Menu Close

“Thượng hạ giai cẩu”!

Thưa Tây nó thường coi con Chó là một thành viên trong gia đình. Nhưng mình hổng biết nó ám chỉ đứa nào trong gia đình của nó?!

 

Còn Tàu thì nói: “Khuyển Mã tri tình” nghĩa là: Chó và Ngựa coi vậy nhưng tụi nó sống có tình, có nghĩa lắm đa!

 

Còn Việt Nam mình, sính thơ, con gì cũng ‘văng’ ra thơ được hết ráo.

 

Ðây là một bài thơ ngợi khen con Chó và đá ‘đểu’ con Vợ nhà!

 

“Hôm qua anh đi tỉnh về. Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều. Con Vợ chẳng nói một điều! Chỉ con Chó Mực vẫy liều cái đuôi!”

 

Thấy chưa? Chó không bao giờ dám ‘phê’ ông chủ nó ‘’rậm rật’’ như Chó tháng Bảy… vì nó cũng vậy mà thôi.

 

Ðó là đức tính của con Chó. Tuy nhiên đời mà… Con gì, kể cả con Người cũng vậy! Có tánh tốt và có tánh xấu. Không ai hoàn hảo, toàn bích bao giờ!

 

Thưa tui, vốn đầu môi chót lưỡi, khen con Chó một phát… rồi cũng chê nó một phát… cho nó công bình!.

 

Như bà con đã biết, hiện thời, bọn cán bộ có chức, có quyền, có tiền trong nước, cái con gì nó cũng ăn, nam nữ gì cũng nhậu. Thịt Chó lẫn thịt Mèo; đâu, xa tận Nhà Bè, Hố Nai gì đi nữa, nếu nấu ngon là tìm đến nơi… xơi tất.

 

Thịt Chó thì gọi là nai đồng quê; còn thịt Mèo thì gọi là tiểu hổ. Toàn là thịt rừng không hà, ăn như thế mới là đại gia chớ!

 

Nên quán nhậu ì xèo!! Hai nữ õng ẹo gọi anh bồi: “Anh ơi, cho hai đĩa thịt tiểu hổ nhé!” Hai anh thì: “Anh ơi, cho hai đĩa thịt chó nhé!”

 

Anh bồi vội hướng vào bếp, la lớn: “Hai Mèo mới vô, hai Chó mới vào!”

 

Thưangười Việt mình có nuôi Chó nhưng chắc chắn không yêu Chó như Tây. Không ai quen ôm và nựng Chó, coi Chó là bạn ‘hiền’.

 

Không những vậy, do tính xấu của Chó được con người biết đến nhiều, nên người ta khinh và ghét Chó thậm tệ, đem Chó ra, mà chửi kẻ mình ghét cay ghét đắng!

 

Lúc bình thường, giữa Chó với nhau, chúng đùa giỡn,thân thiện như bạn bè, nhưng khi có ‘miếng đỉnh chung’, chúng giành và cắn nhau sống chết. Ðó là tính phản phúc, tráo trở, lật lọng.

 

Khi trong xóm có một con Chó sủa, thì cả xóm… Chó đều sủa theo, Chó hùa. Ðó là tính: nhiều chuyện, a dua, xu hướng.

 

Khi chúng đã ghét một ai, thì ghét suốt đời, bất cứ giờ nào gặp mặt, chúng cũng sủa tới khi nào khuất mặt mới thôi. Ðó là tính: nhỏ nhặt, thù dai.

 

Ngoài đường, Chó chỉ dữ khi có chủ bên cạnh, còn như không có chủ thì 10 con cụp đuôi hết 10. Ðó là tính: dựa hơi, cậy thế.

 

Chửi nhau, không có gì nặng nề hơn chữ: “Ðồ chó!. “Ðồ chó đểu! Chó ghẻ! Chó chết! Chó má! Chó săn! Chó hùa! Ðồ trâu sinh chó đẻ!

 

Còn chửi vợ là: lòng lang dạ sói (cũng là Chó) là chuẩn bị ra Tòa ly dị đi em!

 

Rồi kết luận một câu làm loài Chó rất lấy làm tự ái là: “Làm người thì khó, làm chó thì dễ”.

 

Xưa nhà thơ bất khuất Cao Bá Quát đã chửi Chó mắng Mèo.

 

“Tiền thần bất tri/ Hậu thần bất tri/ Trung gian thần tri/ Ðản kiến: Thượng bàn hô cẩu!/ Hạ bàn hô cẩu!/ Thượng hạ giai cẩu/ Lưỡng tương đấu ẩu/ Thần gián bất đắc/ Thần kiến thế nguy/ Thần hoảng thần tẩu’’

 

(Trước thế nào, Thần không biết; Sau thế nào, Thần không biết; Giữa chừng thì Thần biết! Thấy: Bàn trên hô: “Chó!”; bàn dưới cũng hô:“Chó!” Trên dưới đều Chó. Rồi hai bên đánh nhau. Thần can không được. Thần thấy thế nguy, thần ‘tẩu’.)

 

Rồi ông Ích Khiêm, một quan võ, đã chửi mắng bọn quan văn là một lũ Chó, toàn ăn hại.

 

Một bữa, ông thết tiệc, mời các quan đại thần văn, võ đến xơi. Bàn trên cỗ dưới đều ăn toàn là thịt Chó cả. Có người không ăn thịt Chó, hỏi món khác, ông Ích Khiêm xoa tay cười, đáp lại: “Xin lỗi, trên Chó dưới Chó, tất cả đều là Chó, thành không có gì khác nữa!”

 

Thưacòn chuyện bây giờ: “Nhà em có con Chó đen, người lạ nó cắn, người quen nó mừng!”

 

Nên bà con mình đừng có ngạc nhiên khi thấy mấy chú bưu tá ăn mặc như phi hành gia của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ, NASA, vậy. Quần áo phủ kín mít hết trơn! Ðầu đội nón an toàn có kiếng che con mắt! Vì tụi nó sợ bị Chó cắn đó bà con ơi.

 

Theo ‘’National Dog Bite Prevention Week’’ thì bên Mỹ có “gần 3500 người đưa thư bị Chó cắn chỉ riêng năm 2003”.

 

Mùa Giáng Sinh năm 1989, Floyd Bertran Sterling, đi đưa thư, được chủ nhà thân ái mở cửa trao tặng một chai rượu whiskey. Chú Chó cũng lẹ chân nhào ra. Tay bưu tá phát hoảng, lật đật móc súng, tặng lại chú Chó săn giống Ðức này mấy viên kẹo đồng.

 

Vác chiếu ra Tòa, Tòa hỏi: ‘’Sao lại nỡ lòng nào bắn con Chó chết ngắc vậy?’’

 

“Con Chó nầy tính cắn tui nhiều lần lắm rồi! Thưa Tòa!”

 

Ông Tòa lục hồ sơ tư pháp lý lịch của chú em, thì thấy tay phát thơ nầy chẳng phải tay vừa. Y đã từng đánh đập vợ con; từng trộm cắp; từng mang vũ khí bất hợp pháp v.v…

 

Ông Tòa cho chú em 6 tháng ngồi đếm lịch… về tội tàn ác với súc vật.

 

Sở Bưu Ðiện Hoa Kỳ tốn 685 đô la tiền chôn con Chó, tức quá, nắm đầu chú em đuổi luôn.

 

Thưachuyện bên Mỹ, giờ mình tới chuyện bên Tàu mà Tàu hồi xưa nhe!

 

“Chó đâu có sủa lỗ không. Hổng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày”

 

Thấy ăn mày là nó sủa, nó ào ra, nó táp hà. Ðể bảo vệ thân ngà vóc ngọc của mình, bọn Cái Bang, tức hành khất, tức ăn mày, tức ăn xin, võ trang “Ðả cẩu bổng tức Gậy đánh Chó!” để phòng khi bị Chó dữ tấn công; nếu không thì nó cắn cho thấy mẹ!

 

(Cái Bang là một Bang hội thành lập từ đời nhà Tống. Người nghĩa khí gia nhập Cái Bang phải đem của cải chia hết cho mọi người, rồi sống bằng nghề hành khất. Ðứng đầu là Bang Chủ, 8 túi là ‘lon’ cao nhứt!

 

Kết quả là Ðả cẩu bổng pháp tức cách đánh Chó, do kinh nghiệm thực tế chiến trường… mà đúc kết thành bí kíp ma công, theo cách cắt nghĩa của Sư phụ viết truyện kiếm hiệp, Kim Dung.

 

Hoàng Dung, con gái của Ðông Tà Hoàng Dược Sư, nữ bang chủ duy nhất của Cái Bang, tinh thông đả cẩu bổng pháp, có 36 chiêu biến hóa khôn lường, xuất thần nhập hóa.

 

Khi nhậm chức nữ Bang Chủ ăn mày, Hoàng Dung phải dùng chiêu này đánh 4 vị trưởng lão, bất phục tùng, toan đảo chánh, làm bọn họ đau quá kêu ‘gâu gâu’… xin đầu hàng, thần phục)

 

Thưa còn tui biết rằng Chó và Mèo xưa ở trong rừng, rồi con người mới thuần hóa, đem về nuôi trong nhà. Mèo thì bắt chuột. Chó thì giữ nhà, đi săn, chăn cừu, đi bắn vịt ‘giời’…

 

So sánh giữa Chó và Mèo, ai cũng biết Chó thông minh hơn Mèo… “Con Mèo trèo lên cây vông, con Chó đứng dưới ngó ‘mông’ con mèo” Thiệt hết biết! Ngó đâu sao mầy hổng ngó hả con Ki Ki?

 

Thưa ai yêu Chó thì yêu, tui lại yêu Mèo… Nhứt là Mèo có hai chưn nữa đó bà con ơi! Có một sự thật rất thú vị, mà các nhà khoa học đã chứng minh, đó là những người yêu Mèo thường thông minh hơn những người yêu Chó. Ðó chính là lý do làm tui yêu Mèo hơn yêu Chó!

 

Ðể kết bài nầy, tui xin kể đến một người, gan cùng mình, dám so sánh ‘em yêu’ của mình với con Chó… mà là con Chó ốm nữa…

 

(Ngộ thay ‘em’ yêu hổng có giận mà còn nói thiệt là thơ cách tân nha!)

 

Chẳng qua, nhà thơ Nguyên Sa, từng đi học bên Tây nhưng lại làm bài thơ về Nga.

 

“Hôm nay Nga buồn như một con Chó ốm/ Như con Mèo ngái ngủ trên tay anh…”

 

Nguyên Sa dám làm như vậy nhưng kêu tui bắt chước ổng: “Dà, thú thiệt! Em hổng dám đâu mấy huynh ơi!”

 

Thuong Ha Giai Cau

 

Bảo Huân

DXT – Melbourne