Menu Close

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn & Chiến Tranh Việt Nam

Nhà thơ tác giả “Chiến tranh Việt Nam và tôi” vừa giã từ bạn bè ra đi. Tin trong nước cho biết: Đã từ 2-3 năm nay Nguyễn Bắc Sơn bị bệnh suy tim, gần đây trở nặng và đã từ trần vào sáng ngày 4-8 tại nhà riêng ở Phan Thiết.

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn tên thật Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1944 tại Phan Thiết, nổi tiếng từ trước 1975 với những vần thơ lãng tử mà khốc liệt như chính cuộc chiến tranh đang tràn qua quê hương của ông.

Ngay từ năm 1972, ông xuất bản tập thơ “Chiến tranh Việt Nam & Tôi”, liền được nhiều người mến mộ, xem như một giọng thơ phản chiến đặc sắc của thời đại.

nguyenbacson2

Đinh Cường

Trong khi đó, theo Mặc Lâm của Đài RFA, “Miền Bắc lúc ấy hoàn toàn không có lấy một văn nghệ sĩ nào sáng tác theo khuynh hướng phản chiến. Đối với văn nghệ sĩ thì cuộc chiến với miền Nam lúc ấy là cuộc chiến tranh thần thánh và mục đích tối hậu là phải chiến thắng. Trong khi đó tại miền Nam, một nền dân chủ mới được thiết lập không cho phép chính quyền cấm đoán triệt để những sáng tác mang tính chất phản lại cuộc chiến được mang tên “bảo vệ thế giới tự do”. Tuy nhiên thái độ được gọi là phản chiến của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn không hằn học, phẫn uất và không mang ý hướng chính trị nào. Ông đi vào chiến tranh như một lãng tử ngông nghênh, thấy vẻ khốc liệt của nó nhưng đồng thời cũng nhìn ra nét bi tráng để hồn thơ của mình bát ngát bay. Có nhà nhận định: Nguyễn Bắc Sơn sống cùng thời với Tô Thùy Yên vì vậy có lẽ ngôn ngữ thơ hai người man mác tạo cho chúng ta cảm giác gần gũi. Bài “Anh hùng tận” của Tô Thùy Yên và “Thảo khấu” của Nguyễn Bắc Sơn có thể đại diện cho một dòng thơ chiến tranh đẫm chất bi hùng của lịch sử Việt Nam cận đại. Chỉ có ở Miền Nam mới có một nhà thơ như Nguyễn Bắc Sơn và một giọng thơ khốc liệt mà thơ mộng đầy chất nghệ thuật như vậy. Thơ ông “có cái ngang tàng đượm màu sắc Lão Trang, đánh giặc không cần lý tưởng mà vẫn đánh, coi cuộc chiến như trò chơi, thương xót kẻ thù như ruột thịt”. (Chu Tử) Thơ ông “có cái phong thái ngang tàng mà khinh khoái, chết thì thôi, còn sống thì còn vui. Chẳng những trước khi đụng trận một ngày, mà trước khi hành quân một giờ, Nguyễn Bắc Sơn cũng thản nhiên “khơi khơi chấp hết”. (Võ Phiến)

Sau đây là những bài thơ về chiến tranh nổi tiếng của Nguyễn Bắc Sơn.

NGUYỄN & BẠN HỮU

 

 

Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi

Lòng suối cạn phơi một bầy đá cuội

Rừng giáp rừng gió thổi cỏ lông măng

Ðoàn quân anh đi những bóng cọp vằn

Gân mắt đỏ lạnh như tiền sắc mặt

Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất

Dừng chân nơi đây nói chuyện tiếu lâm chơi

Hãy tựa gốc cây hãy ngắm mây trời …

Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic

Kẻ thù ta ơi các ngài du kích

Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo

Hãy tránh xa ra ta xin tí điều

Lúc này đây ta không thèm đánh giặc

Thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc

Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh

Kẻ thù ta ơi những đứa xăm mình

Ăn muối đá mà điên say chiến đấu

Ta vốn hiền khô ta là lính cậu

Ði hành quân rượu đế vẫn mang theo

Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo

Xem cuộc chiến như tai trời ách nước

Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước

Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi

Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi

Suy nghĩ làm chi cho lao tâm khổ trí

Lũ chúng ta sống một đời vô vị

Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau

Mượn trời đất làm nơi đốt hỏa châu

Những cột khói giả rừng thiêng uốn khúc

Mang bom đạn chơi trò chơi pháo tết

Và máu xương làm phân bón rừng hoang

 

Mật khu Lê Hồng Phong

Tướng giỏi cầm quân trăm trận thắng

Còn ngại hành quân động Thái An

Cát lún bãi mìn rừng lưới nhện

Mùa khô thiếu nước lính hoang mang

 

Ðêm nằm ngủ võng trên đồi cát

Nghe súng rừng xa nổ cắc cù

Chợt thấy trong lòng mình bát ngát

Nỗi buồn sương khói của mùa thu

 

Mai ta đụng trận ta còn sống

Về ghé sông Mao phá phách chơi

Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm

Ðốt tiền mua vội một ngày vui

 

Ngày vui đời lính vô cùng ngắn

Mặt trời thoáng đã ở phương Tây

Nếu ta lỡ chết vì say rượu

Linh hồn chắc sẽ thành mây bay

 

Linh hồn ta sẽ thành đom đóm

Vơ vẩn trong rừng động Thái An

Miền Bắc sương mù giăng bốn quận

Che mưa giùm những đám xương tàn.

 

Thảo khấu

Buổi sáng xuất quân về hướng Bắc

Âm thầm sương sớm toán quân ma

Qua cầu sông Lũy nhìn quanh quất

Nước đỏ cầu đen chợt nhớ nhà

 

Nước reo bèo dạt mặt trời lên

Khói núi lời ca chú dế mèn

Có gió cao che đầu chiến sĩ

Thanh cầu gõ súng nhạc leng keng

 

Vì sao ta tới đây hò hét

Học trò bẻ bút tập mang gươm

Tập uống máu người thay nước uống

Múa may theo lịch sử điên cuồng

 

Vì sao ngươi đến đây làm giặc

Ðóng trò tráng sĩ loạn Xuân Thu

Giận đời ghê những bàn tay bẩn

Ðưa đẩy ngươi trong cát bụi mù

 

Buổi chiều uống nước dòng Ma Hý

Thằng Xuân bắn chết thằng Mang Khinh

Hỡi ơi sống chết là mưa nắng

Gió tối mưa đêm chớ lạnh mình

 

Ðốt lửa đồi cao không thấy ấm

Lính Chàm giận ghét Chế Bồng Nga

Chiến chinh chinh chiến bao giờ dứt

Sắt đá ồ sao lại nhớ nhà

 

Hoa quỳ vàng lạnh Pleiku

Ðứng trên núi thấy hàng đèn thị trấn

Là thấy mình buốt lạnh mấy nghìn năm

Vì đêm nay trời đất lạnh căm căm

Nên chợt nhớ chút lửa hồng bếp cũ

 

Nên phải nhớ mắt một người thiếu nữ

Ðã nhìn mình rất ấm một ngày xưa

Dù mai sau ngày nắng tiếp ngày mưa

Nhưng vĩnh cửu chút mơ màng thuở đó

 

Vì đêm nay tôi thèm nghe sóng vỗ

Vỗ nhịp nhàng từng tiếng động bao dung

Vỗ cho êm chuỗi hệ lụy vô cùng

Ðời lang bạt của một người lính thú

 

Sáng hôm qua tôi là người thiếp ngủ

Ði một mình lên xuống phố mù sương

Phố núi kia ơi, phố có con đường

Lên xuống dốc tìm không ra bạn hữu

 

Không có bạn tôi làm sao uống rượu

Tôi làm sao sống nổi một ngày đây

Phố núi kia ơi, kẻ lạ đông đầy

Nhìn gã lính không khác gì gã lính

 

Phố núi kia ơi, một đời phố lạnh

Lạnh hoa vàng, núi đỏ, thác đèo cao

Lạnh hàng cây, tửu quán, lạnh gần nhau

Lạnh thiên cổ, lạnh vào tim máu cạn

 

Tôi vận rủi làm một người lãng đãng

Ngó mông hoài khuất bóng của người em

Sáng hôm nay đời sống thật bình yên

Sao phố lại đuổi đi người yểu điệu

 

Vườn đá tảng bàn chân em huyền diệu

In gót hồng lên lớp bụi đời tôi

Là từ khi tôi hạnh phúc rong chơi

Và quên lãng con thú mù phẫn nộ

 

Ôi phố núi đêm nay là cổ mộ

Một hàng đèn sáng lạnh cõi bi hoang.

Nguyễn Bắc Sơn