Chiếc xe hơi không cánh mà bay… mất, vẫn thường xuyên xảy ra trên toàn quốc. Theo Cục Tội phạm quốc gia và các công ty bảo hiểm, đứng đầu danh sách các khu vực đô thị có tỷ lệ trộm cắp xe hơi cao nhất trong năm thuộc về California, đặc biệt ở những thành phố Central Valley, Bakersfield, San Jose và Yuba City, khu vực Vịnh San Francisco. Tiếp theo lần lượt là Texas, Florida, Washington, Illinois và còn nhiều tiểu bang khác với tổng số xe bị “bốc hơi” lên đến bảy trăm ngàn chiếc mỗi năm.
Các nhà phân tích lý giải thời tiết đẹp riêng ở California đã khiến nạn mất cắp xe gia tăng mỗi năm. Thoạt nghe không thuyết phục nhưng xét lại, thấy có lý nhờ thời tiết thuận lợi, mát mẻ, xe cộ ở tiểu bang này lúc nào trông cũng sạch sẽ, ít bị hỏng hóc, nhưng quan trọng hơn hết “tiểu bang vàng” có số lượng xe nhiều nhất so với các tiểu bang khác. Trong đó hầu hết là xe có tên thương hiệu dễ bị mất cắp, phân rã phụ tùng bán có giá hoặc lý do có nhiều cảng biển thuận lợi cho việc xuất cảng những chiếc xe bị “thay màu đổi số ” thành những chiếc xe hợp pháp trong tình trạng xe cũ, xe “rác”, hoặc cả đường đường chính chính “lên tàu” trong tình trạng xe mới bằng cách nào đó.
Mở khóa không được dễ nhất là đập kính – nguồn antithief.com
Không nhất thiết xe mất phải là xe còn mới. Có lần sang California, người bạn chở tôi đi thăm khu Bolsa. Chiếc xe Camry đời 89, V6 của anh cũ mèm nhưng máy móc còn rất êm, vi vu trên xa lộ. Tôi thật thích chiếc xe này, trông gọn, đường nét thanh tao, bên trong ghế ngồi sạch sẽ tinh tươm. Vào bãi đậu xe, tôi vừa định mở cửa, anh bảo “gượm đã”, rồi lôi cái thanh sắt trông như cái cà-lê to đùng cất dưới gầm ghế ra khiến tôi la hoảng “bộ định đi đánh lộn, hả cha”. Anh bạn điềm nhiên, “đây là cái khóa tay lái”, khóa lại cho chắc ăn. Bước ra ngoài, anh còn cẩn thận tra chìa khóa vào khóa cửa. Cẩn thận như thế là thừa, nhưng anh bạn tôi lại bảo, không thừa đâu, “có khóa vẫn mất”. Tôi đùa “có khóa vẫn mất”, vậy khóa làm chi, chỉ tổ mất thêm cái khóa.
Xe có khóa bánh xe tại sân trường UNT, Denton, TX – Nguồn Wiki
Đúng như anh bạn tôi nói “có khóa vẫn mất”. Sáng sớm hôm sau, ngồi ngoài hàng hiên nhâm nhi cà phê, chúng tôi tận mắt chứng kiến chiếc xe Honda Accord cũ xì của nhà hàng xóm đối diện nằm chình ình trên mấy khúc gỗ kê, bốn bánh xe đâu mất. Người hàng xóm gọi cảnh sát tường trình mà trong lòng ấm ức phải nghỉ làm mất một ngày, nhờ chúng tôi chở ra “nghĩa địa xe” tìm mua mấy bánh xe thay thế. Anh hàng xóm tâm sự, đây là lần đầu tiên gặp phải trường hợp như thế này, chiếc xe cũ giá trị không bao nhiêu, anh vẫn khóa cửa xe đề phòng bọn trộm. Đã lấy thì phải lấy trọn chiếc hay xe mới xe sang, chứ lấy bán bốn bánh xe được bao tiền. Anh bạn tôi cà rỡn, xe cũ xì đem đi trồng hành còn đi khóa cửa, bọn trộm nó mở cửa xe không được, chúng nổi khùng, lấy bốn bánh xe chơi cho bõ ghét.
Có khi trộm chỉ lấy bốn bánh xe – nguồn antithief.com
Thật ra đây chỉ là bọn ăn cắp vặt, túng tiền trong lúc cần thiết, quơ quào được gì hay đó. Nếu chủ ý lấy bánh xe thì hẳn phải lựa những chiếc có bộ bánh giá trị. Bọn tội phạm chuyên nghiệp hơn, có đầy đủ phương tiện kỹ thuật để lấy đi cả chiếc xe cho dù bạn có khóa tay lái, bánh xe hay bộ bù lon bánh xe đặc biệt. Không những thế, chúng còn đề máy được những chiếc xe mà không cần remote khởi động nút đề. Những loại xe này có hệ thống chống mất cắp bằng điện tử nhưng bọn trộm chuyên nghiệp vẫn có cách “ẵm” chiếc xe đi mất như thường. Anh hàng xóm chia sẻ thông tin từ người bà con của anh mới mua chiếc Jaguar tuyệt đẹp hồi hai năm trước, xe có hệ thống alarm, nút đề, xe đậu trong garage chỉ để dành đi chơi. Chủ nhà đi làm về nhìn thấy cửa garage mở toang, “con báo” đen thì biến mất. Chỉ còn nước đi tường trình với cảnh sát và công ty bảo hiểm.
Theo báo cáo của Report Thief Car cho thấy, California luôn có lịch sử mất cắp xe cao nhất và lâu đời nhất khởi đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước. Những loại xe sang, xe cổ bị đánh cắp chiếm tỷ lệ không nhiều so với các loại xe trung bình như Honda Accord, Toyota Camry hoặc các loại xe truck. Nhưng theo thời gian, lượng xe sang hiện đại, có những thiết bị điện tử chống mất trộm giảm dần. Từ đầu thập niên 90, số lượng xe mất cắp từ con số 1.7 triệu chiếc các loại trên toàn quốc, giảm còn thấp hơn phân nửa. Tuy nhiên, bọn tội phạm ngày càng tinh vi trong việc “biến” chiếc xe ăn cắp thành xe hợp pháp lưu hành đem ra thị trường nước ngoài như Mexico hay các nước Trung Mỹ tiêu thụ. Thậm chí, tại cảng Los Angeles, Long Beach, Oak Land, các quan chức hải quan phát hiện những chiếc xe mất cắp hạng sang chứa trong container xuất cảng đi Úc và châu Á.
Xe trộm hạng sang được đưa đi tiêu thụ ở cảng Los Angeles – nguồn L.A Police
Một báo cáo khác của các công ty bảo hiểm cho thấy, bạn đừng nghĩ xe của mình thuộc dòng xe trung bình không có giá trị mấy, phụ tùng không đáng giá mà thờ ơ việc khóa xe để tránh mất cắp. Có khóa cửa, bạn sẽ hạn chế được thời gian bọn trộm muốn lấy xe ngoại trừ chúng buộc phải cạy cửa hay đập bể cửa kính leo vào. Tuy thế, báo cáo thống kê có đến hơn 90% chủ xe tường trình đều khóa xe cũng như không để những đồ vật có giá trị trong xe, nhưng xe vẫn bị mất cắp. Đúng là “có khóa vẫn mất”. Đây là một thách thức lớn đối với nhân viên cảnh sát trước những nghi phạm không phải là ăn cắp xe dùng làm phương tiện khi cần, mà là tội phạm có hệ thống của các băng nhóm kinh doanh, tổ chức mạng lưới đánh cắp xe trong các thành phố mang đi tiêu thụ bằng nhiều hình thức.
Khuyến cáo những biện pháp phòng ngừa của Cục Tội phạm chống cắp xe cũng được đưa ra. Bạn hãy sắm cho chiếc xe của mình một cái khóa tay lái hay khóa càng cua kẹp bánh giá vài chục đô la hoặc cần thiết trang bị bộ alarm báo động kêu la inh ỏi. Dù gì những thứ bảo vệ này cũng làm cho kẻ cắp mất thời gian và không kiên nhẫn loay hoay, sẽ bỏ đi tìm “con mồi” khác. Nếu xe đời mới hạng sang của bạn không có thiết bị switch kill, một thiết bị tương tự như được cài đặt trong các loại điện thoại thông minh, cho phép bạn hoàn toàn off điện thoại đã bị mất bằng cách liên lạc với tổng đài, làm cho thiết bị bị đánh cắp trở nên vô giá trị. Switch kill trang bị trên xe cũng với mục đích khi bọn trộm mở được cửa xe vào bên trong khởi động máy, thì hệ thống này tự động ngắt mạch điện của động cơ không nổ máy được. Bạn có thể cài đặt switch kill và giấu công tắc đâu đó mà bọn trộm chuyên nghiệp không thể nào nhanh chóng tìm thấy nó.
Xe bị mất được hoàn về khổ chủ được “độ” lại đẹp hơn – Ảnh Becky Schoenig
Tuy số lượng xe bị mất cắp nói ở trên đã giảm so với những thập niên trước nhờ thiết bị kỹ thuật chống trộm gắn trên các loại xe nhưng hầu hết xe được trình báo bị mất là các loại xe đời cũ còn dùng chìa khóa cửa. Các loại xe này chỉ cần dùng một que sắt nhỏ dẹp nạy dưới kính cửa sổ, là chúng “bẻ khóa” một cách dễ dàng. Những tên trộm đang cần phương tiện di chuyển tạm thời thường nhắm đến các loại xe đời cũ. Vì thế không ít trường hợp trình báo cảnh sát mất xe, sau đó một vài ngày lại được cảnh sát báo tin chiếc xe được tìm thấy nằm đâu đó trên xa lộ gần nhà hay ở tiểu bang lân cận với “thân xác” tả tơi.
Lại có những tên trộm lấy xe chỉ vì thích chiếc xe hiệu đó mà không muốn mất tiền mua. Trường hợp mất xe của bà Becky Schoenig sống ở thành phố St. Charles, tiểu bang Missouri lại là một câu chuyện cười có thật. Một buổi sáng Thứ Hai chuẩn bị mở cửa đi làm thì bà thấy chiếc xe Ford Fusion đời 2015 của bà đậu trước driveway không cánh mà bay. Bà trình báo cảnh sát nhưng trong đầu lại không nghĩ rằng nó sẽ biến mất mãi mãi. Đúng là vậy, chỉ sau ba ngày, cảnh sát cho biết đã tìm lại được chiếc xe, mời bà đến nhận. Chiếc xe đúng là của bà nhưng nó được viền một chỉ màu đỏ làm nổi bật và bốn bánh xe được “độ” lại với khung bánh xe cũng sơn màu đỏ. Bà Becky rất mừng có lại được chiếc xe trông “ngầu” hơn lúc trước. Bà chia sẻ trên Facebook rằng: “Nói gì thì nói, tôi xin cảm ơn tên trộm đã làm cho chiếc xe của tôi đẹp hơn”.
Có lẽ đây là một trường hợp đặc biệt, chiếc Ford Fushion “có khóa vẫn mất” trở về còn nguyên vẹn và bóng bẩy hơn khiến khổ chủ hài lòng hạnh phúc.
TN