Menu Close

70 năm cuộc cờ Washington – Hà Nội (Kỳ 2)

70 cuoc co2

(tiếp theo)

Phong trào sinh viên phản chiến bùng phát dữ dội tại Hoa Kỳ vào cuối thập niên 1960 đã vô tình tiếp sức cho Hà Nội và gây thất lợi không nhỏ cho chánh nghĩa quốc gia VNCH. Một trong những cái tên nổi bật là Bill Clinton, lúc đó đang là sinh viên khoa Triết-Chánh Trị-Kinh Tế tại trường Ðại Học Oxford. Ðến thời ông lên làm Tổng Thống Hoa Kỳ, giữa thập niên 1990, chính Clinton ban hành quyết định bình thường hóa bang giao với Hà Nội.

Những diễn biến này góp phần đưa đến hệ lụy mới nhất là chuyến đi Hoa Kỳ rình rang tháng 7-2015 của nhân vật cầm đầu CSVN hiện tại, Nguyễn Phú Trọng. Ðây là sự kiện thu hút rất nhiều quan tâm của người Việt quốc nội lẫn quốc ngoại. Các bước đi này nằm trong một chuỗi những nước cờ sâu xa, đầy uẩn khúc trong mối giao hảo giữa Washington và Hà Nội, mà vài cột mốc quan trọng chúng tôi đang thử điểm lại trên trang báo này. Sau đây là phần tiếp theo, từ thập niên 1970 đến đầu thế kỷ 21.

70 cuoc co1

Thiếu nữ Việt quốc nội chào đón hành khách United Airlines Flight 869 hôm Thứ Sáu, 10-12-2004. Ảnh AP Photo/Tran Quang Tuan

Đầu thập niên 1970

Tháng 12-1972, Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon ra lệnh thả bom Hà Nội và Hải Phòng, trong trận đánh lớn nhất của Không Lực Hoa Kỳ kể từ Đệ Nhị Thế Chiến. Gần phân nửa không quân chiến lược và hầu hết không quân chiến thuật của Hoa Kỳ đồn trú tại Đông Nam Á góp mặt, bao gồm trên 200 phi cơ thả bom khổng lồ B52 và 2,000 phi cơ chiến thuật. Trận “Christmas Bombing” đã đẩy Hà Nội gần đến mức suy kiệt. Vài tuần sau, Washington và Hà Nội đạt thoả thuận đình chiến, mệnh danh là Hiệp Ðịnh Paris 1973 (1). Dưới áp lực nặng nề từ phía Hoa Kỳ, cũng như có cam kết cá nhân tối mật từ chính Nixon (2), chánh phủ VNCH, dưới quyền Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, thông qua đại diện là Ngoại Trưởng Trần Văn Lắm, chấp nhận ký kết. Ðiều ít được biết là Hiệp Định Paris chưa hề được Thượng Viện Hoa Kỳ phê chuẩn. Một phần kết quả của ký kết này: Hoa Kỳ có thể triệt thoái binh sĩ, đưa tù binh chiến tranh (3) đoàn tụ với gia đình họ trong vòng 60 ngày, nhưng cũng để tất cả bộ đội Hà Nội thường trú vô thời hạn trên lãnh thổ quốc gia VNCH. Ngày 29-3-1973, những binh sĩ tác chiến cuối cùng của Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Miền Nam VN.

Ðến tháng 5-1974, thời cuộc đảo lộn thình lình với việc Hạ Viện Hoa Kỳ mở các vụ điều trần cứu xét đề nghị phế truất Tổng Thống Richard Nixon. Sự kiện này và nhiều bước điều tra tiếp theo trong vụ bê bối “Watergate” cuối cùng đẩy ông Tổng Thống đến chỗ phải từ chức hôm 9-8-1974. Với Nixon biến khỏi chánh trường, và Tổng Thống Gerald Ford lên thay yếu thế, Quốc Hội Hoa Kỳ cắt giảm dần, rồi cuối cùng kết liễu các khoản kinh viện lẫn quân viện cho Miền Nam VN vào những tháng đầu năm 1975. Ngày 21-4-1975 Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu từ chức sau khi lên TV kết án Hoa Kỳ phản bội, bất tín, vô nhân đạo với đồng minh VNCH. Chỉ 9 ngày sau đó, người Việt quốc gia để mất nền Cộng Hòa tự do gầy dựng bằng xương máu trong hơn 20 năm. Cùng thời điểm, Hoa Kỳ mở chiến dịch di tản giờ chót, với sự yểm trợ của hằng trăm phi cơ / trực thăng và ít nhất 35 chiến hạm. Khi những công dân Hoa Kỳ cuối cùng được di tản an toàn sáng 30-4-1975 cũng là lúc Sài Gòn thất thủ, và Washington tuyên cáo mở rộng lệnh cấm vận (đã tồn tại 11 năm kể từ 1964) lên toàn cõi Việt Nam, từ đây nằm dưới sự toàn trị của CSVN với đầu não đặt tại Hà Nội.

Cuối thập niên 1970

Đầu năm 1977, Hà Nội hạ nước cờ giải thể “Mặt Trận Giải Phóng” (4). Vốn dĩ thực dụng, luôn đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết, ngay từ thời điểm này, phía Hoa Kỳ cũng đã tỏ dấu hiệu muốn quên đi quá khứ, hướng tới tương lai. Khởi sự dạo 1977-78, dưới thời Tổng Thống Jimmy Carter, đã có các nỗ lực sơ khởi nhằm bình thường hóa bang giao giữa Washington và Hà Nội. Nhưng các thương lượng sớm đổ vỡ vì Hà Nội say men chiến thắng, đòi chiến phí vượt mức Washington có thể chấp nhận. Để rồi tháng 10-1978, CSVN quay sang ký hiệp ước an ninh với Nga sô.

Cùng thời điểm Hà Nội loay hoay mặc cả giữa Moscow và Washington, nhiều người Việt bắt đầu vượt biển đi tìm tự do trên những con thuyền mong manh. Ngày 20-9-1977, đợt thuyền nhân tị nạn người Việt đầu tiên đặt chân đến San Francisco, tiểu bang California, trong chương trình tái định cư nhân đạo của chánh phủ liên bang. Trong những đợt thuyền nhân Việt chạy trốn cộng sản Hà Nội, chung cuộc Hoa Kỳ tiếp nhận trên 400,000 người. Hai quốc gia khác cũng ra tay nghĩa hiệp đón nhận nhiều thuyền nhân là Úc với gần 110,000 người, và Canada với khoảng 100,000 người. Đến đầu 1979, trong cảnh quốc dân triền miên ăn độn, Hà Nội háo thắng xua bộ đội viễn chinh sang chiếm đóng Cam Bốt. Washington lập tức phát động nỗ lực cấm vận chống Hà Nội.

70 cuoc co

Chiến hạm USS Vandegrift tiến vào Cảng Sài Gòn cuối 2003. Ảnh www.stripes.com

Thập niên 1980

Vì nước cờ của Hà Nội, trong suốt 10 năm tiếp theo, dân chúng người Việt khổ sở trăm bề vì nước Việt Nam bị cả thế giới, nhất là Tây Phương và khối quốc gia Á Đông phi cộng sản cô lập, phong toả nặng nề. Tháng Hai 1982, Hà Nội chấp thuận đối thoại với Washington về vấn đề truy tìm binh sĩ Hoa Kỳ mất tích (6) trong thời chiến. Đến 1988, đôi bên bắt đầu cộng tác trên thực tế. Và cuối cùng, dưới nhiều áp lực quốc tế, cũng như kinh tế kiệt quệ, đến năm 1989, Hà Nội chịu rút bộ đội khỏi Cam Bốt.

Khung cảnh những năm 1980 đao binh loạn lạc ở Cam Bốt cũng tạo thời cơ cho nhiều cuộc phục quốc của người Việt quốc gia, tuy rằng tất cả đều thất bại. Một trong những chánh khách Hoa Kỳ có dính líu ít nhiều vào các nỗ lực này là ông Richard Armitage. Đây là nhân vật khá độc đáo, sành sỏi Việt ngữ, còn có tên Việt là Trần Văn Phú. Thời chiến cuộc VN, ông từng là sĩ quan cố vấn của hải quân VNCH. Thời 1980, ông đảm nhiệm những chức vụ cao cấp trong Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ dưới thời các Tổng Thống Ronald Reagan và George H.W. Bush (Bush “cha”).

Thập niên 1990

Mùa xuân 1991, Washington ra điều kiện với Hà Nội để đạt bình thường hóa bang giao và gỡ bỏ cấm vận, trong đó có vấn đề Cam Bốt và truy tìm binh sĩ Hoa Kỳ mất tích. Đến mùa thu, Hà Nội chấp thuận kế hoạch hòa bình cho Cam Bốt do Liên Hiệp Quốc bảo trợ. Đến cuối năm, Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm các dịch vụ du lịch có tổ chức đến Việt Nam. Tháng 4-1992, Washington nới lỏng lệnh cấm vận Hà Nội, cho phép bán sang VN các sản phẩm cơ bản có mục đích nhân đạo. Từ tháng 12-1992, Tổng Thống George H.W. Bush (Bush “cha”) đã cho phép các công ty Hoa Kỳ được mở văn phòng, ký hợp đồng tại VN. Sang giữa năm 1993, đến lượt Tổng Thống Bill Clinton bật đèn xanh cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (7) cho Hà Nội vay nợ.

Ngày 3-2-1994, Tổng Thống Bill Clinton tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận thương mại đã kéo dài suốt 30 năm đối với Hà Nội. Giữa năm 1995, 2 Thượng Nghị Sĩ liên bang, John Kerry (Dân Chủ, tiểu bang Massachusetts), và John McCain (Cộng Hoà, tiểu bang Arizona), đều là cựu binh VN, đồng hối thúc ông Tổng Thống bình thường hóa bang giao với Hà Nội. Và ngày 11-7-1995, Tổng Thống Bill Clinton tuyên bố nối lại bang giao với Hà Nội. Tháng 8-1995, 40 năm sau khi Thiếu Tá Lục Quân Hoa Kỳ Allison Thomas trà dư tửu hậu với HCM và đệ tử ruột Võ Nguyên Giáp trong rừng già Bắc Việt, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Warren Christopher đích thân khai trương Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội. Đến tháng 9-1995, cựu Tổng Thống George W.H. Bush sang thăm VN.

70 cuoc co3

Bộ Trưởng Quốc Phòng William Cohen công du Việt Nam năm 2000. Ảnh www.defense.gov

Đầu thế kỷ 21

Tháng 3-2000, 1 vị Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, ông William Cohen, lần đầu tiên công du Việt Nam thời hậu chiến. Đến tháng 7-2000, Washington và Hà Nội ký kết hiệp ước thương mại cho phép hàng hóa Made in Vietnam được nhập cảng vào thị trường Hoa Kỳ theo cùng điều kiện như hầu hết các quốc gia khác. Đến tháng 11, đến phiên Tổng Thống Clinton trở thành vị nguyên thủ quốc gia đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ công du Hà Nội. Tháng 1-2001, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua luật Vietnam Education Foundation Act of 2000 (H. R. 5581), cấp học bổng cho sinh viên Việt do CHXHCNVN tiến cử, theo đuổi các chương trình cao học tại Đại Học Hoa Kỳ trong các ngành khoa học, toán, y khoa, kỹ thuật, cũng như cho phép chuyên gia Hoa Kỳ sang VN dạy học.

Cuối năm 2003, chiếc USS Vandegrift trở thành chiến hạm đầu tiên của Hải Quân Hoa Kỳ cập cảng Sài Gòn thời hậu chiến. Sự kiện này mở đường cho các cuộc thăm viếng thường niên của US Navy các năm về sau. Sang 2004, có chuyến bay của 1 hãng hàng không thương mại đầu tiên của Hoa Kỳ sau 1975 lại hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất  (8). Năm 2005, Thủ tướng của Hà Nội là Phan Văn Khải trở nên viên chức cao cấp của Hà Nội công du Hoa Kỳ. Đầu 2007, sau 12 năm thương lượng, Hà Nội gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (9) một phần do có sự đỡ đầu của Washington. Giữa năm 2012, VN qua mặt Brazil, trở thành nước xuất cảng cà phê nhiều nhất thế giới. Mối giao hảo Washington-Hà Nội ngày càng thêm chặt chẽ, đặc biệt trong bối cảnh Trung cộng ngày càng lớn lối trên Biển Ðông. Và đến gần đây nhất, vào tháng 1-2014, lần đầu tiên, báo chí quốc doanh tại quốc nội chịu đăng tải kỷ niệm trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa (10) gần 40 năm trước của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa khi bị Trung cộng tấn công.

TD

Ghi chú:

(1) Hiệp Định Paris 1973: Paris Peace Accords of 1973.
(2) Nhiều chi tiết tối mật 1 thời đã được tiết lộ qua cuốn sách “Best Seller” Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập (The Palace File, 1986). Tác giả Nguyễn Tiến Hưng là Tiến Sĩ Kinh Tế, từng làm Tổng Trưởng Kế Hoạch của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa và cố vấn cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
(3) Tù binh chiến tranh: Prisoner Of War hay POW. Một trong những POW nổi tiếng nhất là Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ John McCain.
(4) “Mặt trận Giải phóng” nguyên tên Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Anh ngữ là National Liberation Front for Southern Vietnam, bị giải thể, sau 17 năm tồn tại dưới biểu tượng lá cờ xanh đỏ vàng sao, là cú lầm lẫn lịch sử của nhiều trí thức Việt tả khuynh bất mãn với ý chí kháng cộng của người Việt quốc gia ở Miền Nam trước 1975. Hằng trăm ngàn cán binh VC cũng đã mất mạng oan uổng vì bất phục tùng chánh nghĩa quốc gia VNCH.
(5) Cam Bốt: Cambodia hay Kampuchea.
(6) Binh sĩ mất tích trong chiến tranh: Missing In Action hay MIA.
(7) Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế: International Monetary Fund hay IMF.
(8) Chuyến bay thẳng United Airlines Flight 869 từ San Francisco đến Sài Gòn ngày 10-12-2004.
(9) Tổ chức thương mại thế giới: World Trade Organization hay WTO.
(10) Hoàng Sa: Paracel Islands.