Menu Close

CVEMC nối nhịp cầu văn hóa

Trưng diễn cổ ngọc tại Ford Theatres

CVEMC nối nhịp cầu văn hóa

 

Lần đầu tại Ford Theatres

Theo trang nhà http://fordtheatres.org, thì The John Anson Ford Theatres là một trung tâm nhằm vào mục đích nuôi dưỡng sự xuất sắc, đa dạng, sức sống, sự thông cảm, trình độ thưởng thức, và tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ thuật trình diễn tại Quận Los Angeles. Chương trình của The Ford hỗ trợ cho nghệ sĩ, các tổ chức và cộng đồng nghệ thuật, và tạo lối cho người dân tại Los Angeles có điều kiện khám phá và thưởng thức văn hóa trong vùng và trên thế giới.

The Ford luôn cố gắng để trở thành một trung tâm trình diễn có tính cách cộng đồng và tầm vóc quốc tế, cũng như tưởng thưởng và phản ảnh sự đa dạng trong dân cư tại Los Angeles. Qua đó, the Ford nâng cao sức sống của sinh hoạt nghệ thuật trong cộng đồng và của các tổ chức văn hóa qua việc thực hiện các chương trình, tạo tình liên đới, và qua chính tiềm năng dồi dào về mặt văn hóa của Los Angeles.

Tôi nhớ mùa hè 2011, the Ford lần đầu tiên tổ chức một chương trình về văn hóa Việt Nam, và đã mời Trung Tâm Văn Hóa Nghệ Thuật Dân Tộc Việt (Center For Vietnamese Culture & Art CVECA) thực hiện.

Đôi uyên ương nghệ sĩ Nga Mi và Trần Lãng Minh tình tứ, duyên dáng trong điệu hát Quan Họ “Giã Bạn,”

Trưng diễn cổ ngọc

Chương trình nhạc Việt này nằm trong chuỗi Big!World!Fun của the Ford, hoàn toàn miễn phí cho trẻ em, và vé $5 cho người lớn. Một chương trình nhằm nâng cao trình độ và cơ hội thưởng thức nghệ thuật trong cộng đồng, đặc biệt dành cho gia đình, với phần thủ công trước giờ trình diễn. Độc giả có thể theo dõi những chương trình trong tương lai tại http://fordtheatres.org.

Buổi trình diễn của CVECA rất cô đọng, nhưng trưng diễn được nhiều ánh ngọc trong nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. Đôi uyên ương nghệ sĩ Nga Mi và Trần Lãng Minh chủ xướng, với sự góp mặt của Gs. Vũ Hồng Thịnh, tay trống nữ Anh Thơ, Ban Tế Lễ Nữ, và Vũ Đoàn Việt Cầm. Cá nhân tôi được quý vị chủ xướng mời từ Tháng Hai 2011, để đảm trách phần hướng dẫn chương trình bằng tiếng Anh và việc dịch thuật cho chương trình.

Chương trình có những tiết mục linh động, tạo hứng thú cho cử tọa và gợi thêm nhiều câu hỏi cho khán giả. Cây đàn đá Việt Nam đã mấy ngàn năm tuổi, phát ra những âm thanh trong trẻo. Đôi uyên ương nghệ sĩ Nga Mi và Trần Lãng Minh tình tứ, duyên dáng trong điệu hát Quan Họ “Giã Bạn,” chia tay chẳng đặng, quyến luyến không thôi. Khôi Nguyên thu hút trong vai Cô Đôi Thượng Ngàn trong bài Chầu Văn, khiến nhiều khán giả tí hon muốn gặp mặt sau giờ trình diễn. Tay trống Anh Thơ đưa nhịp điệu và hơi thở của đất vào những tiết mục dân ca, nhặt khoan, rõ rạch. Gs Vũ Hồng Thịnh trình diễn nhiều nhạc cụ truyền thống Việt Nam, trưng diễn sự đa dạng và phong phú của âm nhạc dân tộc. Các vũ công Việt Cầm điêu luyện trong điệu múa và cách trình diễn, tạo thêm sắc thái cho chương trình.

 

Buổi trình diễn của Trung Tâm Văn Hóa Nghệ Thuật Dân Tộc Việt (Center For Vietnamese Culture & Art – CVECA)

Phản hồi của khán giả

Rất nhiều khán giả đã nán lại để hàn huyên sau giờ diễn. Ai cũng vui cười, bảo họ rất thích chương trình này. Có một cậu bé độ 7 tuổi, đi cùng một bà cụ gầy gò, kéo theo một vali nhỏ. Trông họ như những khách lãng du. Bà cho biết bà là người gốc Honduras. Bà cụ móm mém cười nói với tôi, “Chương trình hay quá! Tôi rất thích những nhạc cụ lâu đời của Việt Nam.” Cậu bé hỏi tôi, “Cô dạy cho cháu nói một chữ tiếng Việt được không?” Dĩ nhiên là được rồi! “Cháu muốn nói chữ gì, cô dạy cho!” “Hello.” “À, là ‘chào,’ giống như chữ ‘Ciao’ trong tiếng Ý vậy. Chắc cháu biết rồi hả.” Cậu bé gật đầu. “Vậy cháu có muốn học một chữ khác không?” Lại gật đầu. “Chữ gì?” Suy nghĩ một lúc. Goodbye. À, “Tạm biệt.” Và cậu bé lấy quyển sổ nhỏ, nhờ tôi ghi xuống, vì cái chữ này… lạ quá!

Một phụ nữ da trắng khác nói với tôi rằng bà rất cảm kích sự hiện diện của các phụ nữ cao niên trong chương trình. “Sự hiện diện của họ làm cho tôi cảm thấy được kính trọng. Trong xã hội Mỹ ngày nay, người ta không tôn trọng người già. Ngày trước không như vậy. Con tôi bảo tôi không nên góp ý kiến với chúng, vì chúng cóc cần một mụ già như tôi.” Bà lắc đầu buồn bã. Tôi thưa với bà, “Vâng, trong văn hóa Việt Nam, chúng tôi rất kính trọng người lớn tuổi, vì sự khôn ngoan và tuổi tác của họ. Tuổi già thường được quý mến và coi trọng.” Tôi nói ‘thường’ là vì vẫn có trường hợp cha mẹ già yếu không được con cái kính trọng hay chăm sóc.

Bà nói tiếp, “Ở Mỹ, người ta tách người già ra khỏi đời sống bình thường, cô lập họ, và bỏ quên họ. Tôi e rằng các thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt, khi sinh trưởng và lớn lên tại Mỹ, sẽ đánh mất truyền thống văn hóa rất đẹp này.” Tôi đáp lời, “Thưa bà, tôi rất mong là các thế hệ sau sẽ tiếp tục tôn trọng và kính mến người cao niên.” Bà đáp thay cho lời tạm biệt, “Tôi cũng mong như thế. Và xin cám ơn quý vị đã chia sẻ văn hóa của mình hôm nay.”

Âm nhạc không chỉ đơn thuần là những nốt nhạc, lời ca, hay điệu múa. Nó mang cả tâm hồn một dân tộc, cả lối sống của một văn hóa, cả tư duy của một đất nước. Khi The Ford tổ chức một chương trình nhạc Việt, họ đã tạo sân chơi cho CVECA đưa Việt Nam – với cả văn hóa, con người – đến gần hơn với những cộng đồng địa phương.

Trangđài Glassey -Trầnguyễn