Chị về tới quê nhà lúc xế chiều. Kêu taxi dừng cách nhà mình một quãng, chị kéo vali, đi bộ chậm rãi theo con đường dọc bờ sông. Giờ này, sông như được khoác một tấm voan mỏng, lại rắc thêm chút tro dày dần để che bớt ánh tà huy chói lọi trước khi khuất hẳn. Ngày trước, những buổi chiều đi học về, nếu không mắc mưa thì chị thường xuống xe dẫn bộ, lững thững đi dọc bờ sông một lúc rồi mới về nhà. Làn sương chiều phủ trên sông cộng với tầng tầng lớp lớp mây trời che phủ làm chị có thể nhìn thẳng vào mặt trời một cách dễ dàng, từng tia sáng lộng lẫy của nó xuyên qua mây xám mới tuyệt làm sao!
Nhiều năm rồi, chị không về thăm quê. Từ hồi lấy chồng xa xứ, một năm đôi lần chị về dịp giỗ chạp, Tết nhất. Có khi đi cùng với chồng, cũng có khi, chị về một mình với đứa con gái duy nhất. Từ khi má mất, chị càng ít khi về. Năm nay, không báo trước, chị về nhà chuẩn bị giỗ má. Đang gặp những muộn phiền trong cuộc sống vợ chồng, chị muốn đi một mình cho thong thả, để nghĩ cách mà xử sự sao cho vẹn toàn.
Con đường nhỏ ven sông trước đây đầy cát, sình, cỏ dại, trồi sụt hụp hưởi theo từng bước chân người… giờ được phủ bê tông, sạch sẽ. Con đường chỉ lát bê tông bề ngang độ hơn mét, hai bên cỏ mọc chen chúc. Những bông sài đất cánh vàng, bông xuyến chi cánh trắng xôn xao trên đám lá xanh. Thi thoảng lại thấy những mảng nứt gãy do rễ dừa rễ nhãn trong vườn đội lên, và khách di chuyển trên đường bằng xe máy có khi phải cúi mình né một tàu lá chuối hay mấy chùm xoài treo lơ lửng. Nói theo kiểu của giới truyền thông bây giờ là đường làng “hiện đại nhưng vẫn mang đậm tính… dân tộc”. Nhìn những cung đường quanh co uốn khúc lượn sâu vào vườn cây, chị thấy như một trời kỷ niệm ấu thơ ùa về.
Bước chân chị vấp một cái rễ trồi lên mặt đường. Hình như người ta cố tình lát đường mỏng so với thiết kế cần có, chắc là cho cây thở! Chị lau mồ hôi, nhìn quanh tìm kiếm. Kia rồi, cái quán nhỏ gần chân cầu. Quán nước của mẹ cô bạn học chung lớp chị. Người mẹ bán nước trà, kẹo đậu, bánh phồng dẻo, bánh phồng nướng… người cha chở đò ngang rước khách.
Cô bạn chị có cái tên nghe thiệt não nùng: Nguyệt Nga. Tên đẹp mà người cũng đẹp. Bởi vậy từ lúc Nguyệt Nga học trung học, quán nước của nhà cô đã luôn tấp nập người qua lại. Mỗi người ngang đây đều ghé vào, khi uống ly nước, khi ăn chén chè. Lũ học trò, đi học về cũng kiếm cớ nấn ná thêm chút xíu ở cái quán nhỏ đó… Cái quán đã trải qua bao nhiêu gió bụi mỗi ngày, đã đón và tiễn bao lớp học trò ghé uống nước, đi đò…qua hết một thời thơ ngây đầy khốn khó. Nơi đó cũng từng chứng kiến bao nhiêu mối tình học trò thơ dại, vụng về nhưng khó lòng quên được trong một đời người. Có những cô cậu rủ nhau vào quán uống nước, nói chuyện với nhau bằng.. cán muỗng. Tức lấy cái muỗng chấm nước rồi vẽ chữ hay ký hiệu lên mặt bàn. Kín đáo mà công khai. Vui và hạnh phúc, thất vọng hay tủi buồn, cũng từ những vệt nước đọc xong là khô liền đó.
Quán nước nhỏ ven sông bây giờ vẫn còn, nhưng hiu hắt như ánh mắt người cô phụ. Từ ngày có chiếc cầu bắc ngang, con đò cũ nát đã được kéo lên đổ đất… trồng rau cặp bên hông quán. Lớp trẻ bây giờ ít lui tới vì lẽ có cầu rồi, chúng đi học bằng xe đạp, nhanh hơn. Chương trình học mỗi lúc mỗi dày hơn, cuốn hết thời gian của chúng, nên hiếm có được phút giây thơ mộng uống nước ăn chè và tỏ tình bằng những chiếc muỗng như lớp cha mẹ chúng khi xưa. Chị kéo vali đi nhanh tới căn quán nhỏ. Hình như lâu lắm rồi, ngôi quán không được sửa sang, mái lá đã cũ lắm. Chỉ khác chăng người trong quán, khi xưa là bà mẹ già, giờ còn mỗi một người phụ nữ trung niên giống như bà chủ quán ngày xưa.
Chủ quán nhướng mày nhìn khách rồi bật dậy, hỏi lia lịa, như sợ không nói sẽ quên: “ Bà Nghi đó hả? Mới về hả? Đám giỗ bác Hai sắp tới rồi hả… Mèn ơi…”. Khách cười dịu dàng, kéo túi lấy ra cho bạn một gói quà: “Tui để dành tặng cho bà nè…” Lọ dầu, chai thuốc bổ, chiếc áo lụa, khăn quàng cổ, mấy cái áo pull cho con trai… những thứ mà mỗi khi rảnh rỗi, nghĩ tới bạn, chị lại lăng xăng đi mua sắm.
Chị cầm ly nước bạn mời, ngắm nhìn bạn và tự nhiên thấy trái tim mình nhói lên một chút. Người xưa đẹp não nùng. Người bây giờ thì… xấu não nùng. Quả là thời gian có thể thay đổi mọi thứ, dĩ nhiên là có sự tác động của nhiều yếu tố khác nữa.
o O o
Nguyệt Nga lấy chồng sớm.
Khi nhiều bạn bè bắt đầu rời làng quê đi học xa nhà, hoặc tìm học một nghề nghiệp nào đó để có thể “trụ” trên cõi đời này, thì Nguyệt Nga phải đi lấy chồng. Chồng là Thạnh, một người chơi hoa kiểng, tánh tình rộng rãi xởi lởi, chuyên đi “làm” kiểng cho người có nhu cầu. Thạnh lớn hơn Nguyệt Nga gần hai mươi tuổi nhưng không thấy già. Người cao ráo, bảnh trai và miệng lưỡi rất khéo. Nga rất không ưa cái khéo miệng lưỡi đó nhưng không thể cãi lời cha. Ông nói gả là gả, nói không là không. Trước ngày đàng trai qua “coi mắt”, ông còn dặn dò Nguyệt Nga: “Ráng mà cư xử cho đúng mực theo lời cha dạy. Con gái trong nhà như hũ mắm treo đầu giàn, sơ sẩy chút là cả nhà thúi hoắc. Tao với má mày, hồi đó cũng nội ngoại hai bên thấy vừa mắt là cưới, rồi cũng sống với nhau năm bảy mặt con. Coi đi, gần ba chục năm rồi…”
Ông già đưa đò, bà già bán quán chứng kiến biết bao nhiêu sự thân mật của đám trẻ vừa lớn, đâm nghĩ ngợi vu vơ. Rủi con mình nó yêu đương bậy bạ, không biết giữ thân, chắc ông bà ra đường không dám ngó ai. Mà Nguyệt Nga thì đẹp quá chừng, đám trai trong xóm cứ bu lấy cô như ruồi bu mật mía. Đôi má con gái mười tám đỏ hồng năm ấy lọt vô mắt xanh của chàng cây kiểng. Trong một lần ghé quán, chàng bèn ngỏ lời… với ông già tía của cô. Chẳng dè ông gật. Dù gì anh ta cũng có một cái nghề hộ thân, lại có nhà cửa tử tế. Gả con vô nhà đó không lo thiếu ăn thiếu mặc. Chàng cây kiểng ra về, ông vô nhà nói với vợ, coi như đã chính thức gả cô cho người ông tin cậy là sẽ mang hạnh phúc đến cho Nguyệt Nga. Má cô, vốn an phận và phục tùng chồng, coi đó là “lệnh”.
Cứ tưởng như thế là đã yên ấm rồi, ai mà ngờ đâu….
Từ hồi lấy chồng, Nguyệt Nga phải làm lụng như một người giúp việc không lương, làm dâu cho hết cả nhà chồng, vậy mà má chồng còn chì chiết nặng nhẹ. Tuy nhiên, Nguyệt Nga vẫn cố chịu đựng. Chuyện má chồng nàng dâu là chuyện bình thường muôn thuở. Vả lại đó cũng là người đẻ ra chồng mình, mà anh lại là con trai một. Má già rồi, để bả muốn làm gì làm, nói gì nói, rồi sẽ qua! Nguyệt Nga nghĩ vậy nên cũng xem như bình thường. Riết rồi thành quen. Thạnh cũng tỏ ra rất thương yêu vợ. Mỗi sáng anh đều phụ vợ dọn hàng ra chợ gần nhà, bán buôn cho có đồng ra đồng vô, rồi mới đi làm. Khốn nỗi, khi còn ở chung nhà, mỗi lần bà má chồng bắt gặp anh làm cái gì đó cho vợ là cáu kỉnh càm ràm, vạch lá tìm sâu để… chửi cho đã miệng, dù thật ra cô dâu chẳng làm điều gì lầm lỗi. Đã vậy, cô dâu mới về nhà chồng chẳng bao lâu thì gia đình chồng lâm cảnh nợ nần vì mẹ chồng bị bể hụi. Vườn đất không cánh mà lần lượt bay vèo. Nguyệt Nga vừa chạy chợ, vừa nhận đồ thủ công về làm mà vẫn không đủ chi, còn bị chồng mắng là có số hãm tài, cưới về làm ăn cất đầu không lên! Nhưng nếu chỉ có vậy thôi thì…
Một buổi chiều, đang lo chuẩn bị cơm nước thì Nguyệt Nga nghe người ta kêu tên chồng mình nhoi ngoài sân. Một người đàn bà cứng tuổi, ăn mặc có vẻ sang trọng bước xuống taxi, không cần hỏi han đã gào khóc biểu chồng cô phải trả… con gái cho bà. Đám thanh niên đi theo bà có tới mấy người, tay cầm gậy gộc, quơ trúng thứ gì là đập ngay thứ đó. Cô ngơ ngác và sợ hãi ôm hai đứa con đang khóc thét vào lòng, không biết chuyện gì đang xảy ra. Chồng cô thì trốn biệt đâu mất! Hàng xóm phải chạy sang can ngăn và đòi báo công an xuống dẹp loạn thì người đàn bà với đám thanh niên mới hậm hực rời khỏi, sau khi ném lại một câu dằn mặt:
– Đ.M. Tao mà gặp “nó” ở đâu là tao cho người đập nó chết mẹ. Ráng trốn cho kỹ nhen!
Họ nhanh chóng kéo đi cũng như lúc họ đến. Để lại một đống tan hoang. Khi đó chồng cô mới xuất hiện cùng với một đứa con gái mặt mày non nhớt, mang cái bụng lúp xúp. Hai người đi ra từ vườn chuối phía sau. Con nhỏ mặt mày xanh dờn vì sợ hãi và lúng túng không biết nói gì, còn chồng Nguyệt Nga thì quỳ xuống van xin vợ rộng lòng… cưới đứa con gái đó cho mình vì đứa con gái đã “lỡ” có bầu. Con nhỏ cũng bắt chước quỳ xuống. Nga chợt thấy trời đất tối sầm, mồ hôi ướt đẫm cả người. Cô quay gót vào nhà trong, không nói được lời nào.
Đêm đó Nguyệt Nga thức trắng. Cô chỉ còn thấy mớ bòng bong trước mắt mình càng lúc càng dày mà không gỡ được. Chừng mệt quá, cô thiếp đi.
Gà gáy sáng, Nguyệt Nga lục đục ngồi dậy, bước ra ngoài thì thấy họ đã thay đổi tư thế. Anh chồng thì ngồi khoanh chân, con nhỏ ngồi sau dúi đầu vào lưng anh ta, ngủ gục. Nhưng họ không rời chỗ đã quỳ tối qua. Nguyệt Nga ôm ngực mình, nghe tim đau nhói. Nhưng, ngay lúc đó cô lại thấy… thương con nhỏ. Một đứa con gái không chồng mà chửa, dù ở xó quê này hay nơi thị tứ nào, nó cũng nhục nhã ê chề biết dường nào. Nhìn lại, con nhỏ chỉ lớn hơn con trai mình độ mươi tuổi chớ mấy… Nguyệt Nga thấy xót xa cho nó. Một tuần trôi qua trong nỗi lo sợ của chồng Nga và con nhỏ. Họ đứng ngồi không yên trong lúc Nga thì vẫn im lặng. Sự im lặng của cô khiến không khí trong nhà đặc quánh, nghẹt thở. Hai đứa nhỏ huyên thuyên cười nói vì nhà có thêm “khách lạ”, cũng không làm cho bầu không khí nhẹ bớt. Chưa kể là má chồng cô biết chuyện, đã kêu cô lại, đùng đùng mắng cho một trận nên thân vì không biết giữ chồng. Bà xách chổi lông gà đánh đuổi con nhỏ ra khỏi nhà vì “đồ con gái hư, dám thất thân với một người đàn ông có vợ”. Rồi bà mắng con trai: “Nó hỉ mũi chưa sạch, làm ăn được cái gì mà giờ nê cái bụng chửa như vậy, ai ở không mà nuôi!” Tuyệt không một lời cho thấy bà hiểu rằng, vì nó quá bé nhỏ, ngây thơ, nên bị con trai bà dụ dỗ… Nga lúc đó bỗng dưng bình tĩnh. Cô ôm con nhỏ lại, nói má từ từ để con tính.
Hai hôm sau, Nga đưa cho chồng đôi bông một chỉ vàng, một ít tiền và kêu đưa con nhỏ xuống ghe đi đi. Anh ta mừng rỡ cầm lấy mà không thiết hỏi han ở đâu mà có tiền, có vàng. Chỉ kêu con nhỏ gom đồ vô túi. Anh ta đâu biết Nga tất tả chạy vay mượn tiền và lột luôn đôi bông cưới để đưa cho anh ta ra đi với con nhỏ. Trước khi họ ra đi, hai đứa con Nga còn chạy theo giỡn với con nhỏ, thò tay rờ cái bụng bầu đang đội áo của nó. Con nhỏ quê quá phủi tay thằng con cái rột. Gã chồng đứng chết trân.
Lúc hai người họ xuống ghe đi được một quãng xa rồi, Nguyệt Nga đứng trên bờ mới sụp xuống, khóc ngất. Cô bước xiêu vẹo ra cái quán ngoài bến sông. Ngó cô tựa như cây chuối tơ gặp bão sắp sửa đổ ụp xuống dòng nước đục ngầu.
o O o
Chị lững thững rời quán nước lúc sẫm tối. Đã nghe bạn bè kể lại chuyện bạn mình, nhưng đối diện với người trong cuộc để nghe sự thật não lòng này, chị không còn lời nào để an ủi bạn. Nhưng hình như Nguyệt Nga vẫn bình yên chứ không có nét gì là buồn khổ. Ngoài chuyện buồn trên, Nga còn vô số chuyện vui. Thằng con trai đầu vừa thi học sinh giỏi Lý. Thằng út hiện giờ đã là “sếp sòng”trong lớp với sức học đều các môn, đặc biệt là ngoại ngữ, có khuynh hướng theo ngành xã hội. Ngoài giờ học ở trường, chúng về phụ mẹ làm lặt vặt chuyện nhà, trồng cây trồng rau, thậm chí đi chợ cho mẹ. Nga nói, giờ mình buôn bán để dành phòng khi hữu sự, với lại cho vui. Cái thẻo đất quán ven sông đó, Nga trồng đủ thứ rau, nuôi gà thả… đủ cung cấp thức ăn cho ba mẹ con mà không sợ mua mắc mua rẻ. Nga cười hề hề rất… nông dân: “Ôi thôi thì bạn bè lâu ngày kể chuyện nghe chơi chớ nguyên khu này giờ có ai khỏe được như tui: mỗi ngày buôn bán lặt vặt ở nhà, vừa lo cơm nước, vừa lo tém dẹp chung quanh, vừa nghe nhạc (mấy quán cà phê vòng vòng đó phát loa lớn) và chờ con đi học về. Tui không đủ khả năng dạy học cho mấy nhỏ, nhưng có khả năng nhắc nhở… cũng may, tụi nó còn thương tui. Bà đừng lo gì ráo!”
Chị lại nhớ tới câu chuyện cắng đắng với chồng và bất giác mỉm cười: ôi đời người còn mấy lát, giận hờn nhau chi nữa cho mệt vậy hè… Chị mở điện thoại, gọi cho chồng: “Em đã về tới nhà rồi đó, anh.”
CG