến cùng dù món cổ vật chưa đạt đến mức ước lượng là 38.6 triệu!
Những tay quan sát thị trường cổ ngoạn cho rằng các nhà đấu giá Hongkong đang được thời làm ăn dù kinh tế Hoa Lục có phần èo uột, nhưng vẫn có những người giàu nứt vách, sẵn sàng tiêu xài các số tiền khổng lồ để sưu tầm bảo vật. Sau nhà cửa, xe cộ, tàu bay, du thuyền (những cách trưng bày của cải dễ dàng và giản dị nhất) bá tánh mua sắm những món trang sức, từ quý kim, tranh ảnh đến cổ ngoạn, để tiêu xài tiền bạc. Các tác phẩm nghệ thuật xuất phát từ Á Châu được các nhà giàu Hoa Lục đặc biệt để ý đến. Họ mua dồn dập những món cao giá nhất từ nhà đấu giá Sotheby!
Nhìn chung, sau những năm khốn khó đói rách dười thời “cách mạng đỏ” được cởi trói để làm ăn, người dân hăm hở làm giàu và khi thu góp được các món tiền đáng kể, các tài phiệt Hoa Lục muốn đổi đời. Tiền bạc tích lũy quá dư thừa nên người giàu sắm đồ trang sức, những vật dụng nói giùm với bá tánh là chủ nhân giàu có lắm. Ngoài ra, việc thu góp các cổ vật Trung Hoa còn nói lên một điều khác: Các đại phú này muốn mang về quê nhà những cổ ngoạn của tổ tiên họ, thất thoát ra ngoại quốc vì nhiều lý do, bị đánh cướp dưới thời bị trị, bị mua rẻ vì chủ nhân túng thiếu …
Chính ước muốn sưu tầm thu góp kia khiến cổ vật xuất phát từ Hoa Lục lên giá ào ào trong thập niên gần đây. Cổ ngoạn thì tất nhiên là hiếm hoi; có nhiều người muốn mua là món hàng tự động lên giá theo luật cung cầu!
Liu Yiqian dùng cái chén uống trà – NGUỒN NEWS.NATIONALPOST.COM
Riêng ông Liu Yiqian, người nhất định mua cái chén đàn gà “với bất cứ giá nào” sẽ làm gì với cái chén kia? Ông Liu sẽ mang về chưng tại viện bảo tàng Long Museum tại Thượng Hải; đây là viện bảo tàng do ông ấy và bà vợ, Wang Wei, thành lập năm 2012.
Hy vọng là Long Museum sẽ mở cửa cho bá tánh vào xem ké để Dế Mèn đây khi có dịp ghé Hoa Lục sẽ mò đến xem cho biết?
TLL