Menu Close

Chiếc xe đạp thời niên thiếu

Ở thời nhỏ có được một chiếc xe đạp là điều tuyệt vời. Nó sẽ đưa ta vào những cuộc phiêu lưu kỳ thú. Cậu bé trong câu chuyện sau đây cũng có một chiếc xe đạp nhưng cậu đã không được hưởng những phút vui tuyệt vời như bao cậu bé khác, bù lại từ chiếc xe đạp cũ kỹ do bố cần kiệm mua cho, cậu có được việc làm, phụ giúp được gia đình và gặp được những tấm lòng tốt làm hành trang cho cậu trên đường đời. Sau đây, mời các bạn theo dõi câu chuyện kể.

NS

Năm lên chín tuổi một hôm do cần kiếm ít tiền, tôi hỏi ông Miceli người phụ trách hệ thống phân phối tờ Herald American trong khu Albany Park, xin ông dành cho tôi một đường dây giao báo sau giờ học. Ông Miceli bảo tôi hãy đem chiếc xe đạp của tôi lại cho ông xem, ông sẽ cho tôi một đường dây. Hồi đó, bố tôi làm tới 4 jobs. Ban ngày ông làm  trong một xưởng tôn lá (sheet metal shop), sau đó đi giao hoa cho tới 8 giờ tối, lái taxi cho tới nửa đêm, còn vào những ngày cuối tuần thì ông đi gõ cửa từng nhà bán bảo hiểm. Bố đã mua cho tôi một chiếc xe đạp cũ…

Vâng, thuở ấy tôi (tức cậu bé) chưa biết đi xe đạp còn bố tôi thì phải vào nhà thương vì chứng sưng phổi nên không kịp tập cho tôi đạp xe. Tuy vậy,  ông Miceli không đòi tôi đạp xe cho ông xem mà chỉ muốn thấy chiếc xe. Tôi dắt xe đến garage nhà ông, cho ông xem, và thế là có một việc làm.

Lúc đầu, tôi nhét đầy báo vào cái bao tải rồi móc vào tay lái, đoạn dắt xe đi trên lề đường. Nhưng dắt một cái xe chở đầy báo đi rất là lúng túng, cho nên sau vài ngày tôi mượn của mẹ chiếc xe đẩy hai bánh dùng để đi chợ rồi lên đường giao báo.

chiec xe dap thoi nien thieu

Thắm Nguyễn

Đi giao báo bằng xe đạp có nhiều cái khó. Bạn chỉ có một dịp duy nhất để quẳng tờ báo, nếu nó không vào đúng cửa hoặc cổng nhà người ta thì kể như hỏng. Còn đi giao báo bằng chiếc xe đẩy của mẹ thì tôi có thể để xe ở vỉa hè rồi cầm tờ báo tới đặt tận chỗ. Nếu cái vòm cổng nằm ở tầng hai, tầng ba thì tôi có thể đứng dưới ném báo lên, nếu hụt thì lấy tờ báo ném lại. Những ngày Chủ Nhật, khi tờ báo quá lớn quá nặng không thể ném lên tầng cao thì tôi mang tờ báo lên cầu thang giao. Nếu trời mưa, tôi đem báo vào trong hiên  hoặc đặt báo trên hành lang. Và tôi dùng tấm áo mưa cũ của bố tôi để che phủ cái bao đựng báo.

Đi giao báo như thế khiến tôi mất thì giờ hơn là đi bằng xe đạp, nhưng tôi không quan tâm. Tôi có dịp gặp mọi người trong khu của tôi. Đây là những công nhân kiên trì, có nhiều người gốc Đức, gốc Ý hoặc Ba Lan, và họ đều tỏ ra tốt với tôi. Nếu như tôi gặp cái gì ngộ nghĩnh, thích thú trên lộ trình giao báo -thí dụ như một con chó với đàn chó con, hoặc một cái cầu vồng trên vũng nước ở đường, tôi có thể dừng lại tha hồ nhìn ngắm.

Khi bố từ bệnh viện trở về, ông không đủ sức làm ở xưởng tôn lá, nên buộc phải bỏ việc.  Bây giờ thì chúng tôi phải tằn tiện từng đồng tiền để có đủ trả bills, do đó đã phải bán cái xe đạp đi. Thật ra thì tôi đâu đã biết cưỡi xe đạp và cũng đã quá quen với cái xe đẩy của mẹ tôi nên việc bán chiếc xe đạp không làm tôi gặp khó khăn. Ông Miceli hẳn biết tôi không hề đi giao báo bằng xe đạp, nhưng ông không hề nói gì về việc đó.

Tám tháng sau khi tôi bắt đầu đi giao báo thì đường dây của tôi từ 36 khách hàng mua báo đã lên đến 59 người, phần lớn là do khách hàng của tôi giới thiệu bạn bè mua báo cho tôi. Đôi khi có người chận tôi lại giữa đường yêu cầu tôi ghi tên họ vào danh sách mua báo. Tôi kiếm được một xu cho mỗi tờ báo, từ Thứ Hai tới  Thứ Bảy, và 5 xu cho mỗi tờ báo Chủ Nhật. Tôi đi thu tiền vào mỗi tối Thứ Năm, và vì hầu hết khách hàng đều cho tôi thêm 5 xu hoặc 10 xu nên số tiền tôi kiếm được từ tiền tip người ta cho đã gần bằng số tiền ông Miceli trả cho tôi. Điều này rất tốt vì bố vẫn không thể làm việc được như trước kia, và tôi phải giao gần hết số tiền kiếm được cho mẹ. Mẹ thường cho tôi giữ lại một đô la nếu như tôi bằng lòng chia sẻ cho các em trai và chị tôi.

Vào tối Thứ Năm trước Giáng Sinh năm 1950, tôi tới kéo chuông nhà khách hàng đầu tiên. Đèn trong nhà vẫn sáng nhưng không ai trả lời. Tôi tới nhà thứ hai. Vẫn không ai trả lời, tất cả những nhà trên đường tôi đi giao báo cũng đều vậy. Chẳng bao lâu, tôi đã kéo chuông hết mọi nhà trên dãy phố thứ nhất trong ba dãy phố tôi phải giao báo -và đều không có ai ở nhà. Tôi đâm lo, vì tôi phải trả tiền báo vào mỗi Thứ Sáu. Và vì đã gần Giáng Sinh rồi, tôi không nghĩ là mọi người còn đi mua sắm. Do đó tôi hết sức vui mừng khi bước lên sân nhà Gordon và nghe tiếng nhạc, tiếng cười nói vẳng ra. Tôi kéo chuông cửa. Đột nhiên cửa mở bung và ông Gordon kéo tôi vào bên trong. Chen chúc trong căn phòng hầu như có đủ mặt 59 khách hàng của tôi. Chính giữa phòng là chiếc xe đạp màu đỏ hiệu Schwinn mới toanh. Có cả đèn trước và một cái chuông. Trên ghi đông xe, treo một cái bao lớn và những chiếc phong bì đủ màu sặc sỡ.

“Những cái này là của con đấy,” bà Gordon nói với tôi. “Tất cả bà con đây đã hùn lại cho con. Trong mỗi phong bì đều có thiệp Giáng Sinh và tiền báo hàng tuần. Hầu như tất cả đều cho tiền thưởng hậu hĩnh -khi về nhà tôi đếm được hơn 100 đô la. Điều may mắn bất ngờ đã biến tôi thành nhân vật anh hùng và đã mang về cho gia đình một mùa nghỉ lễ tuyệt vời. Cuối cùng thì một bà bảo tất cả mọi người yên lặng, rồi bà nhẹ nhàng ôm vai tôi dẫn ra giữa phòng nói. “Con là đứa giao báo tốt nhất vùng này. Không có ngày nào thiếu báo hoặc bị trễ, ngay cả những hôm trời mưa gió. Bà con ở đây thường thấy con ở ngoài mưa tuyết với chiếc xe đẩy, do đó bà con nghĩ rằng con cần có một chiếc xe đạp.” Tôi xúc động quá, chỉ có thể nói “cám ơn” và cứ lặp đi lặp lại như thế.

Các ông các bà chắc đã gọi điện cho ông Miceli biết, cho nên sáng hôm sau tôi tới lấy báo thì ông đã chờ sẵn ở cửa. Ngày mai vào lúc 10:00 giờ sáng, con đem chiếc xe đạp lại đây, ta sẽ dạy con cưỡi xe đạp. Ông bảo tôi và tôi làm theo. Khi tôi đã cưỡi xe đạp thành thạo, ông Miceli cho tôi thêm một đường giao báo nữa gồm  42 khách hàng. Có chiếc xe đạp tôi đi giao báo nhanh hơn hẳn, tất cả chỉ tốn xấp xỉ thời giờ khi tôi đi giao bằng chiếc xe đẩy. Khi trời mưa, tôi dừng xe lại và đem báo để vào một chỗ khô ráo. Nếu như tôi ném hụt một nhà, tôi sẽ dừng lại chống xe gác vào vỉa hè rồi ném lại. Tôi biết các khách hàng tôi đều mong có báo trong ngày.

Sau trung học, tôi vào lính và giao chiếc xe đạp Schwinn lại cho cậu em tôi là Ted. Giờ đây tôi cũng không biết chiếc xe ấy rồi ra sao. Nhưng gia đình Gordon và tất cả khách hàng mua báo đã gởi kèm theo chiếc xe đạp và những món tiền thưởng một quà tặng khác, một bài học sáng ngời niềm tin, là phải lấy làm hãnh diện về bất cứ công việc nào dẫu tầm thường đến đâu. Bài học của Mùa Giáng Sinh ấy tôi giữ mãi  và nhớ lại những người dân Chicago tốt bụng đã thương yêu giúp đỡ tôi.

NS – theo Marvin J. Wolf