Menu Close

Tiểu Thư Viện

Gần đây, quanh xóm tôi ở có 3 ngôi nhà mà mảnh vườn trước sân làm tôi yêu thích. Không phải vì nhà đẹp, sân sạch, đầy cỏ hoa xinh xắn của hiên nhà…Mà vì trước sân có một cái hộp gỗ, được đóng trên một trụ cao ngang vai người. Nhìn xa thì giống như chuồng chim, nhưng nhìn kỹ thì lại thấy giống như những am thờ vong ngoài hiên (có rất nhiều ở cố đô năm xưa sau cái Tết Mậu Thân) chỉ thiếu nải chuối, bát nhang và vài nhánh bông trang, chùm vạn thọ hay bông phượng vàng, Mạ nói để cúng các cô hồn, các vong hồn chưa siêu thoát

tieuthuvien 01

.

Khác với cái am thờ một tí, hộp gỗ ở đây có mái che mưa nắng và có cửa bằng kính. Bên trong có 2, 3 ngăn để chứa những cuốn sách. Bên ngoài sơn màu sắc và có dán dòng chữ Little Free Library – Tiểu Thư Viện Miễn Phí. Phía dưới có dòng chữ  slogan nhỏ: Take a book. Return a book. Lấy một cuốn. Trả lại một cuốn. Thật sự thì sách để ở đấy ai muốn lấy thì lấy, khỏi phải cần gởi lại cuốn khác, hoàn toàn miễn phí. Tôi tò mò mở cửa xem qua, rồi bỏ lại. Các sách truyện trong các hộp gỗ này không có giá trị gì mấy. Hẳn các tác phẩm hay đều còn nằm ở đầu giường hay trong tủ sách trong nhà gia chủ hoặc ở các thư viện lớn. Dẫu sao mỗi chiều đi dạo, ngang qua các “tiểu thư viện” này thỉnh thoảng tôi vẫn thấy vài người đi bộ đứng lại đọc lướt qua. 

 

tieuthuvien 01

 

Nghĩ cũng hay. Ngày xưa khi còn gõ đầu “trẻ trâu” (mà trẻ trâu thiệt, học trò tôi cột trâu nhẩn nha trước cửa lớp rồi vào học…) nhớ anh H bạn cùng dạy, khi say hay biện hộ: ăn cắp văn hóa là vô tội. Lý do là ảnh mượn cuốn Truyện Kiều và cuốn Uyên Ương Gãy Cánh, tôi đòi hoài không được, bởi lẽ ảnh cho người khác mượn, rồi mất! Hồi đó ngăn sông cấm chợ, các tác phẩm văn hóa “đồi trụy” bị thu đốt sạch. May nhờ một số tay “điếc không sợ súng” cất giấu, rồi san sẻ nhau đọc. Ðọc chui, đọc lén. Sách có còn nhiều đâu mà đọc! Thư viện thì còn đó mà chẳng có gì hấp dẫn. Còn cuốn sách cũ nào hay thì cho mượn là mất. Mất một cách có văn hóa. Bởi thằng ăn cắp không chịu trả là thằng mê văn chương. Mê văn chương mà lương 1 tháng chỉ có 15 ký gạo, không đủ ăn thì tiền đâu mua sách. Nên mượn sách không trả, nhất là sách hiếm. Khi say lão phân trần không có tội là phải. Chỉ tội thằng bị mất sách vì cho mượn. Tội vì nhiều khi thèm đọc nhưng không có sách, lại phải đi mướn từ các nhà cho thuê sách chui. (Có lẽ tôi cũng như bạn, mê nhất là truyện chưởng Kim Dung. Giận nhất là có nhiều đoạn gay cấn thì bị xé rách mất trang. Tuy ấm ức lắm nhưng lại lấy làm thích thú. Như phải ăn mà còn thòm thèm mới là ngon. Lại cứ đi mướn tiếp, những cuốn sách vàng ố màu thời gian, rách tả tơi vì bao lần qua tay người…)

 

Trở lại với “tiểu thư viện”. Dò tìm trên mạng thì Little Free Library là tổ chức bất vụ lợi bắt nguồn từ anh chàng Todd Bol ở Hudson, Wisconsin sáng kiến xây một hộp gỗ chứa sách để trước sân nhà làm quà cho mẹ. Bà mẹ là một giáo viên mê đọc sách, muốn san sẻ sách truyện với hàng xóm. Thế là từ đó các tiểu thư viện này mọc lên nhiều nơi trên thế giới, tính đến nay có khoảng 25,000 cái. Thể thức đăng bạ đơn giản, sau khi trả $40 mỗi địa chỉ sẽ có một decal dán vào tủ sách, được làm thành viên và định vị trên mạng toàn cầu. Gõ vào Việt Nam thì ở trang mạng của littlefreelibrary.org cho biết có một chỗ ở 60 Hàng Trống, Hà Nội, quán cà phê Canopee. Có lẽ có một số nơi nào đó trên quê nhà đã làm như vậy mà trên mạng chưa có cập nhật.

 

Riêng cái thú đọc sách ở quán cà phê thì chẳng có gì mới mẻ! Nhớ sau 75 tôi vẫn hay đi bộ về Cửa Trài, ghé quán cà phê của chị Tâm Phước, ngồi dưới giàn dưa gang vàng thơm đọc những cuốn sách cũ trong cái tĩnh lặng của trưa. Buổi trưa có tiếng gà trưa và tiếng hát mòn mỏi như ngái ngủ từ cuốn băng cassette nhão nhẹt. Những trang sách không thơm mùi giấy mới mà úa vàng mùi khói thuốc mênh mang. (Thú thật hồi đó đọc sách thì ít, mà đọc thơ tình thì nhiều. “Nắng bờ sông như màu trang vở cũ. Thuở học trò em làm khổ ai chưa?” (NTN) Những trang vở cũ của mối tình đầu sao mà úa vàng nhanh như nắng quái bờ sông chiều rong rêu thân phận.)

 

tieuthuvien 01

 

Ngồi ở quán cà phê nhìn những gáy sách cũ, những dòng chữ mượt mà như tình thơ ngày đầu yên ả trôi qua mặt bàn ướt sũng những giọt nắng trưa: “I was eighteen years of age when love opened my eyes with its magic rays and touched my spirit for the first time with its fiery fingers, and Selma Karamy was the first woman who awakened my spirit with her beauty and led me into the garden of high affection, where days pass like dreams and nights like weddings. (The Broken Wings. Kahli Gibran).  Năm ấy tôi cũng mười tám tuổi, tình yêu sáng diệu kỳ chạm vào hồn trinh nguyên, bằng ngón tay nồng nàn. Có một nàng Selma đẹp ngời như thế đi qua đời tôi, làm ngày ngày như là giấc mộng và đêm đêm như những tối tân hôn.  

 

Ngai ngái trong không gian tiếng nhạc như tiếng ru, chậm như từng giọt cà phê, rớt tĩnh mịch như buổi trưa, một ngày trống trải, một thời trống trải…Dù trống trải nhưng sao thấy mình vô vàn “văn hóa”. Thôi còn nhớ về những tối cùng ai trong các quán cà phê tối thăm thẳm một “màu nho” trong nội thành sum suê bóng nhãn.

 

 Các hộp gỗ chứa dăm ba cuốn sách miễn phí này làm cho sân trước các ngôi nhà nổi bật lên trong xóm. Trông có vẻ một “khu phố văn hóa”. Nhiều hộp dáng hình xinh xắn, màu sắc tươi tắn bắt mắt khách đi qua. Tôi gọi là Tiểu Thư Viện mà lại không vừa ý. Cái từ “viện” mang ý nghĩa to lớn. Tôi sẽ gọi là Tiểu Thư Trang. Tiểu là nhỏ, thư là sách, trang là cái trang thờ. Như cái trang thờ vong ngoài hiên ở quê cũ. Biết đâu ngày sau sẽ có cuốn Truyện Kiều hay The Broken Wings nào đó n​ằ​m ngoan bên trong những Tiểu Thư Trang này. Cho bạn tôi tha hồ mượn hay cất giữ một cách vô tội vạ. ​Hương hồn của Cụ Nguyễn Du và Kahlil Gibran có tình cờ phiêu du ngang qua chắc cũng không phiền. ​

 

tieuthuvien 01

 

SB