Khoảng bảy tám năm trước, khi đi chợ Walmart, tình cờ tôi bắt gặp những tập giấy học sinh Cogido nằm trên kệ. Thương hiệu Cogido làm tôi nhớ lại hình con nai in trên những quyển vở ngày xưa của học trò Sài Gòn. Giấy trắng tinh với những hàng kẻ mực xanh nhưng bìa vở không còn in hình con nai. Và điều này làm tôi tin rằng, đó là sản phẩm “hậu duệ” của ông “vua giấy” Dương Tài Thu, cha của ông “vua rác” Dương Tử Trung hay David Dương, Tổng giám đốc công ty CWS (California Waste Solutions) và cả VWS (Vietnam Waste Solutions).
Nhân viên của công ty CWS – Nguồn: cws.com
Đến San Francisco định cư cuối những năm bảy mươi, gia đình ông “vua giấy”, không làm giấy nữa mà xoay ra cái nghề thu gom phế liệu các loại rồi bán cho các nhà máy tái chế. Khởi đầu cuộc mưu sinh tự làm chủ lấy mình, vất vả hằng ngày nhưng các thành viên trong gia đình đều hiểu rằng, bước đi của ông “vua giấy” một thời là đúng cho một mong muốn lớn hơn. Ông “vua rác” David Dương vẫn nhớ lại cái thời cha mình thường hay nhắc nhở con cái, “hãy bắt đầu bằng công việc nhỏ nhặt nhất”. Sau giờ học mấy anh em xúm nhau đi lượm phế liệu, giấy carton, chai nhựa, lon nhôm góp phần vào cải thiện cuộc sống kinh tế gia đình và là bài học đầu tiên trong ngành kinh doanh “thứ bỏ đi” mà không mấy người Việt định cư ở California thèm muốn.
David Dương (giữa) chụp hình lưu niệm sau khi trúng thầu thu gom rác tái chế thành phố Oakland – Nguồn: cws.com
David Dương chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp từ con số không khi đến đất Mỹ xa lạ, không vốn liếng tiếng Anh, không quen biết với láng giềng. “Cha tôi vốn có máu kinh doanh, nên nhìn đâu cũng thấy cơ hội ‘làm ăn’. Nhưng ông bảo, phải chịu khó, kiên nhẫn thì mới mong thành công, cho dù là một thành quả nhỏ nhất. Bắt đầu bằng chiếc xe van trả góp, chạy lòng vòng các con đường thành phố thu gom phế liệu. Có những đêm đông giá lạnh, anh em chúng tôi vẫn đi nhặt thùng giấy carton, ve chai. Và cuối tuần, lên xe buýt đi quanh thành phố bằng cách ngồi nhìn ra cửa sổ để ý những điểm có nhiều thùng rác, phế liệu mà dân “ve chai” thường đi nhặt. Rồi làm quen với những người nhặt nhạnh, kêu gọi họ mang bán những thứ có thể tái chế cho gia đình, một “công ty” không danh tánh. Với kiểu cách mua đi bán lại từng cân phế liệu, cộng thêm công sức đoàn kết các thành viên gia đình, “công ty” phế liệu ra đời sau đó bằng cách tăng cường thêm vài chiếc xe van mới kham nổi việc.
“Mọi thứ bắt đầu từ đây!”. David Dương hồi tưởng một chặng đường dài, khi ông quyết định qua Đài Loan tìm gặp những đối tác quen biết của cha mình ngày trước để tìm đầu ra xuất cảng cho nguồn phế liệu tái chế vốn thường bị cạnh tranh với thị trường trong nước Mỹ. Năm 1983, Công ty Cogido Paper Corp. ra đời. Tôi muốn lấy lại cái tên thương hiệu nhà máy sản xuất giấy của cha tôi ngày xưa. Thương hiệu Cogido hẳn những người lứa tuổi trung niên sống ở miền Nam ngày xưa đều biết, tôi muốn làm sống lại thương hiệu này trên đất Mỹ.
“Vua rác” phát biểu trước giới truyền thông Hoa Kỳ – Nguồn: cws.com
Những năm sau đó, công ty phế liệu gia đình ăn nên làm ra, một vài công ty khác có vốn lớn, muốn mua lại công ty với giá vài triệu đô la. Quả là một cái giá hấp dẫn, có thể dùng vốn để làm ra một công ty khác với quy mô lớn hơn. Sau khi các thành viên gia đình bàn bạc, đồng ý bán công ty kèm theo điều kiện David Dương ở lại làm giám đốc cùng hai thành viên gia đình trong thời gian 5 năm để có thời gian thu lại nợ từ các đối tác làm ăn trước đó. Nhưng mọi chuyện không như mong muốn, sau một năm, chủ công ty tìm cách “đẩy” các thành viên kể cả ông “vua rác” ra đường bằng cách trả đứt nợ xấu của đối tác xuống mức thấp nhất và gán bằng những thiết bị cũ của công ty muốn thanh lý.
Người xưa thường nói “họa vô đơn chí”, quả không sai. Cách làm ăn gian dối của công ty đã khiến David Dương chán ngán, đã vậy họ còn cho ông ra rìa bằng cách trả những thiết bị chỉ còn là một thứ rác phế liệu không thể biến thành phương tiện sản xuất có hiệu quả trong khi thị trường đòi hỏi phải phân loại và tái chế nhanh hàng ngàn tấn rác một ngày. Cuộc đời kinh doanh bỗng chốc không lường được sự thay đổi có thể làm cho một con người nản lòng bỏ cuộc. Thế nhưng, David Dương không phải là người như thế. Thay vì lập kế hoạch cho các trường hợp xấu nhất, ông lại muốn thích nghi với những thay đổi và vẫn nỗ lực mà không nản lòng. Khi đối mặt với một tình huống xấu như nếm phải thứ chanh chua khiến mình nhăn mặt nhíu mày. Tại sao không pha vào đó với đường để biến nó thành một cốc nước chanh ngọt miệng.
“Vua rác”giới thiệu dự án – Nguồn: cws.com
Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, một cơ hội khác lại đến. Năm 1991, thành phố Oakland tổ chức đấu thầu thu gom rác tái chế. David Dương quyết định thành lập Công ty CWS để tham gia đấu thầu. Tái lập công ty lần này, cơ may đã đến với gia đình qua việc trúng gói thầu thu gom phân nửa rác của thành phố với giá trị vài chục triệu đô. David Dương dùng số tiền bán công ty cũ xây dựng nhà máy tái chế mới. Cuộc kinh doanh làm ăn có thêm những tiến triển và thành công lớn, ngày càng có nhiều hợp đồng có giá trị, mang lại việc làm cho hàng trăm người, trong đó hầu hết là người gốc Việt. CWS dần trở thành đối thủ đáng gờm đối với các công ty khác của người bản xứ. Năm 2013, tạp chí chuyên ngành môi trường Waste Age đã xếp công ty CWS vào vị trí thứ 31/100 công ty rác tại Hoa Kỳ.
Thừa thắng xông lên, một năm sau hợp đồng đầu tiên với thành phố Oakland, CWS trở thành một công ty phát triển, thu gom thêm rác tái chế của các thành phố khác như San Jose, Sacramento, Contra Costa và nhiều khu vực khác tại Bắc California. Không dừng lại đó, với công suất tái chế dư thừa của tất cả 6 nhà máy của ông “vua rác”, David Dương thu mua vật liệu tái chế đến những tiểu bang miền Trung Tây như Texas và Utah… CWS đặt thêm văn phòng tại Trung Quốc, Philippines và một số nước châu Phi để xuất cảng rác tái chế làm nguyên liệu sản xuất ở các nước sở tại.
Thành công ở khắp nơi, David Dương quyết định nhìn theo hướng của cha mẹ trong thời gian ông bà về quê hương trước là thăm bà con, sau là xem có gì đó để mở rộng kinh doanh ngành nghề. Đó là thời gian năm 1994 trước một năm Mỹ bỏ lệnh cấm vận VN. Thành phố Sài Gòn bắt đầu phát triển, dân các nơi kéo về sinh sống làm ăn. Rác đầy đường, môi trường bị ảnh hưởng xấu vì rác không có đủ nơi chứa. “Ba tôi nhìn đâu cũng thấy cơ hội”, David Dương nhắc lại cái nhìn của “vua giấy” lão thành. Thời điểm ấy, chưa có doanh nghiệp nước ngoài nào vào VN đầu tư cho ngành thầu rác. Lại một cơ hội mới đầy thử thách đối với ông “vua rác” con.
“Vua rác” chia sẻ nhiệm vụ với đội tài xế xe lấy rác vừa mới tuyển cho cuộc ra quân hồi đầu tháng 7 – Nguồn: cws.com
CWS có thế mạnh, có trang thiết bị, vấn đề còn lại là môi trường đầu tư có thuận lợi suôn sẻ hay không. Mọi thứ đều có chính sách từ trung ương nhưng chính sách địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Trình tự đầu tư, kế hoạch, vốn hoạt động, nhân lực, thiết bị đã sẵn sàng cho một dự án tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Nhưng phải kế hoạch kéo dài gần mười năm mới thực sự bắt đầu hoạt động thu gom phân loại, giải quyết nước thải, chế biến phân bón và sản xuất điện từ khí methal sinh ra từ rác. Thành công với khu giải quyết rác chu trình khép kín của CSW tại Bình Chánh, David Dương thực hiện dự án giải quyết rác và tái chế nước thải tại Long An. Mọi thứ đều khép kín, nước thải từ rác qua dàn máy lọc trở thành nước sạch dùng để tưới cây trồng và phân bón chế từ rác cung cấp cho ngành nông nghiệp miền Nam.
Tại Oakland, năm 2014 một hợp đồng lớn 1 tỷ đô vận hành trong vòng 20 năm tưởng vuột khỏi tay David Dương cho việc bỏ thầu đã quay trở lại công ty CWS trước đối thủ Waste Management (WM). Trước đó, Hội đồng thành phố Oakland đã chọn WM vì giá thầu rẻ hơn CWS. “Giá rẻ, tất nhiên WM sẽ áp dụng tiêu chuẩn thấp hơn. Trong khi Sở Môi trường muốn áp đặt tiêu chuẩn cao hơn. Tôi đã phản ảnh điều này lên thành phố và dẫn đến buổi điều trần kéo dài 5 tiếng đồng hồ. Cuối cùng các thành viên Hội đồng thành phố đều đồng thuận giao cho CWS thầu phần rác tái chế”, David Dương hào hứng trả lời phỏng vấn giới truyền thông California.
Một góc khu phân loại rác tái chế – Nguồn: cws.com
Mặc dầu CWS trúng thầu từ năm qua nhưng phải đến hồi đầu Tháng Bảy năm nay, CWS mới chính thức được vận hành gói thầu. Trong ngày ra quân thu gom rác theo hợp đồng mới, ông “vua rác” không ngần ngại thông báo sẽ mua lại của thành phố một khu đất 20 mẫu tây xây dựng thêm nhà máy tái chế mới có công suất 10,000 tấn/ngày. Quan điểm của CWS luôn là “đi tiên phong để đón đầu xu thế”.
Nhiều nhà kinh doanh đùa vui, ông “vua rác” hưởng gene di truyền thành công của ông “vua giấy”. Nhưng hãy nghe Adam Khoo – triệu phú trẻ tuổi người Singapore đã nói rằng: “Thành công không phải là một yếu tố bẩm sinh mà là kết quả của một quá trình nỗ lực”.
TN