Tôi có người bạn đặc biệt. Anh thường viết thư cho tôi, chí ít một tuần một lần. Nhưng cũng có khi anh bặt vô âm tín, biền biệt ở tận cuối chân mây chẳng biết sống chết thế nào, chẳng biết buồn hay vui. Tôi quen với cá tánh lạ lùng này, nên cũng chỉ biết thinh lặng để gió cuốn đi những lời thăm hỏi, bởi vì thật sự tôi không biết phải tìm anh ở đâu. Một khi người ta cố tình tránh mặt, có ở sát ngay bên nhà cũng không thể nào biết, huống hồ ở tận chân mây. Anh là người sống nội tâm, từng câu từng chữ viết ra luôn có ẩn dụ luôn mang nhiều ý nghĩa. Người đọc phải tinh tế mới nhận biết. Bằng giọng văn trào phúng, châm biếm, những câu chuyện anh kể như tiếng cười trên sân khấu đời – một tiếng cười rất cay đắng, nhưng cuối cùng vẫn là vị ngọt thanh tân như rượu đế Gò Ðen anh ưa thích. Ðối với anh cuộc sống trần trụi vô cùng đau khổ, vô cùng u uất, vô cùng phiền muộn, nhất là khi bản thân phải đóng khung cuộc đời trong một cái khuôn, mà nếu được lựa chọn người ta sẽ chẳng bao giờ chấp nhận kích thước hạn hẹp, gò bó này. Không biết có phải vì tôi cũng là người sống nội tâm, nên hiểu sâu hơn những gì có trong bề mặt những câu chữ của anh. Nhưng tình thật mỗi khi đọc thư của anh, tôi đều cảm thấy đời là bể khổ, đời là một sợi dây thòng lọng xiết chặt cổ người ta. Chẳng hạn như lá thư tôi mới vừa nhận được.
Nhìn quanh nhìn quất cuộc sống chung quanh anh, thượng vàng hạ cám đủ loại đủ gu thật phong phú, trong anh đã là đa huê đa dạng đa đảng có thiếu cái gì nữa đâu. Từ báo này tới báo nọ phê bình ý kiến loạn cào cào anh cũng tranh thủ soi. Soi xong ngẫm ra chẳng có gì mà anh cứ đau đáu tìm hiểu, cứ cù cưa kẽo kẹt mãi. Có lúc tả tơi đến cái chân quét dọn nhà kho cũng không xin được, thì anh đi ăn ké bạn bè qua cơn túng quẫn. Thằng này chuốc rượu thằng kia chia nhau cái chí lỡ làng, rồi nôn thốc nôn tháo ra những chuyện mười điều chín chẳng như.
Anh hay chém gió ở những quán cà phê vỉa hè, ngồi hít khói xe, khói thuốc, mùi hơi người mà anh vẫn khoái như thường. Anh uống có ly cà phê nhỏ xíu mà xơi hết hai bình trà; thấy chủ quán nhăn nhó quá anh trả thêm, có khi trả tiền nước trà nhiều hơn cả tiền cà phê ; nhưng hòa nhập vào thế giới vỉa hè tiếp xúc với đủ loại người là điều anh thích nhất. Nào là chuyện bảo hiểm, chuyện kẹt xe, chuyện hoa hậu đá bóng, chuyện tắt nước kẹt cống tắt điện, chuyện quan lớn dân đen, chuyện năm châu bốn biển… Cãi nhau như mổ bò. Có những hoạt cảnh như giữa phú ông và thằng bờm, một bên cứ hùng hồn thuyết phục còn một bên cứ kiên quyết không chịu. Và anh thường trong vai thằng bờm cho đến kết cuộc.
Lúc đứng dậy ra về anh dõng dạc lên tiếng: Mặc kệ phú ông, anh dù đói cơm rách áo cũng không thèm nắm xôi bố thí. Nhưng ngày hôm sau thằng bờm là anh lại tới, vừa đi vừa huýt sáo, vào quán hỏi phú ông hôm nay có đem theo xôi tới không. Miếng ăn đúng là miếng nhục. Không gian dư đầy bi hài kịch của đời sống, khiến chẳng cần đạo diễn người ta cũng đóng xuất sắc vai trò của bản thân. Tâm hồn anh lõm bõm sương mù. Anh mơ ước được như trẻ thơ ngủ ngoan hiền trong tiếng ru ngọt ngào của mẹ…
Mỗi khi đọc những câu chữ như vậy, tôi luôn thấy nước mắt chảy ngược vào lòng. Ðời của anh, đời của tôi, đời của cõi người ta phải chăng lúc nào cũng phải tự biên tự diễn những vở tuồng bi oán trên sân khấu đời, một sân khấu luôn khinh mạn và nghiệt ngã. Ðây là cảm nhận có từ đáy sâu nội ngã của tôi, và cũng là điều khiến tôi dễ dàng đồng cảm, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với mọi người. Những điều rào trước đón sau, những điều thì-là-mà-bởi- thế nọ hay thế kia, đối với tôi và đối với họ đều không cần thiết.
Tôi từng hỏi: Anh có khi nào ngồi hàng giờ nhìn giòng thác từ thượng nguồn tuôn đổ xuống hay không? Riêng tôi đã từng ngồi như vậy nhiều lần lắm. Tôi ngồi nhìn thác đổ với cha mẹ với anh chị khi còn thơ ấu. Chỉ thấy thác rơi ầm ầm, như giòng nhạc giao hưởng mà cha tôi từng trình tấu cho cả nhà nghe. Sau này khi khôn lớn, tôi ngồi nhìn thác đổ cùng bạn hữu, cảm nhận linh hồn thác phiêu bồng như ngũ cung âm giai, như từng trường đoạn trầm thăng của thập lục huyền cầm. Tôi đã nhìn thấy giòng khói bốc lên do nguồn nước từ trên cao đổ xuống, tạo cho cảnh quan một vẻ thanh thoát huyền diệu, hệt như chốn bồng lai tiên cảnh…Nhưng vực sâu thăm thẳm của thác, lại gợi nhớ một cõi đi không về…! Từ đó, tôi biết rằng những gì tôi nhìn thấy chỉ là cảnh ảo của một giòng mơ sẽ đột biến. Mặc cho thời gian qua đi, thác nguồn suối mộng của thiên nhiên sẽ còn mãi, hay thác nguồn suối mộng sẽ bị địa chấn phong lôi bị bàn tay của con người tàn phá…Ðiều này tôi thật không thể biết. Nhưng có một điều tôi biết rất rõ: Ðó là đời sống của tôi rồi sẽ qua đi. Trăm năm hay một ngày cũng chỉ là cuộc lữ hành trên bến đời. Bến đời ấy phong ba hay êm ả, phải đi đến cùng đích mới biết. Tôi đã từng viết…
Lưng đồi dốc lá cành chẳng dấu. Chợt bên đường bụi phấn thông ghi. Những khi chiều xuống sương thầm thỉ. Ngọn gió than hời ai ra đi. Cây lặng thương đời cỏ úa phai. Tựa cung đàn vọng khúc bi ai. Tưởng chừng nhịp phách chùng âm lại. Nhớ quá đi anh suối chảy dài. Em ngân dăm nốt đàn dang dở
Chợt phách lơi cung khúc bơ vơ. Anh biết rừng thiêng ngàn năm khổ. Em cảm trăng rơi mắt lệ mờ.
Anh vọng hồ than chắc chẳng quên. Vì sao đồi núi bỗng đổi tên. Thành vách rêu mờ tương tư hiện
Ôi, muộn! Huyền cầm buông phím rên. Anh, thác với rừng, chia muôn phương.. Chẳng trách sao em dạ đoạn trường. Hư! Em sơn nữ quên nguồn hướng. Rừng thác cùng anh ảo sóng vương…
Một tuần có bảy ngày. Một ngày có hai mươi bốn giờ. Một giờ có sáu mươi phút. Một phút có sáu mươi giây. Ngày-giờ-giây-phút cứ thế thinh lặng qua đi, không nhanh không chậm. Tưởng rằng chẳng có gì lạ cả, nhưng khi nhìn lại cõi người ta mới thấy vật đổi sao dời, mới hay hôm qua-hôm nay-ngày mai không giống nhau, dù vẫn chỉ có ngần ấy giờ-phút-giây đã được định sẵn. Trong sự chuyển động bất tận này, có bao nhiêu điều còn nguyên vẹn như lòng anh, như lòng chị, như lòng tôi cùng mong đợi? Hay tất cả đều chìm sâu trong sự biến chuyển không thể tránh của thời gian, của một ngày có đêm và sáng. Sớm mai bóng tối cô đơn. Chiều về trưa đã nhạt nắng. Ðêm xuống ngày lặng lẽ úa tàn. Ở giữa sự thay đổi này, tôi và chúng ta có nghe ước mơ của bản thân đang chuyển động? Tôi tin rằng chúng ta biết rất rõ vạn sự hư không, vật đổi sao dời là lẽ thường tình. Nỗi khát khao sự mong chờ một điều gì đó bỗng dưng đột biến, như thời tiết thất thường. Vâng! Thời tiết thất thường, nỗi niềm mong nhớ xuôi đường qua sông. Bến nào trùng khởi mây hồng, bến nào ly biệt còn trông bóng người. Chính vì thế, hãy xuôi theo tự nhiên, hãy để chữ Duyên làm nên những điều kỳ diệu. Ðể hôm qua-hôm nay-ngày mai dù có qua đi, đứng ở trong miền trí tưởng chúng ta vẫn nhìn thấy nhau, như nhìn thấy chính đáy sâu nội ngã của lòng mình.
Tôi chợt nhớ bài kệ của Ngài Lục Tổ: “Bồ đề bổn vô thọ. Minh cảnh diệc phi đài. Bổn lai vô nhất vật. Hà xứ nhạ trần ai.” Không trụ vào một ngữ cảnh hay ngữ nghĩa nào đó, sẽ không vọng tưởng những điều không có thật. Không vọng tưởng sẽ không còn đau khổ, bởi vì vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận. Hiểu được điều này tôi và anh bạn đặc biệt của tôi, hay là ai đó sẽ bình thản đi cho hết cuộc lữ hành.
HV – 3:12am Thứ Năm ngày 16 tháng 7 năm 2015