Đây là câu hỏi thắc mắc của rất nhiều chủ tiệm Nail người Việt khắp Hoa Kỳ trong thời gian gần đây, sau khi hàng loạt tiệm Nail tại các tiểu bang đã bị phạt vạ nặng nề qua những vụ kiểm tra của cơ quan lao động.
Tuy nhiên, bởi luật lệ lao động có nhiều quy định khác nhau tại mỗi tiểu bang và thường có sự thay đổi, nếu muốn có được giải đáp cụ thể và chính xác cho câu hỏi trên đây thì trước hết phải hiểu thật rõ luật lao động đang áp dụng nơi có tiệm Nail. Tiếp theo đó, cần phải biết người thợ là nhân viên (employee) của chủ tiệm, hay là người tự doanh (self-employed/independent contractor), vì các quy định của luật lao động chỉ áp dụng khi thợ là “employee”. Trường hợp người thợ là “self-employed/independent contractor”, phải xem người đó có hợp lệ theo luật của tiểu bang hay không? Cần lưu ý rằng luật lao động ở các tiểu bang hiện có rất nhiều khác biệt trong việc xác định thế nào là “self-employed/independent contractor” trong nghề Nail.
NGUỒN SONGNEWS.NET
Luật lao động mà chủ tiệm cần biết khi thuê thợ là “employee”
Tại Hoa Kỳ, bên cạnh luật lao động liên bang mà chính yếu là đạo luật Tiêu Chuẩn Lao Ðộng Công Bằng (The Fair Labor Standards Act of 1938), mỗi tiểu bang còn có những luật lệ lao động cá biệt mà tất cả đều nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi lương bổng của “employee” được thuê mướn bởi chủ. Và đó là những luật lệ mà chủ tiệm Nail trả lương cho thợ là “employee” (W-2) cần phải hiểu rõ để tránh bị thưa kiện bởi thợ Nail, và nhất là không bị phạt vạ trong những đợt kiểm tra của cơ quan lao động đang diễn ra khắp các tiểu bang.
The Fair Labor Standards Act (FLSA) là đạo luật do chính quyền liên bang Hoa Kỳ ban hành năm 1938, chủ yếu quy định mức lương giờ tối thiểu và lương giờ làm việc phụ trội, và buộc chủ nhân phải có sổ sách ghi giờ làm việc và tiền lương của “employee”. Theo định nghĩa tổng quát của luật FLSA, “employee” là bất kỳ một cá nhân được sử dụng làm việc bởi một người chủ (‘any individual employed by an employer,’ 29 U.S.C § 203(e)(1)).
Hiện nay, luật FLSA quy định cho mọi “employee” không thuộc vào diện miễn trừ (non-exempt employee) phải được hưởng mức lương giờ căn bản là $7.25, và phải được trả 1.5 mức lương căn bản cho những giờ làm việc sau giờ thứ 40 trong khung thời gian 7 ngày. Thợ Nail làm công được chủ trả lương đều là “non-exempt employee”.
Bên cạnh mức lương giờ tối thiểu của luật liên bang, luật lao động tại các tiểu bang lại có những mức lương giờ tối thiểu khác nhau, và còn có 5 tiểu bang không hề ấn định mức lương tối thiểu (Alabama, Louisiana, Missouri, South Carolina và Tennessee). Tuy nhiên, khi có sự khác biệt giữa luật của một tiểu bang (hay địa phương) và luật FLSA của liên bang về mức lương tối thiểu, luật nào có lợi nhất cho “employee” thì luật đó sẽ được áp dụng.
Ví dụ: Vào thời điểm tháng 7 năm 2015, mức lương giờ tối thiểu của liên bang là $7.25, của tiểu bang California là $9.00/một giờ, và thành phố San Francisco trong tiểu bang California quy định mức lương tối thiểu là $12.25/một giờ. Trong trường hợp này, mức lương $12.25 do thành phố San Francisco quy định sẽ được áp dụng trong phạm vi thành phố này, vì đó là mức lương có lợi nhất cho “employee” so với mức lương quy định bởi liên bang và tiểu bang.
Một ví dụ khác là hai tiểu bang Georgia và Wyoming hiện quy định mức lương giờ tối thiểu là $5.15. Dầu vậy “employee” đang làm việc tại hai tiểu bang này phải được hưởng mức lương $7.25/một giờ quy định bởi liên bang, vì đó là mức lương có lợi hơn so với mức quy định bởi tiểu bang. Và mức lương $7.25/một giờ của luật liên bang cũng được áp dụng tại 5 tiểu bang từ trước đến nay không ấn định mức lương tối thiểu.
Ngoài ra, bởi thợ Nail được xem là loại “employee” có lãnh tiền típ của khách hàng (tipped employees), luật lao động liên bang và một số đông các tiểu bang cho phép chủ tiệm Nail có thể trả lương cho thợ “employee” dưới mức tối thiểu nếu hội đủ những điều kiện theo luật định. Vì có những quy định khác biệt tại những tiểu bang mà chủ được trả lương dưới mức tối thiểu cho “employee” có lãnh thêm típ, chủ tiệm Nail cần tìm hiểu rõ ràng luật lệ tiểu bang nếu muốn áp dụng phương thức này.
Trong vấn đề lương giờ phụ trội của “employee”, hầu hết các tiểu bang đều theo quy định của liên bang, ngoại trừ bốn tiểu bang có luật cho nhân viên được hưởng lương phụ trội tính theo số giờ làm việc trong ngày và mỗi khung thời gian 7 ngày (Alaska, California, Colorado và Nevada).
Tất cả các tiểu bang đều theo luật FLSA trong việc quy định chủ nhân phải có sổ sách ghi giờ làm việc và tiền lương của mỗi “employee”, bất luận người đó lãnh lương theo giờ, được bao lương mỗi ngày hay mỗi tuần, hoặc được chia commission. Ðây là đòi hỏi quan trọng của luật lao động mà các chuyên viên thuế vụ cũng ít hiểu rõ, vì luật lao động không thuộc lãnh vực chuyên môn của người phụ trách vấn đề thuế vụ. Và cũng vì vậy mà nhiều chủ tiệm Nail trả lương cho thợ là “employee” lâu nay có thuê người làm thuế chuyên môn để tính lương cho thợ, nhưng cũng đã bị phạt rất nặng trong những đợt kiểm tra gần đây của cơ quan lao động.
Ngoài vấn đề lương bổng, luật lao động của 21 tiểu bang còn quy định cho “employee” phải được hưởng giờ nghỉ giải lao hoặc giờ ăn, hoặc cả hai. Tại một vài tiểu bang mà đặc biệt là California, luật này khá phức tạp và đã là nguyên nhân của rất nhiều vụ thưa kiện của nhân viên.
Thợ Nail là “employee” hay “self-employed/independent contractor”?
Căn cứ vào luật liên bang, người thợ Nail có thể là “employee” của chủ tiệm, hoặc là người “self-employed/independent contractor”. Như đã đề cập bên trên, luật lao động của liên bang cũng như của tiểu bang chỉ áp dụng cho “employee” chứ không áp dụng cho người “self-employed/independent contractor”. Về phần luật thuế vụ, chủ nhân không phải đóng thuế an sinh xã hội, thuế trợ cấp thất nghiệp và mua bảo hiểm lao động (workers’compensation insurance) cho người thợ là “self-employed/independent contractor”, và người thợ đó cũng không bị chủ giữ thuế mỗi khi nhận thù lao, mà sẽ tự lo đóng thuế theo luật định. Tuy nhiên, vấn đề người thợ Nail có thể được xem là “self-employed/independent contractor” hay không, sẽ tùy vào quy định của từng tiểu bang, chứ không phải theo ý của chủ tiệm hay của người thợ. Trong những năm gần đây, rất nhiều chủ tiệm đã gặp vô số rắc rối với cơ quan lao động (và cả sở thuế liên bang IRS) vì tự ý phân loại người thợ Nail là “self-employed/independent contractor” không đúng luật.
Luật lao động liên bang hiện nay thường dựa vào 11 yếu tố trắc nghiệm tóm gọn bởi cơ quan thuế vụ liên bang IRS để xác định thế nào là “self-employed/independent contractor” trong nghề Nail (Independent Contractor Test). Tuy nhiên, không riêng một yếu tố nào có giá trị tuyệt đối, mà phải tùy vào từng trường hợp riêng biệt.
Gần đây vào tháng 12 năm 2013, trong một vụ thợ Nail kiện chủ tiệm liên quan đến luật FLSA (Joyce Viar-Robinson v. Dubley Beauty Salon, Case No. PWG-12-1794), một tòa án liên bang tại Maryland đã xem xét tính thực tiễn kinh tế (economic reality) trong mối quan hệ đôi bên, và dùng một trắc nghiệm 6 điểm sau đây để xác định thợ Nail là “employee” hay “self-employed/independent contractor”: (1) Mức độ kiểm soát mà chủ có được trên cách thức làm việc của thợ; (2) Cơ hội lãi lỗ dựa trên kỹ năng quản lý của thợ; (3) Ðầu tư giả định về các dụng cụ và vật liệu của thợ; (4) Mức độ kỹ năng mà thợ cần có để làm việc; (5) Tính thường xuyên của mối quan hệ trong công việc; và (6) Công việc của thợ có phải là một điều không thể thiếu cho chủ tiệm.
Nói chung, theo trắc nghiệm của luật liên bang, nếu chủ tiệm sắp xếp giờ làm việc, ấn định giá biểu, cung cấp chỗ làm, vật liệu và dụng cụ cho thợ Nail; bao lương cố định hàng ngày hay hàng tuần cho thợ; người thợ làm việc lâu dài và là một phần không thể thiếu trong kinh doanh của chủ; người thợ không có sự lãi lỗ, có quyền bỏ việc mà không bị ràng buộc bởi một hợp đồng, v.v…, thì người thợ đó là “employee” của chủ tiệm. Ngoài ra, tuy rằng một hợp đồng ký kết giữa chủ và người thợ vốn dĩ không là một yếu tố quan trọng để xác định thợ là “self-employed/independent contractor”. Nhưng theo luật liên bang, trong trường hợp có sự ngang ngửa giữa các yếu tố trắc nghiệm, một bản hợp đồng ký kết giữa chủ và thợ nếu được soạn thảo đúng luật sẽ có thể xoay chiều trong việc xác định người thợ là “self-employed/independent contractor”.
Bên cạnh luật của liên bang, các tiểu bang lại có những quy định khác biệt và rất phức tạp trong vấn đề “self-employed/independent contractor” trong nghề Nail, thậm chí trái ngược với nhau và có phần mâu thuẫn với các luật lệ của liên bang. Trong lúc luật của hai tiểu bang New Jersey và Pennsylvania bắt buộc thợ làm trong tiệm Nail phải là “employee” của chủ, thì 18 tiểu bang trên nước Mỹ vẫn còn có luật cấp thêm giấy phép để thợ Nail có thể làm việc hợp lệ trong tiệm của chủ như một người “self-employed/independent contractor” nếu người thợ hội đủ các yếu tố theo luật định. Nói chung, luật lệ tại hầu hết các tiểu bang hiện nay vẫn dựa vào những trắc nghiệm của luật liên bang để xác định sự khác biệt giữa “employee” hoặc “self-employed/independent contractor” trong nghề Nail. Nhiều tiểu bang có những quy định khá cụ thể, nhờ đó mà chủ tiệm Nail có thể tránh rắc rối khi có thợ là “self-employed/independent contractor” nếu hiểu đúng luật. Nhưng tại một vài tiểu bang ví dụ như California, mặc dầu luật không cấm cản nhưng lại có những quy định không rõ ràng và vô cùng phức tạp, vì vậy mà chủ tiệm Nail tại đó rất dễ dàng bị phạt vạ khi dùng thợ là “self-employed/independent contractor”.
Tóm lại, từ sau khi tiểu bang New York mở chiến dịch tổng thanh tra các tiệm Nail hồi giữa Tháng Năm 2015, cơ quan lao động tại các tiểu bang do áp lực từ nhiều phía, đã ngày càng gia tăng việc kiểm tra nhắm vào tiệm Nail. Trong tình hình này, quý vị chủ tiệm Nail ở Mỹ dầu sử dụng thợ là “employee” hay “self-employed/independent contractor”, cũng đều phải tìm hiểu và thực hiện các luật lệ đang áp dụng trong tiểu bang và địa phương, nếu không muốn bị phạt vạ trong những vụ kiểm tra của cơ quan lao động đang diễn ra khắp nơi tại Hoa Kỳ.
TH