Nguyễn Thị Hậu sinh năm 1958 ở Hà Nội. Hiện sống và làm việc (dạy đại học, viết sách) tại Sài Gòn. Là nhà khảo cổ, TS Nguyễn Thị Hậu còn viết văn, làm thơ. Theo trang Văn Việt chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Thị Hậu đã xuất bản 6 tập truyện ngắn, tản văn, tùy bút (Quay qua quay lại – tản văn, Ngắn và rất ngắn – truyện ngắn, Buổi trưa trong quán cà phê – tản văn, 101 truyện 100 chữ, Thế giới mạng và T3- tạp bút, và Những mảnh vỡ – truyện ngắn). Người giữ mục này chú ý tới Nguyễn Thị Hậu từ khi đọc một tản văn của cô về cà phê đăng trên Văn Chương Việt. Gần đây lại gặp Nguyễn Thị Hậu trong tuyển tập Bông & Giấy do nhà thơ Vũ Trọng Quang từ trong nước gởi tặng. Cả hai lần đọc đều cho người viết những hứng thú bất ngờ. Đúng như trang Văn Việt nhận định, “Có thể coi sự tinh tế trong cách nhìn cuộc sống thường nhật của một người đàn bà là nét đặc biệt nhất của Nguyễn Thị Hậu. Thơ chị cũng mang đậm đặc điểm này.”
Chỉ vì những ngày như thế
Chỉ vì những ngày
Nơi này
Xao xác gió heo may
Lá vàng
Cuộn lăn theo vỉa hè phố cũ.
Chỉ vì những ngày
Nơi này
Hun hút gió Ðông
Những cây bàng
Khẳng khiu
Trên nền mây xám
Chỉ vì những ngày
Nơi này
Mưa rây mặt đường
Hơi sương
Giăng đầy lối cũ
Quán cà phê ngõ nhỏ chờ ai
Chỉ vì những ngày
Nơi này
Chiều sắt se tối
Căn phòng lạnh
Cô đơn
Tiếng chuông nhà thờ
Buông rơi nỗi nhớ
Chỉ vì những ngày
Như thế
Mỗi mùa đông
Tôi vẫn quay trở lại
Dù nơi này
Người yêu tôi
Ðã lạc mất trái tim
(1.2014)
Gặp lại dã quỳ
Cuối tháng 10 mà Ðà Lạt mưa tầm tã như tháng 6 trời mưa không dứt ở Sài Gòn. Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Liên Khương, nhìn bầu trời nặng trĩu nước, mặt đất mờ mịt mưa, cứ nghĩ, có khi không hạ cánh được mà bay ngược về Sài Gòn cũng nên… Nhưng rồi đường băng dài mới được mở rộng đã hiện ra dưới cánh quạt máy bay, bên ô cửa sổ thấp thoáng vạt dã quỳ vàng rực…
Con đường cao tốc từ sân bay Liên Khương về Ðà Lạt mới hoàn thành. Hai bên đường những vạt đồi bị xẻ ngang còn tươi màu đất đỏ, dù thế những vạt dã quỳ đã kịp bén rễ mọc lên tươi rói. Những bụi dã quỳ chưa kịp kết lại với nhau rậm rạp, chưa kịp vươn cao quá đầu người, chưa kịp nảy những chiếc gai nhọn dày đặc trên thân, những bông dã quỳ cũng chưa kịp xòe cánh hết mình… Cơn mưa làm cho vạt dã quỳ càng non xanh, tươi rói, thật lạ thật khác những bụi dã quỳ phơi mình trong nắng và phủ đầy bụi đỏ trên con đường cũ trước đây.
Một ngày nào đó có người đã rất yêu dã quỳ bụi bặm… Một ngày nào đó đã có người đã từ bỏ dã quỳ ngơ ngác…
Qua một mùa nắng gắt tưởng như đã cháy khô đến tận gốc, qua một mùa trôi đất tưởng như không còn chỗ để rễ nảy mầm, chớm đông về dã quỳ lại hồi sinh, tươi mới, hồn nhiên, duyên dáng… Dù vậy, vẫn là dã quỳ cứng cỏi, và cô đơn…
Bạn ạ, lên Ðà Lạt mùa này đi, dã quỳ vẫn luôn chờ đợi đấy…
Quý bà Mùa Thu
Mùa thu năm nay có những ngày mưa thật lạ lùng…
Ngỡ chỉ ở Sài Gòn còn những cơn mưa cuối mùa sầm sập quất xuống hàng cây ràn rạt lá, quất xuống dòng người câm nín giữa đường kẹt xe, quất lên những mái tôn liêu xiêu trong hẻm nhỏ…
Ở Hà Nội cũng vậy.
Buổi sáng ngồi quán cà phê vỉa hè Lê Thánh Tông nghe hơi thở mùa thu tràn về trên vòm lá xanh mướt mát mẻ, trong trẻo, nhẹ nhõm… Chiều đến không khí lại oi nồng, mây đen kéo đến, bỗng chốc mưa giông ầm ầm, đường phố ngập nước. Chưa lần nào mình ra Hà Nội vào những ngày chớm thu mà thời tiết lại thất thường như thế, cứ như một quý bà “xinh đẹp và thành đạt” nhưng đã bắt đầu vào cái tuổi “tiền mãn” gì ấy ☺
Nhưng mặc kệ cái khó chiều của quý bà Mùa Thu, cốm vẫn thơm dịu dàng, càng dịu dàng hơn trong chiếc lá sen với lạt rơm vàng buộc hờ, trong chiếc thúng nhỏ trên đôi quang nhẹ nhàng sau chiếc lưng thon. Mặc kệ cái thất thường của quý bà Mùa Thu, hồng chín vẫn đỏ rực lên như thế, hồng ngâm vẫn xanh mướt như màu ngọc bích. Và cúc vàng vẫn như nuối tiếc mùa hạ, thu hết cả nắng hè rực lên từng đóa, trong cái se se của mùa thu màu vàng bỗng da diết hơn… Và mỗi sáng trời như xanh hơn, không của riêng ai màu xanh đắm đuối ấy.
Quý bà Mùa Thu luôn làm xao xuyến lòng người, nhiều hoài niệm, nhiều kỷ niệm, nhiều tâm trạng… dành cho quý bà, dù có người chưa từng gặp. Mặc nhiên là thế, Hà Nội mùa thu…
Ô, nhưng sao tự nhiên cứ nghĩ đến bức tranh của danh họa Nga Kramxkôi “Chân dung người đàn bà xa lạ”, người đàn bà dịu dàng mà ánh mắt kiêu kỳ, lướt qua những gương mặt nhìn mình đầy ngưỡng mộ nhưng không hề đón nhận một ai.
Mùa thu Hà Nội… bạn có còn ở đó…?
Tranh: Đinh Cường
NTH