Vốn là vùng chuyên canh hoa tươi, rau củ quả xứ lạnh, chợ Đà Lạt tràn ngập những súp lơ, xà lách, cà rốt, khoai tây, hành tây, đậu hột. Cả nấm tươi, măng tây, a-ti-sô cũng không thiếu. Người địa phương đi chợ ai cũng áo gió quần tây, tương tự đồ bộ, quần short áo lửng ở Sài Gòn.
Ngoài những người có quầy cố định, buôn bán tập trung theo từng khu vực, chợ Đà Lạt còn khá nhiều người ‘bán chạy’, là những người làm vườn, tự mang nông sản của mình ra chợ bán lẻ. Hàng hóa của họ khá tươi ngon, giá cả lại phải chăng. Những người này gióng gánh không hề đặt xuống đất. Rau bó xôi, cải xoong, rau cần, rau muống thì ‘ẵm’ trên tay, còn khoai tây, cà rốt, nấm… thì cho vô bịch nilon xách lủng lẳng, khoai lang, củ cải đặt trong sọt, chất sau xe đạp, cứ thế đứng phất phơ, mời mọc người đi chợ. Lực lượng bảo vệ chợ và đám hàng chạy đều nhẵn mặt nhau. Bên này đi, bên kia đặt gánh xuống. Bên này xuất hiện, huýt còi, bên kia nhớn nhác, chạy dạt (người mua cũng chạy theo). Nhiều lần đi chợ, thấy cảnh mèo chuột vờn nhau, kẻ viết bài không biết nên binh chuột hay mèo nhưng thực tình khoái mua rau chạy vì ngoài giá rẻ còn đỡ phải xắn quần ‘lội chợ’. Nói ‘lội’ là do chợ rất ướt át. Người đi chợ phải xắn quần, len lách thận trọng giữa các quầy nhỏ hẹp, san sát, cách nhau chỉ vài chục xăng ti mét. Một người bán hàng cho biết, để có thể bán bó rau đầu tiên cho người đi chợ, bà phải dậy từ ba bốn giờ sáng, rét căm căm. Vào giờ đó, chợ Đà Lạt đã sáng đèn, thịt cá, rau cỏ, hoa trái từ các nhà vườn chở về nườm nượp. Người mua kẻ bán đều áo da, giầy ống, mũ trùm, khăn len kín mít. Rạng sáng, khi các bà nội trợ xách giỏ đi chợ thì rau hoa, củ quả, thịt cá đều đã đâu vào đó, tươi rói, sạch bong.
Chợ Đà Lạt ngày mới xây dựng – nguồn saimonthidan.com
Ngược hẳn vẻ ướt át, chật chội của khu chợ rau, khu ăn uống, khu chạp phô, mặt tiền chợ rất khô thoáng, sáng sủa với hoa tươi, chuối, bơ, khoai lang dẻo, công-phi-tuya dâu, trà, a-ti-sô… ai đi qua cũng bị mê hoặc bởi những mẹt bơ sáp đang mùa, tươi ngon xanh bóng bày khéo léo, cao nghệu bên cạnh những trái sầu riêng Bảo Lộc vàng thơm quyến rũ, những chùm chôm chôm Thái giòn ngọt, măng cụt ngọt thanh. Bơ hai chục ngàn một ký. Sầu riêng ba mươi lăm ngàn. Chôm chôm hai chục. Măng cụt ba chục… Cứ thế xỉa tiền, khệ nệ khiêng xách. Hầu hết du khách trong và ngoài nước muốn mua đặc sản làm quà trước khi rời Đà Lạt đều tới đây, tự nguyện đưa đầu vào ‘máy chém’ của các ‘sát thủ’ chuyên nghiệp.
Chợ mới Đà Lạt, khá thoáng sạch
Phía sau chợ cũ, nằm cùng trên một khu đất, là chợ mới, Mặt tiền chợ mới trên đường Phan Bội Châu. Chợ có hai tầng, tầng trên bán quần áo, đồ lưu niệm, tầng dưới bán thịt cá. Chợ mới rộng rãi, sạch sẽ hơn chợ cũ. Khoảng cách giữa các sạp khá rộng. Ấn tượng nhất là các sạp thịt. Thịt heo nhiều hơn thịt bò, thịt nào cũng được pha khéo léo, cạo lông sạch. Xương heo, xương bò được chặt bằng búa. Tại một sạp chuyên bán giò bò, kẻ viết bài tò mò quan sát những chiếc giò to, mầu trắng sáng, rất sạch sẽ thay vì đỏ sậm, gầy nhỏ và dính bết lông máu, ruồi nhặng vo ve như thường thấy. Hỏi ra mới biết, đó là giò bò Úc nhập cảng. Người bán đang chặt khoanh những chiếc giò dài. Vừa làm, anh vừa tâm sự, bò Việt Nam vóc nhỏ, nuôi thả rong, hay bệnh, thịt ít lại dai. Giá thịt bò Úc, đắt gấp đôi bò Việt, nhưng sạch, mềm, giầu dinh dưỡng nên các nhà hàng có tiếng ở Đà Lạt đã làm ba-bơ-kiu, nấu lẩu bò, phở bò, bò bảy món bằng thịt bò Úc. Vó bò mà anh đang chặt, chỉ chút nữa các mối nhà hàng sẽ đến lấy. Nhân vui chuyện, kẻ viết bài hỏi dò cách ‘cắt hộ khẩu’ một con bò. Anh bán hàng đâm dè dặt, giấu biệt cách giết bò bằng búa tạ (qua báo chí, cách giết bò bị cho là dã man này đã khiến người Úc bị sốc, việc xuất cảng bò Úc sang Việt Nam vì thế bớt lại)
Bánh mì rong, ngàn rưỡi đồng một ổ, rất được người đi chợ chiếu cố
Hỏi du khách thích đi chợ Đà Lạt cũ hay mới. Họ thú thật chỉ dừng ở mặt tiền chợ, chụp hình, mua đặc sản, hoa cảnh. Phía trong chợ có gì, chợ to nhỏ, dài ngắn thế nào, không quan tâm. Hỏi người Đà Lạt xa quê lâu ngày hầu hết đều chỉ biết chợ cũ, thích chợ cũ, vì chợ cũ gắn liền với ký ức một thời của họ. Ở thời điểm đầu tháng Bảy này, trong khi miền Bắc, miền Trung vẫn nóng hầm hập thì Đà Lạt mưa gió bắt đầu hoành hành, rét mướt, người đi chợ ngại ra đường. Các sạp chợ từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều lưa thưa khách. Người bán ngồi mốc meo, nhìn hàng hóa ứ đọng, nhấp nhổm, lo âu. Ai cũng hai ba nghề phòng thất nghiệp mà vẫn ‘nghiệp thất’ não nề… Chợ Đà Lạt, như người mẹ già, biết hết, thấy hết sự lo âu của con cái mà không thể làm gì để giúp. Phải chi nó có thể cất tiếng nói, và người có quyền lực có thể lắng nghe…
XH