“Thứ Bảy, với sự tài trợ của một nhà hảo tâm, quán cơm từ thiện 2,000đ sẽ phục vụ 500 phần cơm đùi gà nướng với giá đặc biệt là 1,000đ/phần”. Đó là lời thông báo của người phụ trách quán cơm ở quận 4 và cô yêu cầu tôi nếu thu xếp được thời gian thì có thể đến giúp việc chuẩn bị với mọi người.
Sáng Thứ Bảy, lúc 9g sáng khi tôi đến, quán đã có khá đông người có mặt để chuẩn bị. Phần lớn là những nhân viên của công ty tài trợ chính hôm đó, bên cạnh vẫn có những tình nguyện viên thường xuyên của quán đa số là sinh viên, học sinh. Mùa này đang là mùa thi của các em nên hơi vắng, chứ bình thường các em đến giúp rất đông.
Những thanh niên tình nguyện – nguồn nhomchiasesaigona.wordpress.com
Trên bếp là hai chảo đùi gà to tướng, trên chiếc bàn bên cạnh còn có 3 nồi to đùi gà đang chuẩn bị chờ lên bếp. Hai nồi cơm to không kém cũng vừa chín tới. Một nồi nước khổng lồ đang đun sôi với một rổ rau đầy vun, một món canh “không người lái” vì chẳng có thịt thà gì hết, nhưng cơm lao động thì chấp nhận được. Rồi người cắt dưa leo, người cắt cà chua, người bắt đầu bày bàn, mỗi người một tay làm việc hết sức nghiêm túc theo sự điều động, sắp xếp của người phụ trách. Trên chiếc ghế thấp bên dưới bàn có hai giỏ chôm chôm đầy ắp là món tráng miệng hôm nay. Những chiếc khay sạch đã được mang ra, muỗng nĩa cũng hoàn toàn sạch sẽ, đã đến giờ sắp xếp, chuẩn bị phần ăn.
Phần ăn cho thực khách gồm có một đùi gà to ăn kèm với vài khoanh cà chua, vài khoanh dưa leo, một chén canh cải, bốn trái chôm chôm. Cơm đã được xới sẵn đầy ắp vào những chiếc tô sứ trắng sạch sẽ đặt sẵn tại bàn với gia vị là nước tương, nước mắm. Phía ngoài, thực khách đã xếp hàng rồng rắn đến cả trên lề đường, ước tính cũng phải hơn 100 người. Đó là những bác xe ôm, những người bán vé số, những người phu quét rác, một số ít sinh viên, học sinh nghèo… Mùi thức ăn thơm phức làm cho hàng người hơi nhốn nháo. Tuy nhiên, ở một quán cơm rẻ tiền, khách đa số là thành phần không có trình độ văn hóa cao nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là mọi người xếp hàng trật tự, không ồn ào.
Cảnh tấp nập trong quán
10g30 là giờ bắt đầu bán cơm. Theo thứ tự mỗi người bước đến nhận khay thức ăn đã có món chính và món tráng miệng, bước sang bên cạnh nhận thêm chén canh, rồi tìm bàn nào còn trống để ngồi. Khuôn viên của quán tương đối rộng rãi, sức chứa khoảng gần hai trăm người trên những chiếc bàn dài. Khi quán đã đầy, những người còn lại phải chờ đến khi những người ăn trước đi ra nhường chỗ, mới được tiếp tục vào. Người đã ăn xong bước qua lối ra bên cạnh để uống nước, sau đó mới là lúc phải trả tiền.
Hệ thống quán cơm Nụ Cười là những quán cơm 2,000đ nhằm phục vụ cho người lao động, người mưu sinh thu nhập thấp, người khuyết tật và học sinh, sinh viên nghèo. Tính đến nay, quán cơm Nụ Cười đã khai trương được tất cả 5 quán.
– Nụ Cười 1 là quán cơm 2,000đ đầu tiên khai trương ngày 12/10/2012, địa chỉ số 6 đường Cống Quỳnh, quận 1. Ban đầu quán bán khoảng 300 suất ăn vào các buổi trưa Thứ Hai, Tư, Sáu. Hiện nay quán bán hàng ngày khoảng 500 suất từ Thứ Hai đến Thứ Bảy.
– Ngày 15/3/2013, Nụ Cười 2 đã ra đời. Quán cung cấp khoảng 500 suất ăn mỗi ngày với giá là 2,000đ/suất cơm- Mì, hủ tiếu, bún, phở 1,000đ/tô.
– Đến tháng 5/2013, Nụ Cười 3 chính thức hoạt động tại địa chỉ 1276 đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ, quận 7. Quán chỉ phục vụ vào các ngày Thứ Hai, Tư, Sáu trong tuần, bán khoảng 400 suất ăn/ngày. Nụ Cười 3 có mặt bằng rất thoáng đãng và rộng rãi nên ngoài suất ăn giá rẻ còn khởi xướng quầy sách báo giá rẻ 2,000đ hoặc có thể đọc tại chỗ rất được ủng hộ trong thời gian qua.
– Đến ngày 9/9/2013 quán cơm Nụ Cười 4 đã khai trương ở quận 4, mặt bằng được tài trợ bởi một nhà hảo tâm ẩn danh, địa chỉ 132 Bến Vân Đồn. Quán phục vụ khoảng 700 suất ăn/ngày các ngày Thứ Ba, Năm, Bảy trong tuần. Ngoài suất ăn quán còn có quầy bán sách, truyện và quần áo cũ đã giặt ủi, tất cả đồng giá 2,000đ cho những người thu nhập không cao. Đặc biệt, Nụ Cười 4 được trang trí bởi thiện ý của những người vẽ tranh nổi tiếng trong chủ đề trưng bày “Tranh của những người cầm bút”.
– Ngày 19/10/2013, Nụ Cười 6 đã khai trương ở số 43 đường B Trưng Trắc, P. Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức với mặt bằng do Ông Bà Tú quận 3 tài trợ. Hiện quán bán khoảng 500 suất ăn/ngày vào các buổi trưa Thứ Ba, Năm, Bảy trong tuần.
Ảnh trái: khay cơm 2,000đ – Ảnh phải: tô phở 1,000đ của “Thứ Năm hạnh phúc”
Đa số các quán cơm 2,000đ đều do các tình nguyện viên đến đi chợ rồi chuẩn bị bữa ăn tại chỗ, riêng ở quận 4 do mặt bằng là kho của công ty tài trợ nên không thể thường xuyên nấu ăn tại chỗ vì sợ hỏa hoạn, do đó, các suất cơm hàng ngày tại đây là suất ăn công nghiệp trị giá 15,000đ/phần và phần chênh lệch do các nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ. Khẩu phần hàng ngày của tất cả các quán đều là một món mặn có thể là thịt hay cá, kèm thêm rau tươi hoặc cải luộc, một chén canh và một phần tráng miệng. Riêng ngày Thứ Năm hàng tuần, các quán thường xuyên đổi món, có thể là phở, bún bò huế, bún chả giò, bún thịt nướng… giá các món thay đổi này chỉ có 1,000đ/phần. Vì thế, đối với các thực khách của quán cơm 2,000đ, ngày này được mệnh danh là “Thứ năm Hạnh Phúc”.
Ở Việt Nam bây giờ, cũng có một số người có lòng thích làm từ thiện. Làm từ thiện là một điều rất đáng trân quý, cảnh lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng gói khi no, hay có những người Việt xa xứ có dịp trở về quê hương nhìn thấy những hoàn cảnh thương tâm của dân mình đã gởi tiền bạc, thuốc men về giúp đỡ, chia sẻ phần nào sự may mắn của họ.
Thực tế cho thấy, mức sống chênh lệch giữa thành phố và thôn quê đã khiến không ít người nhập cư tìm cách vào thành phố với hy vọng có mức sống tốt hơn, bữa ăn ngon hơn. Không ít người phải sống thật tiết kiệm, nhịn ăn sáng để ăn trưa hoặc ăn sáng rất trễ để khỏi ăn trưa, dành dụm từng chút ít tiền gởi về nuôi cha mẹ, vợ chồng hoặc con cái ở quê. Ngay cả những cư dân thành phố, nếu chẳng may lâm cảnh túng quẫn cũng phải sống rất cơ cực. Rồi những sinh viên nghèo hàng tháng tiền thuê nhà đã là cả một vấn đề lớn nói chi đến bữa cơm thật no đầy… Tất cả những người này, hơn ai hết, trông mong vào lòng hảo tâm của những người may mắn hơn mình để có được bữa cơm no bụng, tiếp tục kiếm sống một cách lương thiện.
Ngoài hệ thống quán cơm 2000 được nhiều người biết đến, còn phải nhắc đến các quán cơm miễn phí ở các chùa, thường là các suất ăn chay, có chùa phục vụ tất cả các ngày trong tuần, có nơi là hai ngày hay bốn ngày. Rồi còn có các quán cơm 3,000đ, 5,000đ… Hiện nay, các quán cơm giá rẻ có mặt gần như ở khắp các quận, huyện trong thành phố. Bên cạnh đó còn có các tổ chức, đoàn thể hay các cá nhân hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng… đến các bệnh viện phát cơm miễn phí, bán cơm giá rẻ cho các bệnh nhân và thân nhân. Để tài trợ trọn vẹn cho một ngày ở các quán cơm 2000 hay các quán cơm từ thiện, một nhà tài trợ chỉ cần bỏ ra 5 triệu đvn tương đương với 220 usd, một con số thật sự rất khiêm nhường.
Điều đáng buồn là hiện nay không ít người có chức vụ, có quyền hạn, điều kiện kinh tế không khó khăn lại lợi dụng lòng tốt của những nhà hảo tâm để làm nguồn thu nhập cho mình, trục lợi trên nỗi đau của người khác. Lướt một vòng trên các trang mạng chúng ta có thể thấy được vô số những kiểu ăn chận: ăn chận tiền từ thiện, ăn chận tiền cứu trợ, ăn chận tiền ủng hộ người nghèo, người già neo đơn, người khuyết tật… Những người được cứu trợ, giúp đỡ là những người đã cùng khổ, cho dù có được cứu giúp thì sự cứu giúp này cũng chỉ có thể giúp họ thoát khỏi cơn ngặt nghèo trong phút chốc ngắn ngủi nhưng không hiểu sao vẫn có những kẻ đang còn may mắn, và ngay cả những người tổ chức gây quỹ từ thiện từ nước ngoài cũng không ít kẻ hành xử theo kiểu cướp ngày này.
Không hiểu từ lúc nào, không ít người Việt Nam đã trở nên vô cảm, tàn nhẫn với nỗi đau, sự bất hạnh của đồng loại, đồng hương mình!!! Có lẽ từ lâu những giờ học công dân đạo đức không còn trong chương trình học mà thay vào đó chỉ là những giờ học đạo đức xã hội chủ nghĩa. Có lẽ “nhờ vậy”, những người Việt Nam tuổi dưới 40 hoặc không ít những thanh thiếu niên tuổi đời chưa quá hai mươi tuổi đã biết sử dụng thật giỏi các phương tiện truyền thông hiện đại, các trang mạng xã hội để chửi cha, mắng mẹ bằng những ngôn ngữ mà một người có giáo dục không dám nói. Lý do chỉ vì cha mẹ đã không thỏa mãn các đòi hỏi vật chất của họ.
Và thật đáng bái phục hơn nữa khi hiện nay đã có những khách sạn dành cho thú cưng tại Hà Nội và TPHCM, tiêu biểu là một khách sạn tiêu chuẩn 5 sao dành cho thú cưng vừa được đầu tư hơn 5 tỷ đồng (khoảng 250,000 usd) gồm 5 tầng trên đường Hoa Lan, quận Phú Nhuận, bao gồm nhiều dịch vụ đi kèm như lưu trú, khám chữa bệnh, spa thẩm mỹ, tập thể dục, cắt tỉa móng… Khách sạn có 50 phòng lớn, 90 phòng nhỏ và 7 phòng VIP. Phòng VIP có giá 30-35usd/ngày, phòng nhỏ 12-15usd/ngày. Tất cả nhân viên làm việc ở đây đều mặc đồng phục, vệ sinh kỹ trước khi tiếp xúc với thú!!! Thật sự, các dịch vụ như thế này không hiếm ở các nước phương tây hay các nước giàu có, nhưng Việt Nam thì không cần phải nhắc lại có lẽ ai cũng biết đang đứng vào hạng nào trên bảng xếp hạng giàu nghèo. Rồi còn có cả những nghĩa trang dành cho thú cưng, ở đó thú được chôn cất tử tế, có mộ bia, có người chăm sóc mồ mả, nhang đèn, hương khói thường xuyên.
Khách sạn 5 sao dành cho thú cưng tại Phú Nhuận – nguồn cafef.vn
Tôi không thể hiểu nổi vì sao con người là một sinh vật thượng đẳng lại có số phận thấp kém hơn cả con vật!!! Phải chăng điều này chỉ có ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam???
TN – 16 tháng 7 năm 2015