Menu Close

Thì sông cứ chảy

Thì sông cứ chảy (phận người cứ trôi) là tên một cuốn phim chỉ có 4 phút đã gây xúc động cho cả triệu người xem. Phim ghi lại cuộc sống của đám trẻ nghèo vùng sông nước Long Xuyên, An Giang. 

Chào đời không có giấy khai sinh, nhiều em nhỏ ở xóm thuyền tại Long Xuyên chỉ mong được sống trên bờ, được đi học, đi siêu thị, có nhà, có tiền giúp mẹ trả nợ.
Thì sông cứ chảy là dự án phim đầu tay của cô gái trẻ Mai Huyền Chi, quay phim Tạ Nguyên Hiệp. Mở đầu phim là cuộc sống mang hơi thở vùng sông nước trên những ngôi nhà nổi ở vùng An Giang. Các em nhỏ với những cái tên mộc mạc như Biển, Lụa, Gấm, Bé… chưa một lần được tới lớp dù đã đến tuổi. Cuộc sống hằng ngày của các em là đi bán vé số đỡ đần mẹ cha đang mưu sinh bằng nghề chài lưới.

Huyền Chi (X) và các thành viên đoàn làm phim với các diễn viên nhỏ – NGUỒN NGAYNAY.VN

Cuộc sống của các em gắn bó với sông nước. Các em tắm sông, giặt quần áo trên sông và nhà các em cũng trên sông. Các em đều có mong muốn được lên bờ để được hưởng cuộc sống như các em khác. Nói về khao khát của mình, các em mong được đi học, được có tiền để trả nợ cho mẹ, có nhà lầu để nuôi chó mèo và thậm chí là kết hôn… Những ước mơ tưởng chừng bình dị trở nên thử thách vô cùng vì đường đến trường còn nhiều chông gai. Hình ảnh các em nhỏ tập đọc bên ánh đèn dầu hiu hắt ở đoạn kết phim đọng lại nhiều suy ngẫm.

Tác giả Huyền Chi cho biết, thời gian quay phim là 3 ngày. Ý tưởng đến tình cờ khi cô thấy một nhóm trẻ con đang chơi đùa trên cồn đất giữa sông nên ghé vào. Tác giả chọn bối cảnh sông nước vì trước đó từng đến tìm hiểu làm phóng sự ảnh về tác động của đập thủy điện thượng nguồn đến đời sống người dân hạ nguồn. Cuộc sống của người dân nơi đây có một sức hút khiến tác giả muốn quay trở lại, kết quả là những thước phim bình dị ra đời.

Không chỉ có những thước phim mộc mạc, hành trình của nhóm bạn trẻ thực hiện dự án này cũng có nhiều điều để chia sẻ.

Thì sông cứ chảy ra đời hoàn toàn ngẫu hứng không hề được lên “khung” trước đối với cả Mai Huyền Chi và Tạ Nguyên Hiệp.  Thế rồi lúc đi loanh quanh ở bến sông, thấy tụi nhỏ đang chơi trên cồn, đôi bạn tấp vào, hỏi han rồi bị cuốn theo câu chuyện của chúng lúc nào chẳng hay…

Cảnh trong phim – NGUỒN YOUTUBE.COM

Hóa ra đằng sau sự phóng khoáng, cởi mở, vồn vã và tử tế của người dân Long Xuyên là những lo lắng đáng ngại khi họ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về mưu sinh, giáo dục, phẩm chất cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Sự thiếu thốn ấy phản chiếu qua gương mặt non tơ của những đứa trẻ – con cái họ – khi đến tuổi thay vì đến trường thì ngày ngày nơi chúng phải đến chỉ là những phiên chợ cá nhớp nháp với tập vé số trên tay. Mơ ước của chúng là có một mảnh giấy khai sinh để được đi học, được trở thành… ca sĩ để nhanh kiếm tiền trả nợ cho ba mẹ, còn nghề khác thì như Biển – một nhân vật trong phim – nói là “bí rồi”!

DH & BH – Tổng hợp từ tin Internet