Vấn nạn trái đất ấm dần lên (1) ngày càng đẩy thêm cao những quan ngại về môi trường sống trên trái đất. Lâu nay, sự chú trọng không ít từ giới truyền thông trước những biến đổi khí hậu không ít thì nhiều cũng đã giúp gây ảnh hưởng lên các hoạch định chánh sách quốc gia lẫn quốc tế về môi trường.
Thông Điệp “Laudato sí” thu hút hằng ngàn nhà hoạt động môi trường tuần hành qua Rome biểu đồng tình với và yểm trợ Pope Francis. Ảnh www.lifegate.com
Và hôm cuối Tháng Năm 2015, đến lượt Giáo Hội Công Giáo La Mã (2), qua bản Thông Điệp (3) của Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Francis, đã trực tiếp lên tiếng về thảm trạng môi trường. Thông điệp mang tên “Laudato Si'” (Anh ngữ là “Praised Be”), mượn từ lời cầu nguyện của Thánh Francis thành Assisi (4): “Laudato sí, mí Signore”, nghĩa là “Lạy Chúa của con, chúc tụng Chúa” (5). Như lời nguyện cầu xưa có nhắc rằng trái đất là căn nhà chung của chúng ta, thì trong Thông Điệp “Laudato Si'”, Pope Francis nhiều lần lặp đi lặp lại rằng “mọi sự đều liên đới với nhau”.
Thông Điệp “Laudato sí” của Pope Francis. Ảnh www.ctsbooks.org
Đây là Thông Điệp thứ hai của đương kim Giáo Hoàng Francis, sau bản thứ nhất viết chung với Giáo Hoàng từ nhiệm Benedict 16 vào năm 2013 mang tựa đề “Ánh Sáng Đức Tin” (6). Những Thông Điệp của các vị Giáo Hoàng thường tối quan trọng, chẳng những là các hướng dẫn tâm linh bắt buộc đối với mọi tín đồ Công Giáo, mà còn có tầm ảnh hưởng cả thế giới. Từ thế kỷ 18 đến nay, đã có gần 300 Thông Điệp khác nhau.
Thông Điệp “Laudato sí” của Pope Francis. Ảnh blogs.wsj.com
Vài Thông Điệp có ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử thế giới, chẳng hạn như Thông Điệp “Về Cách Mạng” ( 7) của cố Giáo Hoàng Leo XIII năm 1891 kêu gọi công bằng kinh tế cho người cùng khổ, hoặc Thông Điệp “Nhân Mạng” (8) của Chân Phước Giáo Hoàng Paul VI năm 1968 lên án các phương pháp ngừa thai. Một cách thuần túy kỹ thuật, các Thông Điệp là bức thơ của Giáo Hoàng gởi cho các Giám Mục trên toàn thế giới, nhằm bày tỏ viễn kiến riêng về các vấn đề to lớn của thế giới hay của thời đại. Các Thông Điệp này không mang tính cách “bất khả ngộ” (9).
Thông Điệp mới nhất của GH Francis chú trọng đặc biệt về môi trường, và chỉ trích thẳng các lãnh tụ thế giới đã thất bại trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Vài trích dẫn:
– “Sự khai thác địa cầu một cách vô tội vạ nay đã vượt mức có thể chấp nhận mà chúng ta vẫn chưa giải quyết xong vấn nạn nghèo khổ.”
– ”Khí hậu là một thiện ích chung của tất cả và cho tất cả mọi người, nhưng các ảnh hưởng tai hại nhất của sự thay đổi khí hậu lại thường đè nặng trên những người nghèo nhất. Nhiều người có nhiều tài nguyên và quyền lực kinh tế hoặc chánh trị thì lại dường như chỉ chú tâm tới việc che đậy vấn đề”.
– “Từ khước không đầu tư vào con người, chỉ để được lợi nhuận ngay tức khắc, đó thực là một lối kinh doanh tệ hại nhất cho xã hội”.
Đức Giáo Hoàng Francis cho rằng các quốc gia cường thịnh có “một món nợ về môi sinh” đối với những xứ sở nghèo hơn, và rằng đứng trước vấn nạn môi trường, thì các nước phát triển phải chịu trách nhiệm lớn hơn. Pope Francis cũng xác nhận: “Giáo Hội không chủ trương giải quyết các vấn đề khoa học, cũng không thay thế chánh trị, nhưng tôi mời gọi thảo luận chân thành và minh bạch, để những nhu cầu đặc thù hoặc các ý thức hệ không làm thương tổn công ích”.
Cuộc xuống đường vì môi trường mệnh danh là People’s Climate March tại thành phố New York tháng 9-2014 thu hút khoảng 400,000 người tham dự. Ảnh www.foxnews.com
ĐGH Francis kết thúc với sứ điệp rõ ràng, lẫn nhiều hy vọng: “Nhân loại còn có khả năng cộng tác để xây dựng một căn nhà chung”; và “Không ai kêu gọi quay trở về thời kỳ Đồ Đá (10) nhưng tất cả chúng ta cần chậm lại và nhìn vào thực tại một cách khác;”
Thông điệp “Laudato Si'” dài trên 180 trang, chia ra làm 6 chương:
– CHƯƠNG I Điều đang xảy ra cho căn nhà của chúng ta;
– CHƯƠNG II Tin Mừng về sự sáng tạo;
– CHƯƠNG III Căn cội sự khủng hoảng môi sinh do con người gây ra;
– CHƯƠNG IV Một nền môi sinh học toàn diện;
– CHƯƠNG V Vài đường nét định hướng và hành động;
– CHƯƠNG VI Giáo dục và linh đạo môi sinh học.
Khi lên tiếng về môi trường, Pope Francis được vị nể khác thường vì bản thân từng là một khoa học gia. Đây là vị Giáo Hoàng đầu tiên được huấn luyện bài bản về khoa học hiện đại. Thời trẻ, ông là một nhà hóa học trước khi bước vào đời sống tu trì. Một phần khác vì phong cách sống giản dị của Pope Francis, đến khi lên ngôi Giáo Hoàng vẫn đi xe bus và ngụ trong 1 căn chung cư nhỏ. Còn trước kia, vị cựu Hồng Y Tổng Giám Mục bên xứ Argentina cũng thường xuyên làm hành khách trên các phương tiện giao thông công cộng của Buenos Aires.
Chánh phủ Ấn Độ vừa ra chương trình đến năm 2022 sẽ tạo ra 100 gigawatts điện từ kỹ thuật nạp điện nhờ năng lượng mặt trời “Solar Panel”- tăng hơn mức hiện tại 30 lần. Ảnh blog.corbis.com
Trong Thông Điệp của mình, ĐGH Francis có nhiều khuyến cáo tầm cỡ thế giới. “Laudato Si'” kêu gọi có các biện pháp thay đổi dần “không thể trì hoãn” những kỹ nghệ và kỹ thuật dùng “Fossil Fuel” vốn chứa hàm lượng carbon cao, hại cho môi trường, thường có trong than đá, dầu hỏa, khí đốt, v.v… Thông Điệp cũng nhấn mạnh nhu cầu có nước sạch là một vấn đề nhân quyền căn bản nhất. Cùng lúc “Laudato Si'” vẫn khá chi tiết, sát với đời thường, thậm chí mang tính cách cá nhân. Thông Điệp có lời nhắn nhủ người ta tránh dùng máy lạnh trên mức cần thiết. Ngày nay, nhiều nơi, nhiều lúc, có sự phí phạm, máy lạnh chạy thả giàn, cả nơi tư gia lẫn chốn công cộng. Trong khi đó, mới hồi thập niên 1970, đa phần trên thế giới chưa dùng máy lạnh, kể cả rạp chiếu phim, tiệm tùng, quán xá, khách sạn, nhà riêng, v.v…
Đến nay, đã có không ít dư luận đánh giá Thông Điệp môi trường của ĐGH Francis sẽ góp phần quyết định thúc đẩy các hoạt động gìn giữ, bảo vệ môi trường. Khi nhìn lại, có lẽ sẽ ít người ngạc nhiên hơn. Lúc lên ngôi Giáo Hoàng vào tháng 3-2013, khi đó Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Tổng Giáo Phận Buenos Aires khi chọn tên hiệu, dù bản thân là một tu sĩ Dòng Tên (11), đã không lấy tên Thánh I-Nhã sáng lập dòng (12), mà lại lấy tên Thánh Francis là vị lập ra Dòng Anh Em Hèn Mọn (13). Thánh Francis sống ở thành Assisi nước Ý thế kỷ 13, là một trong những tên tuổi lớn nhất trong lịch sử nhân loại về niềm yêu mến môi trường và đời sống tự nhiên. Thánh nhân nhiều lần gọi “Anh Mặt Trời” và “Chị Mặt Trăng”. Những người yêu thích làm vườn có thể quen thuộc thánh nhân qua các bức tượng St. Francis đứng cạnh chim chóc thú vật…
Bước kế tiếp trong hành trình thúc đẩy bảo vệ môi trường của Pope Francis sẽ là chuyến tông du đầu tiên đến Hoa Kỳ vào Tháng Chín tới đây, và sẽ diễn thuyết trước Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 24-9-2015. Sau đó, đến tháng 12-2015 có một hội nghị lớn tại Liên Hiệp Quốc về đề tài biến đổi khí hậu. Các lãnh tụ thế giới sẽ tụ tập về Paris trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp lớn lao nhằm giới hạn khí thải độc hại, hướng đến kềm giữ nhiệt độ trên bề mặt địa cầu không tăng lên quá 3.6 độ F. Sự ra mắt của Thông Điệp “Laudato Si'” trong hoàn cảnh hệ trọng này có lẽ không phải sự tình cờ.
Trái đất, mái nhà của chúng ta, đang bắt đầu trông giống như một bãi rác khổng lồ” – trích Thông Điệp “Laudato sí” của Pope Francis. Ảnhwww.standard.net.au
TD
Chú Thích
(1) Trái đất ấm lên: Global Warming
(2) Giáo Hội Công Giáo La Mã: Roman Catholic
(3) Thông Điệp: Encyclical, là bức thơ do một vị Giáo Hoàng gởi đến mọi Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo.
(4) Thánh Francis thành Assisi: St. Francis of Assisi (1182-1226) tổ phụ Dòng Franciscan (Phăngxicô).
(5) Một số lời dịch mang âm hưởng Công Giáo, nhất là khi dẫn trực tiếp, đặt trong ngoặc kép, được dùng lại từ bản dịch “Tóm lược Thông Điệp ‘Laudato sí’ của Đức Thánh Cha Phanxicô” của Linh Mục Trần Đức Anh, OP (tu sĩ Dòng Đa Minh, từ chữ “Dominican”, “OP” là “Ordinis Praedicatorum” trong tiếng La Tinh hoặc “Order of Preachers” trong tiếng Anh, còn được dịch là Dòng Anh Em Thuyết Giáo).
(6) “Ánh Sáng Đức Tin”: Lumen Fidei (tiếng La Tinh) hoặc The Light of Faith (tiếng Anh)
(7) “Về Cách Mạng”: Rerum Novarum (tiếng La Tinh) hoặc Of Revolution (tiếng Anh)
(8) “Nhân Mạng”: Humanae Vitae (tiếng La Tinh) hoặc Human Life (tiếng Anh)
(9) “Bất khả ngộ”: Anh ngữ gọi là “Infallibility” – một đặc ân dành riêng cho Đức Giáo Hoàng, ngụ ý các Giáo Hoàng không thể sai lầm trong các vấn đề thuần tín ngưỡng Công Giáo.
(10) Thời kỳ Đồ Đá: Stone Age
(11) Dòng Tên: Trong Anh ngữ là Society of Jesus, viết tắt S.J. Thánh I Nhã từng là chiến binh, sau khi từ bỏ chiến bào, lập nên dòng tu này. Tu sĩ Dòng Tên nổi tiếng uyên bác, rất trung thành với Vatican. Vị Bề Trên Tổng Quyền của dòng này vì vậy còn có biệt danh là “Black Pope”. Các Giáo Sĩ và Thừa Sai Dòng Tên góp vai trò rất lớn trong việc truyền bá đạo Công Giáo vào nước Việt. Trước 1975, Dòng Tên có 1 cơ sở sinh hoạt thanh niên rất nổi tiếng mang tên “Trung Tâm Đắc Lộ” trên đường Yên Đổ Quận 3 Sài Gòn.
(12) Thánh I-Nhã: St. Ignatius (1491-1556) tổ phụ Dòng Tên
(13) Dòng Anh Em Hèn Mọn: Anh ngữ là Order of Friars Minor, hay thường gọi là “Franciscan”