Giữa mấy căn biệt thự to đùng là từng căn nhà ổ chuột ôm bờ kênh bốc mùi quyến rũ, giữa “văn minh đô thị” là những tiếng chửi thề, giữa ngã tư ngã sáu ồn ào nóng nực là những không gian im ắng lạnh lùng, giữa những quán nhậu linh đình là những quán cà phê sách dịu dàng tiếng nhạc, giữa nước mắt là nụ cười, giữa nụ cười là những đợt thở dài. Sài Gòn luôn hồn nhiên như thế, trong cái đẹp có cái xấu tan nát, trong cái xấu có cái đẹp kinh hoàng, dù trải qua bao nhiêu trận “đại phẫu”, nàng vẫn tròn vai một quý cô đỏng đảnh, dù ở đoạn bi kịch nhất, nàng vẫn có thể đủng đỉnh mở bóp, lấy khăn, từ từ chặn nước mắt ngay khi nó chảy. Rồi hững hờ nhìn xa xăm, đổ thừa “bụi rơi vào mắt”.
Nhưng rồi, phụ nữ mà, dù hồn nhiên đến đâu cũng sẽ chạnh lòng mỗi khi soi lại mặt mình trong tấm gương đã cũ. Những vết sẹo lớn nhỏ, những đường nét bị phá vỡ để thêm vào các chi tiết chênh lệch. Nàng vẫn là nàng nhưng không phải nàng. Cô Thắm vẫn là cô Thắm nhưng “hương đồng gió nội” đã “bay đi ít nhiều”. Thế là, Sài Gòn buồn, dẫu chỉ một phút thôi. Cũng đủ làm những người yêu thương nàng da diết ôm đủ một bầu đau.
Bảo Huân
o O o
Con phố tiêu điều, lạnh lẽo giữa cái nắng đốt cháy quéo lòng người. Chậm chạp sờ lên những lỗ chân lông hàng trăm tuổi. Trống trơ gốc cổ thụ già, trống trơ đám nhóc cười ríu rít trong tà áo trắng đuổi nhau, trống trơ cái bóng đổ xuống đường hình nụ cười rạng rỡ của gánh hàng rong sắp đổ, trống trơ đống rác nhỏ cùng tờ báo, điếu thuốc, chiếc guốc hoặc ly nước mía “khủng”… trống trơ, trống trơ gương mặt thất thần của người bán vé số già nua vừa bị giật mất túi tiền, trống trơ gương mặt hân hoan của bà khi biết khách hàng trúng số và sẽ có thưởng, trống trơ dáng một “bà điên” dăm hôm lại xách chiếc xe đạp màu hồng ra đây ngồi, chờ một “ông điên”, trống trơ bóng một “ông điên” vài năm trở lại, ngồi chờ hoài hổng thấy “bà điên”, nghĩ “chắc nó đi lấy chồng”. Còn lại là loe ngoe tiếc nuối, loe ngoe giận dữ, loe ngoe thương sầu cạnh tranh với tầng tầng lớp lớp những tòa nhà nguy nga lộng lẫy. Minh chứng cho sự phát triển. Minh chứng cho sự lãng quên.
Cuốn nhật ký cúi đầu nức nở, những kỷ niệm bò ra nhìn tôi như muốn khóc, thương nhớ mặt mình, thương nhớ mặt tôi. Đứa bé xanh xao, tóc dài để xõa, lúc nào cũng đứng nép cuối hàng. Cô nữ sinh tròn tròn, lí lắc, đôi mắt lúc nào cũng tít lại, như trước khi đến trường, cô đã dán chặt hai mí với nhau thật kỹ. Cô học sinh gương mẫu, dịu dàng, luôn là kẻ “chủ mưu” làm cô giáo dạy văn khóc ngất. Nàng thiếu nữ u sầu, ngày ngày ngóng đợi người yêu…
Trong khi người ta tranh thủ xách máy ảnh chụp lại những góc phố, những con đường, những tàn cây, những ngôi nhà sắp cũ. Tại sao tôi ngồi đây. Dưới trận buồn này. Trước mặt là 6 tầng không chạm bờ kênh Nhiêu Lộc lềnh bềnh gió thổi. Mông đặt trang trọng lên giàn hoa giấy đã từ lâu không chăm sóc. Lưng đối diện căn hộ 3 phòng trống ngoác có dán những cái cửa bằng kính vỡ, giả đò thở dài một hơi có thể nghe tiếng vọng tới chiều. Có lẽ, vì hôm qua, sau bao năm sống ở Sài Gòn, tôi bỗng phát hiện, tôi mất đi một nửa, tôi. Tôi của những con diều giấy treo thêm vài cái lưỡi lam để cắt dây diều khác, tôi của lồng đèn lon đục lỗ xoay tròn, tôi của những buổi sáng chui “lỗ chó” trốn ra quán bà chín ăn chè, tôi của những buổi trưa “cầm đầu” đi hái trộm nhãn ( dẫu nhà ngoại là một vườn cây ăn trái), tôi của những buổi chiều tụ tập bấm chuông khắp xóm chờ bị mắng rồi kéo nhau bỏ chạy, tôi của những buổi tối cúp điện túm tụm ngồi nghe kể chuyện ma mà vừa bịt tai nhắm mắt, đến khi mở ra thì chả còn thấy đứa nào, tôi của những con bướm ép bằng cánh phượng, tôi của những buổi chiều loắt choắt dưới hàng điệp trải thảm vàng rực sân trường… Tôi của hôm qua. Sau khi lục tung ký ức, tìm khắp Google, mới biết, nửa đó, đã ham vui chạy theo hơn nửa kỷ niệm đã mất. Có lẽ chúng vốn là của nhau. Đành, dành ra vài giây sắp xếp những thứ còn lại, đem tất cả bỏ vào hộp, đóng nắp, niêm phong, giấu kỹ vào nhật ký. Để một ngày đẹp trời, giở ra còn ấm áp, nửa tôi còn sót.
Tự nắm lấy tay mình. Vết chai trong trí nhớ làm trầy đôi mắt. Cách đây không lâu bàn tay này đã sờ nắn rất kỹ những vết chai ấy. Như suốt nửa đời qua sờ soạng Sài Gòn. Mắt ướt một màn, như gương, bóng anh long lanh ở đó. Muốn hỏi anh như hỏi chính mình. Anh có yêu tôi như tôi yêu Sài Gòn? Anh có yêu Sài Gòn bằng tôi yêu anh? Hay chỉ như yêu chú cún con đáng yêu của nhà hàng xóm. Thấy thì thương. Khuất mắt thì quên. Yêu mà không yêu. Yêu mà không yêu. Yêu mà không yêu. Một trăm của trăm lần tôi lẩm bẩm. Lắng tai nghe những tiếng vọng khẽ lặp lại sau lưng, có thể đến vài ngày.
Quét màn sương bao phủ, dùng ánh mắt ráo hoảnh để suy tư. Tưởng tượng, giờ này, ngày này, ở đây, một vạn năm sau, có thể tôi sẽ đứng bên tầng tầng lớp lớp những ngôi mộ trống trải, chỉ có xác người. Không cần lấp đất, không cần bia mộ, không có tiếng cầu kinh, dấu thánh hay những đóa hoa hồng trắng. Chỉ tiếng vọng tang thương phủ kín trời. Bồ câu không còn tượng trưng cho hòa bình, mà tranh cùng lũ quạ. Những chú chó hết trung thành, tụ tập chia phần thân chủ. Không ai khóc, không ai cười, chỉ có tiếng nhai nhóp nhép. Tiếng gầm gừ mừng công. Tiếng xương xẩu lạch cạch lạch cạch. Sài Gòn trở thành bãi thức ăn rộng lớn của dòng họ kền kền. Nhà lầu, xe hơi, sĩ diện, danh phận, tiền bạc… không còn là quan trọng. Chả còn gì đáng lưu tâm. Tôi, anh, Sài Gòn. Có lẽ cũng đã tan như mây khói, không đợi kiếp luân hồi.
Người Sài Gòn yêu Sài Gòn không chỉ thuần túy là yêu nơi chôn nhau cắt rốn, yêu “chùm khế ngọt”, yêu món ăn (mà Sài Gòn có đặc sản gì đâu), yêu “Hòn Ngọc Viễn Đông” (bể tan tành rồi) hay yêu “anh” không thôi, mà người Sài Gòn yêu Sài Gòn là “yêu cả tông chi họ hàng”, yêu từng cái cây khô không mọc nổi mùa nắng, yêu từng đoạn đường lầy lội mùa mưa, yêu những căn nhà ổ chuột giữa những căn biệt thự, yêu những tiếng chửi thề trong những khu phố văn minh, yêu những buổi trưa kẹt xe khét nắng, yêu những quán nhậu “ì xèo” kế những ngôi chùa uy nghiêm, yêu từng đống rác ngay cái bảng “cấm đổ rác” to đùng… “Dầu nàng xác nát hồn tan/ Nhưng tôi vẫn ráng yêu nàng khư khư” !
o O o
Chậm chạp sờ lên những lỗ chân lông hàng trăm tuổi. Quay về thực tại. Tôi đi vào toilet. Cắm đầu vô gương. Hốt hoảng đếm số tóc đen còn lại. Thảng thốt sơn son thiếp vàng cho gương mặt đã xỉn màu ngang trái. Xách giỏ, mang guốc, mở cửa…
Mặc kệ Sài Gòn, mặc kệ anh, mùa đàn bà sắp hết, không tưới, để chóng tàn sao ?
o O o
Đặt cái hộp đựng đầy kỷ niệm vào một ngăn nhỏ của cuộc đời. Tôi hôn nhẹ bóng mình trên cát. Ngẩng lên nháy mắt với Sài Gòn.
Nàng lườm tôi một cái rồi cười khúc khích. Nắng vàng ươm đổ đầy những lỗ chân lông hàng trăm tuổi.
DU