Vào một buổi sáng mùa hè ở vùng ngoại ô Dallas-Fort Worth, bầu trời trong xanh không một gợn mây và nắng đẹp rực rỡ, trên cánh đồng cỏ cao ngang đầu gối bên cạnh một bìa rừng, người đi đường trông thấy một người đàn ông trung niên trên người mang một bộ đồ màu trắng phủ từ đầu xuống tới chân, ở phần ngang bụng đeo một thắt lưng to bản, tay mang một loại găng bằng da dày và bên cạnh là thùng đồ nghề. Thoáng nhìn, ai cũng tưởng đây là một chuyên gia về hoá chất, địa chất hay làm một công việc nào đó đòi hỏi phải có kỹ năng cao cùng với mức độ an toàn tối đa. Hẳn là vậy nên người đàn ông đó mới phải ràng người kỹ càng như thế, chứ trong một ngày hứa hẹn nhiệt độ sẽ lên rất cao mà phải làm việc trong điều kiện trùm kín cả người như thế thì khổ cực biết dường nào.
Nhưng không, đấy chỉ là một người thợ nuôi ong và anh ta đang chuẩn bị làm công việc lấy mật từ những tổ ong được nuôi trong khu vực quanh đó. Ngoài bộ đồ trùm toàn thân, trong thùng đồ nghề của người đàn còn có một ống phun khói, một chiếc kẹp lớn, một bàn chải lông, và một chai thuốc cũng có mùi khói để bôi, không phải trên da mà cần bôi bên ngoài bộ đồ màu trắng nếu chẳng may có hôm những con ong mật vì quá âu yếm bộ đồ an toàn mà bu vào nhiều thì sẽ rất khó có thể chu toàn được công việc.
Sau khi đã sẵn sàng mọi thứ, người thợ liền đi tới một tổ ong gần đó là một thùng gỗ trông như một chiếc tủ nhỏ, lấy ống phun khói ra và phun khắp từ trên nóc, các cạnh và bên dưới tổ. Kế đến, người thợ mở nắp thùng, phun thêm một đợt khói nữa vào bên trong, rồi lấy kẹp rút một khung gỗ từ bên trong hộp ra và trên khung gỗ này là sáp và mật ong bám vào thật dày. Với những thao tác thật nhuần nhuyễn, người thợ cạo lấy những sáp và mật ong cho vào trong một chiếc thùng bằng thiếc được giữ sạch sẽ. Mật và sáp sau đó được mang về xưởng để lọc lại cho sạch trước khi đóng lọ đem bán cho khách hàng.
Ở nơi chúng ta đang ở đây, mỗi năm vào độ cuối Tháng Bảy đầu Tháng Tám là thời gian lấy mật, đây là lúc bận rộn nhất trong năm của những người thợ nuôi ong và ta cũng thường thấy những lọ mật còn mới nguyên vẫn hay được bày bán tại những ngôi chợ vườn địa phương.
Mật ong còn mới chắc là phải ngon hơn những loại được bán ở các siêu thị là những loại có thể là thứ mật của một hai năm trước được mang tới từ những quốc gia xa lắc tận châu Á hay Nam Mỹ. Mật được dùng nhiều nhất như một loại thực phẩm dinh dưỡng cho con người: làm bánh, mứt, hay đem pha với cà phê, trà đá thay cho đường cũng rất thơm ngon. Ngoài ra, mật trộn chung với gừng hoặc chanh còn được dùng như một món thuốc chữa bệnh ho khá công hiệu.
Người viết từng được nghe những người Mỹ lớn tuổi sống lâu năm ở đây cho biết những ai thường hay bị dị ứng có thể ăn mật thường xuyên sẽ giúp giảm bớt chứng dị ứng. Nhưng phải là mật được lấy từ ong nuôi trong vùng, vì trong mật có chứa nhiều loại phấn hoa của địa phương và khi ta ăn loại mật đó thì cùng lúc cơ thể cũng tập làm quen với những loại phấn hoa đó. Khi mùa xuân tới, phấn hoa bay đầy trong không khí, người bị dị ứng thường hay sổ mũi nhức đầu là vào thời gian này khi hít những phấn hoa đó vào trong buồng phổi. Nhưng nếu cơ thể đã quen với những thứ phấn hoa đó thì khi hít vào, hệ miễn nhiễm của cơ thể sẽ không phản ứng lại và nhờ vậy chứng dị ứng cũng nhẹ bớt đi nhiều. Bạn nào bị chứng dị ứng có thể thử cách này xem cho biết, nhưng nhớ là chỉ dùng mật ong làm tại địa phương.
Ngày xưa còn bé, mỗi khi cảm ho được mẹ cho ăn một muỗng mật ong pha với chanh thì thích vô cùng. Như một thứ thần dược, nuốt tới đâu cổ thông tới đó, cơn ho như biến đâu mất, và người bỗng thấy sảng khoái lên hẳn. Thuở ấy, mật ong còn hiếm lắm, đâu phải lúc nào cũng được ăn. Họa hoằn những khi đau ốm mới được nếm một chút thôi. Cái thời mắm muối còn thiếu thì nói chi tới mật hay những thứ xa xỉ khác.
Mật nguyên chất thường bao giờ cũng sạch và an toàn. Những mật hoa nào không sạch hay có độc thì ong sẽ không đụng đến. Bản năng tự nhiên của loài vật bao giờ cũng nhạy bén hơn con người. Ði rừng khát nước, nếu thấy những loại trái cây tròn trịa, đẹp đẽ, bắt mắt nhưng không thấy dấu vết của chim hay sóc rừng nào ăn thì chớ có đụng vào. Ðây là một trong những bài học sơ đẳng của hướng đạo sinh.
Ong mật là loài côn trùng duy nhất biết làm ra thực phẩm cho con người. Chúng sống theo bầy đàn và là một trong những giống động vật có tôn ti trật tự nhất. Mỗi con sinh ra đã có sẵn kiếp của nó, được giao phó một trọng trách và làm công việc đó suốt đời. Chả bao giờ thấy con nào cất lời than vãn, kêu ca. Cứ cần mẫn âm thầm làm công việc của mình. Thế nên, trong thế giới loài ong, người ta chẳng bao giờ phải chứng kiến ong biểu tình hay nổi loạn, chẳng bao giờ thấy con nào đòi lật đổ ong chúa. Chỉ có ong chúa đôi khi tự ý bỏ đi làm một tổ khác thì những con ong thợ ở lại sẽ tôn một con ong cái khác lên làm thủ lãnh. Vì có một thứ tôn ti trật tự không văn bản nhưng luôn được tôn trọng như thế, giai tầng trong một tổ ong mật luôn được chia thành ba loại rõ rệt.
Ong thợ là loại ong duy nhất mà phần đông chúng ta thường thấy đậu trên những nhụy hoa trong vườn. Có người lầm ong thợ là những “chú ong đực”, nhưng thực ra tất cả đều là ong cái với chức năng tính dục không được phát triển. Công việc chính của ong thợ là đi kiếm thực phẩm như phấn hoa và mật hoa mang về, xây và bảo vệ tổ, giữ vệ sinh, thông hơi vào tổ bằng cách đập cánh liên tục, và làm nhiều chức năng bầy đàn khác.
The Round Rock Honey Texas mở những lớp dạy nuôi ong, và sản xuất mật ong – NGUỒN ROUNDROCKHONEY.COM
Ong chúa chỉ có một và công việc chính rất đơn giản là đẻ trứng để tạo ra những lớp ong mới. Mỗi con ong chúa có thể đẻ cả ngàn trứng mỗi ngày. Ai nói đẻ như gà hay như heo là sai hết. Nếu ong chúa chết đi, những con ong thợ sẽ tôn con ong chúa khác lên bằng cách nuôi một trong những con ong thợ bằng một dưỡng chất đặc biệt được gọi là “thạch vương giả” (royal jelly). Nhờ được dinh dưỡng đặc biệt đã biến con ong thợ thành một chị ong chúa có khả năng sinh sản. Ong chúa còn mang trọng trách kiểm soát tất cả sinh hoạt trong tổ bằng cách tiết ra một số hoá chất để hướng dẫn hành vi của những con ong khác. Có thể nói ong chúa cũng là một thứ CEO trông coi hàng chục ngàn nhân viên luôn luôn làm việc chăm chỉ trong một công ty và chẳng hề bao giờ đòi tăng lương.
Ong đực bị gán cho nhãn hiệu là loại lười nhất của giống ong mật. Công việc chính của chúng là giao phối với chị ong chúa, ngoài ra không phải làm một công việc gì khác. Nhưng bạn đừng hí hửng tưởng bở nhé, cuộc đời của ong đực rất phù du, chỉ được “giao tình” một lần duy nhất trong đời rồi… chết. Vào mùa xuân và hè, mỗi tổ ong chứa khoảng vài trăm con ong đực, nhưng qua những tháng mùa đông khi bước vào chu kỳ sống cần kiệm để sinh tồn thì những con ong đực bị đuổi ra khỏi tổ thành những chàng homeless bơ vơ rất tội nghiệp.
Ong sống nhờ vào mật và phấn hoa dự trữ sẵn trong tổ trong suốt mùa đông, và cuộn mình thành những viên tròn nho nhỏ trong ngăn để giữ hơi ấm. Ấu trùng cũng được nuôi bằng những thực phẩm dự trữ trong khoảng thời gian này và, khi mùa xuân tới, tổ ong lại đông đúc trở lại với một lớp thế hệ ong mới.
Hiểu được sinh hoạt của loài ong nên những người nuôi ong chỉ lấy mật vào mùa hè là thứ mật được ong lấy từ những hoa trái đầu mùa của mùa xuân nên ngon. Sau lần thu hoạch này, mật ong phần nhiều lấy từ các loại hoa cỏ dại nên không còn ngon và người ta dành để cho ong sống qua hết mùa đông. Loài người chúng ta không chỉ khôn mà còn “ác” nữa.
Vì mật lấy từ thiên nhiên nên ngon hay dở là còn tùy thuộc vào thời tiết. Nắng mưa điều hoà thì hoa khoe hương sắc, phấn sẽ thơm và mật sẽ ngọt. Thế nên, hương vị của mật mỗi năm mỗi khác, không khi nào giống nhau. Nghe nói loại mật ngon nhất là thứ mật được ong lấy từ hoa của loại cây bông vải hữu cơ, giống được trồng rất nhiều ở khu vực miền tây của Texas.
Ðời sống động vật là một kỳ công của tạo hóa. Loài người chúng ta học hỏi được nhiều điều từ ngay đời sống đó. Những chiếc phi cơ bay trên bầu trời là chúng ta học được từ loài chim. Những chiếc tàu ngầm lặn sâu dưới đất là chúng ta học được từ loài cá. Những hệ thống xa lộ với cầu vượt để xe cộ lưu thông dễ dàng là chúng ta học được từ loài kiến. Và còn nhiều thứ nữa, chỉ khác là sau đó người ta còn gắn thêm những súng những bom những đạn để tìm cách triệt hạ lẫn nhau.
Phần đông những người thợ nuôi ong là làm chơi cho vui như một thú tiêu khiển, thường gây một hai tổ với vài chục ngàn con ong. Mỗi tổ cho khoảng 25 pounds (11 kg) mật mỗi năm và hơn thế nữa trong những năm được mùa. Một gia đình ăn không thể nào hết nên có thể làm quà tặng bà con, bạn bè. Nhưng cũng có người lúc đầu chỉ lấy làm thú tiêu khiển mà vài năm sau đã gây được nhiều chục tổ, thành một nghề hẳn hoi và lập ra những trang trại nuôi ong rộng lớn.
Nhiều vùng ngoại ô gần nơi chúng ta ở, như Westlake, Southlake, Keller, Haslett, được biết có nhiều người nuôi ong lấy mật, hoặc xa hơn như vùng miền tây Texas có những trang trại nuôi ong với hàng trăm tổ và thường ở những nơi xa thị tứ ồn ào. Ong rất ghét mùi khói. Những khi ngửi thấy mùi khói nhiều, chúng tưởng có cháy rừng gần đâu đó, báo động cho nhau và cả đàn kéo đi nơi khác.
Trong mấy năm gần đây, không chỉ ở Mỹ mà còn nhiều nơi khác trên thế giới từ Âu sang Á, hiện tượng số lượng ong mật mỗi năm cứ giảm dần đi một cách đáng ngại, tiếng Anh gọi là colony collapse disorder (sụt giảm bầy đàn). Nguyên do chính vẫn chưa biết từ đâu, có thể là do ngành nông nghiệp sử dụng quá nhiều thuốc diệt sâu bọ.
Ong không chỉ mang lại mật ngọt cho đời sống, chúng còn đóng một vai trò rất quan trọng là làm công việc thụ phấn cho hoa đơm trái. Không có ong, loài người sẽ bị đói. Tính ra trên toàn cầu, 75% tổng số lượng hoa màu thu hoạch mỗi năm là từ việc thụ phấn của ong bướm. Cứ ba miếng ăn chúng ta đưa vào miệng thì có một miếng là từ kết quả lao động của loài ong.
Thế nên, những người thợ nuôi ong hiện nay không chỉ làm công việc thuần túy là lấy mật vào mỗi độ hè mà còn nhận thêm một trách nhiệm hệ trọng là làm sao duy trì và gầy dựng lại số lượng ong bị mất trong mấy năm qua.
Cứ thử tưởng tượng thế giới chúng ta đang sống một ngày nào đó không còn ong sẽ biến thành một thế giới không có màu xanh mà chỉ còn lại một màu nâu xám chết chóc.
Và như nhà bác học Albert Einstein đã từng nói từ mấy chục năm trước: Nếu như loài ong mật bị tuyệt chủng, thì đó cũng sẽ là số phận của loài người.
Dường như lời cảnh báo này đang dần biến thành hiện thực.
Khung gỗ có sáp và mật ở sở nuôi ong – NGUỒN ENTOMOLOGY.TAMU.EDU
VH