Menu Close

Việt Nam Quê Mẹ Oan Khiên – Dương Hiếu Nghĩa

Ta đi rồi ta lại về, nơi nào cũng chỉ có một bầu trời và ngần ấy những vì sao… Đây chính là hình ảnh của quê hương, cho dẫu đó là quê hương vỡ vụn đã biến đổi theo thời gian. Khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, ở trong nước và ở hải ngoại có rất nhiều tác phẩm viết về một trong số những cuộc chiến tàn khốc nhất thế kỷ 20 này. Từng câu từng chữ, từng quan điểm, từng nhận xét, có trong mỗi một tác phẩm viết về Chiến Tranh Việt Nam – ở chừng mực nào đó là những tài liệu khi gom góp lại, có thể phác họa thành khuôn mặt của lịch sử Việt Nam.

Tác phẩm “Việt Nam Quê Mẹ Oan Khiên” là bản dịch của ông Dương Hiếu Nghĩa, do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, Virginia, phát hành năm 2007. Nguyên tác viết bằng Tiếng Pháp “Viet Nam, Qu’as Tu Fait De Tes Fils?” của tác giả Pierre Darcourt, in tại Pháp tháng 11 năm 1975. Có thể nói đây là một tài liệu quý, vì tác giả chính là phóng viên chiến trường tại Việt Nam, rời Sài Gòn ngày 29 tháng 4 năm 1975. Vì  thế những gì ông ghi lại, dựa trên tình hình thực tế của xã hội Việt Nam trong những ngày cuối cùng của Tháng Tư năm 1975. Quyển sách tái hiện hình ảnh những nhân vật chính trị đã một thời vang bóng. Chẳng hạn như Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu – một đồng minh trung thành và chắc chắn, là thành lũy cuối cùng chống chủ nghĩa cộng sản tại Đông Nam Á, đã trở thành người cô đơn, cay đắng, thất vọng. Chẳng hạn như Tướng Trần Văn Đôn –  người từng cổ võ quân đội phải bảo vệ đất nước đến hơi thở cuối cùng, lại bị bắt gặp trên chuyến bay đi Bangkok cùng một phụ nữ xinh đẹp, người được ông trao cho tấm ngân phiếu “ký ngay tại ghế ngồi…” Còn rất nhiều chi tiết như vậy, về một hệ thống chính trị đã gần như mục nát trong giờ phút cuối.

Bên cạnh những điều trông thấy mà đau đớn lòng này, tác giả Pierre Darcourt cũng nói lên sự kính phục của ông đối với những người thủy chung như nhất, sống chết vì lý tưởng mà họ tôn thờ. Hình ảnh Tướng Lê Minh Đảo khẳng khái nói “Binh sĩ của tôi đã dũng cảm chiến đấu, làm sao tôi có thể bỏ rơi họ?” Và còn nữa, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú bị Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đổ trách nhiệm để mất Cao Nguyên Trung Phần, đã tự sát lấy cái chết làm bằng chứng đính chánh lời cáo buộc sai lầm này. Tác giả cảm thương số phận của dân tộc Việt Nam, không phân biệt Miền Bắc hay Miền Nam, bị tan đàn xẻ nghé, bị cắt chia, bị mất quá nhiều xương máu, phải chịu cảnh tang tóc thê lương đau đớn.

Tác giả Pierre Darcourt sinh năm 1926 tại Sài Gòn, Việt Nam. Ông theo học ở Sài Gòn và Hà Nội, gia nhập du kích chống Nhật ở Đông Dương, sau biến cố Tháng Ba năm 1945. Từ năm 1954, ông là phóng viên chiến trường Việt Nam của nhiều tờ báo tại nước Pháp. Ông rời Sài Gòn ngày 29 tháng 4 năm 1975.

Dịch giả Dương Hiếu Nghĩa sinh năm 1932 tại Sa Đéc, là Đại Tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975 ông bị đi tù cải tạo trên 12 năm. Năm 1992 ông định cư tại Hoa Kỳ, đã xuất gia với Pháp Danh Thích Không Như.

Đọc “Việt Nam Quê Mẹ Oan Khiên” để nghe tiếng tự tình thống trầm của hồn non nước, để thấy: Cách duy nhất có thể hàn gắn vết thương còn tuôn máu đỏ, là sự trung thực thú nhận từng ưu khuyết điểm của mỗi một đảng phái, của mỗi một con người; và cũng để cảm nhận sự thống nhất đích thực chỉ có khi muôn người Việt mở cõi lòng ra đón nhận những người cùng cội nguồn dân tộc bằng tình mến thương chân thành và độ lượng.

HNP
4:15am Thứ Bảy ngày 27 tháng 6 năm 2015