Walter Palmer có lẽ thích thú và phấn khích khi kéo cò súng bắn chết chú sư tử Cecil hôm 1 tháng 7 vừa qua. Nha sĩ người Mỹ này là một trong khoảng 15 ngàn du khách Hoa Kỳ đến Phi châu mỗi năm để săn thú. Cái chết của Cecil làm dấy lên phản ứng chê trách khắp toàn cầu khiến ông phải lẩn trốn, đồng thời cũng châm ngòi cho một cuộc thảo luận sôi nổi về “trophy hunting” (săn tìm chiến phẩm).
Trophy hunting là một hình thức săn bắn đặc biệt nhắm vào các thú rừng hoang dã, thường sau khi săn được thì một số bộ phận của vật bị giết sẽ dùng làm kỷ vật, làm chiến tích (thường là da, sừng hoặc đầu con vật bị giết), xác thú ít khi được dùng làm thực phẩm.
Hai con của Donald Trump ở Zimbabwe – NGUỒN ALTERNET.ORG
Năm 1909 vùng Tây Phi thuộc địa nước Anh, ngày nay là Kenya, chính quyền thuộc địa tìm ra một cách làm tiền từ những tay du khách thợ săn. Họ chỉ phải trả một số tiền xin giấy phép giết và giữ làm của riêng nhiều thú vật lúc đó có rất nhiều ở đây. Vào thời điểm ấy, đóng 50 bảng Anh là bạn có quyền giết 2 con trâu rừng, 2 hà mã, 22 ngựa vằn, cả trăm loại linh dương, 84 con khỉ…
Kỹ nghệ săn thú bắt đầu từ Kenya rồi lan nhanh qua Zimbabwe, Botswana, Namibia, Zambia, Mozambique, Swaziland…, tổng cộng có đến 23 quốc gia Phi châu vùng Hạ Sahara.
Mỗi năm, các tay săn thú giết hàng ngàn thú vật hoang dã, thuộc nhiều chủng loại khác nhau. Họ thích giết những con đẹp nhất, lớn nhất và hiếm nhất.
Những tay săn thú giàu có bỏ ra nhiều tiền để chính quyền địa phương cấp phép cho họ săn bắn và lựa chọn con vật nào họ muốn giết. Hai công tử con của Donald Trump mới đây đã giết một số thú hoang ở Zimbabwe, trong đó có con hươu cao cổ và con voi. Danh sách các chủng loại “được phép săn bắn” thường rất dài và gồm các chủng loại thường như linh dương, gấu đen, ngựa vằn, hươu cao cổ và khỉ đầu chó, nhưng cũng còn gồm những chủng loại có nguy cơ tuyệt chủng như voi, báo và tê giác trắng (tê giác đen vùng Tây Phi mới đây được công bố là đã tuyệt chủng).
Các tay “trophy hunters” (săn chiến lợi phẩm) này chả bao giờ chú ý đến vấn đề bảo tồn thú vật. Điều họ chú tâm là giết được những con lớn nhất, hiếm nhất vì mang lại cho họ thích thú nhiều hơn, được đem về nhà những chiến phẩm như kỳ tích, dù phải trả nhiều tiền hơn để có được giấy phép. Palmer đã phải tiêu tốn cả 50 ngàn đô la trong lần săn Cecil vừa rồi. Đầu, sừng, ngà và các bộ phận khác của những thú này được coi là hợp pháp, cũng đôi khi là bất hợp pháp, khi được họ đưa vào Hoa Kỳ.
Sabrina Corgatelli chụp chung với chiến phẩm – NGUỒN QZ.COM
Những động lực nào đã thúc đẩy các tay thợ săn lăn xả vào những cuộc lùng sục để săn bắn thú rừng như thế? Nhiếp ảnh gia David Chancellor, từng chụp hình cho những tay thợ săn bên cạnh “chiến lợi phẩm”, cho biết thật khó mà xác định được nơi từng người thợ săn. Họ có thể là người nói năng nhu mì, nhưng có người lại trực tính. Một số khóc khi bắn chết con vật, một số lại cầu nguyện. Có người uống bia hoặc hút một điếu xì gà. Chỉ có một điều chung, ai cũng giống nhau, là họ hoàn toàn chú tâm vào công việc đang làm, không chút e dè, lưỡng lự.
Cũng có một số người bênh vực thú săn chiến phẩm này, viện lẽ để yểm trợ cho nền kinh tế của Phi châu, nhưng luận cứ của họ không mấy thuyết phục. Sabrina Corgatelli ở Idaho, bị nhiều chỉ trích khi đưa lên mạng nhiều hình ảnh cô chụp cùng với các chiến tích, đã trưng dẫn cả Thánh Kinh để bào chữa (Sáng Thế ký 9:3:Mọi loài di động và có sự sống sẽ là lương thực cho các ngươi; Ta ban cho các ngươi tất cả những thứ đó, cũng như đã ban cỏ xanh tươi; và 27:3: Lời Isaac nói với con trai lớn là Esau: Bây giờ con hãy lấy khí giới của con, ống tên và cây cung của con, ra đồng săn thú cho cha.)
Đầu tuần qua, hãng hàng không Delta Air Lines xác nhận đã cấm không vận chuyển các chiến phẩm từ sư tử, báo, voi, tê giác, trâu rừng. United Airlines và American Airlines cũng mau chóng nối gót, cùng với nhiều hãng khác trên thế giới như Air Canada, Air France, British Airways…, ngoại trừ South African Airways (SAA).
PN