Nhà thơ Nguyễn Phan Thịnh sinh năm 1943 tại Hà Nam. Mất năm 2007 tại Sài Gòn.
TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN
– Hư ngôn (thơ, typo, Huế, 1969)
– Mơ một sáng mai hồng (thơ, ronéo, Phan Rang, 1/1975)
– Lãng mạn đời trăng (thơ in chung, nxb Cà Mau, 1989)
– Tình ca mưa (thơ, nxb Thanh Niên, tp.HCM., 2002)
Thơ, truyện, dịch thuật đã đăng trên các tạp chí:
– trước 1975: Mai, Tiểu Thuyết Tuần San, Văn,Văn Học, Vấn Đề, Bách Khoa…;
– sau 1975: Mỹ Thuật Thời Nay, Tri Thức Mới, Văn Nghệ Tp.HCM, Thế Giới Mới, Kiến Thức Ngày Nay, Văn Tuyển, Văn Chương…
Những bút hiệu khác: Thăng Trầm, Nguyễn Phan, Sơn Ca, Quyên Quyên…
HƯ NGÔN là tập thơ đầu tay, gồm 8 bài, của Nguyễn Phan Thịnh (1943-2007), với chân dung tác giả, bìa và phụ bản do Nguyễn Tuấn Khanh[1] vẽ. Tập thơ mỏng này được ấn loát theo lối typo, do tác giả xuất bản tại Huế năm 1969. Vì được in với số lượng hạn chế và do tác giả tự phát hành, tập thơ này hầu như được rất ít người biết đến. May thay, tác phẩm rất ít người biết này được cất giữ trong tủ sách gia đình của nhà thơ Trần Hữu Dũng. Bản điện tử dưới đây đến với độc giả bốn phương là do nhà thơ Lý Đợi thực hiện và cung cấp cho Tiền Vệ.
Hư ngôn*
Tặng bạn bè
1.
tôi còn sống được không
cây đã già khô những nhánh tàn
tôi còn sống được không với những tội lỗi hãi hùng
những đau khổ vỡ da mua chuộc và nuôi nấng
và chẳng có gì để sám hối hay xưng tội
tôi còn sống được là tôi nữa không
2.
con của cha mẹ, em của anh chị
công dân của tổ quốc
và người của nhân loại
có gì đâu để cho tôi xứng đáng tôi là
và những hứa hẹn tốt xấu nào ở trần gian hay bên kia mặt đất
3.
ai khen tôi ngoan ai trách tôi hư
ai thương tôi ai thù tôi
ở đời này và ngoài đời này
tôi còn sống được nữa không
4.
nước đã cạn khô chai cũng đã vỡ
với gì hơn sự khuất hiện vô cớ trong cõi rỗng không của cõi rỗng không
và thế nào khi tôi đã chết
ôi là những bẩn thỉu hôi hám trong hồn dạ
ôi là những xấu xa hèn hạ trên xương da
ôi là những gì kia
tôi còn sống được không
và làm sao tôi chết
5.
tôi là một con sâu róm, một bãi bùn hay một thây ma
tôi là gì khi ngoảnh lại xem tôi
tôi là gì vì không thể còn là người
dù là người sống dù là người chết
6.
mẹ cha đã bỏ lại
anh chị đã xa xăm
tổ quốc đã không là của tôi
nhân loại đã không là chúng ta
tôi là mẹ cha tôi, anh chị tôi
tôi là tổ quốc tôi, nhân loại tôi
tôi cũng là thần thánh tôi
tôi cũng là tôi mọi tôi
ôi xin có ai đến nguyền rủa cho một lời
7.
không mày sẽ không sống
mày sẽ không chết
mày sẽ không là gì hết
8.
chỉ là một rỗng không trong cõi rỗng không
vô hồn trong cõi vô hồn
vô hình trong cõi vô dạng
và vô thanh trong cõi im lìm
Hư ngôn, Thơ Nguyễn Phan Thịnh
Bìa và phụ bản Nguyễn Tuấn Khanh
In 500 số xong ngày 15.7.1969, dành riêng 50 số đánh dấu từ NPT1 đến HN20, và CV21 đến BG50 để tặng thân hữu.
Sau này Nguyễn Tuấn Khanh nổi tiếng trong hội họa với họa danh là Rừng. [phụ chú của Tiền Vệ]
Trích từ nguồn website tienve.org
PHỤ BẢN RỪNG
xích lô lên cầu
nếu anh chưa đạp xích lô qua cầu Kiệu
thì thật tình anh chưa biết đạp xích lô
anh ráng sức lên cầu, cẳng gà lẩy bẩy
lòi xương sườn trong áo lính xanh
tay run run ghì khung sắt nhơm nhớp
trên mái tóc người anh nghiến răng
mồ hôi như mưa mặt hóp xanh
bết muối trắng lưng áo lính
nếu anh đạp xích lô không lên cầu Kiệu
thì anh sinh ra không phải để đạp xích lô
anh ráng lên lên cầu
nhưng đã mất đà kiệt sức vì đói
thoắt một giây bàn đạp bật lên
dù anh trút sức tàn thật lâu lâu lắm
tích tắc kinh hoàng anh nín thở
đất trời đen như đáy huyệt mở toang
thùng xe nẩy dựng ngược
tiếng thét đàn bà xoáy vào óc anh
xe lật ngang, anh vật ra như bó giẻ
nghĩ mình chết hiển nhiên
ống chân nhói buốt tươm máu
tất cả dại tê dưới nắng lóa đỏ hực lên
anh không nhấn nổi chân lên bàn đạp
chưa thuộc bài lao động là vinh quang
đời anh cũng chưa một lần ngồi
để ai khác vì mình vất vả còng lưng
cầu Kiệu Sài Gòn dốc cao lên chất ngất
cho anh thấy một lần thăm thẳm ngày anh
học bài học đầu đời năm bốn mươi tuổi
lao động là máu xương
có tay người nâng vai anh dậy
và tiếng đàn bà lạc giọng thì thầm
anh nghe lạ như từ cõi xa vời
mơ hồ lắm–thầy ơi!
Sài Gòn, 2005