Menu Close

Phiêu lưu

Trong tác phẩm “La Condition Humaine” xuất bản năm 1933, nhà văn André Malraux viết:“Chân giá trị của một người ở đâu, nếu như anh ta không sẵn sàng đón nhận những rủi ro sẽ đến với mình?” [“If a man is not ready to risk his life, where is his dignity?”] Cùng chung một ý tưởng, Helen Keller nhận định:“ Ðời sống hoặc là một cuộc phiêu lưu, hoặc không là gì cả.” [“Life is either a daring adventure or nothing.”] Tận cùng sâu thẳm trong cái tôi bí mật của mỗi người đều có một nhân vật phiêu lưu, một tinh thần mãi mãi trẻ trung luôn khao khát đi tìm cảnh lạ đường xa, luôn muốn biết những kinh nghiệm mới mẻ kỳ diệu. Nhân cách và cá tính đặc biệt này thúc giục người ta tham dự cuộc phiêu lưu để thăm viếng những nơi chưa hề đến, để mở rộng tầm nhìn của mình ra thế giới bên ngoài. Ðây cũng là khát vọng có tự ngàn xưa, có từ khi con người đầu tiên xuất hiện trên trái đất lặng lẽ ngắm nhìn cánh chim ở giữa trời cao, mặc nhiên ươm trồng ước muốn dị thường có thể bay cao bay xa tít như vậy.

 

La Condition Humaine

 

NGUỒN: CONSUS-FRANCE.OVER-BLOG.FR

 

 Khi chuẩn bị phiêu lưu, tâm hồn người ta trải qua nhiều cảm xúc. Người ta nóng lòng muốn biết nơi sẽ tới, háo hức mong được làm quen với bạn mới với môi trường mới. Có chút lo lắng vì người ta không hiểu điều gì sẽ xảy ra, nếu đi vào hang động lạ hay đứng trước vùng biển mênh mông cô quạnh. Người ta cũng sẽ thấy buồn nếu phải nói lời tạm biệt ai đó lúc ra đi. Không cần biết sẽ thấu hiểu hay giải quyết cảm nhận riêng như thế nào, chỉ biết rằng người ta luôn muốn dấn thân vào những cuộc phiêu lưu, hay chí ít trong đời cũng phải có một lần viễn du. Tại sao? Xin thưa: Vì phiêu lưu không chỉ là du lịch, mà còn là cơ hội để người ta học biết tự bảo vệ mình khi bất ngờ gặp hiểm họa. Nên bắt đầu cuộc phiêu lưu đi đâu đó, có nghĩa là người ta vừa thưởng ngoạn chân trời mới vừa tự chăm sóc chính mình. Ði nhiều bao nhiêu, người ta hiểu biết nhiều bấy nhiêu. Dấn thân nhiệt thành bao nhiêu, người ta có sự thận trọng nhiều bấy nhiêu. Một vài cuộc phiêu lưu đơn giản, giống như người ta đi dạo trên bờ biển. Một vài cuộc phiêu lưu rất nguy hiểm, thí dụ như người ta lang thang trên sa mạc hay lạc lối giữa rừng già. Nên người ta phải biết nơi người ta đến, cuộc phiêu lưu nào thích hợp với người ta. Bởi vì điều gì cũng có thể xảy ra, và đừng bao giờ nói không bao giờ.  Như Alexander Ðại Ðế từng khẳng định “Tự điển đời ta chẳng còn chữ “không thể xảy ra.” [“I deleted the word  from my dictionary impossible”]

 

 Với giới trẻ, phiêu lưu sáng tạo ra những ký ức và những cảm hứng mới, nhắc nhở họ rằng chuyến đi của họ chỉ mới bắt đầu. Với người cao niên, phiêu lưu gợi nhớ kỷ niệm thời son trẻ, báo cho họ biết cuộc lãng du  không mệt mỏi đã dẫn đưa họ đi qua rất nhiều nơi. Ðời sống là cuộc hành trình hơn là một điểm ngừng, hay một đích đã đến. Có ai đó còn bảo: Ðặc tính hay giá trị của một người chính là cách họ chiến đấu để sinh tồn, chứ không phải là những giải thưởng họ giành được. Nghe nói đến hai chữ phiêu lưu, lòng chúng ta dấy lên những ý tưởng và những hình ảnh không giống nhau. Sở dĩ có sự khác lạ này, là vì những điều ai đó cho là phiêu lưu, thì chưa hẳn chúng ta đã đồng thuận với họ. Tương tự như vậy, không phải người nào cũng có thể trở thành nhà hàng hải trứ danh Kha Luân Bố [Christopher Columbus 1451-1406], mạo hiểm giong buồm đi suốt chiều dài trùng dương, đến tận góc biển chân trời xa thẳm. Nhưng ai cũng có thể bắt đầu đến một nơi mình chưa hề biết. Chính miền đất xa lạ ấy – chứ không phải là một người nào khác –  sẽ chỉ dạy cho chúng ta rất nhiều điều. Chúng ta sẽ học biết giai điệu siêu phàm của thiên nhiên khi lắng nghe hừng đông chim hót, khi trông chờ mặt trời từ giữa khói sương lên cao, khi âm thầm nhìn chiều rơi bảng lảng trên triền núi…Tất cả những cảm nhận này sẽ là ký ức phiêu lưu rất riêng của chúng ta, lúc chiêm niệm từng chuyến đi có trong đời.

 

“Ra sông. Biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông. Biết đời viển vông, biết ta hãi hùng. Ra khơi. Thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới. Thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới. Chơi vơi, con thuyền trên sóng không nguôi. Bão bùng xô tới xô lui, vững tay chèo lái. Xa xôi. Hỡi người trong viễn phương ơi. Hẹn hò nhau viễn du thôi, lên đường mãi mãi. Ra đi. Nước trời bao la, hết cuộc phong ba. Ðất liền Âu Á cũng không xa gì. Phiêu du. Khắp nẻo đây đó, bỗng người say sưa. Thấy hoàn cầu mơ khúc Ðại Tình Ca…” Ca khúc “Viễn Du” của nhạc sĩ Phạm Duy ở chừng mực nào đó, đã nói lên khát vọng phiêu lưu của mỗi một người, cũng như đã cảnh báo muôn vàn hiểm họa không thể đo lường không thể biết trước, một khi chấp nhận ra sông, chấp nhận sự thách thức của mưa giông bão tố, để đứng trước đầu sóng ngọn gió của trùng dương. Thế có nghĩa là phiêu lưu được hiểu như một kinh nghiệm thú vị, một cuộc hành trình đầy thử thách, có liên quan đến hiểm họa rất vô thường. Phiêu lưu còn được gọi là một chuyến đi đặc biệt, một điều gì đó không luôn luôn xuất hiện giữa đời thường, một cuộc thám hiểm thăm dò, một cuộc vượt qua dư đầy niềm vui nỗi buồn, đôi khi rất nguy hiểm nhưng đem lại nhiều cảm hứng.

 

Nói ngắn gọn, ta nên biết rõ khả năng của bản thân, trước khi hẹn hò nhau viễn du thôi, lên đường mãi mãi.  Hạn chế bao gồm mọi sự ta không biết. Khả năng là điều ta có thể thực hiện. Nắm chắc khả năng để tính toán chính xác, thận trọng tiên liệu một số rủi ro cho cuộc hành trình là điều nên làm. Nhận ra những vấn đề mình chẳng thể kiểm soát, chẳng thể chống đỡ, để không bị bất ngờ cũng không sợ hãi khi phải đương đầu với tình huống rủi ro, là điều cần thiết mỗi khi sửa soạn phiêu du. Thực nghiệm tri thức của bản thân, để khám phá những điều mới lạ trong lúc phiêu lưu  thật quan trọng. Biết rõ khả năng giới hạn của mình cũng là điều đáng lưu ý. Bởi vì khả năng của bất cứ ai cũng có lằn mức giới hạn nhất định, trong khi hiểm họa tiềm ẩn ở khắp mọi nơi, ở ngay trong chỗ ta tưởng là an toàn nhất. Một khi biết rõ thế mạnh thế yếu của bản thân, người ta có thể vui vẻ….Ra khơi.Thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới. Thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới… như nguyện.

 

Wiliam Arthur Ward từng nói: Chuyến phiêu lưu của đời sống là học hỏi. Mục đích của đời sống là trưởng thành. Bản tính của đời sống là thay đổi. Thách thức của đời sống là vượt qua. Tinh túy của đời sống là quan tâm. Cơ hội của đời sống là phụng sự. Bí mật của đời sống là dám làm. Hương vị của đời sống là giúp đỡ. Vẻ đẹp của đời sống là cho đi. [“The adventure of life is to learn. The purpose of life is to grow. The nature of life is to change. The challenge of life is to overcome. The essence of life is to care. The opportunity of like is to serve. The secret of life is to dare. The spice of life is to befriend. The beauty of life is to give.”] Hãy nắm lấy cơ hội. Tất cả những gì thuộc về đời sống đều là cơ hội. Người tiến xa nhất thường là người sẵn sàng hành động và chấp nhận thách thức. Giữa hằng hà sa số cuộc phiêu lưu của cõi đời này, có từng cuộc phiêu lưu dành riêng cho mỗi một người. Ước mong anh, ước mong chị, ước mong tôi đều nhận biết rõ khả năng và giới hạn của bản thân. Ðể chúng ta và tôi không bị hụt hẫng lúc đi theo lời mời gọi đầy khói hương lãng mạn, trên biển sóng phiêu lưu của riêng mình.

HV – 12:37am Thứ Bảy ngày 25 tháng 7 năm 2015