Trong chương “Ô Châu Ác Ðịa” của Hồi Ký Quê Ngoại, tác giả Hoàng Long Hải đã trích dẫn “Việt Nam Sử Lược” của Học Giả Trần Trọng Kim để giới thiệu Châu Ô và Châu Rí:
“Năm Tân Sửu 1301 Thượng hoàng đi sang Chiêm Thành xem phong cảnh, có ước gả Huyền Trân Công Chúa cho Vua Chiêm là Chế Mân. Ðược ít lâu, Chế Mân cho người đem vàng bạc và các sản vật sang cống và xin cưới. Triều thần có nhiều người không thuận, Chế Mân lại xin dâng Châu Ô và Châu Rí làm lễ cưới, bấy giờ Anh Tông mới quyết ý thuận gả. Ðến tháng 6 năm Bính Ngọ 1306, cho Công Chúa về Chiêm Thành. Năm sau 1307 Vua Anh Tông thu nhận hai Châu Ô và Rí, đổi tên là Thuận Châu và Hóa Châu, rồi sai quan là Ðoàn Nhữ Hải vào kinh lý và đặt quan cai trị. Huyền Trân Công Chúa lấy Chế Mân chưa được một năm thì Chế Mân mất, mà theo tục Chiêm Thành, hễ khi vua đã chết, thì các hậu phải hỏa thiêu chết theo. Anh Tông được tin ấy, sai Trần Khắc Chung giả mang tiếng vào thăm để tìm kế đưa Công Chúa về.” [ “Việt Nam Văn Học Sử Lược.” Trần Trọng Kim, quyển 1 trang 16].
“Ðất Châu Ô và Châu Rí, sau đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu. Thuận Châu là tên ngày xưa, bây giờ gọi là gì? Phải chăng đó là đất thuộc tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị ngày nay? Một thời, Huế được gọi là Thuận Hóa, bao gồm cả Châu Thuận và Châu Hóa, hay đó chỉ là một cách gọi Huế, tượng trưng cho cả hai châu này?”[“Quê Ngoại.” Trang 10].
Tác giả Hoàng Long Hải là cựu giáo chức, cựu quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Hiện nay ông định cư tại Worcester, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ.
Các tác phẩm đã xuất bản trước năm 1968, gồm có: Sách Giáo Khoa về Lịch Sử, Ðịa Lý và Công Dân Giáo Dục Lớp Ðệ Tứ. Việt Văn Lớp Ðệ Tam [Văn Chương Bình Dân Việt Nam], Công Dân Giáo Dục Lớp Ðệ Tam.
Sau năm 1975, ông có những tác phẩm Viết Về Huế – Tập 1 và 2”; Hương Tràm Trà Tiên; Hồi Ký Quê Ngoại; Vết Nám; Bèo Giạt Mây Trôi, Theo Dòng...
Quê Ngoại là quyển sách dày 641 trang, gồm những bài hồi ký viết về Quảng Trị của ông Hoàng Long Hải do nhà xuất bản Văn Mới ở Gardena, California phát hành. Như ông đã chia sẻ: “Tôi viết về Quảng Trị, về Quê Ngoại của tôi là viết về Mẹ tôi. Viết về một giòng sông nhỏ, một dãy núi xanh, một làn mây trắng, một lũy tre làng bên sông, một hàng dương liễu kêu vang trong gió suốt ngày đêm. Ðó là Quê Ngoại, Quê Mẹ…Tôi sinh ra bên bờ sông Thạch Hãn. Tôi lớn lên và cắp sách đến trường bên bờ sông Thạch Hãn. Nhà tôi bên bờ sông Thạch Hãn. Trường tôi bên bờ sông Thạch Hãn. Tôi vui chơi trên giòng sông Thạch Hãn. Sông Thạch Hãn đã trở thành một giòng sông dài hun hút, xa ngàn dặm chảy muôn đời trong tâm tưởng của tôi, và cũng trong tâm tưởng bà con, anh em, bạn bè tôi nữa. Giòng sông muôn thuở, muôn đời, không bao giờ ngưng chảy, không bao giờ biến mất của những người con từ giòng sông ấy sinh ra.” [“Quê Ngoại.” Trang 7].
HV – 2:59am Chủ Nhật ngày 26 tháng 7 năm 2015