Cô gái xinh đẹp dưới đây không phải diễn viên Hàn Quốc. Cô là nạn nhân của chế độ độc tài Bắc Triều Tiên. Câu chuyện trốn thoát của cô ly kỳ hệt motif một phim Hollywood…
Sống tại Hyesan giáp giới Trung Quốc trong gia đình với bố là sĩ quan quân đội, từ nhỏ, Hyeonseo Lee luôn nghĩ chế độ cai trị đất nước mình là ưu việt. Những trận đói khủng khiếp vẫn không khiến đầu óc ngây thơ của cô có cái nhìn khác đi. Thế rồi ngày nọ, năm 7 tuổi, Lee chứng kiến một cuộc hành hình. Một người bị treo cổ lủng lẳng dưới cây cầu. Những gì kinh khủng trải qua 10 năm sau đó đã khiến Lee đi đến một quyết định sinh tử: phải thoát khỏi Bắc Triều Tiên!
Hyeonseo Lee tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc New York – NGUỒN HYEONSEO-LEE.COM
Chập choạng tối một ngày mùa đông, cô bé Hyeonseo Lee 17 tuổi ôm bọc quần áo, lủi thủi co quắm lạnh cóng cuốc bộ đến Yalu, dòng sông ngăn chia hai nước, thuyết phục người lính biên phòng, vốn quen gia đình, để cô vượt qua bên kia và trở về trong vài ngày. Bơi qua con sông lạnh buốt, Lee đi thẳng đến nhà một người bà con xa trên đất Trung Quốc. Hai năm đầu, Lee nỗ lực học tiếng Hoa. Ngày kia, công an Trung Quốc tình nghi và cật vấn. Nói tiếng Hoa thành thục, Lee trả lời tất cả câu hỏi đến mức họ tin cô là dân địa phương. Làm phục vụ bàn, cô dành dụm từng đồng. Hàn Quốc mới thật sự là nơi cô muốn đến.
10 năm sau, tháng 1-2008, Hyeonseo Lee có mặt ở phi trường Incheon. Cô xin tỵ nạn chính trị. Ngày kia, cô được báo rằng mẹ và em trai bị trừng phạt và bị đày đến một vùng hoang vu. Cô quyết định cứu họ. Bay đến Trung Quốc, cô lẻn qua biên giới và lần mò tìm được mẹ. Họ vượt qua 3,200 km bằng xe đò vào Trung Quốc. Suốt đường đi, gia đình Lee bị chặn hỏi nhiều lần. Mẹ và em cô phải giả bị câm điếc.
Hyeonseo Lee phát biểu tại Đại học Stanford – NGUỒN HYEONSEO-LEE.COM
Từ Trung Quốc, họ lẻn vào Lào. Bị bắt tội vượt biên trái phép. Nhờ hối lộ, gia đình Lee được thả sau một tháng. Rồi lại bị bắt, khi họ đã đến rất gần Tòa đại sứ Hàn Quốc. Còn một mình, lang thang tuyệt vọng trong khi hết nhẵn tiền, ngày kia, Lee gặp một người lạ. Ông ấy nói tiếng Anh. “What’s wrong?”. Bằng thứ tiếng Anh vụng về, cô giải thích tình trạng của mình. Người lạ ấy, một người Úc, dẫn cô đến máy ATM. Ông ta đưa cô xấp tiền. Lại hối lộ, gia đình Lee được thả. Họ đi thẳng đến Tòa đại sứ Hàn Quốc và được đưa về Seoul. Từ đó, Lee nỗ lực học tiếng Anh; được khoa tiếng Hoa Ðại học ngôn ngữ Hankuk nhận vào học. Cô bắt đầu làm việc cho Bộ thống nhất Hàn Quốc.
Rồi cô mài giũa tiếng Anh, nhờ chương trình “Tiếng Anh cho tương lai” mà Tòa đại sứ Anh giúp. Cô viết báo. Tham gia các chương trình thiện nguyện. Ði thuyết trình (Ðại học Stanford, Ðại học Princeton, Ðại học luật New York…; một số nước châu Âu). Sau buổi nói chuyện TED Talk 2013, Lee dự Diễn đàn tự do Oslo và có mặt tại Hội đồng bảo an LHQ. Ðược nhiều hãng truyền thông mời phỏng vấn, bản thân cô còn viết cho New York Times, Wall Street Journal, trang blog London School of Economics Big Ideas… Giờ thì Lee không còn là nhân vật xa lạ. Hyeonseo Lee lại được nhắc đến, khi cách đây vài ngày, cô phát hành quyển hồi ký The Girl With Seven Names kể lại câu chuyện đời mình.
MK – tổng hợp và lược dịch