Menu Close

Biến đổi giống trong thế giới động vật

Nhiều loài động vật, giới tính có thể thay đổi bất thường không giống như con người quyết định bởi cấu trúc nhiễm sắc thể X hay Y. Nhiều nhà khoa học sinh vật đã khám phá ra điều kỳ lạ này có liên quan đến việc biến đổi khí hậu và điều kiện sống trên toàn cầu. Nhiệt độ tăng cao có thể làm thay đổi sinh học ảnh hưởng đến giới tính, con cái biến thành con đực hoặc ngược lại và thậm chí loài chim chích sống trên quần đảo Seychelles ở Madagascar lại có thể định hướng sinh chim mái hay trống.

bien doi giong2

Tiến sĩ Clare Holleley (phải) nghiên cứu loài rồng Lizard Dragon – nguồn bluemountainsgazette.com.au

Tiếng hót líu lo của cặp chim chích dường như nói chuyện về chuyện sinh con. Sao đây “con trai” hay “con gái” hở ông chim chồng. Hừm… “con gái” có thể đỡ đần trong công việc nội trợ, còn “con trai” đủ lông đủ cánh “cu cậu” sẽ rời tổ bay đi hoang đàng rất sớm, đỡ được miệng ăn…

bien doi giong1

Loài chim chích Acrocephalus ở Madagascar có thể định hướng ấp trứng cho sinh ra con trống hay mái – Nguồn: Wiki

Không có gì phải lo nhiều đến vậy, các nhà sinh vật Úc cùng các cộng sự theo dõi chuyện sinh con của loài chim chích Acrocephalus này đã nhiều năm và rút ra kết luận “sinh trống hay mái” là tùy theo điều kiện sống trong thiên nhiên. Nếu có nhiều côn trùng làm thức ăn, 88% chim nở ra là mái. Họ đặt giả thuyết rằng lúc bấy giờ chim bố mẹ rất cần con mái ở “nhà” giúp đỡ chăm sóc đàn chim em, để yên cho bố mẹ tăng khả năng sinh sản con cái cho “vui nhà vui cửa”. Còn sống trong điều kiện thiếu thốn thức ăn và thời tiết nóng bức khô cằn, lại có đến 77% chim con nở ra là chim trống.

Nhằm kiểm chứng quan sát trên, các nhà sinh học đã làm nhiều cuộc kiểm tra cho chim chích bố mẹ đến sống ở những vùng đất mầu mỡ hay khô cằn. Kết quả cho thấy rất phù hợp với việc xác định trứng chim nở ra số đông là trống hay mái. Tuy nhiên có một bí ẩn chưa giải thích được, tại sao loài chim này chọn được giới tính và việc này có liên quan gì đến môi trường sống, cụ thể là nhiệt độ các vùng khô cằn, nóng bức có thể làm cho biến đổi giới tính theo định hướng sinh sản của chim chích vùng Madagascar.

bien doi giong3

Giới tính của rồng Lizard Dragon được xác định bởi sự thay đổi nhiệt độ cao – Nguồn: washingtonpost.com

Một nghiên cứu mới nhất của nhà sinh vật Clare Holleley trên con rồng Úc (Lizard Dragon) cho thấy những con rồng đực lại biết ấp trứng như rồng cái. Nhiễm sắc thể của loài rồng đực được xác định là có biến đổi và ngược lại. Các nhà sinh vật cũng khám phá ra rằng, trong cơ thể rồng cái lại có mang nhiễm sắc thể của con đực. Và chính những con rồng cái có mang trong mình nhiễm sắc thể của con đực có khả năng đẻ trứng nhiều hơn và giới tính của rồng con đực được xác định bởi sự thay đổi nhiệt độ trong môi trường sống tại Úc tăng cao từ 32 lên 36 độ C trong vài thập niên gần đây.

Tuy nhiên, đối với lý luận nhiệt độ môi trường tăng cao làm sinh sản nhiều con đực, xem ra không thích hợp cho giống rùa. Trứng rùa ở nhiệt độ dưới 28 độ C sẽ nở thành con đực, trên 32 độ C nở thành con cái. Điều này ngoài lý do nhiệt độ khi ấp trứng, còn có ánh sáng và hormon quy định. Vì thế, các nhà sinh vật vẫn tiếp tục những cuộc nghiên cứu về môi trường thay đổi nhiệt độ liệu có ảnh hưởng đến việc biến đổi giới  tính trong một số loài sinh vật khác hay không.

bien doi giong

Ở nhiệt độ 20 độ C, trứng rùa nở ra hầu hết là con đực – Nguồn: Discovery

Tạm gác lại chuyện nhiệt độ làm thay đổi giới tính loài chim chích hay rùa để chúng ta cùng đến biển Đỏ xem loài cá hề hai sọc Amphiprion bicinctus sống ở các rặng san hô. Loài cá này có màu sắc sặc sỡ vàng rực, đỏ huyết hay đen tuyền với hai cái sọc trắng trên lưng cong như miệng chú hề cười tươi. Cá hề hầu hết mang trong mình nhiễm sắc thể giống đực nhưng một điều kỳ lạ khi hai con đực gặp nhau, một trong hai con lập tức biến thành một “nàng” khêu gợi, mời gọi con kia giao phối. Chỉ trong nháy mắt, giới tính của sinh vật đã được thay đổi mà các nhà sinh vật đại dương không sao giải thích được. Cũng như loài trai Lissarca miliaris ở Nam Cực sở hữu cơ quan sinh dục đực khi chúng còn nhỏ, nhưng biến thành con cái trong giai đoạn trưởng thành. Sự chuyển đổi giới tính là đặc điểm khác thường đối với động vật nhuyễn thể này. Và điều kỳ dị là người ta quan sát thấy loài sò thay đổi giới tính này chỉ ở vùng Nam Cực.

bien doi giong5

Loài cá hề hai sọc Amphiprion bicinctus có thể biến đổi sang giống cái dễ dàng – Ảnh: Rob Atherton

Một số loài đỉa biển sặc sỡ tự chuyển đổi giới tính một cách độc đáo. Nếu có ba con đực đi tìm bạn phối ngẫu, lỡ gặp chỉ có một con cái thì sao đây? Một con đực sẽ chuyển ngay thành cái để mọi chuyện diễn ra tốt đẹp không cần tranh giành “gái” mà cắn xé lẫn nhau! Loài cá nhỏ san hô (Hypoplectrus) cũng vậy, chúng tránh được mọi cuộc xung đột do tranh giành kẻ phối ngẫu chỉ vì biết tự thay đổi giới tính trong vài chục giây đồng hồ. Theo tạp chí Nature, có khoảng 4 loài cá sống ở Ấn Độ Dương thay đổi giới tính với thời gian kỷ lục trong vòng 20 giây. Loài cá Labroides dimidiatus lại thích nghi với môi trường một cách đáng kinh ngạc. Các nhà khoa học đã thử nhốt một con cá đực và sáu con cá cái vào một bể kính. Mọi chuyện diễn ra bình thường cho đến khi tách con cá đực riêng ra. Với sáu con cùng giống cái sống với nhau thì chẳng “làm ăn” gì được. Nhưng có cách rồi đây. Các nhà sinh vật tròn mắt ngạc nhiên theo dõi. Con mái nào bự to xác nhất đàn tự động biến thành con đực, ve vãn những con cái kia và tiến hành “yêu” từng “em” một. Chỉ trong vòng một ngày, cơ quan sản xuất trứng của nó biến mất, thay vào đó là cơ quan sinh dục đực. Màu sắc cơ thể của nó cũng thay đổi giống hệt những con đực khác. Thông thường, chỉ sau một tuần, nó sẽ hoàn toàn biến thành một “nam nhi” khỏe mạnh để duy trì nòi giống với các nàng cá mái.

Trong thế giới động vật, lươn là loài cá có thể đổi giống: lươn cái có thể biến thành lươn đực. Thường lươn to không có trứng, lươn nhỏ lại có trứng. Tại sao lại vậy? Đa số bên trong cơ thể loài cá nếu không phải là có buồng trứng thì cũng có tinh hoàn, giống đực và giống cái định hình từ lúc sinh ra. Nhưng lươn thì khác, khi lươn vừa sinh ra, bên trong tất cả các cá thể đều có buồng trứng, có nghĩa là tất cả là giống cái. Sau khi lươn con đã phát dục, bắt đầu đẻ trứng. Nhưng khi đẻ xong, buồng trứng của lươn sẽ chuyển hóa thành tinh hoàn, từ giống cái trở thành giống đực và lươn cái cũng có thể phóng ra tinh trùng. Đặc tính này của lươn được các nhà khoa học gọi là “đảo ngược giống”.

bien doi giong4

Ếch mía biến đổi thành cá thể lưỡng tính do ảnh hưởng ô nhiễm hóa chất môi trường sống – Nguồn: National Geographic

Sự thay đổi giống ở các loài động vật cấp thấp còn nhiều điều lạ lùng. Tuy vậy, đối với động vật cấp cao như con người, việc biến đổi giới được các nhà khoa học xem xét trên sự đột biến nhiễm sắc thể. Một phụ nữ muốn trở thành đàn ông hay ngược lại đàn ông muốn thành phụ nữ thì phải cần những cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính dù có tỉ lệ thành công là bao nhiêu đi nữa cũng chỉ là sự can thiệp của bên ngoài. Cũng như có một số trường hợp hiếm, người đàn ông có vợ, có con cái đàng hoàng nhưng sau đó lại biến đổi giới tính, chỉ thích đàn ông thôi, rời bỏ vợ con. Lý giải việc này, những nhà sinh học cho rằng trong cơ thể anh ta có nhiễm sắc thể nữ “thức giấc” hoặc có oestrogen (hormon giới tính nữ) xâm nhập qua môi trường sống.

Điều này được các nhà sinh vật Đại học Florida đưa ra khi nghiên cứu nhận thấy 40% ếch mía sinh sống tại các khu vực bị ô nhiễm dễ biến thành cá thể lưỡng tính. Chính chất oestrogen xuất hiện trong môi trường ô nhiễm xâm nhập vào biển, sông, đất, không khí trong quá trình xả rác của con người. Các hóa chất sinh ra oestrogen được tìm thấy trong bao bì thực phẩm, chất tẩy rửa, chai nhựa, sơn, nước thải. Một thời gian ếch mía tích tụ dư chất oestrogen làm biến dạng tinh hoàn và biến con đực thành con cái.

NL – Theo Discovery Channel