Kim Tuấn tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Khuê, sinh năm 1938 tại Huế nhưng quê gốc ở Hà Tĩnh. Ông là hậu duệ 5 đời Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Là con trai duy nhất của gia đình. Thuở nhỏ sống cùng gia đình ở Phan Thiết. Lớn lên vào Sài Gòn học. Ông bản tính hiền lành, yêu mến bạn bè.
Kim Tuấn làm thơ từ năm 13 tuổi. Bắt đầu có thơ đăng trên các tạp chí đầu thập niên 1960. Tập thơ đầu tiên xuất bản là tập Hoa Mười Phương. Ông từng có một thời gian nhập ngũ và làm thông dịch viên tiếng Anh cho Quân Đoàn II tại Pleiku. Thời gian này ông còn là phóng viên chiến trường với ký danh Vĩnh Khuê.
Năm 1977, ông về sống ở Sài Gòn làm hiệu trưởng Trường Anh văn và dạy nghề Thăng Long ở quận 4 – một ngôi trường do người Anh tài trợ dành cho trẻ em lang thang và dạy học ở đó cho đến cuối đời. Ngày 11/9/2003, sau khi tham dự một buổi văn nghệ phát quà Trung thu cho trẻ em nghèo tại trường, ông về nhà ăn bánh, uống trà, ngắm trăng với vợ con rồi đột ngột bị nhồi máu cơ tim và mất trên đường đưa đến bệnh viện.
Thơ của Kim Tuấn, đặc biệt thơ năm chữ, vần điệu êm ả, dịu dàng, mang nhiều hình ảnh đặc trưng của vùng đất Pleiku. Những Điều Ghi Được Trong Giấc Ngủ là một bài thơ tản văn thành công, được Phạm Duy chọn phổ nhạc, và đã đi vào trí nhớ những người yêu mến Kim Tuấn. Cũng như bài Anh Cho Em Mùa Xuân (Nguyễn Hiền) và Những Bước Chân Âm Thầm (Y Vân) sẽ còn được hát mãi.
Đã xuất bản
– Hoa mười phương (1959). Trường Giang
– Ngàn thương (chung với Định Giang, Vương Đức Lệ, 1961)
– Dấu bụi hồng (1971). Minh Đức
– Thơ Kim Tuấn 1962-1972 (1974). Gìn Vàng Giữ Ngọc
– Thời của trái tim hồng (1990). NXB Tổng hợp Sông Bé
– Tuổi phượng hồng (1991). NXB Trẻ
– Tạ tình phương Nam (1994)
– Thơ Lí và thơ ngắn (2002). NXB Văn Nghệ TP.HCM
Kỷ niệm
Từng bước từng bước thầm
hoa vông rừng tuyết trắng
rặng thông già lặng câm
hai đứa nhiều hối tiếc
sương mù giăng mấy đồi
tay đan đầy kỷ niệm
mưa giữa mùa tháng năm
dật dờ cơn gió thổi
một tháng không trăng rằm
mây núi ôm trời thấp
giá rét về căm căm
cao nguyên mù đất đỏ
từng bước từng bước thầm
cúi đầu in dấu mỏi
tuổi trẻ buồn lặng câm
núi nghiêng đầu thủ thỉ
từng bước từng bước thầm
hoa vông rừng tuyết trắng
tuổi trẻ buồn lặng câm
víu hồn hoang cỏ dại
từng bước từng bước thầm…
Những điều ghi được trong giấc ngủ
Khi tôi trở về có con chim câu nằm trong tổ ấm. Dây thép gai hết rào quanh đồn phòng ngự và người lính đã trở về cày đám ruộng xanh.
Khi tôi trở về có con diều bay đùa trong gió. Ở quê nhà, trên thảm cỏ xanh, có đứa trẻ để bụng lòi chấm rốn đen cười nụ thanh bình. Buổi chiều có con trâu rung mõ vu vơ như trong giấc mộng.
Khi tôi trở về hai tay níu tim lồng ngực. Giọng hát ru kéo lại dĩ vãng trầm trầm như chưa tắt thở. Có người rủ nhân loại đi xem địa ngục mà không ai trả lời.
Khi tôi trở về mẹ vừa tóc bạc. Đôi mắt nhìn vào tương lai và quên bao nỗi ưu phiền. Con cò lại bay trong đồng ruộng xanh. Lũy tre cúi xuống ưu tư cùng mùi khói un quen thuộc.
Khi tôi trở về tôi sẽ đi thăm bờ sông tuổi nhỏ, tôi sẽ buồn thầm những chuyện ngày xưa và sẽ khóc một mình – vì quê hương tôi bao lần đau khổ, bao lần đắng cay, bao nhiêu tủi hờn. Quê hương tôi ở đó. Quê hương tôi khi còn tuổi nhỏ, khi tôi lớn lên bằng tiếng ru hời. Quê hương tôi bao lần đau khổ, bao lần đắng cay, bao nhiêu tủi hờn.
Khi tôi trở về con chim kể lời ân ái. Bài hát vang xa và vũ khí sẽ xếp thành cầu vồng trong ngày cưới. Nhà mới dựng xây, có tiếng trẻ khóc u oa chào đời. Có người đem tặng em bé quả bom nguyên tử, đứa trẻ đó cười và ôm nó ngủ như ôm quả bóng. Những dãy phố sớm mai thức dậy cùng tiếng chim ca, lũ trẻ con mừng đời thịnh trị và tay yếu cố vồ ôm tương lai của mình.
Khi tôi trở về, khi tôi trở về cuộc đời xuôi chảy. Có bóng trăng xưa soi trên lối vườn, có rừng cây ốm vì nhiều thương nhớ, và khi thức dậy tôi tìm thấy tôi.
Buổi chiều ở Pleiku
Buổi chiều ở Pleiku những cây thông già đứng lên cùng bụi mù
tiếng phi cơ, tiếng xe và tiếng súng
anh còn phút nào để nói yêu em
buổi chiều ở Pleiku không có mặt trời
chỉ có mưa bay trên đầu ngọn núi
những đứa bạn về từ mặt trận xa
những đứa bạn đi áo đường bụi đỏ
những ngày mưa nghe bỗng lìa nhà
những ngày mưa âm thầm nhỏ giọt
những ngày mưa âm thầm đi qua
Buổi chiều ở Pleiku có bữa cơm ăn vội
có tập họp 7 giờ
có cấm trại, cấm quân hằng tháng
có quân cảnh ngoài đường
có thầy đội thầy cai hoạnh hoẹ
anh còn phút nào để ghé thăm em
Buổi chiều ở Pleiku có anh và nỗi buồn
có đêm, có ngày, có quan, có lính
có jeep chở vợ đi chơi, có kẻ chờ xe đi làm
có vui, có buồn, có mây, có núi
có anh đứng nhìn ngày tháng đi qua
buổi chiều ở Pleiku có cà phê và bạn hiền
có biển hồ nước trong có lúc buồn soi mặt
ôi mặt mình sao bỗng gớm ghê
ôi đời mình sao nhìn muốn khóc
ta với ta xa lạ vô cùng
Buổi chiều ở Pleiku có gì hỡi em
có nỗi cô đơn trong khói sương mù
có phố buồn hiu, có đêm giấu mặt
có giấc sầu dài trong cõi thiên thu
có bức tường vôi ghi dấu đạn thù
có cuộc đời ta chìm trong khói lửa
kiếp người sao đã lãng du
buổi chiều ở Pleiku, buổi chiều nghe mưa bay trên đầu núi
buổi chiều như mọi buổi chiều
tiếng phi cơ, tiếng xe và tiếng súng
anh còn tiếng nào để nói yêu em