Dư luận người Việt, quốc nội lẫn quốc ngoại, đang rất quan tâm về những kết quả sau chuyến đi Hoa Kỳ từ 6 đến 10 tháng 7 vừa qua của Nguyễn Phú Trọng, nhân vật cầm đầu CSVN hiện tại. Sự kiện này nằm trong một chuỗi những diễn biến sâu xa, đầy uẩn khúc trong mối giao hảo giữa Hoa Kỳ và CSVN từ thời Đệ Nhị Thế Chiến đến nay. Nước cờ ngoại giao mới nhất này cũng có thể để lại nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đối với thời cuộc Việt Nam cách riêng, cũng như cuộc diện Á Châu Thái Bình Dương cách chung.
Quanh thời điểm xảy ra vụ này, bộ máy truyền thông quốc doanh của Hà Nội mở cuộc tuyên truyền rình rang trước công luận. Trên phương diện chánh thức, đôi bên đồng thuận đưa ra bản “Tuyên Bố Tầm Nhìn Chung Hoa Kỳ-Việt Nam” (1) với nhiều điểm hệ trọng. Đối với Biển Đông, cả 2 phía mạnh mẽ tỏ ý muốn duy trì các quyền tự do hàng hải và hàng không; bảo đảm không cản trở giao thương; kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng; và nhất là bác bỏ sự cưỡng ép, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực (gián tiếp nhắn nhe Trung cộng).
Người Việt tị nạn biểu tình bên ngoài Tòa Bạch Ốc trong lúc Tổng Thống Obama tiếp NPT hôm 7-7-2015. Ảnh AFP/Getty Images
Về thương mại song phương, Washington và Hà Nội đã ký kết trên chục hợp đồng cộng tác lớn trên những lãnh vực kinh tế trọng yếu như hàng không, thuế, ngân hàng, năng lượng/dầu khí/điện năng, v.v… Với sự khích lệ của Washington, Hà Nội cũng chịu cam kết yểm trợ sứ mạng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (2), cũng như thỏa thuận cộng tác ứng phó với các hiểm họa dịch bệnh nguy hiểm. Đặc biệt, Hà Nội cũng chấp thuận giao kèo để viện Đại Học Harvard có quyền hợp pháp thiết lập chi nhánh Đại Học Fulbright tại Việt Nam. Đây là chuyển biến không nhỏ. Cho đến gần đây, giới cầm quyền chóp bu tại Hà Nội vẫn run chân, không chịu nhượng bộ vì sợ Hoa Kỳ mưu đồ lợi dụng công việc huấn luyện, giáo dục để góp phần thay đổi xã hội lẫn hệ thống chánh trị tại Việt Nam.
Trong các hợp đồng thương mại ký kết trong dịp này có thỏa thuận cộng tác giữa tập đoàn Murphy Oil của Hoa Kỳ và tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PetroVietnam), cũng như hợp đồng bán 8 chiếc Boeing 787-10 Dreamliner và 8 chiếc Boeing 777-8x cho Vietnam Airlines. Song có lẽ quan trọng hơn hết là đôi bên cam kết tiếp tục thúc đẩy cộng tác với các quốc gia khác để hoàn tất những cuộc đàm phán về Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương hay TPP (3), mà Hoa Kỳ và Việt Nam đang trong vòng thương thảo với 10 quốc gia khác, 1 đề tài chúng tôi đã có đề cập đến trên trang báo này trước đây. Hôm 12-07, tiếp xúc với cộng đồng người Việt tị nạn tại miền Nam California, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, Ted Osius, cũng đã tái khẳng định Thương Ước này bao gồm những tiêu chuẩn căn bản nhất về nhân quyền mà Việt Nam, với tư cách 1 thành viên, buộc phải tuân theo, và có nhiều ràng buộc Hà Nội phải thực thi cải cách, trong đó có tôn trọng nhân quyền và để công đoàn độc lập được hình thành. Hà Nội rất nôn nóng được gia nhập TTP vì được nhiều mối lợi, lại có thể giúp nới lỏng gọng kìm Trung cộng. Phía Hoa Kỳ cũng muốn dùng Thương Ước này để xóa dần ảnh hưởng kinh tế của Trung cộng lên Việt Nam cũng như những tiểu quốc khác trong vùng Á Châu Thái Bình Dương.
Cựu Tướng Không Quân VNCH Nguyễn Cao Kỳ và Võ Văn Kiệt. Ảnh hoahongsaigon.wordpress.com
Có không ít dấu chỉ cho thấy Hà Nội và Washington có thể đang điều chỉnh để đạt đến sự song hành lợi ích chiến lược khi liên quan đến Trung cộng và Biển Đông. Trong chuyến đi này, cả 3 lần diễn thuyết quan trọng — ở Phòng Bầu Dục Tòa Bạch Ốc, ở Bộ Ngoại Giao, và tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế hay CSIS (4), Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đi nhắc lại thuật ngữ “lợi ích”, nhấn mạnh lợi ích của 2 quốc gia, lợi ích của dân chúng 2 nước, và nhiều lợi ích khu vực, lợi ích toàn cầu khác. Từ “lợi ích” xuất hiện không dưới 10 lần trong diễn văn của NPT tại CSIS, ít nhất 8 lần trong diễn văn ở buổi tiệc chiêu đãi của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và 1 lần trong phát biểu ở Phòng Bầu Dục. Để tiện so sánh, khái niệm “XHCN” hay “CNXH” không hề được ông trùm CSVN “đảng của giai cấp công nông” đả động đến.
Trong cuộc họp báo của Tổng Thống Barack Obama và NPT, phía Hoa Kỳ cũng đã công khai tuyên bố “tôn trọng thể chế chánh trị” của VN. Đây có thể là cử chỉ chưa từng thấy xưa nay. Phát ngôn này, và thực tế NPT dù chỉ là nhân vật đứng đầu 1 đảng phái nhưng được Tổng Thống Hoa Kỳ tiếp tại chính Phòng Bầu Dục, khiến không ít dư luận đánh giá Hoa Kỳ đã… thừa nhận ĐCS cũng như sự thế giá của chức danh “tổng bí thơ” trong hệ thống chánh trị Việt Nam. Tuy nhiên, ngôn ngữ đường mật có thể chỉ là cách Washington… xoa dịu Hà Nội, vốn lâu nay nơm nớp nghi ngại Hoa Kỳ lúc nào cũng tìm cách lật nhào đảng CS của họ. Một góc nhìn khác từ phía thực dụng, chánh hiệu Uncle Sam, có thể chỉ là cách Tòa Bạch Ốc an ủi NPT rằng mối giao hảo song phương vẫn có thể tốt đẹp cho dù 2 bên có triết lý lẫn hệ thống chánh trị dị biệt, và vẫn luôn có bất đồng trong nhận thức về nhân quyền, tự do tôn giáo, v.v…
Nguyễn Phú Trọng chứng kiến cuộc bàn giao chiếc phi cơ Boeing 787-9 Dreamliner cho Vietnam Airlines trong chuyến đi Hoa Kỳ. Ảnh hothot.vn
Ngoài nhấn mạnh “lợi ích” chung, NPT cũng ca bài ngoại giao cũ: khen ngợi Hoa Kỳ “là một đất nước rất tươi đẹp”. Nhưng đáng chú ý hơn khi lần đầu tiên 1 người đứng đầu CSVN gọi chiến cuộc VN “không phải là cuộc chiến tranh nhằm chống lại Hoa Kỳ” (5). NPT còn bước thêm bước nữa, gọi Hoa Kỳ là “địa bàn cực kỳ quan trọng” vào thời điểm này. Những khẩu khí này từ 1 nhân vật bảo thủ, chuyên về khoa lý luận tín điều cộng sản Mác-Lê, có thể không phải vô tình. Với tư cách là người đứng đầu, sự chuyển biến nào của NPT dù nhỏ cũng có thể ảnh hưởng không ít đến những thành viên còn lại trong ĐCS.
Chuyến đi Hoa Kỳ của Nguyễn Phú Trọng có thể giúp khai triển mối giao hảo Washington-Hà Nội. Cuối năm nay, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama dự trù sẽ công du Việt Nam. Còn khá sớm để đánh giá chính xác tình hình, nhưng có vẻ như chánh sách ngoại giao của Hà Nội đang nghiêng về phía Hoa Kỳ và thế giới Tây Phương, bớt dần ảnh hưởng Trung cộng. Chính Đại Sứ Hoa Kỳ, Ted Osius, trong buổi tiếp xúc với cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại San Jose, Bắc California, cũng không úp mở tiên báo tại “Đại Hội Đảng” của CSVN vào đầu năm tới sẽ xuất hiện nhiều ngôn ngữ cũng như nghị quyết phản chiếu mối giao hảo chiến lược chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ.
Thông dịch viên của NPT (trái) bị chê quá xá. Ảnh Jonathan Ernst/Reuters
Cũng không phải dư luận nào cũng cho điểm cao chuyến đi của NPT. Hà Nội bị chê trách là tự hạ thấp vị thế, vốn đã rất thấp, từ những chi tiết nhỏ nhặt như thông dịch viên kém cỏi. Xem lại video cuộc đàm đạo giữa Tổng Thống Obama với NPT tại Tòa Bạch Ốc, không khó nhận ra người phiên dịch nhiều lần ấp a ấp úng, nói không ra hơi, tiếng Việt không xuôi tiếng Anh không chuẩn. Nhiều người cũng chỉ xem cuộc thăm viếng rình rang này chỉ mang tính cách tượng trưng, và mối giao hảo Washington-Hà Nội hầu như không có gì biến động. Trên thực tế, ngoài những rổn rảng ngôn từ và các hợp đồng buôn bán béo bở cho công ty Hoa Kỳ, NPT đáo hồi Hà Nội với thu đạt tối thiểu về quân sự. Một trong những kỳ vọng lớn cho lần viễn du này của NPT — tháo gỡ hoàn toàn lệnh cấm bán võ khí sát thương cho CSVN kéo dài nhiều thập niên qua — đã không bao giờ thành tựu.
Trên phương diện ngoại giao, các lân bang của Việt Nam như Thái Lan, Malaysia đều đã bắt tay với Hoa Kỳ từ mấy chục năm nay, riêng Philippines thì thậm chí cả trăm năm lẻ. Người Việt quốc gia cũng đã từng 1 thời là đồng minh sống chết với Uncle Sam. Còn vị thế của CSVN quá thấp, bị Hoa Kỳ chê từ thời Thế Chiến Hai. Trung cộng thì gọi CSVN là lá mặt lá trái, vong ân bội nghĩa, tráo trở… giờ đây đang loay hoay tranh thủ đại ca Hoa Kỳ. Còn nhiều ẩn khuất khác quanh chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng, về canh bạc lớn của Hoa Kỳ, về yếu tố Biển Đông và tham vọng của Trung cộng, lẫn về sự khả tín (hay bất khả tín) của CSVN.
TD
Ghi chú:
(1) Tuyên bố tầm nhìn chung Hoa Kỳ-Việt Nam: United States – Vietnam Joint Vision Statement.
(2) Gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc: United Nations Peacekeeping.
(3) Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương: Trans-Pacific Partnership hay TPP.
(4) Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS): Center for Strategic and International Studies, 1 “think tank” đặt tại Washington, D.C.
(5) Trên phương diện tuyên truyền và giáo dục (tuyên giáo) chánh thống, xưa nay Hà Nội gọi chiến cuộc VN là “cuộc chiến chống Mỹ cứu nước”. Nhiều năm trước, 1 nhân vật CS tên là Võ Văn Kiệt từng đưa ra khái niệm chiến cuộc VN “không phải là cuộc chiến tranh nhằm chống lại Hoa Kỳ”. Đây là người tiếp quản Sài Gòn thất thủ 30-4-1975, và đứng đầu bộ máy cai trị thành phố này trong nhiều năm thời hậu chiến. Tuy nhiên, Võ Văn Kiệt chỉ làm đến chức cao nhất là thủ tướng của Hà Nội, và tuyên bố đó là 1 trong những lý do khiến nhiều người tin là đã làm họ Võ bị thanh trừng, ám sát vào cuối đời. Nguyễn Phú Trọng, từng làm đại ca trong ngành lý luận ĐCS, là người đứng đầu CSVN đầu tiên công khai nói “không phải là cuộc chiến tranh nhằm chống lại Hoa Kỳ”.