Menu Close

Cà pháo – cà tím

Cà có nhiều loại như cà pháo, cà tím hay cà dái dê, cà bát… và thường bị xem là độc, không nên ăn nhiều. Vậy cà độc hay bổ?

Cà thuộc họ thực vật Solanaceae. Mỹ gọi cà tím dưới tên Eggplant, Pháp gọi Aubergine. Cà pháo được gọi chung là Oriental hay Pea eggplant. Riêng Cà bát được có tên Globe eggplant.

DƯỢC TÍNH

– Cà trong Đông Y

Theo Đông Y thì cà có vị ngọt/chát; tính hàn; có những tác dụng đả thông khí huyết, phân tán hỏa nhiệt, làm tan được các nơi sưng, đau nhức, làm tan máu ứ đọng; giúp lợi tiểu. Tuy nhiên không nên dùng quả non và không ăn nhiều vì có thể gây đau bụng hoặc tiêu chảy. Cà có thể dùng để trị các mụn nhọt, các nơi sưng do té ngã, bằng cách úp một quả cà tươi, sau khi đã bỏ hạt, vào vết thương. Cũng có thể nướng chín một quả cà, nghiền thành bột, trộn với dầu mè và đắp vào vết thương.

Để trị ho kinh niên, nấu chín 30 đến 60g cà tím, lọc lấy nước, thêm vào 1 muỗng cà phê mật ong, chia uống làm 2 lần mỗi ngày. Để trị bệnh trĩ, có thể dùng lá cây cà tím nấu chín: 3-5g lá trong 200ml nước, sắc và uống nước mỗi ngày. Để trị sưng gan gây vàng da, nên ăn cà mỗi ngày trong vài tháng liên tiếp.

– Cà trong Đông Y mới

Cà chứa nhiều vitamin P nên có khả năng ngăn ngừa sự đông cứng của thành mạch máu nên rất tốt để giúp trị các bệnh sơ cứng động mạch. Ngoài ra cà còn làm giảm được Cholesterol trong máu đến 9% khi ăn mỗi ngày, trong 3-4 tuần liên tiếp. Tai cà hay Đế của Quả (Eggplant Calyx) được dùng để trị các chứng lở trong miệng, sưng lợi, bằng cách sao vàng tai cà đã phơi khô, tán thành bột, trộn với mật ong để đắp vào nướu răng và vết lở.

– Cà trong Dược Học Ayuravedic

Dược học Ấn Độ dùng cà để trị một số bệnh:  Cà tím: Rễ dùng để trị hen, suyễn, kích thích cơ thể. Lá dùng để trị ho, sưng phổi, ít tiểu. Quả dùng trị bệnh gan, mật, giúp dễ tiêu hóa. Cà pháo: Dùng cả cây để trị đau nhức, kiện vị, giúp lợi tiểu, dễ tiêu hóa. Rễ dùng trị các vết nứt nẻ ở chân, giải độc thức ăn, trị nóng sốt. Lá giúp cầm máu. Quả dùng trị ho, sưng lá lách. Riêng hạt được sao đến chín vàng để trị nhức răng.

– Cà trong Y học Tây phương

Theo Y học Tây phương, cà với số calories tương đối thấp, rất hữu ích cho những người muốn ăn kiêng để giảm cân, cà tím có khả năng giúp thanh lọc máu, loại trừ độc tố và có thể giúp ngừa và trị ung bướu. Cà cũng có tác dụng cầm máu khi dùng ngoài da. Cà có thể giúp ngăn ngừa các trường hợp Stroke hoặc xuất huyết trong nội tạng, có tác dụng an định hệ thần kinh, bảo vệ mạch máu chống lại sự tồn đọng của Cholesterol, đồng thời giúp ngăn ngừa một số loại ung thư. Cà tím còn làm giảm được nồng độ Urea trong máu, người mắc bệnh Gout nên ăn nhiều cà. Với những người áp huyết cao, cà giúp tránh được tình trạng thiếu Potassium, nếu người bệnh dùng thuốc lợi tiểu, và cũng ngừa được trường hợp loạn nhịp tim.

CÁCH DÙNG

– Cà tím trị nghiện rượu: Dung dịch nước sắc Tai Cà Tím (Calyx) giúp trị được nhiều chứng khó chịu khi ngưng rượu nơi người nghiện và triệu chứng ho khan nơi người hút thuốc. Cách dùng: ngâm 1-2 muỗng cà phê bột tai cà trong 400ml nước sôi trong 20 phút.  Để ấm,uống mỗi ngày.

– Cà tím và bệnh Răng-Hàm-Miệng: Sao nhỏ lửa đến vàng hẳn (ở 170 độ F) tai cà tím đến khi tai trở nên giòn và tán được. Dùng 75g muối hột và 2 muỗng cà phê bột rong biển đã tán mịn; trộn chung 3 thứ và sao đến chín hẳn. Dùng bột này đắp lên lợi, nướu răng hoặc đánh răng để trị bệnh nướu răng có mủ (nha chu = Periodontosis).

– Cà tím cầm chảy máu cam và xuất huyết bao tử: Bột hỗn hợp trên cũng có khả năng cầm máu. Trường hợp chảy máu cam, có thể dùng khăn chấm bột rồi đắp vào mũi. Khi bị xuất huyết bao tử, có thể uống 2/3 muỗng cà phê bột với 150ml nước.

TVH