Trời nắng chang chang.
Tụi tôi vừa đi học về tới nhà, thèm một ly nước mưa, chưa kịp uống cho đã khát, thì Chị Ba đã xông xáo xắn quần lên tới đầu gối. Chị nói như đinh đóng cột, “Bữa nay, phải giặt đồ rồi mới ăn cơm.” Anh Hai, tôi, và Tí Nị chưng hửng. Sáng nhịn đói đi học. Trưa nhịn đói giặt đồ. Tối mới được ăn cơm à?
Không hiểu sao bữa nay Chị Ba hứng ẩu quá! Tuy chưa ai nói gì, Chị Ba cũng nhận ra sự chống đối ngầm của chúng tôi. Chị dịu giọng, “Bây giờ mà không giặt, chiều còn nắng đâu mà phơi!” Nói xong, Chị Ba nhanh nhẩu ra phía sau nhà, xuống hồ hứng nước. Tôi và Tí Nị bàng hoàng theo sau.
Nhìn hai thau quần áo dơ ngùn ngụn, bụng của tụi tôi phản đối kịch liệt. Không kịp nữa rồi. Chị Ba đã pha xà bông và đổ nước vô cái thau để xả đợt đầu. Mọi sự đã an bày. Chị kê hai cái ghế ngồi mà Anh Hai đã lượm gỗ vụn ở nhà Chú Ba thợ mộc để đóng hồi tháng trước. Trước đó, mỗi lần ngồi giặt đồ, chị em tôi thường đi kiếm mấy cục gạch để kê lên ngồi. Có ghế ngồi thì việc giặt đồ cũng bớt nhọc nhằn. Chị Ba nhường ghế cho chúng tôi, rồi ngồi chồm hổm, bắt đầu giặt đồ thoăn thoắt. Anh Hai không bị phân công, lại đói bụng, nên trở vô nhà, sửa lại cái cửa sổ đã bung bản lề, bị gió khua rầm rầm mấy đêm nay.
Quần áo mới một tuần mà nhiều ghê. Ý là quần áo đi làm ruộng của Mẹ được giặt riêng mỗi ngày, vì Mẹ nói đầy sình đất, sợ giặt chung, sẽ ố quần áo của chúng tôi. Trong thau, chỉ có quần áo mặc nhà và mặc đi học của chị em chúng tôi, thêm một ít áo quần Mẹ mặc đi chợ hay đi lễ, hoặc hội họp trong phường khi khóm trưởng bắt buộc phải đi, bằng không phải nộp phạt. Thời đó, chuyện gì cũng được giải quyết bằng tiền phạt. Ngay cả người đã chết, nếu tự tử, thì cũng bị phạt, và gia đình phải gánh phần tiền phạt đó. Người dân bị dồn ép mọi phía, không có tiền, nên để yên thân, phải vuốt giận làm theo. Mẹ còn ít quần áo lắm. Mấy tháng trước, lúc tựu trường, Mẹ đã xổ thêm hai cái áo dài ra để may áo cho tôi và Tí Nị đi học. Áo của hai đứa đã ngắn ngủn, dù Mẹ đã xổ lai và cặp thêm lai trong đến hai lần. Khi hai cái áo bắt đầu mở cửa sổ ở nhiều nơi, nhất là ở chỗ nách, Mẹ ra sự vụ lệnh cho tụi nó được về hưu, nghĩa là vô danh sách quần áo mặc nhà của chúng tôi, vốn cũng rất đơn chiếc. Hai cái áo dài của Mẹ, Dì Hiền chiết ra, may thêm vải tay nhặt nhạnh được, thành bốn cái áo, Tí Nị hai cái, tôi hai cái. Có áo mới, hai đứa thích lắm, nhất là mỗi lần mặc vào, lại thấy như được Mẹ ôm.
Ngồi giặt quần áo giữa trưa nắng đổ lửa, lòng tôi như lửa đốt. Tôi nghĩ đến Mẹ. Mẹ đang đi làm đồng, lưng chắc đã rát vì nắng và đầu chắc đã nhức bưng lên, dù Mẹ có mặc năm lớp áo và đội mười cái nón lá đi nữa. Mỗi ngày Mẹ đạp xe lên phụ Ngoại làm ruộng, mần gò, phụ hai Dì Thơ và Dì Hiền kéo rượu, nuôi heo. Những ngày Mẹ có tháng, thấy Mẹ xanh hẳn đi. Có bữa Mẹ nói đau lắm, vì vải lót phía dưới cả ngày không có giờ thay, đã khô cứng đến mấy lần. Tới tối, ngồi lên yên xe đạp để đạp về, Mẹ nói nó thốn và rát không cách gì chịu nổi. Mẹ kể, khi đi dạy ở vùng kinh tế mới, mấy cô giáo ở đó nói mình trong này còn vải để lót là mừng, dù trước 1975 thì có băng cá nhân rất sạch sẽ, nhưng chuyện cũ không nói làm gì. Ngoài Bắc, mấy cô thanh niên xung phong phải lấy bao cát mà lót. Riết rồi chỗ đó cũng chai luôn.
Mẹ đi làm ruộng cả ngày, nên tới chiều là bốn anh em bắt đầu ngóng Mẹ. Ngày nào cũng vậy, trời chưa chạng vạng là bốn anh em đã ra ngồi ở cửa chờ Mẹ về. Chờ hoài chưa thấy Mẹ, mà muỗi thì kéo mây trên đầu, chúng tôi nhích ra giữa sân trước, chờ tiếp. Khi hàng xóm lên đèn, thì anh em chúng tôi đã lê ra tới lề đường, ngóng ra chỗ ngã tư, tìm dáng Mẹ. Anh Hai nghĩ ra nhiều trò chơi để thương lượng với nỗi chờ mong. Anh nói, “Anh nghĩ còn hai mươi chiếc xe đạp nữa thì tới Mẹ mình.” Bốn anh em bắt đầu đếm, căng mắt lên để nhìn cho rõ trong ánh đèn đường vàng vọt. Chiếc xe đạp thứ hai mươi mốt là một người lạ hoắc. Chị Ba bắt đầu trả giá với thời gian, “Hay là mình đếm tới một trăm đi! Thế nào Mẹ cũng về tới!” Bốn đứa cùng đếm. Tí Nị ngọng nghịu, nhưng hăng hái và lớn tiếng nhất. Ðã tới một trăm, mà vẫn không thấy tăm hơi Mẹ đâu. Không ai nói ai, cả bốn cùng tiu nghỉu ngồi yên. Hồi lâu, Anh Hai gợi ý, “Hay là mình chỉ đếm xe gắn máy thôi! Xe gắn máy thì ít, chắc chính xác hơn!” Chị Ba đồng tình, “Ừ, đếm 10 chiếc gắn máy nghe!” Chưa kịp đếm, thì Mẹ từ từ đạp xe rà tới. Bốn đứa xô ra, đứa vịnh yên sau, đứa nắm tay Mẹ. Tí Nị hay độc quyền cái câu, “Mẹ ơi, Mẹ phẻ hun Mẹ?”
Lần nào về tới, Mẹ cũng rầy, hỏi sao mấy anh em không vô nhà học bài, đóng cửa lại cho sạch sẽ mà ở ngoài đường hứng bụi. Nhưng rồi ngày hôm sau, không ai rủ ai, cả bốn đứa lại dắt nhau, từ cửa nhà ra sân, từ sân ra lề đường, ngồi ngóng Mẹ. Anh Hai nhanh nhẹn đón lấy tay cầm xe đạp, dẫn xe vô nhà. Trên xe lúc nào cũng có giỏ rau, giỏ cá, bao gạo, hoặc trái cây, thường nhất là ổi, lâu lâu có bình bát, mãng cầu Mẹ hái dọc mé đìa, hoặc táo tàu của Ông Ngoại trồng. Nhà Ngoại nổi tiếng giống ổi núm, trên đỉnh nhọn lại như cái chuông. Tí Nị thì nói cái núm đó giống như bầu vú của Mẹ. Có lần, nó hái hai trái chạng chạng nhau, mỗi tay cầm một trái, lòn vô phía trong áo, chĩa lên giả làm hai cái vú. Con nhỏ hiền mà phá ngầm.
Tôi nghĩ, bữa nay về, hổng chừng Mẹ phải xông mới chịu nổi, vì Mẹ dễ cảm nắng, mà cứ phải dang mình ngoài nắng hết ngày này qua ngày khác. Chị Ba chắc sẽ ra phía sau nhà, mót mấy lá ổi còn sót lại, cắt thêm ít lá sả mé hè, tước thêm lá me bên nhà bà Ba Nghĩa, rồi nấu xông cho Mẹ. Mẹ dở lạnh. Tối Mẹ tắm, chỉ kịp dội hai gáo nước là run lập cập, vì nhà không đủ củi để nấu ăn, nên Mẹ không bao giờ dám lấy củi để nấu nước tắm, dù có bữa Mẹ đang bệnh. Mẹ lau mình thiệt lẹ, phóng lên giường nằm run tiếp. Có xông thì Mẹ đỡ hơn.
Tôi miên man nghĩ đến Mẹ, mà ba chị em giặt hết hai thau đồ hồi nào hổng hay. Mặt mày Tí Nị méo xẹo. Chắc nó đói lắm. Con nhỏ háu đói. Nó mà đói, thì đưa nó đồ ăn, biểu nó nói gì nó cũng nói, biểu nó làm hề nó cũng làm. Tôi thò tay, giành bưng thau đồ đã vắt ráo, để nó nghỉ. Chị Ba dọn dẹp ghế ngồi, rồi đem cất mấy cái thau giặt đồ và xà bông.
Tôi đem áo quần ra trước sân để phơi trên hàng rào kẽm gai. Không có máy giặt, máy sấy gì hết. Máy giặt là những đôi tay của chúng tôi. Máy sấy là ông trời. Hôm nào ông trời cắc cớ, vừa sấy vừa ngâm, cho mưa xuống bất ngờ, làm chúng tôi không lấy quần áo vô kịp. Nghe tiếng mưa lộp độp trên mái tôn, ra tới sân thì áo quần đã ướt sũng. Ông trời cũng có khi cà chớn như vậy. Lỡ quần áo mà bị ướt, ổng đợi mưa tạnh lại thò đầu ra cười nhạo chúng tôi. Có khi không có nắng, chúng tôi phải nhờ cô gió. Cô này cũng có khi vui khi buồn. Bữa nào vui, cô thổi ào ào, quần áo mau khô. Khi nào có tâm sự, cô rề rà xứ khác, mặt trời lại đi hoang đâu mất, áo quần cứ i ỉ không ráo, chúng tôi phải đem ra đem vô phơi mấy ngày.
Tí Nị đói quá, âm thầm đình công, đi uống nước. Cái lưng nó như thể gù đi một chút. Tí Nị rất dở chịu đựng. Trời sanh nó ra vậy. Tội nghiệp nó. Nếu có Mẹ ở nhà, nó đâu phải lo gì. Nó cũng còn nhỏ quá. Bắt nó phụ việc nhà, cũng thấy thương. Mà kệ. Thà vậy, chứ để nó ngồi một chỗ thù lu, còn tội hơn. Tôi dỗ dành cái bao tử, báo cho nó biết là sắp qua hồi gian khổ. Tôi nhắc nó phải giữ yên lặng, thì tôi mới mau phơi quần áo cho xong được. Nó vẫn bất đồng. Năm ba phút lại bắn liên thanh réo gọi cơm canh.
Tôi lấy quần áo đi học của bốn anh em ra phơi trước, gần phía trong nhà, đỡ bị mất, nếu không, lấy gì mặc đi học. Cái hàng rào kẽm gai phía này cũng còn mới hơn, không dính sét vô làm dơ quần áo. Áo quần đang ướt mà gặp sét là hít hết vô. Quần áo cũ mặc nhà thì tôi phơi phía gần ngoài đường. Xe đò chạy ngang, có bụi chút cũng không sao, hoặc có lỡ ai lấy mất hay bị gió thổi bay đi thì cũng không tới nỗi chới với. Quan trọng nhất là lúc lấy đồ vô, phải rất khéo, nếu không áo quần móc vô kẽm gai, sẽ bị rách. Nhiều bữa không để ý, phơi áo lành, đem vô tới nhà thành áo rách. Mấy cái gai sắt này, sao tụi bây nhọn chi dữ!
Thấy tôi phơi đồ xong, Chị Ba hồ hởi, “Hai đứa đi quét nhà đi. Quét cho sạch nghe! Quét xong thì cơm cũng vừa chín.” Tôi và Tí Nị ngồi phệt xuống ghế. Khổ thiệt! Tưởng đâu tối hôm qua Mẹ đã để sẵn cơm và đồ săn cho trưa nay như thường lệ. Bây giờ mà còn chờ Chị Ba nấu cơm nữa thì bao tử của chúng tôi cũng nhừ luôn. Mà mèn ơi, hổng biết bữa nay, Chị Ba đi học có anh chàng nào để ý hay sao, mà về nhà dịu dàng hẳn ra, lại đảm đang quá mức như vậy. Mấy ông vô tích sự si tình này, có ai để ý chị chúng tôi thì xin vui lòng đừng lộ ra cho chị biết. Nếu không, cơm trưa đổi thành cơm tối, chúng tôi phải giặt quần áo với cái bao tử đang nổi giận, còn phải quét nhà mới được ăn, thì sẽ lại thành rau héo chợ chiều cho coi.
Tôi nói Tí Nị ra sau nhà chơi với Chị Ba, để tôi quét cho. Cái cây chổi dừa bữa nay đã cùn phân nửa. Quét chừng nửa tháng nữa là phải thay. Không biết Mẹ có tiền để mua chổi mới chưa. Mỗi lần cần mua cái gì, tôi cũng thấy Mẹ lo lắm. Từ cái lớn tới cái nhỏ. Thu vô thì không bao nhiêu, chi ra thì vô tận, nhất là khoản tiền Sổ Vàng mà Nhà Nước mới lập ra sau này. Sổ Vàng là cái tên mỹ miều người ta đặt cho số tiền không tên hằng năm mỗi học sinh phải đóng cho trường. Muốn đi học, thì vừa đóng tiền học, vừa đóng lệ phí trường, vừa đóng tiền Sổ Vàng. Cái trán của Mẹ hết nhăn rồi căng, không biết mấy cọng dây thần kinh của Mẹ ở trỏng có còn đàn hồi không, vì chắc tụi nó phải làm việc quá độ. Cái gì Mẹ cũng tự làm lấy, cái gì Mẹ cũng học. Nhưng chổi dừa thì Mẹ không có giờ để làm, vì phải chuốt từng cái lá dừa để lấy cái sống lưng của nó, rồi đem phơi, rồi bó lại. Nhiều công đoạn li chi.
Tôi quét từ nhà trước trở vô. Người ta hay nói, quét từ phía sau ra, là quét tiền quét lộc đi. Quét từ trước ra phía sau nhà, là quét tiền quét lộc vô nhà. Mấy năm trời, mấy anh em tôi quét từ trước ra sau, mà chẳng thấy tiền thấy lộc nào tới cả. Cái nền đất nhẵn láng chỗ lồi chỗ lõm, tôi tưởng tượng như mình là người khổng lồ đang đi trên đỉnh những dãy núi trùng điệp. Cô giáo địa lý nói núi già thì đỉnh tà, núi trẻ thì đỉnh nhọn. Vùng núi này chỉ toàn núi già, đỉnh tròn u.
Quét xong, hốt rác đổ vô gốc cây ổi sau nhà, tôi ra bếp, ngồi chung với Tí Nị ở vách sau, coi Chị Ba nấu cơm. Củi bữa nay cũng cháy chậm. Tôi thắc mắc, sao Chị Ba không đói bụng. Thấy Chị từ từ lấy cây đũa bếp để sơ nồi cơm đang sôi, tôi bắt đầu muốn chảy nước mắt. Mẹ cứ nói chừng nào Ba qua tới Mỹ, nhà mình sẽ đỡ hơn. Sao người ta còn chưa chịu cho Ba qua Mỹ vậy ta?
Mười mấy năm sau, khi đã qua Mỹ, cả nhà hay ngồi nói chuyện chơi sau khi ăn cơm tối, lần giặt quần áo lịch sử này lại được mở ra. Anh Hai tủm tỉm cười rồi nói, “Tao cũng thương hai đứa bây lắm, nhưng thấy Chị Ba mày hăng quá, tao biết là cứu không nổi. Thôi thì chỉ có một lần, đâu tới nỗi nào! Coi như kỷ niệm ngày thơ đi!” Xí, Anh Hai không phải vò đồ xả đồ phơi đồ trong lúc đói meo như hai đứa tôi mới nói vậy. Thử một lần rồi biết!
Ảnh minh họa. NGUỒN: DULICH.VNEXPRESS.NET
TDT