Menu Close

Cam – Trái cây nên ăn mỗi ngày 1 quả để khỏi cần gặp Bác Sĩ

Trái với Chanh, vốn được xem là du nhập từ phương Tây, Cam lại có nguồn gốc từ Trung Hoa và Viễn Đông. Cam cũng có rất nhiều loại và được chia làm 3 nhóm chính, tùy theo vị của nước cốt: Cam Ngọt, Cam Huyết với ruột đỏ đậm và Cam Đắng loại chính dùng làm thuốc. Đông Y dùng Cam làm thành 2 vị thuốc: Cam Đắng còn xanh được gọi là Chỉ Thực. Cam Đắng đã chín được gọi là Chỉ Xác.

orange

Tinh Dầu Hoa Cam (Tinh Dầu Neroli): lấy bằng cách chưng cất Hoa tươi của cây Cam.

DƯỢC TÍNH VÀ CÁCH DÙNG:

–          Chỉ Thực hay Cam Đắng xanh có vị đắng/chua, tính hàn nhẹ, tác dụng vào các kinh mạch Đại-trường, Tỳ và Vị. Chỉ Thực có khả năng làm tan và giúp làm thông thoát Khí bị tồn đọng, nên được dùng để trị các trường hợp đau bụng, đau vùng thượng vị vì ăn không tiêu và bị đầy hơi gây khó chịu… Chỉ Thực có khả năng biến đổi chất đờm đọng và trừ được các sự ứ tắc tại chỗ do Dương không dẫn lên nổi, và Đờm gây nghẽn tắc sự vận chuyển của Khí, trường hợp này nên dùng thêm Quế Chi. Chỉ Thực cũng còn được dùng phối hợp với các dược thảo có tính bồi bổ Khí khác và cũng dùng để làm tăng huyết áp trong các trường hợp nhược sức vì huyết áp xuống quá thấp.

–          Khi Cam đắng đã chín hẳn, Đông Y gọi là Chỉ Xác và dùng Vỏ để làm thuốc. Chỉ Xác cũng có vị đắng và tính Hàn tác dụng yếu hơn Chỉ Thực nên thường dùng trong các trường hợp người bệnh suy nhược. Và nếu trường hợp người bệnh bón uất thì dùng Chỉ Kế lại càng thích hợp hơn.

CAM TRONG TÂY Y:

Y Học phương Tây, nhất là tại các nước Âu Châu như Anh và Đức cũng dùng Hoa Cam Đắng, Vỏ Cam Đắng và quả Cam còn Xanh để làm thuốc.

  1. Hoa Cam Đắng: Hoa Cam được hái lúc còn búp, chưa nở và phơi khô. Vị thuốc này được gọi là Bitter Orange. Búp Hoa Cam Đắng được dùng để trị mất ngủ với tính cách an thần nhẹ. Hoa Cam Đắng cũng dùng để trích hương liệu.

Muốn tự làm Trà Dược giúp để ngủ có thể dùng 1-2g Búp Hoa Khô, đun nước sôi và đổ lên Búp Hoa, ngâm trong 5 phút, lược và uống mỗi ngày 250ml trước khi đi ngủ.

  1. Quả Cam Non: Có lẽ tương tự như vị Chỉ Thực của Đông Y. Mỹ gọi là Orange Peas.
  2. Vỏ Cam Đắng: Dried bitter Orange Peel: được dùng để kích thích sự bài tiết dịch bao tử, giúp gây cảm giác thèm ăn, đồng thời giúp tăng mùi vị của các thuốc khác.

Phương thức chế tạo Trà Dược từ Vỏ Cam Đắng như sau: Dùng 150ml nước nóng đổ vào một ly chứa sẵn 2-3g Vỏ Cam Đắng đã phơi khô, ngâm trong 15 phút. Lược lấy nước uống mỗi ngày 2 lần trước khi ăn để kích thích vị giác.

ĐẶC TÍNH TRỊ LIỆU CHUNG CỦA CAM:

Cam được xem là có tính kích thích vị giác, bồi bổ chung và kiện Vị, giúp hoạt động của Bao tử. Mỗi ngày ăn một quả Cam sẽ giúp bồi bổ cơ thể và giúp lọc được các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Nước cốt ép từ Cam rất dễ tiêu hóa và dễ hấp thụ đối với cơ thể. Cam cũng có thêm đặc tính kích thích nhu động của ruột. Tuy Cam chứa nhiều vitamin C nhưng rất dễ bị hủy hoại, nhất là khi giữ ở nhiệt độ bình thường. Mặt khác, các tiến trình khử trùng cũng làm mất đi nhiều vitamin C.

Tinh Dầu Cam trong phương pháp trị bệnh bằng Hương Liệu

–          Tinh dầu Vỏ Cam: cách dùng tương tự như tinh dầu Chanh

–          Tinh dầu Neroli: Tinh dầu Neroli có những đặc tính an thần, làm dịu đau, chống co giật và kích thích tình dục. Dùng ngoài Da, tinh dầu Neroli giúp trị được các tình trạng Da khô, đỡ khó chịu, giảm ngứa; giúp kích ứng sự tái sinh tế bào Da.

Để an thần, tinh dầu Neroli được phối hợp với các tinh dầu Chanh và Basil theo tỷ lệ 4-3-2.

Để giúp máu huyết lưu thông điều hòa: Dùng tinh dầu Neroli, Y-lang Y-lang và Chamomille theo tỷ lệ 5-4-2.

DS Trần Việt Hưng