Đậu Phụng (Phọng) hoặc Lạc là món ăn rất thông dụng trên thế giới cả với người Việt, và cũng là món nhậu rất dễ tìm, không thể thiếu trong các bữa tiệc rượu. Đậu Phụng cũng dùng làm gia vị tối cần thiết cho các tô Bún Bò Xào hoặc Bún Thịt Nướng. Dầu Đậu Phụng đã từng được dùng để đốt đèn, và cũng dùng để nấu nướng trong các gia đình Việt Nam từ thời xa xưa.
TÊN KHOA HỌC:
Arachis hypogaea thuộc họ thực vật Fabaceae (Leguminosae). Mỹ gọi dưới tên Peanut, Ground Nut. Pháp gọi là Arachide. Tây Ban Nha gọi là Chufa. Đông Y gọi dưới tên Hoa-Sinh với phiên âm Hua-sheng.
ĐẶC TÍNH THỰC VẬT VÀ LỊCH SỬ:
Cây Đậu Phụng có nguồn gốc từ miền Nam Mỹ Châu, có lẽ từ vùng thung lũng sông Parana. Đậu Phụng được trồng rất nhiều tại Ba Tây, và được đưa sang Châu Âu vào thế kỷ 16, rồi sau đó lan đến Á Châu. Đậu Phụng ngày nay được trồng khắp nơi và những quốc gia sản xuất nhiều nhất thế giới là Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Trung Hoa. Cây Đậu Phụng thuộc họ các cây loại đậu như đậu xanh, đậu ván; nhưng lại có thêm đặc tính của các cây loại cho Hạt như Hạnh Nhân. Cây Đậu Phụng thuộc loại cỏ hằng niên, cao cỡ 25 – 50cm, thuộc loại thân bò nhưng yếu. Cây trổ hoa bình thường, với hoa màu vàng mọc đơn lẻ nơi nách lá, nhưng đặc biệt là khi hoa tàn, bầu nhụy sẽ tiếp tục mọc dài ra và chui xuống đất, để trở thành quả đậu. Hình dạng và độ lớn của Quả Đậu tùy thuộc từng loại nhưng trung bình thì 25 hạt đậu cân khoảng 10g. Hạt Đậu Phụng chỉ có khả năng nẩy mầm trong vòng 1 năm.
Vì Đậu Phụng là một cây nhiệt đới nên ít phát triển tại Âu Châu. Cây thích hợp với những vùng có mùa hè kéo dài, nóng và đất không có độ acid cao. Cây tuy có thể chịu được giá lạnh nhưng không cho năng xuất cao. Đất trồng lý tưởng nhất là đất có pha cát và tương đối ẩm. Cây có thể thu hoạch trong vòng 120 – 140 ngày. Những giống thông dụng nhất tại Hoa Kỳ là:
– Jumbo Virginia: Hạt lớn và chứa nhiều dầu.
– Spanish: Hạt nhỏ hơn nhưng dễ trồng và ít tốn công chăm sóc.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC:
. Thành phần Dinh Dưỡng của Đậu Phụng khô: hạt Đậu Phụng khô (với cả lớp vỏ mỏng bên ngoài) chứa: (mỗi 100g)
– Nước 1.8g – Vitamin B1 0.32mg
– Chất Đạm 26.2g – Vitamin B6 0.30mg
– Niacin 17.1g – Vitamin A 360 IU
– Potassium 740mg – Calcium 74mg
– Magnesium 181mg – Sắt 2.2mg
– Phosphorus 407mg – Kẽm 3.2mg
– Chất Béo Tổng Cộng 47.8g
– Chất Bột / Đường 20.6g
– Năng lượng 582 calories
– Alpha-tocopherol (Vitamin E) 6.5mg
– Acid Folic 28 micro g
– Biotin 34 micro g
. Các vitamin thường tập trung trong lớp vỏ mỏng bọc bên ngoài hạt đậu.
. Trong chất Béo tổng cộng có 14g là chất Béo Polyunsaturated.
. Thành Phần Hoá Học Chung Của Đậu Phụng:
Nếu xét chung toàn thể thì Quả Đậu Phụng chứa:
– Vỏ xốp bên ngoài 21 – 29%
– Vỏ mỏng quanh hạt (episperm) 1.9 – 3.2%
– Hạt Đậu 71 – 75%
Trong số Chất Đạm, đáng chú ý nhất là những Protein thuộc nhóm globulin: Arachin và Conarchin.
. Thành Phần Của Dầu Đậu Phụng:
Dầu Đậu Phụng được xem là loại dầu ăn tốt cho sức khoẻ vì chứa nhiều chất Béo tốt, không làm tăng Cholesterol. Dầu chứa:
– Các Glycerids của các acid Béo sau:
Palmitic 8.3%
Stearic 3.1%
Arachidic 2.4%
Behenic 3.1%
Oleic 56%
Linoleic 26%
– Ngoài ra cũng có rất ít acid capric và lauric.
– Phần không Sà-bông hóa (Unsaponifiable) khoảng 8% chứa:
Tocopherol (Vitamin E)
Các Sterol; Squalenes, và các hydrocarbon khác.
. Vỏ xốp của Quả Đậu chứa những yếu tố phức tạp (chưa xác định được) có tính cầm máu và làm hạ huyết áp. Vỏ này khi hầm thành than có khả năng hấp thụ rất cao (Adsorpton) để trừ các chất độc.
Đậu Phụng, ngoài các ứng dụng trong thực phẩm và Dược phẩm, còn được dùng trong các kỹ nghệ khác:
– Kỹ nghệ Sợi: Các chất protein trong Đậu Phụng được dùng để làm nguyên liệu tổng hợp sợi sareion.
– Vỏ xốp của quả đậu dùng để chế tạo Furfural, Xylose, Cellulose, các chất nhựa plastic; dùng làm
Phân bón và thực phẩm cho trâu bò.
– Dầu Đậu Phụng, ngoài việc dùng làm Dầu ăn, còn dùng để chế biến margarine, sà bông, dầu sơn.
DƯỢC TÍNH VÀ CÁCH DÙNG:
Đậu Phụng có chứa các vitamin E và acid Folic nên cũng có những tác dụng sinh học như Đậu Xanh (xem bài Đậu Xanh và Giá Đậu Xanh)
. Đậu Phụng trong Đông Y cổ truyền:
Đậu Phụng là một dược liệu tương đối mới trong Đông Y (khoảng 300 năm), được xem là có tính cách bổ Tỳ, giúp cân bằng Vị, làm thông Phế, tiêu Đờm và bồi bổ nguyên khí cho cơ thể. Đậu Phụng thường được dùng để trị Ho Khan, Buồn Nôn, phù thủng và thiếu sữa nơi phụ nữ cho con bú. Để trị các chứng trên, Đậu Phụng thường được dùng bằng cách luộc mềm, không dùng theo cách rang chín.
. Để tăng sữa nơi phụ nữ cho con bú, Đậu phụng thường được hầm chung với giò heo (chân trước).
. Để trị đờm nhiều (dù có ho hay không): Nấu 70g Đậu Phụng (bỏ vỏ) không quá chín và ăn trong ngày. Đậu phụng tươi nghiền nát cũng có tác dụng hạ đờm. Đậu phụng rang chín trái lại không tác dụng.
. Đậu Phụng rang thường được xem là giúp vị giác, kích thích sự thèm ăn và giúp tiêu hóa thức ăn, trơn ruột.
. Đậu Phụng và bệnh Phù Thũng:
Bệnh Phù Thũng được ghi nhận là một chứng bệnh gây tê liệt chân, bại xuội do thiếu sinh tố B1 và các nhóm sinh tố B khác trong thực phẩm, bệnh thường xảy ra ở người ăn gạo trắng chà quá kỹ nên mất chất cám vốn chứa nhiều B1. Phương thức trị Beriberi tại Trung Hoa là nấu Đậu Phụng cả vỏ thành cháo để ăn hàng ngày. Ngoài ra Đậu Phụng cũng được dùng chung với Đậu Đỏ và Đại Táo theo tỷ lệ bằng nhau để trị phù thủng.
ĐẬU PHỤNG VÀ CÁC TÁC DỤNG SINH HỌC THEO Y HỌC TÂY PHƯƠNG:
. Tác dụng của Vỏ Lụa: Phần vỏ lụa (vỏ mỏng bên ngoài hạt đậu) đã được chứng minh có tác dụng trị được các bệnh xuất huyết và bệnh sưng phổi kinh niên. Trong những thí nghiệm tại bệnh viện Bắc Kinh khi cho 285 bệnh nhân dùng nước trích vỏ lụa đậu phụng dưới dạng thuốc chích để trị các triệu chứng xuất huyết hậu giải phẫu, và xuất huyết nội tạng, kết quả cho thấy 85% đáp ứng. Kết quả này rất hiệu nghiệm nơi những người xuất huyết bao tử, ruột và tử cung; và cả ở những người xuất huyết vì bệnh gan. Những người ói ra máu vì lở bao tử có thể dùng nước cất từ vỏ lụa đậu phụng để giúp cầm máu.
. Khả năng của phần vỏ xốp: Vỏ xốp của hạt đậu thường bị vất bỏ nhưng đây chính lại là một dược liệu quý giá. Các kết quả nghiên cứu mới nhất tại Nam Kinh cho thấy nước trích tù vỏ xốp Đậu Phụng có tác dụng làm hạ huyết áp và hạ chất béo trong máu, tác dụng này là do các chất beta-sitosterol và luteolin trong vỏ đậu (1995). Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm thêm các yếu tố khác trong vỏ đậu.
Trong một nghiên cứu trên 26 ngàn người giáo dân của nhóm Seven-Day Adventist tại California, các khoa học gia tại Đại học Loma Linda tìm thấy những người ăn Đậu Phụng từ 4 đến nhiều hơn mỗi tuần, có ít khả năng bị bệnh tim mạch hơn đến 50%. Điểm đặc biệt nhất của công cuộc nghiên cứu này là trước đây mọi người vẫn cho rằng ăn Đậu Phụng nhiều chất Béo nên sẽ gây phì nộn nhưng những giáo dân này lại không mập phì và lại còn thon người hơn người không ăn đậu. Bác sĩ Gary Fraser, người chịu trách nhiệm hướng dẫn cuộc nghiên cứu cho rằng tác dụng này có lẽ do ở Đậu Phụng có chứa chất Sơ, Vitamin E và các chất Béo không bão hòa.
Cũng tại Trung Hoa, cây Đậu Phụng cũng đã được thử nghiệm để trị huyết áp. 20 bệnh nhân huyết áp cao đã được cho uống mỗi ngày nước sắc của 30 – 40 cây Đậu Phụng khô (toàn cây phơi khô) trong 2 tuần lễ với kết quả được ghi nhận như sau: Huyết áp thời kỳ tâm thu (systolic) giảm xuống được 22mm và thời tâm trương (diastolic) giảm được 30 mm (thủy ngân).
. Đậu Phụng và sưng Khí Quản kinh niên: Thử nghiệm tại bệnh viện Bắc Kinh cho thấy: Cho 407 bệnh nhân sưng khí quản kinh niên (Chronic tracheitis) uống một dung dịch nước sắc điều chế như sau: Đun sôi 70g vỏ đậu trong 10 giờ, lọc cạn lấy 100ml nước sắc và cho uống ngày 2 lần, mỗi lần 50ml; kết quả cho thấy 74 người khá hẳn, 230 người tương đối khả quan, 95 người không phản ứng.
Ghi chú: Theo yêu cầu của Bộ Canh Nông Hoa Kỳ, các trường học tại Mỹ đã ngưng việc cho học sinh ăn bữa tại trường trên toàn quốc dùng Peanut Butter. Lý do là có một số người có thể bị dị ứng vì Đậu Phụng. Và các bác sĩ cho rằng nếu trẻ em ăn Peanut Butter trước 3 tuổi, hệ thống miễn nhiễm trong cơ thể sẽ chưa đủ sức đề kháng và tạo ra phản ứng dị ứng sau này. Hơn nữa, tránh ăn Đậu Phụng Mốc vì đậu mốc có chứa một độc tố rất nguy hiểm là Aflatoxin có tác dụng gây ung thư gan.
DS Trần Việt Hưng