Kể từ khi những lớp người Việt đông đảo đầu tiên tới Mỹ năm 1975 đến nay, chúng ta đã mang theo đến đất nước này nhiều nét văn hoá Việt Nam, góp phần vào chung với một nền văn hoá hết sức đa dạng nơi đây. Trong cộng đồng người Việt và nhất là trong nhiều gia đình Việt Nam, nhiều người vẫn còn giữ được những phong tục truyền thống của những ngày lễ, Tết, ngày giỗ và cố gắng duy trì như thứ di sản quý hiếm cha ông để lại.
Nhưng rõ nét nhất có lẽ vẫn là văn hoá ẩm thực, bởi vì đó là cái phần văn hoá dễ tiếp cận nhất. Ngon, hợp khẩu vị là kéo được người ta tới, trước là thử một lần cho biết, sau là sẽ ở lại mãi. Những món như phở, bánh mì, chả giò đã chen vào trong sinh hoạt ẩm thực rất đa dạng của người Mỹ từ nhiều năm qua. Không những thế, tên nguyên thủy của những món ăn đó vẫn được người Mỹ giữ nguyên: phở vẫn gọi là phở, bánh mì vẫn là bánh mì – không thay đổi, không bị Mỹ hóa. Ðến như nước mắm, thứ gia vị quốc hồn quốc túy của chúng ta, trên nhiều bài viết của những tờ báo lớn như New York Times hay Wall Street Journal vẫn được giữ nguyên, thì chúng ta mới thấy người Mỹ cũng biết trân trọng với văn hóa ẩm thực của người mình đấy chứ.
Rồi món cà phê sữa đá cũng là món thức uống đặc biệt của Việt Nam, hay nói rõ hơn là của người miền Nam. Trời Sài Gòn, vào những ngày nóng, ngay từ sáng tinh mơ cũng khó có thể thưởng thức một ly cà phê nóng, vừa uống vừa đổ mồ hôi thì đâu còn gì thú vị. Thế nên người mình mới bèn lấy món thức uống du nhập của Tây, rồi pha vào đó một hai muỗng sữa, mà phải là sữa đặc, rồi hòa chung với đá cục thành thứ nước uống có một không hai trước đây có lẽ không đâu có ngoài nước Việt Nam.
Khách Mỹ và tô phở – NGUỒN THRILLIST.COM
Pha một ly cà phê sữa đá cho ngon cũng là một nghệ thuật. Sữa không đủ ngọt, chất đắng và gắt của cà phê sẽ khó uống. Nhiều sữa ngọt quá, mất đi mùi thơm của cà phê sẽ làm ly cà phê hết ngon. Cũng là cà phê, sữa đặc và đá cục, cũng bấy nhiêu thành phần, có người pha ngon, người pha dở là ở cái sự khéo tay.
Kể từ khi người mình qua đến xứ này rồi mở những quán cà phê ở những nơi có đông người Việt, rồi sau này nhiều du khách ngoại quốc có cơ hội du lịch Việt Nam, được bạn bè người Việt giới thiệu và thưởng thức món thức uống đặc trưng của người Việt rồi mê luôn, thì món cà phê sữa đá từ đó càng ngày càng được thế giới biết đến. Hơn nữa, sau khi được Mỹ hóa đi đôi chút, người ta cho thêm vào ly cà phê đó vị chocolate, caramel hay vanilla cho hợp với khẩu vị của dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ, thì nó còn làm giàu cho những đại công ty như Starbucks, Dunkin’ Donuts, Coffee Bean v.v…
Thế nên, có người từng nói “chúng ta đi mang theo quê hương”, phần nào mang ít nhiều ý nghĩa như vừa nói ở trên.
Nhưng cũng có nhiều thứ chúng ta không mang theo được, chẳng phải vì nó nặng nề hay cồng kềnh quá mà có lẽ vì không thích hợp với nếp sinh hoạt của xứ này. Tuy vậy, có những thứ không mấy thích hợp nhưng vẫn được mang theo, chẳng hạn như tại những khu phố đông người Việt ở Nam Cali đã có những bà, những cô đóng nguyên bộ đồ bà ba đi chợ. Ðó là thứ pajama “Made in Vietnam”. Ðã là đồ ngủ thì chỉ mặc trong nhà chứ không nên mặc ra ngoài đường.
Trong những thứ chúng ta không mang theo được đó có tiếng rao hàng. Sống ở Mỹ mấy chục năm, tôi chưa từng nghe ai rao một tiếng. Ôi những tiếng rao của những bà mẹ nghèo văng vẳng trong những khu xóm ở quê hương xưa, ngày nào cũng được nghe, từ sớm tinh mơ cho đến tối mịt mùng. Và dường như những tiếng rao đó càng trễ trong ngày thì nghe càng có vẻ não nuột hơn. Nó là tín hiệu của một ngày ế ẩm. Những bó rau, những trái ớt, trái chanh, gói xôi, chén chè, vài trái trứng – nếu không bán hết, cũng có nghĩa là những chén cơm của những đứa con đang chờ ở nhà hôm đó sẽ vơi đi, rau sẽ nhiều hơn thịt cá. Nhưng lạ lùng thay, những tiếng rao hàng đó như có tiềm tàng một sức mạnh kỳ bí, tiếp tục kiên nhẫn vang lên cho đến khi mọi nhà đóng cửa tắt đèn thì mới ngưng hẳn.
Xe hàng rong – NGUỒN WEALTHSUCCESS.EDU.VN
Ở nơi đây, một tiếng rao hàng như thế nếu được cất lên trong một ngôi siêu thị bề thế chắc sẽ không giống ai và lạc lõng vô cùng. Nhưng ngay một ngôi chợ mang rất nhiều nét Việt Nam nội hóa như ngôi chợ chồm hổm ở khu xóm người Việt tại New Orleans, Louisiana, cũng không nghe thấy một tiếng rao. Cũng là những bà mẹ Việt Nam, cũng những trái bầu, trái bí, bó rau, con tôm, con cá được mang ra bày bán, nhưng ngay một tiếng mời chào cũng thiếu vắng. Phải chăng không đúng phong thổ? Cam trồng ở bờ nam sông Hoài thì ngọt, nhưng trồng ở bờ bắc sông Hoài thì chua.
Tiếng rao hàng đi chung với đôi quang gánh, cũng là thứ chúng ta không mang được qua bên này. Ðôi quang gánh ấy, với những người dài lưng tốn vải, chỉ mới đặt lên vai thôi, chưa kịp nhấc lên đã thấy đau, chứ đừng nói tới việc gánh đi một quãng đường. Thế mà có nhiều mẹ, nhiều chị, từ thôn quê đến thành thị trước đây, vừa đặt nó trên vai là đã nhấc lên đi thật nhịp nhàng như đang biểu diễn. Nghe nói bây giờ ở Việt Nam cũng không còn những gánh hàng rong đó nữa, họa hoằn lắm mới gặp lại. Bây giờ, người ta đã biết cải biến những chiếc xe đạp, những chiếc xe máy hai bánh, thậm chí xe ba gác, để cho bớt cực nhọc mà còn chở theo được nhiều hàng hơn. Thôi thế cũng đỡ cực cho những con người lam lũ. Nhưng những tiếng rao hàng đặc trưng đó rồi đây chắc cũng mai một theo. Ai lại đi bán hàng rong bằng xe máy mà rao hàng bao giờ. Tiếng rao hàng không thể nào đi đôi với sự vội vàng.
Ở Mỹ này cũng có những hàng rong đó chứ, nhưng chúng được đặt trên những chiếc xe di động. Vào mùa hè như lúc này người ta thường thấy những chiếc xe kem, hay đảo qua đảo lại những khu công viên vào buổi chiều, hoặc ghé qua những khu xóm đông con nít. Khi đi vào những khu vực này, những chiếc xe kem chạy thật chậm hay ngừng hẳn lại, rồi bật nhạc lên inh ỏi, dụ khị đám con nít vòi vĩnh cha mẹ mua cho bằng được một hai cây kem. Ðộ mươi phút sau, chiếc xe lại vụt đi đến một nơi khác kiếm ăn.
Ngoài những chiếc xe kem còn có loại nhà hàng di động cũng được đặt trên những chiếc xe, nhưng bề thế hơn. Người mình thường gọi một cách nửa Việt nửa Mỹ là “xe lunch”. Nhưng thực ra loại xe lunch này không chỉ phục vụ bữa trưa mà luôn cả bữa tối hoặc bất cứ lúc nào trong ngày. Trước đây, những chiếc xe lunch này thường nhắm vào những hãng xưởng nhỏ nơi không có phục vụ thức ăn cho công nhân. Vào những giờ nghỉ giải lao, những chiếc xe này sà tới đúng lúc, công nhân túa ra mua một vài món ăn vội rồi lại trở vào tiếp tục công việc đang làm dở dang.
Xe bán hàng rong tại New York – NGUỒN EN.WIKIPEDIA.ORG
Dạo gần đây, phong trào những loại nhà hàng lưu động này nở rộ ở khắp nơi. Nhất là ở những thành phố lớn, nơi nào cũng có một vài địa điểm dành riêng cho họ – một khu đất, một bãi đậu xe, một góc công viên – tạo thành một khu ăn uống ngoài trời, nhiều khi rất nhộn nhịp. Một vài món ăn nhẹ của Việt Nam như bánh mì, gỏi cuốn, chả giò cũng đã len lỏi vào những nơi này, làm một cuộc “xâm lăng văn hoá” nho nhỏ.
Mấy tháng qua, những quán hàng rong kiểu Mỹ này, trong khu vực Dallas-Fort Worth, có thêm một dịch vụ mới: hàng rau quả lưu động. Một bài báo trên tờ Fort Worth Star-Telegram gọi nó bằng một cái tên rất dễ nhớ: Veggie Van; chuyên bán những rau trái tươi được hái ngay trong vườn ruộng của chủ nhân Beverly Thomas.
Chiếc Veggie Van của bà Thomas được cho là một thứ chợ vườn lưu động đầu tiên trong khu vực. Người ta có thể thấy nó đậu ở một số nơi như công viên, khu thương mại và một vài khu xóm trong các quận Tarrant, Parker và Dallas, mỗi nơi một hai ngày trong tuần.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, những chợ vườn lưu động này đang phát triển khá mạnh ở nhiều nơi. Trong tiểu bang Texas, những thành phố như Waco và San Antonio đã bắt đầu có dịch vụ này từ năm ngoái.
Bà Thomas khai trương chiếc Veggie Van vào Tháng Giêng vừa qua sau khi đọc được câu chuyện về một người nông dân ở New York đã làm như vậy. Thế là bà quyết định mua lại một chiếc xe van cũ, sửa chữa lại, sơn phết trong ngoài cho mới, đóng thêm những kệ bên trong để đựng rau trái. Và thế là chiếc xe khởi động, chu du khắp vùng, phục vụ rau trái tươi cho một số người dân trên những chặng đường của nó.
Rau trái của Veggie Van mùa nào thức nấy, được trồng trên nông trại rộng 35 mẫu của gia đình Thomas, cách 40 dặm về hướng tây của thành phố Fort Worth.
Bên trong chiếc Veggie Van của bà Thomas – NGUỒN LOCKERDOME.COM
Mỗi khi ngừng lại ở đâu, chủ nhân của Veggie Van chỉ việc nhấn còi, chiếc còi phát ra thứ âm thanh được mô tả giống như tiếng gà cục tác. Và chỉ vài phút sau, những bà nội trợ sống gần đó xuất hiện, leo lên xe như đi vào một ngôi chợ tí hon, lựa lấy những rau trái như đậu nhớt, cà chua, bắp … còn tươi nguyên, được bỏ sẵn thành từng gói có đề giá hẳn hoi. Và bữa cơm tối trong gia đình hôm đó chắc chắn sẽ ngon bổ với những rau trái tươi vừa được hái trong ngày, bảo đảm an toàn vệ sinh.
Nay mai, nếu dịch vụ chợ vườn lưu động này thành công, chúng ta sẽ còn thấy nhiều chợ vườn như thế nữa xuất hiện, góp thêm vào sinh hoạt vẫn luôn sống động của thành phố.
Hôm nọ, trên đường đi làm về, tình cờ thấy chiếc Veggie Van đang đậu ở một góc phố, bỗng dưng nhớ về những gánh hàng rong và những tiếng rao hàng thân quen xưa kia, nay đâu…
VH