Menu Close

Vui thôi mà

Mình làm thơ. Việc có gì là ghê gớm lắm không. Và thơ mình có gì là lớn lao, quan trọng để mong người đời sau nhắc tới. Gần đây mình tự hỏi mình, như là tự soi vậy, khi đọc thấy trên báo chí sách vở người ta bàn luận sôi nổi đầy ấn tượng và thông tuệ về thơ (của họ và những người cùng một phía). Phải chăng đây mới đích thị là thi ca của thời đại này! Khiến mình phải soi gương, nhìn rõ mình và những gì được viết ra, cuối cùng không khỏi mỉm cười, thốt lên: Chỉ là vui thôi mà. No big deal!

Thực ra ý nghĩ vừa trình bày không có gì là mới mẻ, độc sáng. Ít ra đã được nhiều người uy tín bàn tới – nhiều nhà và cả Võ Phiến nữa, gần đây lại được Trịnh Y Thư nhắc lại. Theo các tác giả này thì thơ (thẩn) chỉ là thứ để chơi vui thôi mà. Xin Nghe Võ Phiến nói, “Tôi e những món thơ thẩn với tùy bút nọ kia đều phải xếp về phía đồ chơi. Những cái mình miệt mài bấy lâu, khi đầu bạc nhìn lại là đồ chơi cả. Không riêng mình, bao nhiêu người miệt mài vẽ tranh, soạn nhạc, hát xướng, bao nhiêu hình vẽ ở các hang động tiền sử, các tranh dân gian (nào gà lợn, nào đô vật, nào đánh đu), các câu ca dao, hát ví, quan họ… một thời, các món nghệ thuật cũng là chơi thôi.” Ở đây không nghe Võ Phiến nhắc tới truyện. Vậy truyện không phải là đồ chơi chăng? Hẳn là nó to lớn, giá trị lắm và đóng góp nhiều vào cuộc nhân sinh. Các ông bà viết truyện cứ thế, cứ thế mà tiến tới nhé.

Thơ chỉ là đồ chơi. Nguyễn xin được trở lại thời nhỏ với những câu thơ đầu tiên viết ra. Hồi ấy có ai khuyên bảo hay dạy dỗ gì đâu mà mình tập tành làm thơ. Chỉ là do bầu không khí mơ mộng ở Vương phủ với ảnh bóng của nhà thơ siêu thực Võ Ngọc Trác và các anh em bạn bè Nguyễn. Hồi đó mới học đâu chừng Đệ Ngũ mà mê đọc truyện đọc sách đến quên ăn quên ngủ. Sách Hồng, Truyền Bá, sách Lá Mạ và tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn, thơ Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy cận… Rồi các cousins ở cùng xóm hay bàn luận văn chương lại thêm sớm chiều thấp thoáng bóng người đẹp. Thế là ta bèn mần thơ. Vâng, thay vì bắn chim, lội sông ta mần thơ. Mần thi mần thơ theo ý nghĩ, cảm xúc và những điều nhìn thấy ở chung quanh thôi chớ chẳng có xu hướng dẫn dắt nào ráo trọi. Hồi đó làm gì đã có thơ tự do, tân hình thức với hậu hiện đại như bây giờ. Cứ mần thôi và bài thơ được kể là đầu tiên trong đời đăng báo Đời Mới có tựa là Nắng Vàng ký tên Châu Liêm. Xin ghi lại sau đây, các bạn chịu khó đọc chứ đừng delete hay bỏ qua mà tội nghiệp (tội nghiệp cho Cu này và tội nghiệp cho Thơ):

Nắng lịm trưa nay vàng đậm lắm
Dịu hiền như nắng vợi chiều xưa
Có con bướm nhỏ vàng đôi cánh
Chập chờn trên dậu nắng rơi thưa
Tiếng hò em bé bên hàng xóm
Nghe dậy hồn tôi điệu nhớ vừa
Chút tình thương nhớ trong mùa loạn
Rốt về trong nắng dịu tâm tư
Chừng nghe xóm cũ buồn ghê lắm
Tôi đã về đây suốt mấy mùa
Hồn quê đồng nội chừng chua xót
Mà kiếp thân tàn theo gió mưa
Súng dậy bốn bề say máu lửa
Nắng chảy trời ơi xuống liếp dừa
Đồng nội trưa ni buồn quạnh quẽ
Tiếng gà đã bặt lối thôn xưa
Tôi về nhặt nắng hàng cau ấy
Mà liệm chôn vào đôi nét thơ

Bài thơ làm năm mười bốn mười lăm tuổi ấy không tránh khỏi những chỗ vụng dại. Thế nhưng nhiều bạn của mình đã thích và cứ nhắc đi nhắc lại “con bướm vàng đôi cánh”, “buồn ghê lắm”, “điệu nhớ vừa”… Và gọi mình là Châu Liêm, nghe sướng ơi là sướng.

Từ bài thơ đầu tiên ấy tôi đi. Đi qua bóng nắng hình mây của những cuộc tình hờ. Đi qua những sân trường, những sách vở và phố xá với dấu chân người và bạn bè. Đi qua bụi khói chiến tranh và qua sạn đạo lưu đày. Qua những xa lộ siêu thời gian và những chiếc cầu treo bắc ngang thiên niên kỷ của xứ người. Qua những quảng trường với tiếng thơ thời đại. Đi qua… Đi qua… Có nụ cười và tiếng khóc. Có cả mồ hôi và máu. Và thơ. Vâng, thơ mình trước sau chỉ là đồ chơi thôi mà sao nhọc nhằn, đau đớn làm vậy.  Một mình trên góc phố chiều nay / tôi nghe gió mùa đi qua lục địa / thổi qua những biên thùy. rào cản. những ước định của người. những tâm hồn mê sảng / những màu da. những dòng nước mắt… Chỉ là vui thôi mà sao trong nụ cười có hoen giọt lệ. Như khi xe chở trại tù chạy qua cầu xa lộ lúc nửa đêm nhìn thấy ánh đèn nhà mình bên Thanh Đa chưa kịp cười reo đã bật lên tiếng khóc. Đêm đưa ta lên miền bắc / với những chấm đèn trong mưa / một đi bóng nhà xa khuất / còn nghe đôi ngọt gió thu… Tiếng gió thu âm vang hay tiếng kêu trầm thống của kiếp người. Thơ tôi chỉ là đồ chơi, chỉ để vui thôi mà sao oan khốc tầng tầng. Làm thơ (trong đầu) lúc cuốc đất, gánh phân gánh nước đái tưới rau. Làm thơ lúc chém tre đẵn gỗ, lúc đẩy xe cây xe đá. Làm thơ rồi đêm khuya trong lán trại mịt mùng ngồi tụng như tụng kinh để thơ còn lại với đời. Chỉ là vui thôi mà. Ôi việt nam. từng là nỗi đau xé trong tôi / sao tôi khóc lúc ra đi / phượng đỏ một màu yêu dấu cũ / là lúc chia xa…

Sang tới Mỹ, cũng bằng thơ cất lời chào vùng đất mới

“tôi cười. với mọi người. hoen lệ
chào buổi sáng. chào hoàng hôn. chào mái trăng thượng huyền
cuối một chặng đường. ta gặp lại
một niềm vui. một hy vọng
(dẫu thế nào cũng phải sống đời ta
như nước sông. lấp tràn bờ cỏ)
cùng với mọi người. tôi nối vòng tay
và cảm ơn. thế giới đã cho tôi chỗ ở
khi nước mất. nhà tan. bạn bè xiêu tán
thập loại chúng sinh. mờ đồng rừng
hãy diệt. hãy quên. và bắt đầu lại

Chỉ là đồ chơi vui thôi mà sao đeo nhau lâu dữ vậy. Tôi làm thơ / cho bạn bè / cho những người cùng khổ / cho sấm dội / cho đổ vỡ / cho mây xa… Đã thế còn ước mong thơ có được hiệu ứng cánh bướm tạo ra những chấn động rền trên các phế tích ngày qua. Có khùng không chớ? Các nhà thơ hiện đại và nhà phê bình bây giờ nếu có lúc nào để mắt tới thơ mình sẽ bỉu môi: Thơ vậy mà cũng đòi lên tiếng và có mặt ư. Có gì mới mẻ hiện đại đâu, cổ lỗ và nặng trữ tình chẳng có chút gì táo bạo ngổ ngáo và dục tính với những ngôn từ sần sùi thông tục của đời sống. Ôi, ôi… Xin lỗi chư vị nhé. Đã bảo từ đầu là vui thôi mà. Và xin lặp lại lời Võ Phiến: Chỉ là chơi. Chơi sao cho sảng khoái, mê tơi. Đã thế còn nuôi mộng đem thơ đi hát rong ở các quán cà phê và trên các quảng trường thời đại. Ngu ơi là ngu, phải không các bạn?

TN