Tuần qua là những ngày toàn những tin buồn cho những người yêu thú vật. Yêu thú vật ở đây không chỉ là yêu chó yêu mèo mà là yêu tất cả các loài thú, từ nhỏ đến lớn, từ những con vật hiền lành nhất cho đến những con được cho là dữ dằn, và sẵn sàng bảo vệ chúng hay ít ra là lên tiếng bênh vực cho chúng mỗi khi cần thiết. Tất nhiên, trong số những người được xem là yêu thú vật này phải kể luôn cả những thành viên của những hội bảo vệ súc vật, mặc dù trong đó có những người nhiều khi đi quá giới hạn đòi bảo vệ luôn cả những loài tôm cá, chuột chù, chuột nhắt.
Mãnh sư Cecil – NGUỒN WTOP.COM
Đó là tin buồn về hai con thú, một già một trẻ, đã được nhiều triệu người trên thế giới yêu mến, và cả hai đều chết bất đắc kỳ tử, mặc dù cả hai đều được bảo vệ rất kỹ và trước đó không ai nghĩ rằng hai con thú này lại chết một cách đột ngột gây thương cảm cho rất nhiều người.
Con thú thứ nhất là Cecil, mãnh sư của khu vực Công viên Quốc gia Hwange thuộc Zimbabwe. Gọi chàng là mãnh sư là đúng với ý nghĩa của nó, vì trước đây Cecil và người em trai đã từng đụng độ với thủ lãnh của một bầy sư tử khác, kết quả là một trận ác chiến long trời lở đất và cuối cùng người em trai của Cecil bị tử thương, trong khi thủ lãnh của bầy sư tử kia bị thương khá nặng và nhân viên bảo vệ khu công viên đã phải quyết định hoá kiếp cho chàng để tránh cho chàng phải chịu cảnh đau đớn. Sau đó Cecil bỏ đi sang một khu vực khác cũng trong công viên Hwange và chàng trở thành thủ lãnh của một bầy sư tử khác mà trước khi chết đã có được 22 thành viên.
Cecil có nét đẹp bề ngoài mạnh mẽ, đầy nam tính và dễ được nhận diện nhờ chiếc bờm màu đen không lẫn lộn với bất kỳ một mãnh sư nào khác. Chàng là một thứ “Kim Mao Sư Vương” của khu vực đồng cỏ bao la phía nam châu Phi, nhưng chàng lại hiền khô. Hiền ở đây là chàng tỏ ra rất thân thiện với du khách ghé thăm. Nhiều khi chàng cho du khách tới thật gần, chỉ cách chừng 10 mét. Nhờ vậy, du khách tha hồ chụp hình chàng, có những bức cận cảnh thật rõ nét và những bức ảnh này được truyền đi khắp nơi. Từ đó, Cecil trở thành con thú được yêu mến nhất tại Công viên Quốc gia Hwange, không chỉ với người dân địa phương mà còn nhiều triệu người trên khắp thế giới.
Mãnh sư Cecil và Walter Palmer – NGUỒN CNN.COM
Ngày 1 tháng 7 vừa qua, một nhóm thợ săn, trong đó có một nha sĩ Mỹ sống tại tiểu bang Minnesota tên Walter Palmer, theo dấu chân của Cecil và sau đó dụ chàng ra khỏi khu vực Công viên Quốc gia Hwange, nơi chàng được bảo vệ với luật cấm săn thú trong khu vực này. Sau khi Cecil đã ra khỏi khu công viên, Palmer, người đã phải chi trả tổng cộng $55,000 cho chuyến đi săn này, giương cung bắn mũi tên định mệnh thẳng vào cơ thể của Cecil. Nhưng mũi tên vẫn chưa đủ hạ gục Cecil và chàng đã bỏ chạy. Nhóm thợ săn này đi theo dấu máu của Cecil trong suốt hai ngày sau đó và cho đến khi chàng đuối sức không còn đi được và đã bị hạ sát bằng viên đạn từ nòng súng của một trong những người thợ săn này. Một điều đáng nói nữa, Cecil là một trong 64 con thú sống hoang dã tại Phi châu nằm trong chương trình nghiên cứu của Ðại học Oxford, trên cổ có đeo một chiếc vòng điện tử để các nhà nghiên cứu có thể theo dõi từng mỗi di chuyển của chàng, và do đó không ai được quyền săn bắn những con thú đặc biệt này dưới mọi hình thức.
Nhưng phải chờ tới những ngày cuối Tháng Bảy vừa qua khi những bản tin về cái chết của Cecil được loan đi khắp thế giới cùng với tên của thủ phạm đã giết chết Cecil chính là Walter Palmer thì ngay sau đó những làn sóng phẫn nộ nổi lên khắp nơi, đến nỗi Palmer đã phải đóng cửa văn phòng nha sĩ và lánh mặt ở một nơi an toàn. Từ một tay thợ săn chịu bỏ ra hàng chục ngàn Mỹ kim cho một chuyến đi săn, nay Palmer đang là kẻ bị săn đuổi.
Con thú thứ hai là nàng hươu cao cổ Kipenzi. Cách đây đúng ba tháng, Kipenzi được chào đời trong một buổi chiều Thứ Sáu trước sự chứng kiến của hàng chục ngàn người có mặt tại sở thú Dallas và khoảng bốn triệu người trên màn ảnh truyền hình và trang mạng của Animal Planet. Nghĩa là cuộc sống của nàng Kipenzi ngay từ khi chào đời đã khá hơn Cecil, nàng không phải tranh đấu cho sự sống còn nơi hoang dã mà được nằm trong vòng tay bảo bọc yêu thương của loài người. Hơn thế, vừa lọt lòng mẹ, Kipenzi đã là một ngôi sao sáng trước sự trầm trồ, ngưỡng mộ của nhiều triệu người, có phần nào tương tự như trường hợp của hoàng tử George nước Anh cách đây hai năm.
Trong lúc “lâm bồn”, mẹ nàng, Katie, đứng thẳng người để chờ phút sinh nở. Khi Kipenzi tuồn ra từ bụng mẹ, nàng rớt thẳng xuống đất, trong khi rơi chiếc bọc nước ối vỡ ra, đồng thời sợi dây nhau, sợi dây kết nối tình mẫu tử và mang đến cho Kipenzi một hình hài, đứt rời. Nhờ sự đứt rời này đã đánh thức Kipenzi để nàng tự hít vào lồng ngực luồng dưỡng khí đầu đời. Một giờ sau, Kipenzi đã bước được những bước đi chập chững, và với bản năng tự nhiên, nàng đã biết quyến luyến với người mẹ Katie.
Hiện nay, giống hươu cao cổ như Kipenzi đang gặp nhiều thử thách nơi hoang dã; dân số hươu cao cổ trong suốt một thập niên qua đã giảm sút khoảng 40%. Do đó, sự ra đời của Kipenzi là một trong những bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo tồn giống thú này trong tương lai.
Ba tuần sau ngày sinh nhật, vào ngày đầu của Tháng Năm, bầu trời Dallas lúc đó còn đương độ xuân và thời tiết mát dịu, khi thấy Kipenzi đã đủ khoẻ mạnh, nhân viên của sở thú Dallas đã quyết định cho nàng ra mắt công chúng lần đầu tiên. Với những bước tung tăng hồn nhiên như một đứa trẻ, nét dễ thương từ chiếc mõm nhọn nho nhỏ và đôi mắt to tròn, Kipenzi đã lấy được lòng yêu mến của khách viếng thăm ngay trong ngày đầu đó; nhất là với các em bé, thì hình ảnh của Kipenzi chính là sự hồn nhiên, vô tư của một đời sống chưa bị vấy bẩn bởi những trò ma mãnh hay những hiểm nguy của lòng ganh ghét rình rập.
Nhưng cuộc vui đã không kéo dài như lòng mong ước của triệu người. Hôm 28 tháng 7 vừa qua, trong khi đang chạy nhảy nô đùa cùng người anh trai cùng cha khác mẹ của nàng là Kopano trong khu vườn dành riêng cho những con hươu nhỏ, nàng Kipenzi bất ngờ hụt chân và va vào bức tường, nàng ngã sấp xuống mặt đất và nằm bất động. Sau khi được xét nghiệm kỹ càng, các nhân viên sở thú cho biết kết quả của cú va đó đã làm Kipenzi bị gẫy ba đốt xương cổ và chết ngay tại chỗ.
Lúc đó là 5:30 chiều một ngày Thứ Ba đầy nắng ấm, khi các nhân viên sở thú đang chuẩn bị lùa đàn hươu vào trong chuồng để nghỉ đêm. Cũng may sự việc xảy ra vào lúc vắng người nên không một khách viếng thăm nào phải chứng kiến cảnh đau lòng đó.
Kipenzi tại sở thú Dallas– NGUỒN ANIMALPLANET.COM
Tung tăng chạy nhảy là hành động rất bình thường của giống hươu ở mọi lứa tuổi. Thế nên, nhân viên của sở thú Dallas đã cố gắng để những con hươu nhỏ tập làm quen với môi trường sống mới trong khu vườn nhỏ hơn nằm trong cả một khu triển lãm rộng lớn Giants of the Savanna dành cho những giống thú có nguồn gốc từ Phi châu để giảm thiểu nguy cơ bị thương tích.
Khi mới vừa chào đời, sở thú Dallas đã từng cho tổ chức một cuộc trưng cầu ý kiến trên mạng để chọn tên cho nàng và được sự hưởng ứng nồng nhiệt của người hâm mộ từ 85 quốc gia trên thế giới. Riêng số phiếu bầu mà sở thú Dallas nhận được qua email và tin nhắn đã vượt quá con số 50,000 và đa số đã chọn tên Kipenzi, thổ ngữ của dân tộc Swahili sống trong vùng đại hồ Phi châu, nghĩa là “con thú đáng yêu”.
Con thú đáng yêu, tức nàng hươu Kipenzi, mặc dù chỉ sống trên cõi đời này vỏn vẹn ba tháng ngắn ngủi, nhưng nàng đã mang đến nhiều triệu nụ cười nở trên môi không chỉ cho những khách viếng thăm mà ngay cả những người mến mộ nàng từ những nơi xa xôi đã theo dõi hình ảnh của nàng từ giây phút lọt lòng mẹ cho đến khi tai nạn xảy ra.
Sau khi xảy ra tai nạn và biết chắc Kipenzi đã tắt thở, nhân viên của sở thú Dallas đã đưa người mẹ Katie tới nhìn mặt con lần cuối trước khi đưa xác nàng vào phòng khám nghiệm. Việc làm của sở thú Dallas cho thấy các nhân viên tại đây đối xử với loài thú rất nhân bản và chắc hẳn cũng có lòng yêu thương thú vật không thua kém bất cứ ai.
Khu triển lãm rộng lớn Giants of the Savanna dành cho những giống thú có nguồn gốc từ Phi châu – NGUỒN REDDIT.COM
Lòng yêu thương thú vật có lẽ là một trong những nét tiêu biểu của cuộc sống văn minh. Thiết tưởng những ai không có lòng yêu thương thú vật, không động lòng trắc ẩn dù chỉ một tí ti khi nhìn những con thú bị nạn, thì có lẽ cũng không có đủ tình cảm để yêu thương chính đồng loại của mình.
Trong trường hợp của Cecil và Kipenzi, là hai đời sống hoàn toàn khác nhau và hai cái chết cũng hoàn toàn khác nhau, nhưng chúng ta vẫn có thể rút ra được bài học là đời sống, dù của người hay của thú, nhiều khi rất đỗi mong manh; chúng ta không thể biết trước được ngày mai ra sao, nó có thể là một ngày nắng đẹp nhưng cũng có thể là một ngày mưa dầm gió bấc, và chúng ta cứ phải chấp nhận vì nhiều khi chúng ta không đủ sức để làm chủ được chính số phận của mình.
Câu chuyện của mãnh sư Cecil và nàng hươu Kipenzi, một cái chết do mũi tên bay đến không từ lòng thù hận nhưng từ một thú vui tàn bạo và một cái chết bởi những bước tung tăng của chính mình, tuy hoàn toàn khác nhau nhưng vẫn để lại lòng thương cảm của nhiều triệu người trên thế giới là bởi do từ lòng thương yêu đã có sẵn từ ngay chính đời sống của chúng.
VH