Trà là loại nước uống thông dụng thứ nhì trên thế giới, chỉ thua… nước lạnh mà thôi, đồng thời cũng là loại dược phẩm được nhiều người, có thể vô tình sử dụng nhiều nhất. Đa số người sử dụng có thể vì thói quen, nhưng Trà rất tốt trong việc trị tiêu chảy, ngăn ngừa sâu răng và giúp thông khí phổi.
Ảnh minh họa. NGUỒN: WWW.HANHANCO.COM
Với cây Trà, nếu hái lúc búp còn non mới được gọi là Trà. Trà Xanh còn gọi là Lục Trà. Trà Đen còn gọi là Hắc Trà.
Tại Việt Nam, miền Bắc có Trà Thái Nguyên và miền Nam có Trà Blao rất được ưa chuộng. Trà Xanh được chế biến bằng cách hái lá và để trong phòng thoáng khí đến khi lá héo. Đôi khi phải xông hơi nước để làm ngưng tác dụng của các phân hóa tố lên men trong lá trà. Trong khi đó muốn có Trà Đen, Lá Trà sẽ được ủ để có tiến trình lên men. Trong tiến trình này các phân hóa tố (Enzymes) sẽ biến đổi các Polyphenols trong Trà thành các phlobaphenes, đồng thời các chất tạo mùi vị của Trà cũng được phát sinh. Riêng Trà Ô Long vừa được để lên men vừa được rang chín sau đó.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC:
Trà chứa: Các chất Methylxanthines: Caffeine (4%), Theobromine và Theophylline.
DƯỢC TÍNH VÀ CÁCH DÙNG: Các nghiên cứu về đặc tính Dược học của Trà thường chú trọng đến khả năng ngừa ung thư và chống oxy-hóa.
. Trà trong Đông Y: Trà có vị đắng, tính mát và tác dụng vào vào các kinh Tâm, Phế, và Vị. Do đó được dùng để cho đầu óc sảng khoái, mắt sáng, giải được khát, thanh nhiệt, tống xuất được chất độc trong thức ăn và giúp tiểu tiện
. Trà và cảm mạo: Các chất kích thích thần kinh trong Trà như Cafein, Theobromin và nhất là Theophyllin đều có tính chất làm giãn nở khí quản, nên rất hữu dụng trong việc trị liệu các chứng bệnh đường hô hấp, nhất là Suyễn. Trong các trường hợp cảm sốt dùng trà sẽ giúp dễ thở hơn.
. Trà với chất Tannin rất tốt trong việc cầm tiêu chảy với lượng Fluoride tương đối cao. Trà rất tốt trong việc ngừa sâu răng đồng thời Tannin cũng giúp ngăn ngừa sự phát triển của các vi trùng gây tổn hại cho men răng. Trong số Tannin của Trà có chất Catechin là giúp cơ thể chống lại sự tổn hại gây ra bởi các tia phóng xạ.
. Trà và các bệnh Tim mạch: Trà giúp giảm được nguy hiểm cho Tim. Trong Trà Xanh những Polyphenol có thể làm giảm huyết áp. Các chất Flavonoids trong Trà Đen tác dụng như các chất chống Oxy-hoá, do đó bảo vệ cơ thể chống lại các triệu chứng lão hóa gây ra bởi tuổi tác. Nhưng nên chú ý là khi uống Trà với sữa, tác dụng chống oxy-hóa này bị ức chế.
. Trà Xanh và ung thư: Trà Xanh có tác dụng tốt trong việc ngừa ung thư. Do đó nên dùng Trà Xanh trong các bữa ăn để giúp tiêu hóa đồng thời tránh được ung thư đường tiêu hóa như bao tử và ruột. Nước Cốt Trà Xanh ngăn chặn được sự phát triển của các tế bào nơi ngực phụ nữ.
. Trà và Thuốc Lá: Các Polyphenol trong trà ngăn ngừa sự hư hại của các nhiễm thể trong tế bào tủy sống, và làm giảm bớt khối lượng cũng như sự tăng trưởng của các tế bào Ung Thư Da.
Trà dùng nhiều có lợi hay có hại?
Bình thường, người Nhật uống khoảng 750ml nước Trà Xanh mỗi ngày, nghĩa là số lượng tạm đủ để ngăn ngừa ung thư.
Nhưng trong Trà có chứa nhiều Caffein là một chất kích thích thần kinh, có thể gây ra mất ngủ và làm cho tinh thần căng thẳng. Hơn nữa, có một nhận xét đáng chú ý là tỷ lệ người mắc bệnh ung thư cuống họng là tương đối cao trong số những người nghiện Trà. Caffein có thể gây nguy hại cho bào thai. Vậy phụ nữ có thai nên giới hạn uống Trà.
DS Trần Việt Hưng