Xin bác sĩ giải thích tại sao miệng hay có mùi hôi.Có phải là do bao tử không tiêu hóa tốt mà ra. Cảm ơn bác sĩ. Nguyễn Anh Tuấn.
Đáp
Thưa ông, thường thường, khi nói tới hôi miệng thì nhiều người cứ cho là do bao tử mà nên nỗi.Nhưng thực ra những 85% trường hợp hôi miệng lại chính từ miệng, còn lại 15% đến từ nhiều lý do khác nhau, trong đó có vấn đề dinh dưỡng, ăn uống. Sau đây là các nguyên nhân đưa tới hôi miệng
– Từ miệng
Miệng được một số khoa học gia ví như một sở thú, trong đó chen chúc sinh sống cả dăm ba trăm loại vi sinh vật lành dữ khác nhau, đặc biệt là ở phần sau của lưỡi. Đa số các vi khuẩn này thuộc nhóm kỵ khí nghĩa là chúng chỉ tăng sinh trong môi trường không có oxy như trong bựa răng, khe răng, túi nha chu nhất là ở mặt sau của lưỡi.
Khi há miệng soi vào gương, ta thấy lợn cợn những vệt trắng với nhiều vi khuẩn phủ trên lưỡi. Thức ăn sót lại trong miệng hoặc ở các kẽ răng là món ăn hấp dẫn đối với chúng và sẽ bị phân hóa tạo ra mùi hôi.
– Nhiễm trùng ở nướu răng cũng lại mấy cô cậu vi khuẩn bám vào các cục bựa chất béo, calci ở chân răng mà ra. Bựa vôi đóng vào chân răng là môi trường tốt cho vi khuẩn tác dụng vào và đưa đến hôi miệng.
– Khi miệng khô, như ngủ ban đêm thở bằng miệng hoặc dưới tác dụng của vài dược phẩm, hút thuốc lá khiến cho miệng khô, đóng bựa, vi khuẩn tác dụng vào và tạo ra mùi hôi.
– Các bệnh nấm trong miệng tạo mùi ngọt trái cây
– Răng giả không được chùi rửa sạch sẽ.
– Từ thực phẩm
Một số thực phẩm có chất dầu gây hôi cho hơi thở như tỏi, hành. Các thực phẩm này sau khi được tiêu hóa, chất bay hơi của chúng đều được hấp thụ vào máu, lên phổi và theo không khí hít thở mà bay ra cửa miệng.
Mùi rượu sau khi uống vào cũng thoát ra như vậy trong hơi thở.
– Bệnh
Một số bệnh về bộ máy hô hấp gây hôi miệng như nhiễm trùng phổi kinh niên, viêm xoang mãn tính, chất lỏng ở sau miệng nhỏ giọt xuống cuống họng, ung thư phổi, viêm cuống họng. Tiểu đường gây hôi mùi trái cây hư ủng, bệnh gan mùi trứng thối, thận mùi tanh cá ươn, rối loạn tiêu hóa cũng tạo ra hơi thở hôi. Đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường là hay bị bệnh nướu răng, máu lưu thông giảm, dinh dưỡng kém, nướu mau hư gây hôi miệng.
Những bệnh về bao tử ít gây ra hôi miệng vì van thực quản-dạ dày luôn luôn khép kín, hơi không bốc lên được ngoại trừ khi ói mửa hoặc ợ chua, trào ngược nước chua từ bao tử vào thực quản, thoát vị khe thực quản (hiatal hernia) hoặc hẹp môn vị (pyloric stenosis)
Nhiễm trùng tổng quát, bị nóng sốt làm cho miệng khô và gây hôi:
– Rối loạn bao tử
Rối loạn về sự co bóp của bao tử, thực phẩm chậm tiêu hóa ở lâu trong dạ dầy, bị lên men cũng tạo ra mùi hôi, nhất là khi ta ợ.
– Tâm lý
Một nguyên nhân tâm lý là nhiều người quá chú tâm tới dung nhan mình, có ảo tưởng là cơ thể mình hư hao, phát tiết ra mùi khó chịu. Nhiều người mỗi khi nói chuyện là che miệng, như thể là miệng mình hôi.
– Kinh nguyệt ở nữ giới
Trong thời kỳ kinh nguyệt cũng hay có mùi hôi lưu huỳnh từ miệng gây ra do thay đổi kích thích tố trong cơ thể.
– Dược phẩm
Dược phẩm gây ra khô miệng cũng gián tiếp tạo mùi hôi như thuốc chống dị ứng benadryl, trị tâm thần, trầm cảm, thuốc lợi tiểu tiện, trị bệnh Parkinson, cao huyết áp.
Bệnh vẩy nến
Tôi bị bệnh vẩy nến và hiện bây giờ đang được bác sĩ điều trị. Xin vui lòng cho biết tôi phải làm gì thêm, ngoài việc dùng thuốc do bác sĩ cho toa? Nguyễn Duy Trại
Đáp
Ngoài việc dùng thuốc theo toa bác sĩ, bệnh nhân nên áp dụng mấy phương thức sau đây:
– Tắm mỗi ngày để loại bỏ vẩy bám trên da. Tránh nước quá nóng, xà bông quá mạnh làm da thêm khô ngứa. Lau da nhẹ nhàng tránh gây tổn thương thêm.
– Pha dầu tắm như Epson, Dead Sea salt, dầu thực vật trong bồn nước, ngâm mình khoảng 15 phút cho da mềm.
– Ngay sau khi tắm, da còn hơi nước, thoa các loại kem làm ẩm da. Mùa lạnh khô, cần thoa kem làm ẩm da nhiều lần trong ngày.
– Nhớ thoa và dùng thuốc trị bệnh do bác sĩ chỉ định.
– Giữ hẹn tái khám để bác sĩ theo dõi tiến triển bệnh, thay đổi trị liệu.
– Phơi nắng nhẹ cũng giúp phần nào nhưng đừng để da cháy nắng
– Tránh gãi chỗ ngứa. Giữ da ấm.
– Tìm hiểu thêm về bệnh để biết cách chăm sóc, tránh tái phát hoặc trầm trọng hơn.
Đôi khi người bệnh cũng nên có thái độ hòa hoãn, sống chung hòa bình với Vẩy Nến, một bệnh tương đối lành tính, tuy khó chữa, nhưng không gây hậu quả hiểm nghèo như nhiều bệnh khác.
Gạo lức Red Rice
Tôi bị bệnh tiểu đường. Có người khuyên nên ăn gạo lức. Xin bác sĩ cho ý kiến về gạo này. Còn gạo đỏ là loại gạo gì. Cảm ơn bác sĩ. Triều Linh
Đáp
Theo tôi hiểu, gạo lức là loại gạo mà khi xay giã, lớp vỏ cám bọc ở ngoài hạt gạo còn nguyên, cho nên gạo có mầu vàng ngà. Còn gạo trắng tinh là gạo chà xát kỹ, cho nên vỏ cám mất đi. Mà trong lớp vỏ này lại có nhiều vitamin nhóm B cũng như chất xơ, cho nên có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể, kể cả việc làm giảm cholesterol loại LDL. Việt Nam mình có gạo trắng, gạo nếp cẩm, gạo tím than, gạo đỏ. Ngày xưa các cụ mình vẫn dành gạo đỏ cho dân lực điền, lao động ăn, còn chủ thì ăn gạo trắng. Vì gạo trắng nom đẹp hơn, đã chà xát hết lớp cám bên ngoài.
NYD