Menu Close

Mùa hè khốn khổ!

Thưa đất lạ, quê người nên cái gì cũng lạ, cũng khác… ngay cả cái chuyện ăn học.

Ở Úc, niên học bắt đầu từ Tháng Giêng và chấm dứt vào Tháng Chạp. Học như điên, học suốt 12 tháng hay sao? Ðâu có! Học trò Úc cũng có nghỉ, nhưng không nghỉ Hè một lèo, suốt 3 tháng, từ Tháng Sáu cho tới Tháng Chín như ở quê mình đâu.

Mà trò Úc nghỉ sau mỗi học kỳ. Một năm có 4 học kỳ; có bốn lần nghỉ cho nó phẻ!

Cứ hết một học kỳ, nghỉ hai tuần (ngày hơi khác biệt nhau chút đỉnh tùy theo tiểu bang và lãnh thổ). Lúc con em nghỉ, thì phụ huynh học sinh cũng xin nghỉ phép theo, nên nhiều địa điểm vui chơi mùa nghỉ rất là tấp nập Tía Má và mấy công tử lẫn tiểu thư.

Như năm 2015, xong học kỳ Một, học trò nghỉ từ 28 Tháng Ba tới 12 Tháng Tư. Lúc đó Úc rơi vào mùa Thu và trùng với lễ Phục Sinh (Easter). Trời Thu nhưng vẫn ấm và vẫn đầy ánh mặt trời; nhiệt độ dao động từ 20 đến 30 độ C.

Thủ đô Canberra, cây cối đã chuyển màu, từ xanh xao sang vàng úa, từ lá cam sang lá đỏ. Bà con lặn lội, mang lều cọc, thịt hộp, xúc xích, bacon (thịt heo xông khói), bia bộng vào các công viên quốc gia cắm trại. Tây Úc là bắt đầu mùa của cá voi và cá mập. Bà con giong thuyền ra biển để coi tụi nó đua chơi!

Cuối học kỳ Hai, kỳ nghỉ từ 27 Tháng Sáu cho đến 12 Tháng Bảy, rơi vào mùa Ðông xứ Úc. Hiếm khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, nhưng vẫn có tuyết rơi trên đỉnh Snowy Mountains, tiểu bang New South Wales, hay vùng cao nguyên của tiểu bang Victoria hoặc nhiều phần đất thuộc Tasmania. Vậy là bà con đi trượt tuyết.

Nhưng cũng có nhiều gia đình trốn lạnh bằng cách dẫn con em bay lên tiểu bang nắng ấm Queensland; đến những địa điểm du lịch nổi tiếng như Gold Coast, Sunshine Coast, Noosa Heads, the Whitsunday Islands và Cairn.

Vùng nhiệt đới của Úc, thời tiết mát hơn nên có nhiều người lớn dẫn con nít đi lãnh thổ Bắc Úc (Northern Territory), thăm Darwin, thăm Kakadu hay chiêm ngưỡng phiến đá Uluru khổng lồ, nằm chình ình giữa trung tâm sa mạc nước Úc. (Nhớ cẩn thận coi chừng chó rừng Dingo tha mất con mình như đã từng xảy ra tại đây vào ngày 17 Tháng Tám năm 1980).

Tại Victoria, đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhứt để vi vu trên Great Ocean Road, được mấy hãng du lịch quảng cáo là một trong những con đường đẹp nhất trên thế giới. Mại vô không đến xem, bỏ qua là rất uổng!

Cuối học kỳ Ba, từ 19 Tháng Chín đến 4 Tháng Mười, trời ấm dần lên, trong kỳ nghỉ mùa Xuân nầy, các tiểu bang miền Nam người ta ra biển, tắm nhưng xin bà con hãy coi chừng cá mập.

Trời vẫn còn hơi mát, đi thăm vùng phía cực Bắc như Cairn cũng được, lúc hơi ẩm và mùa mưa vẫn còn chưa kịp đến.

Còn Tây Úc, mùa nầy hoa dại nở đầy, mùa sinh sản của thú rừng, mùa rất tuyệt để trượt nước, chèo thuyền độc mộc trên sông, trên suối.

So với kỳ nghỉ mùa Xuân, mùa Thu, mùa Ðông, nghỉ Hè, cuối niên học, từ 19 Tháng Chạp tới 26 Tháng Giêng là dài nhứt, là ‘đã’ nhứt vì nhiều lẽ.

Thời tiết nóng dần lên, thiên hạ đổ xô ra biển. Tui cũng nhào ra biển, rửa hai con mắt ti hí của tui luôn, mà em yêu hổng có càm ràm gì ráo trọi, vì tui đeo kính râm nhìn chăm chăm chỗ nào… thì làm sao em biết đặng?!

Mùa Hè cũng là khoảng thời gian bận rộn nhứt trong năm với Lễ Giáng Sinh và Mừng Năm Mới. Những môn thể thao ngoài trời như Cricket, như Ðại giải quần vợt Úc mở rộng, tổ chức hàng năm ở Melbourne, những liên hoan âm nhạc ngoài trời…

Học trò nước Úc hoàn thành ‘vẻ vang’ bậc Trung học, sau 12 năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, bèn xả hơi, tụ tập lễ hội gọi là Schoolies Week, 3 tuần, quậy tưng bừng, quậy hết biết, khắp các tiểu bang, khởi sự vào tuần lễ thứ Ba của tháng Mười Một. Ðám nhỏ choai choai nầy bay lên Gold Coast, Byron Bay, Sunshine Coast, Airlie Beach và Lorne, một bãi biển nổi tiếng thuộc tiểu bang Victoria cách Melbourne khoảng 2 giờ chạy xe!

Sút chuồng, quậy mát trời Tía Má luôn. Tuổi nầy mà Tía Má nào lỡ rầy hơi bạo làm nó quạu… là nó tiếu ngạo giang hồ đó nha! Nên xin bà con cẩn trọng, đừng nạt nộ gì cho khổ mà phải nhẹ nhàng khuyên bảo các con thơ! Hu hu!

Tóm lại học trò Úc học thì cũng rất siêng và chơi thì cũng ‘quá’ siêng luôn. Vì thầy cô Úc nói (như xúi): “Chơi cũng là học. Và học cũng là chơi!”

Vì có đi du lịch, có về quê, có lên rừng hay ra biển, có đi viện bảo tàng hay thư viện đều giúp trẻ em phát triển toàn diện sau nầy.

Nhưng nhớ đừng quên đọc sách! Nghỉ một tháng, thầy cô cho chừng 25 cuốn thường là ebooks để đọc với Tía, với Má để đừng có quên chữ nghĩa thánh hiền nhe! Ðứa nào giỏi, siêng đọc hết 25 cuốn thì Úc nó gọi là ‘bookworm’, người Việt mình gọi là con ‘mọt sách’

Thưa còn người viết thì ‘nghỉ Hè’ có nghĩa ‘sát sàn sạt’ là ‘ra Hè mà nghỉ’.

Mấy đứa cháu nội nghỉ Hè, thì hai thằng con chở về giao cho ‘em yêu’ của người viết, tức bà nội, tức vú em, tức nanny, để cho tụi nó rảnh mà đi cày, kiếm tiền đong gạo.

Ngoài Hè cũng có vườn cây trái, cũng đầy tiếng chim kêu nhưng không có nghe vượn hú à nhe! Nhà nghèo tiền đâu dắt sắp nhỏ đi chơi xa?! Nhưng ở nhà cũng vui hết biết mà lại đỡ tốn tiền! Bà Nội lụm cụm dắt sắp nhỏ ra Hè, bày cách làm bánh tai yến gì đó. Ðứa nào cũng xăng xái giành pha bột, nói :”Nội à! Ðể con ‘heo’ (help) cho!’’ He he!

Thưa chuyện Hè bây giờ của đám cháu Nội làm mình lại nhớ vô cùng mùa Hè xưa cũ, cách đây gần nửa thế kỷ!

Mùa Hè theo tiếng ‘hú u’ của bè bạn, đạp xe ra khỏi khói, bụi và nắng Sài Gòn (hổng dám em đi mà chợt mát đâu), băng qua cầu Nhị Thiên Ðường, về một mảnh vườn quê của Tía Má thằng bạn, để trèo cây hái trái, hay ra sông câu cá chốt hay tập lội đì đùng, té nước tùm lum.

Mùa Hè ‘em’ dắt chó ra ruộng, đem theo một cái mai, đào hang dọc bờ mẫu, bắt chuột đồng về lột da, khìa ăn chơi, như Tây nó ăn thịt gà rô ti vậy, hay nấu canh chua với bần chín, thêm món chuột xào sả ớt ăn với cơm trắng là mồ hôi mồ kê rịn ra đầy trên trán. Quá đã!

Bằng không thì xách cái rổ, lội ra đồng năn, lác quê mình mà xây cù. Nghĩa là cắm cái rổ xuống chỗ nước còn đọng vũng, kêu mấy đứa lội vòng vòng cho cá trắng, cá đen nhỏ bằng mút đũa sợ, nó chạy vô cái rổ của mình. Ðược kha khá, cá đầy vài ba chén ăn cơm thì đem về rửa sơ sơ với nước muối; xong bắc chảo, chờ mỡ nóng lên, chiên xù. Thịt cá nó bong, nó xù ra, xúc, cuốn với bánh tráng, rau sống: vấp cá, đọt xoài, rau răm, chấm nước mắm me. Ðưa lên miệng, nhai từ từ; vẫn nghe hàm răng kêu rau ráu, mới biết thiên đàng ẩm thực nó có đâu xa!

Chu choa! Viết tới đây tui còn nhểu nước miếng đó bà con ơi!  

Hay mùa Hè đi chăn bò để học được bài học ‘đặc sắc’ là: “Ngu như bò, thẩn thơ đồng chiều gốc rạ mà không làm gì hết ráo; đôi khi… sướng hơn đi học nhiều! Hi hi!” Ðó là lối ‘ngụy biện’ của đứa con nít mới 14, 15 chưa biết ‘y cà lết’ (yêu) tí tẹo nào như tui thời thơ dại đó bà con ơi!

Nhưng mấy chú dậy thì sớm, râu măng lún phún trên cằm, lỡ để ý tiểu thơ nào chung lớp thì mùa Hè tới, mấy chú buồn lắm, như Ðỗ Trung Quân chẳng hạn: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa Hè của tôi đi đâu? Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 16/ Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu…”

“Em chở mùa Hè đi qua còn tôi đứng lại/ Nắng ngập đường một vạt tóc nào xa!”

Nhà thơ nầy đứng lại ‘than’ đi nha… Còn em yêu đã mang mùa Hè của tôi ra biển; vượt biên mất rồi… trước khi mùa Bão tới.

o O o

Thưa còn bây giờ mùa Hè trong nước, nó ra làm sao?

Thiệt là tội nghiệp đám con nít ghê. Suốt niên học dài đăng đẳng một lèo chín tháng học và học. Học ngày học đêm, học đến mụ người, học đến đẹt ngắt, học đến lớn không nổi… nên lùn beo hè!

Vậy mà mùa Hè tới là không có nghỉ Hè gì hết ráo. Mùa Hè là phải đi ‘bộ đội’. Sao kỳ vậy hỡi trời? Bởi: Con trai, con gái 13,14 tuổi, chỉ biết ăn với học, chẳng bao giờ động chân, động tay đến việc nhà, lại có vẻ bắt đầu ương bướng, nên mùa Hè này, Bố Mẹ cho tụi con “đi bộ đội” ở Sơn Tây, học bắn súng AK.

Học kỳ quái đản nầy diễn ra từ 7 đến 10 ngày, tốn khoảng 6 triệu đồng một đứa. Cũng khoảng 300 đô Úc chớ đâu có ít ỏi gì!

Tốn tiền kha khá mà hổng ai khen; còn bị mấy phụ huynh khác ‘xì nẹt’ tưng bừng: “Chiến tranh, loài người có lương tri, không ai muốn. Cực chẳng đã mới phải cầm súng bắn vào đồng loại. Còn con nít dạy nó thương người, thương đời không hết. Ai dạy cho nó cầm súng AK vậy mấy cha?”

Rồi mấy tháng trước đây, trên truyền hình, các ‘cụ’ giao liên cộng sản tại Ðà Nẵng dạy cho mấy em cách nhào nặn và giấu thuốc nổ C4 trong bánh giò. “Luộc lá, luộc bánh, nặn thuốc nổ C4 cho giống bánh, rồi lấy lá gói lại”

Thường dân Nam Bộ cự nự quá, nói: “Học gì không học, học làm khủng bố! Những thủ thuật đánh du kích dã man đó phải bị loại khỏi cuộc sống loài người mới phải chứ.”

“Dạy trẻ nhỏ toàn chuyện nguy hiểm, xem thường tính mạng người khác chưa bao giờ là sứ mệnh của một nền giáo dục nhân văn. Trách sao lớn lên, chúng không bị tiêm nhiễm thói vô cảm, hung hãn, côn đồ…”

Thưa con em mình, ai cũng có quyền có một thời thơ dại đẹp như thơ! Xin quý phụ huynh đừng có nghe lời mấy đứa xúi dại: nghỉ Hè đi bộ đội gì gì đó… để tụi nó trước là lượm tiền bỏ túi, sau là cố ý tẩy não con mình!

Thưa quý ông, quý bà xúi dại con nít, cho phép tui hỏi thiệt là ngặt câu nầy nha: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng! Tụi bây chở mùa hè của sắp nhỏ đi đâu?!”

muahe khonkho

Bảo Huân

DXT – Melbourne